Xabi Alonso - người hùng thầm lặng

Tiền vệ ngôi sao của tuyển Tây Ban Nha và Real Madird Xabi Alonso tên thật là Xabier Alonso Olano là một đứa con của xứ Basque, Tây Ban Nha.

Tiền vệ tấn công: Biểu tượng của sự hoa mỹ

Bài viết thứ 2 trong loạt bài về vị trí và vai trò cầu thủ...

Bóng đá tổng lực

Một khái niệm về hệ thống chiến thuật nổi tiếng gắn với thương hiệu của "Những người Hà Lan bay...

Catenaccio

Hệ thống phòng ngự kinh điển từng đưa Inter Milan và tuyển Italia lên đỉnh cao thế giới

WM: Luật việt vị và cuộc cách mạng chiến thuật

Điều gì đã tạo nên tên tuổi của 1 HLV được xem là vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh?

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Paolo Mandini - hậu vệ trái xuất sắc nhất mọi thời đại

(Đường dẫn đến khung thành) - Nhân sinh nhật của Paolo Mandini, hãy theo dõi một bài viết tôn vinh huyền thoại bất tử của AC Milan từ cây bút Dũng Phan của trang Bóng đá Confession


1.Con người:

Maldini, hãy đảo các chữ cái trong đó. Em sẽ tìm được cái tên “Di Milan” (Thuộc về Milan). Đó là con người của Paolo Maldini. Cả tâm hồn, cả thể xác, cả cuộc đời, dành trọn duy nhất cho màu áo đỏ đen ấy. Và CLB cũng treo vĩnh viễn chiếc áo số 3 của anh để vinh danh anh mãi mãi. ¼ thế kỷ anh chơi bóng đỉnh cao ở Milan.

Maldini mang đúng cái chất của người đàn ông Ý cổ điển. Đẹp, lịch lãm, và chung thủy. Cả đối với CLB lẫn đối với gia đình. Anh đều là người đàn ông trụ cột và chung tình.

Trên phương diện thi đấu, anh là điểm tựa tinh thần của đội bóng. Ở Milan, cũng như ở đội tuyển quốc gia Italia, tố chất thủ lĩnh của chàng hậu vệ mang áo số 3 luôn thể hiện rõ, tinh thần chiến đấu miệt mài, và sự xuất sắc của Paolo là nơi để đồng đội nhìn vào và tin tưởng.

Bức ảnh tôi chọn minh họa cho câu trả lời này, là một bức ảnh cổ điển, của những thập niên 90. Nơi những người của thế hệ 7x, đầu 8x ở Việt Nam này ngưỡng mộ đôi mắt xanh thăm thẳm như biển Địa Trung Hải đó. Cùng với Roberto Baggio, Maldini là những siêu sao nước Ý đã trở thành thần thoại trong lòng các cổ động viên Việt Nam. 

Ngoài ra, Paolo Maldini còn là một người mẫu nổi tiếng tại “Kinh đô thời trang” Milano. Năm 1994, anh gây thất vọng cho hàng triệu phụ nữ trên khắp hành tinh khi chính thức kết hôn cùng người mẫu ảnh gốc Venezuela Adriana Fossa. Họ sống với nhau hạnh phúc, không scandal, một người đàn ông của gia đình. Họ có những người con. Và những người con ấy đang khoác áo Milan ở đội trẻ để tiếp tục nuôi dưỡi tinh thần “Maldini” trong lòng Rossonerri, cùng ước vọng làm được những điều vĩ đại như cha và ông đã từng làm được.

Anh là một con người vĩ đại, mẫu mực, tài năng, lãnh đạo, trong bóng đá, anh gần như tuyệt đối. Andrea Pirlo trong cuốn tự truyện của mình đã dành cho Paolo Maldini những dòng rất đẹp như sau:

“…Về mặt kỹ thuật, Ronaldo “xịn” là cầu thủ giỏi nhất mà tôi từng thi đấu cùng, nhưng xét một cách toàn diện thì Maldini mới là người vĩ đại nhất. Từ ngày tôi mới đến Milan cho đến khi anh ấy 40 tuổi, niềm đam mê chơi bóng của Maldini không có gì thay đổi và anh ấy luôn giữ mình trong một trạng thái hoàn hảo về cả thể chất lẫn tinh thần. Maldini là hình mẫu của tôi, và đam mê của anh ấy là một chiếc kim chỉ nam cho tôi không chỉ đến hết sự nghiệp mà còn hết cả cuộc đời. Anh ấy đã dạy tôi tất cả, không chỉ là về cách đánh giá tình huống và ra quyết định trên sân bóng: lúc nào nên giận dữ, lúc nào nên tha thứ, lúc nào nên mở miệng, lúc nào nên im lặng. Tất cả. Và Costacurta nữa, tôi luôn nhìn vào hai người bọn họ như là chuẩn mực cho tất cả mọi thứ. Nên đi đôi giày nào? Tôi hỏi Costacurta. Cái cà vạt nào đẹp hơn? Tôi hỏi Maldini. Đâu là vị trí tốt nhất của tôi trên sân bóng? Phải cư xử thế nào trên bàn ăn? Tôi hỏi cả Maldini và Costacurta. 
Tôi đã cảm thấy rất, rất tồi tệ khi không nhìn thấy Maldini không còn xuất hiện ở Milan sau khi anh ấy giải nghệ. Tại sao người ta có thể đánh mất một tài sản quý giá như thế? Tôi không có câu trả lời. Nhưng mối bất hòa giữa Maldini với Galliani thì không phải là điều gì bí mật: trong quá trình thương lượng về việc gia hạn hợp đồng, Quý ngài Bút (biệt danh mà Pirlo đặt cho Galliani) chỉ đề nghị ký thêm một năm và Paolo không thể chịu đựng nổi chuyện đó. Anh ấy thấy mình bị đối xử bất công. Sau đó, họ không giữ Maldini ở lại CLB nữa. Chuyện này cũng giống như một cuộc đấu khác giữa Tyson và Holyfield: cuối cùng, kẻ không có tóc luôn luôn giành chiến thắng...” 

Hãy đọc lại một lần nữa lời Pirlo nói: Maldini là hình mẫu của tôi, và đam mê của anh ấy là một chiếc kim chỉ nam cho tôi không chỉ đến hết sự nghiệp mà còn hết cả cuộc đời. 

2.Lối chơi.

Ngoài câu hỏi của bạn, cũng có một số câu hỏi khác hỏi về lối chơi của Paolo Maldini. Tôi xin phép trả lời bằng vốn kiến thức và những năm tháng được xem anh thi đấu như sau:


Vào năm 2009, các tạp chí lớn trên thế giới bầu chọn đội hình xuất sắc nhất thế giới một thập kỷ, hai thập kỷ. Điểm chung của các đội hình là câu nói sau “Thật đáng tiếc khi vị trí hậu vệ cánh trái này lại không phải là Roberto Carlos. Không phải Carlos không xuất sắc. Mà bởi anh chơi trùng vị trí với Paolo Maldini”. 

Maldini là hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất lịch sử nhân loại !

Thời đỉnh cao của anh chính là vị trí hậu vệ cánh trái ấy. Anh lên công về thủ nhịp nhàng, leo biên với tốc độ khủng khiếp, ập vào bên trong ghi bàn như sấm sét, “tắc” bóng đẹp như Nesta, và cắt bóng khôn ngoan như Cannavaro. Trận đấu hay nhất của anh mà tôi từng xem là trận bán kết Euro2000 với Hà Lan. Anh đĩnh đạc trên sân cỏ, một mình anh chỉ huy cả Catenaccio cho nước Ý chống lại cơn lốc màu da cam ào vào như thác lũ, anh đá như quên mình. Đến cuối hiệp phụ, anh cản phá một pha tấn công, khi hoàn thành nhiệm vụ, ngã xuống vị chuột rút. 

Phong cách chơi bóng của anh là cái “gen” chung của các hậu vệ tài danh nhất của đất nước Italia: đó là sự bình tĩnh và khôn ngoan. Anh đá rất tài hoa, tóc bồng bềnh và mắt xanh thăm thẳm, lối đá cắt bóng thông minh và ngăn cản các tiền đạo đối phương một cách chuẩn mực nhất.

Trong những năm cuối sự nghiệp, khi tuổi tác ngăn cản anh leo biên. Anh chuyển vào bên trong đá trung vệ, tổ hợp cùng Nesta án ngữ trước khung thành Dida suốt 4 năm cho đến khi giải nghệ. Với tính cách cần mẫn, hết mình cho đội bóng, chỉ huy cả hàng phòng ngự. Những năm cuối sự nghiệp , tuổi tác đưa tới cho anh những sai lầm, hay những pha tì đè, không chiến xuất sắc của tuổi trẻ bỗng chốc thành điểm yếu. Nhưng anh vẫn điểm tựa tinh thần cho một Milan kiêu hùng. Champions League 2006-2007, ở độ tuổi 39. Anh vẫn được tiểu ban kỹ thuật UEFA bình chọn là hậu vệ xuất sắc nhất giải !

3.Sự nghiệp.

Sự nghiệp của Maldini tôi xin vón vẹn bằng 50 chữ dưới đây. Phần còn lại, để đó cho wikipedia đưa tới cho bạn:


“ Maldini có tất cả mọi danh hiệu ở cấp CLB. Nhưng là nước mắt dang dở tại Azzurri. Anh cũng là siêu trung vệ, nhưng cũng như bao nhiêu siêu trung vệ và các cầu thủ xuất chúng khác. Dang dở một Quả Bóng Vàng đáng lẽ được nhận”.

Anh đẹp, rất đẹp trong lòng các tifosi. Hình ảnh anh, đôi mắt, khuôn mặt ứa nước mắt và đầy đau đớn trên đất Hàn Quốc đến giờ vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với chúng tôi (trước đó còn là cảnh anh bị một cầu thủ Hàn Quốc đá thẳng vào đầu trong vòng cấm địa). Đó là lần cuối cùng anh mang trên mình sắc áo thiên thanh. Anh là biểu tượng của một thế hệ thất bại Azzurri. Thế hệ đẹp nao lòng.
Nhưng anh may mắn hơn Baggio rất nhiều. Baggio quá đong đầy còn Maldini là mãi mãi ¼ thế kỷ trong màu áo sọc đỏ đen, với tất cả danh hiệu cao quý nhất.

Tóm tắt sự nghiệp của Maldini:

Maldini gia nhập A.C. Milan từ năm 8 tuổi. Đá cho đội trẻ Milan giai đoạn 1977-1984. Và là đội trưởng giai đoạn 1982-1984.

Trận đấu đầu tiên của Maldini tại Serie A là vào ngày 20 tháng 1 năm 1985 đấu với Udinese Calcio. Maldini là cầu thủ của đội hình "trong mơ" không thể bị đánh bại của A.C. Milan cuối thập kỷ 1980 đầu thập kỷ 1990 (đế chế Sacchi và Capello cùng bộ ba Hà Lan bay).

Ban đầu Maldini được giao chiếc áo số 26 của Milan. Từ mùa giải 1986-1987, anh được giao chiếc áo số 3 cho vị trí hậu vệ trái và là số áo đấu theo anh cho tới hết sự nghiệp tại CLB. Hiện tại số áo 3 của Maldini đã được treo vĩnh viễn ở Milan.

Maldini có được danh hiệu Scudetto ngay trong mùa giải 1987-1988. Anh giành chiếc cúp C1/UEFA Champions League đầu tiên tại sân Nou Camp năm 1989, sau khi đánh bại Steaua Bucureşti với tỷ số 4-0.

Từ năm 1997, Maldini đã được đeo băng đội trưởng của Milan, sau khi Franco Baresi giải nghệ. Thế hệ của Maldini là thế hệ thành công rực rỡ nhất trong lịch sử của A.C. Milan. Kể từ khi Maldini gia nhập đội hình chính thức của Milan vào năm 1984, A.C. Milan đã giành thêm được 7 Scudetto (trên tổng số 17 Scudetto của CLB), 1 Cúp quốc gia Ý, kỉ lục giành 5 Siêu cúp Quốc gia Italia (Inter Milan san bằng kỉ lục vào năm 2010), 5 Cúp C1/UEFA Champions League (trên tổng số 7 chiếc Cúp của CLB) cùng với đó là 5 Siêu cúp châu Âu, góp phần đưa Milan trở thành 1 trong những CLB vĩ đại nhất thế giới.

Maldini cũng thiết lập thành tích mới tại chung kết giải UEFA Champions League 2004-2005 khi có bàn thắng chỉ sau 51 giây trong trận đấu với Liverpool F.C. tại Istanbul và là cầu thủ lớn tuổi nhất ghi được bàn thắng trong một trận chung kết Champions League. Anh đã san bằng kỉ lục dự chung kết cúp C1 của cầu thủ Gento (F.C. Real Madrid) với 8 lần (1989, 1990, 1993,1994, 1995, 2003, 2005, 2007) và giành được 5 chiếc cúp.

Maldini đã phá vỡ thành tích của Dino Zoff về số lần thi đấu tại Serie A, với lần thi đấu thứ 571 trong trận đấu với Treviso F.B.C.. Anh cũng chơi trận đấu thứ 800 của mình tại tất cả trận đấu cho A.C. Milan. Cuối mùa bóng 2007-2008, một mùa bóng bê bết của A.C. Milan, trái với những phát biểu ban đầu của Maldini và dự đoán của báo giới, anh đã ký tiếp 1 hợp đồng với đội bóng sọc đỏ đen đến năm 2009 khi 41 tuổi

Ngày 31 tháng 5 năm 2009,, ngày định mệnh mà các fan của Milan không bao giờ quên. Ngày Maldini chính thức tuyên bố giải nghệ. Màn chia tay của Maldini nhận được sự ngưỡng mộ cùng rất nhiều tiếng vỗ tay từ khắp nơi trên khán đài. Và đương nhiên, cả nước mắt !

Sự nghiệp quốc tế

Năm 1986, Maldini được chính cha anh, Cesare Maldini gọi lên đội U-21 Ý, nơi mà anh ra sân 12 lần và đóng góp 5 bàn trong 2 năm. Giải đấu U-21 châu Âu năm 1986 họ là Á Quân. Maldini cũng góp mặt trong đội hình đội tuyển Ý tham dự Olympic 1988.

Maldini lần đầu được khoác áo Azzurri ngày 31 tháng 3 năm 1988, trong trận hòa 1-1 với Nam Tư. Tại Euro 1988, Maldini tham gia tất cả 4 trận đấu của đội tuyển Ý. Anh cũng được ra sân trong trận đấu mở màn của Azzurri tại World Cup 1990, giải đấu mà Ý dừng bước ở bán kết trước Argentina của Diego Maradona.

Maldini ghi bàn thắng đầu tiên trong màu áo đội tuyển quốc gia trong trận đấu thứ 44 của anh, trận đấu mà Ý giành chiến thắng 2-0 trước Mexico ngày 21 tháng 1 năm 1993. Maldini trở thành đội trưởng đội tuyển Ý từ World Cup 1994, giải đấu mà Azzurri đã thua Brazil ở trận chung kết sau loạt penalty.

Euro 1996, đội tuyển Ý bị loại ngay từ vòng bảng, còn tại World Cup 1998, họ bị loại ở vòng tứ kết dù Maldini vẫn được bầu vào đội hình tiêu biểu của giải đấu. Trong trận chung kết Euro 2000 trước đội tuyển Pháp, Italia và Maldini có thất bại vĩ đại nhất lịch sử.

Maldini là cầu thủ, đội trưởng có số lần khoác áo đội tuyển quốc gia Ý nhiều thứ ba trong sự nghiệp thi đấu quốc tế (sau Fabio Cannavaro và Buffon). Tuy nhiên, anh không bao giờ dẫn dắt đội tuyển Ý chiến thắng trong các giải đấu quốc tế. Đó là điều đau đớn. Anh giã từ đội tuyển quốc gia sau World Cup 2002 khi Azzurri bị loại ở vòng 1/8 bởi các cầu thủ Hàn Quốc, kết thúc một sự nghiệp thi đấu thành công với 126 lần khoác áo đội tuyển quốc gia và ghi được 7 bàn thắng (74 lần khoác áo đội tuyển quốc gia trong vai trò đội trưởng). Maldini cũng là cầu thủ tham dự 4 kỳ World Cup từ năm 1990 đến năm 2002, Euro 1988, Euro 1996 và Euro 2000.

Dũng Phan - Bóng đá Confession
Đường dẫn đến khung thành

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More