Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Catenaccio

(Đường dẫn đến khung thành) - Khái niệm chiến thuật nổi tiếng thứ hai được giới thiệu ở blog này (sau Joga Bonito), Catenaccio xứng đáng là một huyền thoại, một cái tên mà mỗi khi nhắc đến, cả đối thủ lẫn những cầu thủ trong hệ thống chiến thuật đều cảm thấy ngao ngán. Nếu như Joga Bonito là một khái niệm mở rộng hết mức năng lực sáng tạo của 11 cầu thủ có lối chơi điển hình cho người Brazil, thì Catenaccio là chiến thuật đề cao tính kỷ luật và tâm lý thi đấu cực kỳ vững vàng đặc trưng của nước Ý.


Catenaccio (cái then cửa) chính xác là một hệ thống chiến thuật do chiến lược gia người Argentina, Helenio Herrera và đội bóng lừng danh nước Ý, Inter Milan khai sinh vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Tiền thân của Catenaccio Inter Milan có thể kể đến chiến thuật của Karl Rappan trong thời gian dẫn dắt tuyển Thuỵ Sĩ (những năm 30 của thế kỷ trước), của Gipo Viana, người đã đưa Salernitana lên Serie A vào năm 1947, và Nereo Rocco ở AC Milan những năm 1961-1963. Tuy nhiên, mãi đến khi Inter Milan của Helenio Herrera giành chức vô địch Serie A vào năm 1963, Gã tử thần của bóng đá tấn công, Catenaccio mới chính thức được khai sinh. Nerazzuri đã định nghĩa Catenaccio bằng cách bổ sung thêm tiền vệ phòng ngự để tăng cường sức chiến đấu cho hệ thống 3 hậu vệ và 1 hậu vệ quét trong tiền thân của nó ở AC Milan.

Catenaccio tương thích mạnh mẽ với cả các câu lạc bộ ở Serie A lẫn đội tuyển quốc gia của đất nước hình chiếc ủng. Italia không chỉ tạo ra những hậu vệ xuất chúng hàng đầu thế giới, mà còn đặt những hậu vệ xuất sắc này vào một hệ thống chiến thuật để biến họ thành bất khả chiến bại. Không ai cho rằng những Baresi, Paolo Maldini, hay Fabio Canavaro... sẽ không thể vươn tới đỉnh cao của thế giới trong vị trí của mình nếu người Ý không có Catenaccio, chỉ là, không có Catenaccio, những hậu vệ xuất sắc không thể trở thành nhà vô địch!

1. Catenaccio là gì?

Không có một sơ đồ chiến thuật cụ thể nào cho hệ thống danh (tai) tiếng này: Phổ biến hơn một chút có thể kể đến 1-3-3-3, nhưng 1-4-4-1 hay 1-4-3-2... đều là những sơ đồ thường được sử dụng. Vấn đề của Catenaccio nói riêng và tất cả các hệ thống chiến thuật nói chung không nằm ở sơ đồ chiến thuật mà nằm ở hệ thống vận hành!


Về bản chất, Catenaccio là hệ thống chiến thuật sử dụng kỹ năng kèm người xuất sắc của các hậu vệ để chiến thắng trong các pha đối đầu 1vs1. Trong thời kỳ mà kỹ thuật phòng ngự đơn giản chỉ là cài các cầu thủ đá thấp hơn các tiền vệ trong đội hình để tranh chấp bóng, Catenaccio và những tiền thân của nó đã khiến các tiền đạo gặp phải vấn đề thực sự khi thường xuyên phải đối mặt với một hậu vệ đối thủ ở khoảng cách quá gần để phô diễn kỹ thuật hoặc bứt tốc thoát đi. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ để hệ thống phòng ngự danh tiếng này trở nên bất khả chiến bại trong hơn một thập kỷ. Sức mạnh chủ yếu của chiến thuật kinh điển này nằm ở cầu thủ được mệnh danh là "cái chốt cửa": Catenaccio luôn sở hữu một hậu vệ tự do (trung vệ thòng, hậu vệ quét, sweeper) có lối chơi tương tự như các trung vệ Brazil (đã đề cập ở Joga Bonito) nằm rất thấp trong hệ thống, người vừa là nhân vật thứ 3 để đảm bảo chiến thắng tuyệt đối của đội nhà trong các pha tranh chấp 1vs1, vừa là chốt chặn cuối cùng của hàng hậu vệ để đảm bảo cự ly đội hình khi các trung vệ triển khai "bám người".

Nhưng Catenaccio không phải là triết lý phòng ngự đơn thuần! Bằng chứng là họ đã ghi đến 43 bàn thắng trong 18 vòng đấu mùa giải 1962-1963 (bình quân 2.3 bàn/trận). Những pha phản công thần tốc chính là chìa khoá: Herrera sở hữu một hậu vệ cánh trái có đôi chân thần tốc là Giacinto Facchetti, tiền vệ sáng tạo trung tâm "huyền thoại" của người Tây Ban Nha là Luis ‘Luisito’ Suarez, và "thiên tài" Sandro Mazzola chơi ngay phía sau tiền đạo cắm làm nhiệm vụ nối kết tất cả với tiền đạo.

Catenaccio và tiền thân của nó ở AC Milan của Rocco cũng là một trong những hệ thống chiến thuật đầu tiên sử dụng sơ đồ thi đấu không cân bằng với chỉ một cầu thủ chạy cánh ở một bên thường xuyên đá lùi và một hậu vệ cánh phía bên kia có vai trò dâng cao phản công. Khả năng chuyển đổi hàng hậu vệ 3 người thành 4 người (vốn là một trong những điều cực kỳ phức tạp của bóng đá hiện đại) của Italia là hoàn hảo! Hẳn nhiên, điều này có thể chẳng ảnh hưởng mấy đến triết lý bóng đá chung của hệ thống này, nhưng với phương thức phòng ngự khởi nguyên của nó (1 kèm 1), điều này có hiệu quả hết sức tích cực, vì xu hướng di chuyện ngược chiều của hai bên cánh sẽ khiến đội hình tấn công thông thường của đa số các đối thủ bị đảo lộn, giống như một quy tắc động lực học phổ thông vậy!

2. Catenaccio trong lịch sử bóng đá:

Catenaccio đã mang lại thành công lớn cho Inter Milan suốt nửa thập kỷ từ năm 1962 với 3 Scudetto (1963, 1965 và 1966), 2 Cúp C1 (1964 và 1965), và một lần đưa họ vào chung kết (1967). Với tuyển quốc gia Ý, từ năm 1970, họ cũng đã dựa vào Catenaccio (và những biến thể hiện đại) để tạo ra 1 chu kỳ khó tin tại các kỳ World cup: 12 năm lại vào chung kết 1 lần, đan xen giữa 1 thất bại là 1 lần thành công (á quân Mexico 70, vô địch Espayol 82, á quân USA 94, vô địch Germany 06). Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều người, hệ thống chiến thuật trứ danh này đã chính thức bị khai tử trước Joga Bonito tấn công điên rồ của người Brazil và bóng đá tổng lực của những người Hà Lan. Về sau người Ý cũng từng nhiều lần thử nghiệm lại sơ đồ chiến thuật này, nhưng họ chỉ thành công 1 lần duy nhất ở Espayol 82, đến Mexico 86, Maradona và những người Arghentina lại huỷ diệt nó 1 lần nữa.


Catenaccio có thể được xem là đã tái sinh với một phiên bản hiện đại hơn (và chắc chắn hơn) với tuyển Hy Lạp ở Euro 2004 và chính tuyển Italia ở World Cup 2006. Đến thời Mourinho thời (lại là) Inter Milan, khi mà Tiki-Taka vẫn còn đang là chúa tể bất bại của bóng đá thế giới, ông đã tái hiện hình ảnh "gã tử thần của bóng đá tấn công" trong đội hình của mình, với Lucio - một trung vệ có khả năng đá quét điển hình của người Brazil cho vị trí thấp nhất sơ đồ, và trận bán kết lượt đi Champions League năm đó là một trong những trận thua tức tưởi của người Catalan. Ken MU trong "Bóng đá confession" mô tả:

Trong trận đó, Mourinho đã cho cả thế giới thấy Catenaccio kinh khủng đến mức nào. Với 1 Lucio đá quét phía dưới, đội hình phòng ngự dày đặc với 2 tiền vệ trụ chơi ngay phía trên hàng hậu vệ đã khiến cho Tiki-taca bất khả chiến bại của Barca chỉ biết múa may quay cuồng ngoài vòng cấm và...chấm hết. Có lẽ chưa bao giờ người ta được chứng kiến những Messi, Xavi hay Iniesta bế tắc và bất lực tới vậy :)) Tuy nhiên, Mourinho ko hề áp dụng Catenaccio 1 cách máy móc mà đã có những cải tiến để đưa nó lên 1 tầm cao mới:
- Thứ nhất, phòng thủ khu vực: Về bản chất, Catenaccio là lối phòng ngự theo kiểu 1 kèm 1. Tức là cứ 1 cầu thủ phòng ngự sẽ chịu trách nhiệm đeo bám 1 cầu thủ tấn công của đối phương, nếu để đối phương vượt qua, coi như chỉ còn lại thủ môn và cái khung thành trống hoác. Nhưng Mourinho thì khác, ông chia các cầu thủ phòng ngự của Inter thành các khu vực và chỉ đạo họ phong tỏa những pha di chuyển của các cầu thủ Barca 1 cách kín kẽ và cực kỳ khó chịu. Nó làm giảm đến mức tối đa độ hiệu quả của những pha đập nhả liên tục và sức công phá khủng khiếp của Tiki-taca. Ngoại trừ bàn mở tỉ số, Barca hầu như ko thể đưa được bóng vào vòng 16m50 chứ đừng nói là ghi bàn. 
- Thứ 2, cải thiện sức mạnh hàng tấn công : Có lẽ Mou may mắn vì ở thời điểm đó, ông đang sở hữu những cầu thủ tấn công hàng đầu thế giới và 1 nhạc trưởng tài ba, Wesley Snijder. Inter lúc đó ko chỉ biết phòng ngự, mà những đường phản công của họ có thể nói là sát thủ. Đôi khi chỉ cần 1 đường chuyền và 1 pha chạy chỗ, bóng đã tới được vòng cấm của Barca. Cả 3 bàn thắng của Inter đều xuất phát từ những tình huống như vậy. Barca đã phải trả giá cho việc nỗ lực tấn công điên cuồng mà quên mất rằng ở thời điểm đó, E'too và Millito vẫn đang ghi bàn đều đều như cơm bữa.


3. Zona Mista?

Zona Mista là một hệ thống phòng ngự hậu kỳ Catenaccio. Khi bóng đá tổng lực của người Hà Lan và kỹ thuật siêu việt của Mỹ Latin nhấn chìm hệ thống phòng ngự huyền thoại Catenaccio, chiến thuật phòng thủ khu vực ra đời. Tuy nhiên, hệ thống phòng ngự khu vực đơn thuần, với từng cầu thủ bảo vệ một khu vực riêng, một mặt không thể hoàn toàn chống lại sức mạnh huỷ diệt của bóng đá tổng lực (dù nó cải thiện tốc độ tấn công và phản đòn nguy hiểm hơn cho các đối thủ sử dụng bóng đá tổng lực) hoặc các cầu thủ xuất sắc kiểu như Maradona. Hơn nữa, chiến thuật này mâu thuẫn gay gắt với triết lý chơi bóng của người Ý nói riêng, và Catenaccio nói chung. Hệ quả là, Zona Mista ra đời, kết hợp tính tổ chức chặt chẽ từ phòng thủ khu vực và khả năng "kèm người kép" (1 hậu vệ+hậu vệ quét bổ sung) của Catenaccio. Với hệ thống này, hậu vệ quét được di chuyển hoàn toàn tự do trong khi các trung vệ phòng thủ theo khu vực, tiền vệ phòng ngự luôn sẵn sàng lùi sâu để đá như một trung vệ thứ 3, và tiền vệ điều tiết lối chơi được yêu cầu trám vào khu vực của tiền vệ phòng ngự bỏ trống... Có thể nói, chiến thuật phòng ngự của Enzo Bearzot chính là mẫu mực của hệ thống phòng ngự hiện đại nói chung, và "Catenacio mới" nói riêng.

Đương nhiên, tương lai của "Catenaccio mới" trong thời kỳ suy tàn của đế chế Tiki-Taka này cũng vẫn còn là một dấu chấm hỏi, nhưng đó cũng có thể là thứ xứng đáng được chờ đợi, nhất là từ những người quan tâm đến bóng đá từ góc nhìn chiến thuật.

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More