Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Joga Bonito

(Đường dẫn đến khung thành) - Một trong những thuật ngữ nổi tiếng nhất, là đích đến, và là căn cứ so sánh sức mạnh và vẻ đẹp của mọi triết lý bóng đá đỉnh cao trong thời đại của nó, khái niệm gắn với niềm tự hào của bóng đá Brazil trong suốt thời kỳ họ thống trị nền bóng đá thế giới – Joga Bonito. 


Vậy Joga Bonito là gì? Với những người tiếp xúc với bóng đá muộn hơn, trong vòng gần nửa thế kỷ, hoặc xa hơn nữa, sau khi thế hệ vàng của bóng đá Brazil nói chung và Joga Bonito nói riêng chấm dứt sự nghiệp vĩ đại của mình, điều gì khiến họ tin rằng một huyền thoại là có thực, khi mà ngay chính con cháu của huyền thoại đó, những vũ công Samba hiện tại, cũng đã từng bước một chối bỏ triết lý chơi bóng của cha ông để trở nên thực dụng hơn, kỷ luật hơn, và hiệu quả hơn? Và có cơ may nào cho kẻ sinh sau đẻ muộn như chúng ta được chiêm ngưỡng thêm một lần nữa sức mạnh và vẻ đẹp của lối chơi từng khiến cả thế giới phải kính phục với tất cả lòng tự tôn trong suốt một thời gian dài?


1. Joga Bonito là gì?

Joga Bonito theo tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “chơi đẹp”. Cái tên Joga Bonito là hệ quả trực tiếp của triết lý bóng đá xuyên suốt mà “đội tuyển quốc gia mạnh nhất trong lịch sử” – Brazil thế hệ của Pele, Tostao, Gerson, Rivelino, Carlos Alberto… Người từng xem bóng đá từ những năm 70 của thế kỷ trước sẽ có cớ để tự hào rằng mình từng là một trong những chứng nhân lịch sử cho một huyền thoại, rằng cái gọi là Tiki-Taka của Tây Ban Nha và Barcelona mà thế giới vẫn không ngớt tung hô hiện nay chỉ là thứ vẻ đẹp kỹ xảo giả tạo và nhàm chán, và những bàn thắng đẹp nhất năm thì chỉ là những sản phẩm rẻ tiền mạ thêm chút đồ óng ánh… Nhưng Joga Bonito, trong buổi bình minh của lịch sử bóng đá thế giới, không phải là một khái niệm hoàn thiện về mặt chiến thuật, hoặc nguyên tắc thi đấu cụ thể. Vẻ đẹp hoang dã chỉ là một vẻ đẹp thực sự khi nó không tuân theo bất kỳ một chuẩn mực nào ngoài chính bản thân nó, những điều làm nên sự sống, và làm nên sức mạnh thuần khiết của riêng nó. B.C, tờ Thể thao & Văn hóa viết:
Nó [Joga Bonito] không phải là một trường phái bóng đá có những phương pháp và cách tổ chức cụ thể như Catenaccio, hay Tiki-taka, hoặc có những nguyên tắc rõ ràng như bóng đá tổng lực. Joga Bonito đơn giản là làm mọi cách để… chơi đẹp, và cách mà đội tuyển Brazil của thập niên 1970 chơi bóng đơn giản là thứ bóng đá phi thường của một tập thể phi thường đến mức mà đá bóng trở thành một trò chơi đúng nghĩa. Họ vượt trội các đối thủ về mọi mặt và hoàn toàn có thể biểu diễn theo ý mình mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Một thế hệ mà cầu thủ phòng ngự cũng có kỹ năng tấn công siêu việt (hãy nhìn Carlos Alberto chơi bóng). Một thế hệ có lẽ không bao giờ trở lại.
Nhưng có thực là Joga Bonito là một trường phái bóng đá hoàn toàn không có nguyên tắc cấu thành hay không?

2. Nền tảng thực dụng của một Joga Bonito lãng mạn.

Đào tạo kỹ năng chơi bóng ở Brazil
Brazil ngày nay không còn là đội bóng hoàn toàn vượt trội so với phần còn lại của thế giới nữa. Sự phát triển của những hệ thống chiến thuật thực dụng, khoa học, và mạnh mẽ khiến cho chênh lệch trình độ giữa các đội bóng hiện tại là không lớn. Thêm nữa, người Brazil đã không còn là chính mình khi đang trở nên yếu kém và cùn lụt hẳn so với những gì thế hệ trước từng thể hiện. Tuy nhiên, nhờ phương pháp đào tạo trẻ luôn tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc cơ bản nhất, là nền tảng, là khởi nguồn của tư duy chơi bóng kiểu Brazil, người Brazil có thể an tâm (một chút) trước khó khăn hiện tại để chờ đợi thế hệ ngôi sao mới của mình trong tương lai. Vậy những phương pháp đó là gì?

Yếu quyết của bóng đá Brazil, chìa khóa để mở toang tư duy chiến thuật kiểu Brazil là việc vận hành lối chơi theo kết cấu tam giác – kiểu kết cấu tự nhiên mạnh mẽ nhất vũ trụ. Các học viện bóng đá theo phong cách Brazil luôn đào tạo cực kỳ chi tiết và nghiêm khắc những kỹ năng dốc bóng, chuyền bóng, và di chuyển không bóng theo kiểu tam giác. Chạy chỗ! Chạy chỗ! Chạy chỗ! Đó là tất cả những gì cầu thủ cần, thậm chí là tất cả những gì cầu thủ được yêu cầu để hệ thống vận hành trơn tru. Không chạy chỗ, hoặc thậm chí chỉ là chạy chỗ không đủ tốt để phá vỡ hệ thống chiến thuật của đối thủ và mở rộng không gian chơi bóng, thì dù tất cả mọi kỹ năng khác có hoàn hảo đến đâu, cầu thủ đó cũng chắc chắn phải ngồi lại băng ghế dự bị dài dài.

Thực tế là, người Brazil chạy chỗ cực kỳ hiệu quả! Hiệu quả đến mức đôi khi người ta lại lầm tưởng bóng đá theo phong cách Brazil là thả cho quả bóng tự chạy tung tăng trên sân (để vận hành hệ thống xoay quanh nó) chứ không phải dùng chân để điều khiển như thông thường.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là người Brazil không cầm bóng tốt. Thực ra, vì họ chạy chỗ quá hay nên ít người nhận ra rằng trong một trận đấu thông thường, Brazil luôn cố gắng để cầm bóng hiệu quả hết mức có thể, và hầu hết các chiến thắng của đội bóng vàng – xanh đều là hệ quả của sự thống trị tuyệt đối về tỷ lệ giữ bóng và chiếm lĩnh khu trung tuyến. Ở một vài thời điểm, người Brazil có thể tự ép mình để trở nên thực dụng và khoa học hơn, nhưng ngay cả trong trường hợp đó, người Brazil cũng không chịu nhường trung tuyến cho bất kỳ đối thủ nào.

Cầm bóng kiểu Brazil không phải là cầm bóng kiểu đan bóng Tiki-Taka! Sức ám ảnh về tỷ lệ cầm bóng áp đảo của hệ thống chiến thuật này khiến cho người xem bóng đá ngày nay có khá nhiều ác cảm với các bản thống kê tỷ lệ. Cầm bóng kiểu Brazil phải là dốc bóng. Người Brazil thích dốc bóng giống như người Tây Ban Nha thích chuyền, người Ý thích tắc bóng, người Anh thích lật cánh, và người Argentina thích cứa bóng vậy! Cho nên, dù cơ bản của bóng đá vẫn là kỹ thuật chuyền, và chẳng ai khuyến khích một cầu thủ thi đấu thiếu tinh thần đồng đội, nhưng người xem bóng đá, đặc biệt là những người say mê lối chơi của Brazil, vẫn không ngừng chờ đợi hình ảnh của một Ronaldo (hay hàng tá các cầu thủ xuất sắc đại loại như thế) dắt bóng qua một (hoặc một vài) ngôi sao phòng ngự đối thủ, thay vì chuyền bóng để thoát đi như Messi vẫn làm hàng tuần.

Để làm được điều đó, người Brazil cần cầu thủ trẻ của mình phải nhớ nằm lòng câu nói này: “Quả bóng luôn là người bạn thân thiết nhất”. Hệ quả là, hình ảnh đặc trưng của đào tạo bóng đá trẻ theo phong cách Brazil được xác định! Học viên phải giữ bóng, luôn luôn giữ bóng ở chân trong suốt quá trình học của mình.

Cũng nhằm vào mục đích làm bạn với bóng, rất nhiều cầu thủ Brazil giữ cho mình thói quen chơi futsal và các biến thể khác của nó. Với khoảng không gian chơi bóng và kích thước quả bóng nhỏ hơn, các cầu thủ có điều kiện phát triển tốt hơn các kỹ năng kiểm soát, đặc biệt là đảo bóng, tạo ra nền tảng quan trọng cho việc chơi bóng ở không gian rộng lớn ngoài trời. 

Cuối cùng, tất cả những phương pháp huấn luyện thực dụng trên (chỉ đơn thuần đào tạo phát triển kỹ năng cầm bóng) lại trở thành chìa khóa để tạo ra thứ bóng đá tinh tế và sáng tạo gắn liền với thương hiệu cho những chú chim Hoàng yến của bóng đá thế giới (đội tuyển quốc gia Brazil còn có biệt danh là Canary – chim hoàng yến): Tạo ra những kỹ năng hoàn hảo để tăng cường tỷ lệ cầm bóng và chiếm lĩnh thế trận. Joga Bonito không phải là tư duy chiến thuật! Đó là hệ quả đầy hấp dẫn của triết lý đào tạo và chơi bóng thực dụng theo phong cách Brazil!

3. Hệ thống chiến thuật.


Khác với bóng đá tổng lực, cùng công cùng thủ để áp đảo đối thủ số lượng, tốc độ, sức mạnh, kỹ thuật… của “Cơn lốc màu da cam”, cũng không giống bóng đá ban bật, giã nhừ thể lực và sức mạnh của đối thủ bằng nhân số áp đảo ở khu trung tuyến và số lượng đường chuyền dày như… nêm của Tiki-Taka, Joga Bonito là triết lý bóng đá mà sức sáng tạo trong mỗi lần lên bóng là vô biên: Trung vệ – hậu vệ cánh – tiền vệ – tiền đạo đều có thể độc lập tấn công, hoặc phối hợp đan chéo không cần bất kỳ thứ tự hoặc giới hạn nào. Mỗi cầu thủ của Joga Bonito đều có kỹ năng tấn công xuất sắc theo cách riêng của họ, và với họ, sự áp đảo về số lượng không phải là, không bao giờ là nguyên tắc đáng tôn sùng!

Từ sau thất bại ở World Cup 1998 và chiến thuật của Scolari, Brazil đã trở nên thực dụng, hiện đại, khô khan, và lạnh lùng hơn nhiều so với chính họ. Những hình ảnh của Joga Bonito ở Brazil đã bắt đầu phai nhạt dần bất kể tài năng và sức sáng tạo của những Rivaldo, Ronaldo, Ronaldinho… Tuy nhiên, vai trò và những nhân tố cấu thành nên Joga Bonito thì vẫn vậy: Sơ đồ chiến thuật, vai trò của từng vị trí, thậm chí là nguyên tắc sắp xếp cầu thủ của Brazil vẫn không khác một chút nào so với chính họ trong quá khứ với 2 zagueiros, hậu vệ tấn công cánh, volante, tiền vệ số 10 và mẫu tiền đạo tốc độ kiểu Brazil:

- Vị trí thủ môn luôn được xem là gót chân Achilles, là miếng ghép không trọn vẹn của Joga Bonito. Gần đây, với sự hiện diện của Dida, và đặc biệt là Julio Ceasar, thế hệ thủ môn hiện đại của Brazil đã mau chóng trưởng thành để khẳng định mình không phải chỉ là một chuyên gia bắt penalty (một danh tiếng gắn liền với thương hiệu Claudio Taffarel, người từng cản phá 2 quả penalty liên tiếp trong trận chung kết  World Cup 1994 và bán kết World Cup 1998). Thêm nữa, Rogerio Ceni và Marcos, cũng từng là những thủ môn rất xuất sắc của Brasileiro Série A, từng có tên trong danh sách tham dự World Cup 2002. Rogerlio Ceni thậm chí còn từng đưa São Paulo đến với chức vô địch Libertadores Cup, và đừng quên, năm đó anh cũng là cầu thủ xuất sắc nhất giải khi chỉ để lọt lưới 5 bàn.

Phía trước vị trí thủ thành, vì sơ đồ chiến thuật điển hình của Brazil là 2-4-2-2 hoặc 2-3-2-1-2 (Thực ra, đây cũng chỉ là một phiên bản nâng cấp của 5-3-2, sơ đồ chiến thuật rất được ưa chuộng ở Nam và Trung Mỹ), hai trung vệ (zaguerios) được yêu cầu thi đấu như hai hậu vệ quét, hoặc thậm chí là Libero, theo một kiểu nhận xét khoan dung nào đấy, xử lý mọi thứ lọt được qua hàng tiền vệ. Trong trường hợp các hậu vệ tấn công cánh dâng lên quá cao, trung vệ sẽ có nhiệm vụ trám vào chỗ trống sau lưng họ, và tiền vệ trụ sẽ lùi về thi đấu như trung vệ. Zagueiros cũng là những lựa chọn tuyệt vời cho các tình huống cố định. Thể hình lý tưởng giúp họ có rất nhiều ưu thế trong các pha không chiến và tì đè khu vực gần khung thành.

Hình mẫu zagueiros xuất sắc của Brazil là những người có khả năng dốc bóng xuyên qua hàng tiền vệ đối phương để dứt điểm từ xa hoặc chuyền trực tiếp cho tiền đạo ghi bàn. Lucio và Alex từng là những ví dụ tiêu biểu. Ngày nay, với Thiago Silva và David Luiz, truyền thống trung vệ giỏi tấn công của đất nước này vẫn chưa có dấu hiệu bị mai một, chí ít là khi xét hai trung vệ này trong quan hệ với các vị trí khác của Brazil thời điểm hiện tại. Thiago Silva có thể vẫn là một trong những người giỏi nhất ở vị trí của anh, nhưng Luiz thì còn cần thời gian để chứng minh điều đó.

Nhờ khả năng công thủ toàn diện, zagueiros từng xuất hiện trong tất cả các giải đấu lớn của châu Âu, đặc biệt là những đội bóng mô phỏng lối đá của Brazil như Olympique Lyonnais dưới thời Paul Le Guen và Bayer Leverkusen dưới thời Klaus Augenthaler (về sau bóng đá châu Âu không còn đại diện ưu tú nữa). Claudio Cacapa và Cris chắc chắn là một trong những vũ khí hiệu quả nhất mà Paul Le Guen sở hữu để đưa Lyon trở thành nhà vô địch Lique 1 năm đó. Còn Lucio thì khỏi phải nói! Lucio luôn là nhân tố quan trọng nhất của tất cả các đội bóng hàng đầu châu Âu mà anh từng khoác áo.

- Vị trí còn lại của tuyến sau là hậu vệ tấn công 2 bên cánh. Mặc dù không còn là thứ vũ khí độc quyền mang thương hiệu Brazil nữa (mẫu cầu thủ này của Bồ Đào Nha cũng cực kỳ xuất sắc), nhưng những hậu vệ cánh tấn công này vẫn luôn là phần quan trọng của bóng đá Brazil, là sức mạnh chủ yếu, là vũ khí tấn công và là lá chắn phòng ngự quan trọng (duy nhất) ở hai bên cánh của Selecao. Phải đảm nhận hoàn toàn cả hai nhiệm vụ tấn công và phòng thủ trong khu vực hành lang mình đảm nhận, trách nhiệm nặng nề, yêu cầu phức tạp và hàm lượng vận động lớn khiến cho các hậu vệ tấn công cánh của Brazil, bên cạnh những kỹ năng đặc thù, luôn luôn là những cầu thủ có thể lực, sức mạnh, cũng như tốc độ vượt trội. Cafu, Roberto Carlos, Belletti trong quá khứ, và gần hơn là Maicon, Dani Alves đều là những ví dụ điển hình: Những cầu thủ “hồi phục thể lực ngay khi đang chạy”, lên công về thủ không biết mệt mỏi.

Ở châu Âu, người ta ít khi sử dụng (và không thích sử dụng) mẫu hậu vệ cánh này. Các hậu vệ cánh ở châu Âu luôn phải đặt yêu cầu phòng ngự lên trên hết, và nhường trách nhiệm tấn công cho các tiền vệ cánh, hoặc tiền đạo cánh trong một số sơ đồ cụ thể. Các cầu thủ dạng này vẫn thường được tán tụng vì kỹ năng tạt bóng tốt khi HLV yêu cầu chồng cánh, nhưng đó không phải là nhiệm vụ thường xuyên. Và nếu như họ tấn công quá tốt, kiểu như Gareth Bale, thì chẳng mấy chốc, vị trí của họ trong đội hình sẽ là tiền vệ, hoặc tiền đạo, chứ không còn nằm đâu đó ở tuyến sau nữa.

Nhưng ở Brazil thì khác, các sơ đồ chiến thuật phổ biến (và được ưa chuộng) ở đây đều chỉ có 1 cầu thủ duy nhất thi đấu ở mỗi cánh. Điều đó khiến cho trách nhiệm của hậu vệ tấn công cánh là nặng nề hơn, nhưng cũng là điều kiện để tăng cường nhân sự tại các điểm nóng khác trên sân. Brazil trong thời kỳ hoàng kim hiếm khi thất bại trong các cuộc chiến ở giữa sân khi có tối thiểu 4 vị trí thi đấu ở khu trung tâm: 1 tiền vệ tấn công số 10 (fantasista, trequasista), 2 cầu thủ đánh chặn và 1 tiền vệ kiến thiết lùi sâu (volante, deep lying playmaker) 

- Tiền vệ kiến thiết lùi sâu của Brazil là vị trí thấp nhất trong tuyến tiền vệ, ở ngay phía trên 2 trung vệ. Trong một số chiến thuật cụ thể, khi mà Brazil cần 3 trung vệ, thì chính cầu thủ này sẽ là trung vệ thứ 3. Volante luôn phải là mẫu cầu thủ thi đấu cực kỳ thông minh, nhạy bén, khả năng đọc trận đấu tốt, và nhãn quan chiến thuật xuất sắc để có thể lĩnh xướng khu trung tuyến, tổ chức đánh chặn và tổ chức tấn công từ xa, và quan trọng nhất là mở lối di chuyển cho đồng đội và tổ chức chiếm lĩnh toàn diện không gian chơi bóng. Các cầu thủ kiến thiết lùi sâu thường có thói quen (và được yêu cầu hình thành thói quen) mở bóng ra hai bên cánh để cung cấp không gian di chuyển cho toàn đội. Emerson, Gilberto Silva hay mới đây là Paulinho có thể là những ví dụ tốt. Như Gilberto Silva trong thời đỉnh cao của mình được gọi là “bức tường vô hình”: Anh không ngăn chặn đối thủ bằng những pha tắc bóng đầy sức mạnh và đẹp mắt như người đồng đội của anh ở Arsenal một thời là Viera mà là bằng những pha di chuyển và hỗ trợ phòng thủ đặc biệt thông minh để xé nhỏ sức mạnh tấn công của đối thủ hoặc cắt bóng trước khi nó lọt vào “điểm nóng”.

Tuy nhiên, để có thể biến Volante thành một phần của Joga Bonito, thì xuất sắc như Gilberto Silva cũng vẫn là chưa đủ. Cho nên khi được hỏi về ví dụ hoàn hảo nhất, người Brazil thường nhắc đến cựu đội trưởng của họ, ông Dunga.

Đối lập với tiền vệ kiến thiết lùi sâu chủ yếu lo phòng ngự và tổ chức thống lĩnh tuyến giữa, chiến thuật truyền thống của Brazil còn tạo ra một khái niệm tiền vệ khác, mẫu hình tiền vệ từng được ưa chuộng nhất trên thế giới, là mẫu cầu thủ từng xuất hiện trong tất cả các sơ đồ chiến thuật của những đội bóng hùng mạnh nhất những năm đầu tiên của kỷ nguyên bóng đá hiện đại với đỉnh cao là 4 cầu thủ của cả 4 đội bóng lọt vào bán kết Euro 2000 (Zidane của Pháp, Totti của Ý, Bergkamp của Hà Lan, và Rui Costa của Bồ Đào Nha) – vị trí “số 10” (fantasista, trequasista) – những người được xếp ở vị trí cao nhất của hàng tiền vệ, ngay phía sau tiền đạo. Thời gian này, Brazil cũng có những số 10 từng là đỉnh cao của bóng đá thế giới là Ronaldinho và Kaka. Chẳng có bất kỳ giới hạn nào về phong cách chơi bóng, ngoài sự sáng tạo, để xác định mẫu cầu thủ này. Cũng giống như chính khái niệm Joga Bonito, số 10 là 1 huyền thoại về những nghệ sĩ chơi bóng, nghệ sĩ của những nghệ sĩ, những người cuốn cả quả bóng, đồng đội, cả đối thủ và người xem bóng đá theo vũ điệu của chính mình. Những người thường xuyên đọc bài của tôi sẽ thấy, cho đến giờ phút này, khi số 10 đã trở thành quá khứ, thì tôi cũng vẫn còn nguyên vẹn những phấn khích ngày đầu khi nhớ lại những gì mà một số 10 xuất sắc từng thể hiện.

Tiền đạo của Brazil thường không phải là mẫu tiền đạo cơ bắp. Điều này khiến cho hiện tượng Adriano của những năm đầu thế kỷ trở nên hết sức đặc biệt. Nhưng với Joga Bonito, hiện tượng Adriano không có bất kỳ một ý nghĩa nào, vì thế, ta sẽ trực tiếp bỏ qua.

Ronaldo, và mới đây là Neymar mới đúng là mẫu tiền đạo điển hình (và rất được yêu thích) ở Brazil: Không bao giờ thích dùng đầu để chơi bóng, càng không có hứng thú với những động tác tì đè cơ bắp (dù sao, thể hình của cả 2 cũng không phải quá lý tưởng như Adriano để làm điều đó), khả năng “đánh hơi” tuyệt vời và kỹ thuật dứt điểm không chê vào đâu được (dù không phải mẫu thợ săn điển hình kiểu như cầu thủ của một số quốc gia Nam Mỹ, hoặc Italia), thường xuyên có những pha dốc bóng chéo sân, dùng kỹ thuật và tốc độ để xé toang hàng hậu vệ, sức sáng tạo vô biên và kỹ năng điều khiển bóng tuyệt vời để dễ dàng là người chiến thắng trong các pha 1 vs 1… Chưa có bất kỳ một nền bóng đá nào lại sở hữu hàng loạt các thế hệ tiền đạo được ưa thích nhất thế giới kiểu như Brazil: Pele, Garrincha, Falcao, Romario, Ronaldo, Robinho, Pato… hay mới nhất là Neymar (đó là còn chưa tính đến các “số 10 vĩ đại” của họ), nguyên nhân không đâu khác ngoài những yêu cầu bắt buộc về phẩm chất và tài năng của truyền thống bóng đá Brazil đặt ra cho họ.

11 cầu thủ hoạt động trong bộ máy toàn hảo để chiếm lĩnh thế trận – chạy chỗ không bóng, chồng cánh, đảo cánh, lật cánh, chọc khe… - là những hình ảnh thực sự đẹp mắt trong thế giới bóng đá. Với một trình độ đủ cao, 10 cầu thủ Brazil liên kết với nhau không phải bằng hệ thống chiến thuật đầy tính kỷ luật, mà bằng chính sự phát triển sáng tạo mọi kỹ năng (được đào tạo bài bản để tương hợp với các vị trí khác) của họ. Nhờ đó, một Joga Bonito chỉ có thể là Joga Bonito nếu nó được xây dựng trên nền tảng phối kết hợp một cách tự nhiên mọi tài năng của cầu thủ. Chính hai chữ “tự nhiên” này khiến Joga Bonito hoàn toàn khác biệt với tất cả các hệ thống chiến thuật nghiêm khắc khác – những trường phái bóng đá cần sự liên kết tối đa giữa các cầu thủ, những người phải tập luyện và thi đấu cùng với nhau trong một thời gian dài để học cách đồng đội di chuyển, học cách tuân thủ đấu pháp… Giống như những gì mà một số 10 của bóng đá hiện đại luôn  thể hiện, mọi cầu thủ của Joga Bonito thi đấu như thể được sinh ra để đá cùng với nhau vậy! Chính vì thế, Joga Bonito luôn phát huy được mọi khả năng, luôn là sáng tạo, và luôn là đẹp mắt

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More