Xabi Alonso - người hùng thầm lặng

Tiền vệ ngôi sao của tuyển Tây Ban Nha và Real Madird Xabi Alonso tên thật là Xabier Alonso Olano là một đứa con của xứ Basque, Tây Ban Nha.

Tiền vệ tấn công: Biểu tượng của sự hoa mỹ

Bài viết thứ 2 trong loạt bài về vị trí và vai trò cầu thủ...

Bóng đá tổng lực

Một khái niệm về hệ thống chiến thuật nổi tiếng gắn với thương hiệu của "Những người Hà Lan bay...

Catenaccio

Hệ thống phòng ngự kinh điển từng đưa Inter Milan và tuyển Italia lên đỉnh cao thế giới

WM: Luật việt vị và cuộc cách mạng chiến thuật

Điều gì đã tạo nên tên tuổi của 1 HLV được xem là vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh?

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] 20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010

(Đường dẫn đến khung thành) - Sau 20 bài viết, loạt bài này cuối cùng cũng đã đi đến kết thúc. Dưới đây là 20 chiến thuật được bầu chọn vào danh sách những đội hình xuất sắc nhất thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.


Lựa chọn 20 trong số hàng nghìn đội hình chiến thuật khác nhau quả thực là một nhiệm vụ khó khăn! Mục đích là, chúng tôi không lựa chọn 20 đội hình "tốt nhất", mà là 20 đội hình "thú vị nhất, hoặc là hiệu quả nhất so với tiềm lực của cầu thủ. Như đội tuyển Pháp ở Euro 2004, Úc ở World Cup 2006 hoặc Bologna mùa giải 2001-2002, những đội bóng sẽ khó được chấp nhận như là một đội hình tuyệt vời, nhưng là một đối tượng nghiên cứu chiếu thuật hết sức hấp dẫn.

Đây là một danh sách được liệt kê hoàn toàn cảm tính và không theo bất kỳ một tiêu chuẩn khắt khe nào, vì thế, điều đáng quan tâm ở đây không phải là tìm kiếm ý nghĩa phân cấp trình độ giữa các đội hình trong danh sách, mà là bản thân mỗi đội hình có những vấn đề thú vị nào.

Một vấn đề khá thú vị khác là, rốt cục, tuyến phòng thủ 3 người là như thế nào? 4-4-2 và những biến thế của nó đã vận hành thế nào? 3 đội đứng đầu trong top 5 danh sách này đã chơi thế nào khi không sử dụng tiền đạo? Và vì sao những cái tên như Cafu, Gilberto Silva, Thierry Henry, Lucio, Dani Alves lại xuất hiện đến 3 trong số 20 đội hình đặc biệt đó?

Có một số đội bóng đã thi đấu rất thành công, nhưng lại không có mặt trong danh sách: Nhà vô địch World Cup 2006 - Italia, Inter Milan và Bayern Munich nửa sau thập kỷ trước... Và đối tượng chọn lọc cũng quá hẹp để một vài đội bóng ở khu vực ngoài Tây Âu cũng không có cơ hội lọt vào...

Tuy nhiên, bỏ qua hết những yếu tố trên, đây hẳn là một series khá thú vị về lịch sử bóng đá cho những người thích nhìn ngắm quá khứ và trông đợi tương lai. Dù gì, thập kỷ thứ 2 của thế kỷ này đã đi qua 1/3 chặn đường của nó rồi!

Sevilla, 2005-07: 2 UEFA Cup liên tiếp đã cho thấy sơ đồ 4-4-2 truyền thống vẫn có thể tạo ra những kết quả tuyệt vời khi được điều chỉnh phù hợp với nguồn lực có sẵn.


Pháp, Euro 2004: Vì những cố gắng sáng tạo một sơ đồ bóng đá hoàn toàn mới, nhưng xây dựng chiến thuật không phải là sự nhồi nhét những cầu thủ tốt nhất của mình vào đội hình xuất phát.


Australia, World Cup 2006: Với hệ thống tùy biến 3-6-1 nhằm tăng cường khả năng kiểm soát bóng.


Bologna, 2001-2002: Cho thấy sức mạnh mà một "ngọn hải đăng" có thể mang lại cho đội bóng và sự tùy biến sơ đồ trên cùng một hệ thống chiến thuật.


Senegal, World Cup 2002: Cú sốc lớn nhất World Cup 2002 - triết lý bóng đá thể lực và tốc độ đã đánh bại đương kim vô địch Pháp ngay trận mở màn.


Brazil, 2007-2009: Đội bóng đã làm nên cuộc tranh luận chiến thuật lớn nhất thập kỷ: Là 4-2-3-1 hay 4-4-2 kim cương?


Milan, 2002-2007: 2 chức vô địch Champions League với 1 đội hình sở hữu 4 cầu thủ kiến tạo xuất sắc ở hàng tiền vệ. Đội hình đã làm nên tên tuổi của tiền vệ kiến thiết lùi sâu vĩ đại nhất bóng đá hiện đại.


Chelsea, 2004-2006: Vô địch ngoại hạng Anh với một sức mạnh áp đảo và lời khẳng định ưu thế tuyệt đối của hệ thống phòng ngự 4-3-3.


Brazil, World Cup 2002: Nhà vô địch với sự thay đổi chiến thuật đầy mạo hiểm mặc dù sở hữu đến 7 cầu thủ phòng ngự trong sơ đồ 3-4-3 kỳ lạ.


Valencia, 2001-2004: Một lần vô địch La Liga và 2 lần vô địch UEFA Cup, những người tiên phong của đế chế 4-2-3-1.


Roma, 2000-2001: Minh chứng cho sức mạnh của hệ thống 3 trung vệ và cuộc cạnh tranh của hai tiền đạo


Arsenal, 2001-2004: 2 chức vô địch Premier League với sức mạnh hoàn hảo, điểm giao thoa giữa sơ đồ 4-4-2 với 4-2-3-1.


Cộng hòa Czech, Euro 2004: Với số lượng cầu thủ tấn công nhiều nhất thập kỷ.


Tây Ban Nha, Euro 2008: Sức mạnh của Tiki-Taka.


Bayer Leverkusen, 2001-2002: Đến rất gần với 3 danh hiệu liên tiếp và là tiền đề cho những phát triển chiến thuật diễn ra suốt thập kỷ.


Roma, 2005-2007: Sơ đồ chiến thuật của tương lai - mô hình không tiền đạo.


Porto, 2002-2004: Câu lạc bộ ấn tượng nhất thập kỷ - từ một đội bóng vô danh đến nhà vô địch Champions League.


Manchester United, 2006-2009: Những danh hiệu liên tiếp xuất hiện với hệ thống chiến thuật biến hóa liên tục và tối ưu hóa năng lực cầu thủ.


Barcelona, 2008-2009: Vô địch tất cả mọi giải đấu mà họ tham dự, khiến cả thế giới đều phải cúi đầu.


Hi Lạp, Euro 2004: Cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới.


Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #1: Đội tuyển Hi Lạp, Euro 2004

(Đường dẫn đến khung thành) - Đội hình này của Hi Lạp có thể là điều bất ngờ nhất của bóng đá thế giới trong suốt 1 thập kỷ trước. Không! Thậm chí nó có thể còn là điều bất ngờ nhất lịch sử bóng đá thế giới nữa! Thế giới đã từng chứng kiến khá nhiều cú sốc kiểu như chiến thắng 1-0 của Mỹ trước Anh năm 1950, hay chiến thắng cùng tỉ số 1-0 của Senegal trước Pháp năm 2002. Nhưng nếu so mang với những gì mà Hi Lạp làm được năm 2004, thì những chiến thắng trên... chẳng có gì là ghê gớm cả!


Chưa bao giờ trong lịch sử bóng đá thế giới, người ta lại được chứng kiến một đội bóng gồm toàn những nhân vật vô danh trên đấu trường quốc tế lại giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác để trở thành nhà vô địch của một trong những giải đấu lớn nhất hành tinh. Khi mà tỉ lệ đặt cược của bạn chỉ là 250/1, người ta đã ngầm ước định rằng bạn sẽ không có cơ hội nào để chiến thắng với kèo này. Hi Lạp đã là nhà vô địch châu Âu năm 2004. Không còn nghi ngờ gì nữa! Đó hoàn toàn là nhờ sức mạnh của chiến thuật.

Hi Lạp đã chơi phòng thủ tiêu cực! Hi Lạp đã chơi quá nhàm chán! Hi Lạp đã không fair play!... Hãy nói những gì bạn muốn! Nhưng cho dù có biện hộ thế nào, bạn vẫn không thể phủ nhận rằng họ đã liên tục hạ gục hết đối thủ này đến đối thủ khác. Trong trận đấu mở màn, khi đánh bại đội chủ nhà Bồ Đào Nha, lối chơi của Hi Lạp được rất nhiều người tán thưởng: Chuyền bóng đẹp mắt, dâng cao tấn công và chơi bóng tích cực. Đó là một chiến thắng bất ngờ mở màn cho giải đấu khốc liệt và kịch tính giống y như những gì đã diễn ra ở Đông Á 2 năm trước, khi Senegal đả bại Pháp.
Phải thừa nhận rằng, Hi Lạp đã không thể duy trì thứ bóng đá tuyệt vời của họ từ vòng knock-out. Nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên vì sự hiệu quả của lối chơi mới:

- Thắng đương kim vô địch Pháp 1-0 ở tứ kết bằng một pha tạt cánh-đánh đầu từ biên phải.

- Thắng cộng hòa Czech 1-0 ở bán kết từ một pha phạt góc-đánh đầu từ góc phải.

- Thắng chủ nhà Bồ Đào Nha 1-0 ở trận chung kết cũng bằng một pha phạt góc-đánh đầu từ góc phải.

Liên tục đánh bại từ nhà đương kim vô địch, đội bóng xuất sắc nhất giải, đến đội chủ nhà với cùng một tỉ số và cùng một cách thì chẳng thể nào là điều ngẫu nhiên được nữa! Hi Lạp thực sự đã có một hệ thống chiến thuật hết sức khôn ngoan, được triển khai tỉ mỉ và chính xác trong từng trận đấu một.

Hãy nhớ lại ngày mồng 6 tháng 10 năm 2001: Phút 93 ở Old Trafford, David Beckham đã ghi bàn từ một pha sút phạt hoàn hảo để giúp Anh vượt qua Đức trong chiến dịch vòng loại World Cup 2002. Trong trận đấu đó, hi vọng bạn vẫn còn nhớ, Hi Lạp đã thực sự khiến Anh gặp khó khăn, họ đã chơi xuất sắc hơn trong phần lớn thời gian diễn ra trận đấu và khiến các hảo thủ của Tam sư phải "ngậm tăm" hoàn toàn.

Có thể bạn sẽ không nhớ, nhưng đó là trận đấu đầu tiên của Otto Rehhagel trong vai trò HLV Hi Lạp. Đội hình Hi Lạp thời điểm đó đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng chỉ cần một trận đấu, Rehhagel đã thu về được rất nhiều ý tưởng về việc vận hành lối chơi để Hi Lạp có thể đả bại những đối thủ lớn hơn: Chiến thuật đá rắn và kèm người thật chặt. Hi Lạp chỉ có một trận hòa, nhưng trong tình huống đó, thực ra họ mới là người chiến thắng.

Với cơ sở là lối chơi rắn, kỷ luật và nhàm chán, Hi Lạp đã vượt qua mọi giới hạn trình độ để đánh bại rất nhiều đội hình khác nhau của đối thủ. Hằng số duy nhất trong sơ đồ thi đấu của họ là luôn "thủ sẵn" một vị tri "thừa" ở phía sau. 

Trong riêng trận gặp Pháp, họ liên tục hoán đổi giữa 2 hệ thống phòng ngự 3 người và 4 người. Pháp có 2 tiền đạo nên Hi Lạp sử dụng 2 hậu vệ quét luôn sẵn sàng áp sát. Trezeguet ở trung tâm bị Kapsis kèm chặt, Henry dạt trái bị hậu vệ phải là Seitaridis đeo dính. Hậu vệ cánh Fysass được thả lỏng để đảm nhiệm tấn công cánh trái trong khi cánh phải là nhiệm vụ của tiền vệ Zagorakis. Nhưng nếu như dựa vào đó mà khẳng định rằng Hi Lạp sử dụng  xoay vòng sơ đồ 3 hậu vệ và 4 hậu vệ thì không đúng! Vì chiến thuật phòng thủ của Hi Lạp hoàn toàn phụ thuộc vào cách di chuyền của các cầu thủ Pháp, và vì Pháp là một đội hình mất cân đối (xin xem #19), cách phòng thủ của Hi Lạp cũng vì thế mà... lệch theo.


Ở hàng tiền vệ, Hi Lạp sủ dụng đến 4 tiền vệ trung tâm để hạn chế tối đa khả năng cầm bóng của Pháp. Chiến thuật này thực sự có hiệu quả khi họ có đến 7 cầu thủ để phòng thủ, còn khi tấn công, từ những bước chạy của Fysass và Zagorakis ở hai bên cánh, Hi Lạp đã sử dụng đến 5 cầu thủ (chứ không phải 3 cầu thủ) để tạo ra bàn thắng. Hệ quả là, chẳng có gì bất ngờ khi bàn thắng duy nhất trong trận đấu đến từ một pha tạt cánh của Zagorakis.

Hi Lạp đã giữ nguyên sơ đồ thi đấu trong trận gặp Czech, cũng là một đội có 2 tiền đạo. Mặc dù bị ép sân từ khá sớm, Hi Lạp cũng đã mau chóng trở lại là chính mình và ghi "bàn thắng bạc" tiễn Czech về nước.

Trong trận chung kết, họ phải đối mặt với một chiến thuật hoàn toàn khác đến từ Bồ Đào Nha. Đội bóng chủ nhà chơi 4-2-3-1 với chỉ một mình Pauleta đá cao nhất. Điều này có nghĩa là sơ đồ 3 trung vệ của Hi Lạp sẽ bị thừa người, trong khi khu vực tiền vệ hoặc hai bên cánh thì thiếu nhân sự trong trường hợp hậu vệ cánh của Bồ dâng cao. Rehhagel hiểu điều đó nên đã chuyển hoàn toàn sang sơ đồ phòng ngự 4 người truyền thống và kéo lùi thêm 1 tiền vệ trung tâm. Các hậu vệ cánh được giao nhiệm vụ kèm chặt Figo và Ronaldo, và cuộc chiến ở hàng tiền vệ là 3vs3 với Basinas và Katsouranis đá thấp, Zagorakis đôi khi được dâng cao. Trong trận đấu đó, vì thiếu vắng những pha treo bóng của Georgios Karagounis, Hi Lạp đã gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai lối chơi của mình.

Đá cao nhất trên hàng công, Vryzas đóng vai trò là tiền đạo duy nhất, được hỗ trợ bởi 2 cầu thủ khác là Stelios Giannakopoulos và Angelos Charisteas. Thực ra, Stelios Giannakopoulos, một cầu thủ chạy cánh điển hình, đã mắc kẹt ngoài cánh trái suốt trận đấu vì áp lực từ hậu vệ phải của Bồ là Miguel. Ở cánh bên kia, Nuno Valente ít dâng cao hơn, và vì vậy, Angelos Charisteas có nhiều cơ hội tấn công hơn, thậm chí, nhờ sự xuất sắc của hậu vệ phải Seitaridis, anh còn trở thành một tiền đạo thứ 2 khi Hi Lạp có bóng.

Người Hi Lạp có thể lặp lại chiến tích cũ vói Bồ Đào Nha một lần nữa hay không? Đương nhiên rồi! Charisteas lại tỏa sáng, và Bồ Đào Nha gần như không có cách nào phá vỡ được hệ thống phòng ngự vô cùng kỷ luật của Hi Lạp. 15 phút cuối trận, Giannakopoulos ra nghỉ, Stelios Venetidis, một hậu vệ trái, vào sân, và Hi Lạp lúc này có đến 8 cầu thủ phòng ngự án ngữ trước khung thành. Felipe Scolari, HLV của Bồ Đào Nha, đã không có cơ hội nào để đánh bại Hi Lạp: Quyết định chuyển sang sơ đồ 2 tiền đạo cũng đã được đưa ra, nhưng cuối cùng ông lại quyết định thay Pauleta bằng Nuno Gomes thay vì biến đổi sơ đồ thi đấu.

Không nhiều đội bóng có thể dễ dàng thay đổi hệ thống phòng ngự 3 người sang 4 người, và phần lớn các HLV đều luôn bị ám ảnh bởi mệnh đề "không thay đổi đội hình chiến thắng", nhất là khi đối thủ bị đánh bại lại là 2 cường địch hàng đầu giải vào thời điểm đó là Pháp và Czech. Nhưng trên thực tế, bạn cần phải thay đổi đội hình nếu điều đó là cần thiết, và Rehhagel tin rằng, với một đội bóng được đánh giá yếu hơn như Hi Lạp, sơ đồ thi đấu phải là hệ thống được tạo ra để chống lại lối chơi của từng đối thủ một.

Chiến thuật của Rehhagel luôn có 2 yếu tố quyết định để tạo nên thành công:

- Thứ nhất, ông tận dụng hết toàn bộ sức mạnh của cả đội bóng: Họ có 1 hàng hậu vệ thi đấu vững chắc, kỷ luật và mạnh mẽ, 1 tuyến tiền vệ làm việc không mệt mỏi có quá ít kỹ năng tấn công. Bóng đá tấn công là tự sát, nên họ xoáy mạnh vào phòng ngự, sử dụng những pha phản công thần tốc và tận dụng tối đa các tình huống cố định.

- Thứ hai, ông thay đổi đội hình liên tục để vô hiệu hóa năng lực đối thủ. Hệ thống đã dùng để đánh bại Czech và Pháp chắc chắn không thể đương đầu với Bồ và ngược lại.

Phát huy tối đa khả năng bản thân và hạn chế hết mức khả năng đối thủ để tạo nên cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới. Đó chính là lý do để Hi Lạp, chứ không phải bất kỳ đội bóng nào, nằm ở vị trí số 1 bảng danh sách này.
Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #2: Barcelona, 2008-2009

(Đường dẫn đến khung thành) - Bạn có thể yêu cầu gì hơn với Barcelona ở thời điểm đó? Đương kim vô địch UEFA Champions League, đương kim vô địch La Liga, và Copa Del Rey, giành tất cả mọi danh hiệu trong ngay mùa giải đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola. Hơn nữa, Barcelona không phải chỉ đơn giản là giành chiến thắng trong tất cả mọi trận đấu cần phải tháng, mà còn chiến thắng bằng phong cách đặc trưng của riêng họ, hệ quả là, đội hình mà họ sở hữu là đội hình đáng được ngưỡng mộ nhất thập kỷ vừa qua.

Hiệu suất ghi bàn ở La Liga của họ đã ấn tượng lại càng ấn tượng nhờ những chiến thắng tuyệt đối với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Real Madrid (6-2), Sevilla (4-0), Atletico (6-1), Valencia (4-0), Deportivo (5-0) và Malaga (6-0). Trong top 8 mùa giải đó, chỉ có đúng một mình Villareal (hạng 5) là "thoát nạn". Lúc đó, chỉ riêng bộ ba Messi - Eto'o và Henry cũng đã ghi nhiều hơn 100 bàn thắng/mùa.

Họ có một chút may mắn ở trận bán kết Champions League khi bị Chelsea của Guus Hiddink vượt mặt, và mọi người đều cho rằng Chelsea mới là đội xứng đáng hơn với chiến thắng. Nhưng trận chung kết với M.U thực sự là một chiến thắng hoàn hảo: Sau chỉ 10 phút chịu trận, hệ thống của Barcelona nhanh chóng được khởi động, và Eto'o đã dẫn dắt cả đội chiếm lĩnh hoàn toàn thế trận.
Barcelona thường sử dụng cố định sơ đồ 4-3-3 suốt cả mùa giải, đẩy cao đội hình và chiếm lĩnh hoàn toàn thế trận ngay từ phần sân đối phương. Henry chơi rất rộng bên cánh trái và Messi được thả tự do hoàn toàn bên cánh phải nhờ sự cơ động của Dani Alves. Ở hàng tiền vệ, Iniesta thi đấu nhô cao trong khi Xavi giữ trách nhiệm cầm trịch trận đấu và Yaya Toure đá ngay phía trước hai trung vệ.

Tất nhiên, hệ thống của Pep Guardiola còn tinh tế hơn như thế nhiều, cả về phương diện phòng thủ lẫn tấn công: Ở hàng công, Guardiola cho phép Eto'o và Messi đảo vị trí liên tục, nhất là trong giai đoạn cuối mùa giải. Và khi Messi là một tiền đạo sáng tạo (số 10 dạt cánh) còn Eto'o là tiền đạo sát thủ điển hình (số 9), chiến thuật thi đấu của Barca cũng liên tục thay đổi theo di chuyển của bộ đôi này. Khi Messi chơi như một "số 9 ảo" thì Eto'o đá như một tiền đạo cánh, và việc cả anh cùng với Henry đều chơi cao hơn Messi khiến cho các hậu vệ cánh của đối thủ phải gặp nhiều khó khăn hơn so với các đồng đội đá phía trong. Đặc điểm này nói lên điều gì? Một phiên bản khác của hệ thống không tiền đạo Roma? Hay sơ đồ 4-3-1-2? Dù là kiểu nào, thì nó cũng khiến hàng phòng thủ của đối phương đứng trước nguy cơ "khoét nách" cực kỳ cao.

Toan tính chiến thuật mới này đã không thực sự hiệu quả trong trận đấu với Chelsea, nhưng lại khiến Manchester United gặp vấn đề thực sự: Eto'o mở tỷ số từ cánh phải, Messi ấn định kết quả bằng một pha tấn công trung lộ, và Barca thống lĩnh hoàn toàn thế trận.

Ở tuyến sau, điều đáng chú ý nhất là cách mà hai trung vệ mở rộng không gian chơi bóng sang hai cánh (đặc biệt là khi Victor Valdes có bóng). Khoảng cách giữa 2 trung vệ được Yaya Toure lấp đầy bằng vị trí rất gần với một trung vệ thứ ba, và hai hậu vệ cánh được dịp dâng cao tấn công. Một phong cách bóng đá rất gần với bóng đá hiện đại Brazil thời kỳ hoàng kim.

Điều này có nghĩa là, Barcelona thực sự linh hoạt cả về phòng thủ lẫn tấn công, nhất là khi họ cũng là chủ sở hữu của cặp tiền vệ cung cấp bóng tốt nhất thế giới là Xavi và Iniesta. Thời gian đó, không có bất kỳ một đối thủ nào trên thế giới có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến ở khu trung tâm với Barcelona.

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #3: Manchester United, 2006-2009

(Đường dẫn đến khung thành) - Không giống với các đội hình khác trong danh sách, Manchester United đã không sử dụng cố định một sơ đồ cụ thể nào để làm nên thành công đáng kinh ngạc trong suốt ba mùa giải từ 2006 đến 2009. Sir Alex Ferguson đã sử dụng rất nhiều phương án khác nhau cho đội bóng của mình: 4-3-3, 4-4-2, 4-5-1, 4-2-3-1, 4-4-1-1 và có lẽ còn hàng tá các kiểu bố trí khác nữa.

Manchester United tứ kết lượt đi trận Roma ở Champions League
Với rất nhiều cách bố trí đội hình khác nhau, một hệ thống xoay vòng cầu thủ và những phi vụ chuyển nhượng ngôi sao liên tục được xảy ra, không ai có thể đơn giản nhận định về đội hình của M.U bằng cách đưa ra sơ đồ 11 cầu thủ và bảo rằng "họ đã chơi như thế suốt cả 3 mùa". Tuy nhiên, nói một cách khái quát thì đội hình giành chiến thắng trong trận chung kết Champions League mùa giải 2007-2008 có thể xem là mô tả tốt nhất khi nói về M.U thời điểm đó.
Manchester United trận chung kết Champions League 2009
M.U luôn luôn sử dụng hàng hậu vệ 4 người và hai tiền vệ trung tâm lùi sâu. Ferguson cũng thường sử dụng một tiền vệ bổ sung thi đấu sau lưng bộ ba hủy diệt là Cristiano Ronaldo - Wayne Rooney - Carlos Tevez.

Có 3 lý do để Alex Ferguson có thể biến tấu đội hình một cách linh hoạt: 1,  Cristiano Ronaldo - Wayne Rooney - Carlos Tevez đều có khả năng chơi rất rộng, từ dạt cánh cho đến tấn công trung lộ; 2, cả 3 cầu thủ trên đều là những "ông chủ vòng cấm" thực thụ, nghĩa là Ferguson có thể chỉ "ngồi chơi không" và nhìn cách mà 3 cầu thủ tự do của ông nhảy múa; 3, ba cầu thủ trên cũng là những người ý thức rất rõ vai trò phòng ngự từ xa của mình.

Đương nhiên, vấn đề cốt lõi của đội hình này là chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ Roma của Luciano Spalletti. The United thậm chí đã chơi bóng mà không có bất kỳ một tiền đạo cố định nào. Ronaldo chủ yếu là một cầu thủ chạy cánh, người đã phát triển rất nhanh cả về kỹ thuật lẫn thể lực để trở thành mối đe dọa thường trực từ hai bên cánh. Bên cạnh đó, Rooney và Tevez đều thường xuyên thi đấu lùi sâu và tích cực tranh bóng.

Không phải lúc nào bộ ba nguyên tử này cũng xuất hiện, như trong một vài trận đấu ở giải châu Âu, Tevez được thay thế bằng một tiền vệ chăm chỉ kiểu như Park Ji-Sung. Trận thắng ở ngay trên sân nhà của Roma năm đó được cho là một trong những trận đấu hay nhất mà một CLB Anh từng chơi ở đấu trường Châu Âu. Rooney chơi dạt sang cánh trái để tạo nên 1 hàng tiền vệ 5 người, trong khi Ronaldo chơi như 1 tiền đạo duy nhất trên hàng công. Trong khi Francesco Totti phát minh ra vai trò “số 9 ảo” bằng việc lùi sâu về đến giữa sân, Ronaldo vừa lùi về vừa dạt sang hai bên cánh hoặc bất cứ chỗ nào có khoảng trống, quấy nhiễu và làm cho bộ đôi trung vệ của Roma phải làm việc vô cùng vất vả. Khi Ronaldo làm vậy thì Rooney hoặc Park sẽ là cầu thủ chơi cao nhất. Mu thắng 2-0, với bàn mở tỉ số bằng pha đánh đầu đầy kĩ thuật và đậm chất của một tiền đạo đúng nghĩa.

Tuy vậy, sự linh hoạt của bộ ba tấn công vẫn là lý do cơ bản để Ferguson có thể dễ dàng biến đổi hệ thống thi đấu trước các đối thủ khác nhau. Ví dụ như Ronaldo được yêu cầu đá cao nhất, còn Rooney dạt trái trong trận gặp Roma, trận gặp Chelsea thì ngược lại, khi Ronaldo được yêu cầu lệch trái để tấn công vị trí của Essien, kết quả là khả năng choi bóng bổng vượt trội của Ronaldo trước Essien đã mang lại bàn thắng cho United. Khả năng thay đổi vai trò của từng cá nhân mà không ảnh hưởng đến toàn đội và sự ăn ý chính là chìa khóa dẫn đến thành công của họ.

Một số nhà phê bình đã từng cho rằng Ferguson không phải là một chiến thuật gia xuất sắc. Nhưng cùng với thời gian, nhận định này có vẻ càng ngày càng ít đúng hơn. Phong độ trên sân khách ở đấu trường Châu Âu của MU là khá ấn tượng, và cái cách họ thi đấu trong trận đấu với Arsenal ở sân Emirates vào mùa giải 2009-2010 sẽ trở thành một trong những trận đấu đậm chất chiến thuật nhất của thập kỉ.

Hiện tại, Sir Alex sử dụng xoay vòng giữa 4-3-3 (và biến thể của nó) và 4-4-2 (và biến thể của nó). Trong số các cầu thủ mà ông sở hữu, một số cầu thủ sẽ quen với đội hình chiến thuật này hơn với chiến thuật kia. Park Ji-Sung chơi cực kì ấn tượng trong đội hình 4-3-3 với vai trò tiền về ngự chơi rộng, trong khi Anderson mang lại hiệu quả với việc chỉ huy hàng tiền vệ 3 người với thiên hướng phòng ngự. Mặt khác, Berbatov dường như không thể tìm được vị trí trong 4-3-3 và thường xuyên được sử dụng hơn trong 4-4-2. Những tiền vệ trung tâm chủ chốt của Ferguson : Darren Fletcher, Paul Scholes, Michael Carrick và Owen Hargreaves (khi khỏe mạnh) đều có thể chơi những vị trí và vai trò khác nhau cho dù là chơi 4 hay 3 tiền vệ.

Không thể nói đây là đội hình vĩ đại nhất mà Sir Alex đã đào tạo, nhưng có thể coi đây là đội hình mạnh nhất về việc đổi mới chiến thuật.

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #4: Porto, 2002-2004

(Đường dẫn đến khung thành) - Gần 6 năm trôi qua, thật khó để có thể mô tả chính xác những gì mà Jose Mourinho đã làm được ở Porto. Nhìn vào những cái tên như Deco, Ricardo Carvalho, Maniche và Costinha, phản ứng đầu tiên của tất cả mọi người là: À! Porto đã có rất nhiều hảo thủ.

Nhưng thực ra, đội bóng này gần như không có bất kỳ một cầu thủ nổi bật nào cho đến khi hai bản hợp đồng mua được từ hai câu lạc bộ hết thời của Liga Sagres (VĐQG Bồ Đào Nha) là Nuno Valente từ Leiria và Paolo Ferreira từ Vitoria de Setubal xuất hiện.

Hai bản hợp đồng trên là một dấu ấn của Mourinho, trong 2 mùa liên tiếp sau đó, cả 2 đều nằm trong danh sách những hậu vệ cánh tốt nhất châu Âu. Khi đến Anh, Valente và Ferreira đã không thể hiện được quá nhiều khi phải thi đấu bên cạnh những trung vệ tầm thường, nhưng khi ở Porto, với sự hỗ trợ của 3 tiền vệ trụ, họ đã chơi thực sự xuất sắc: Lên công về thủ không thua gì bộ đôi Cafu - Roberto Carlos ở Brazil.

Bên cạnh đó, chiến thuật của Porto thời điểm đó là tương đối đơn giản với sơ đồ 4-3-1-2. Hẳn nhiên, đó chẳng phải là một sơ đồ mới mẻ nào. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng không có bất kỳ một thắc mắc nào khi đánh giá đây là đội hình thi đấu kỷ luật nhất trong số 20 đội hình trong danh sách. Hàng thủ Porto đã sử dụng bẫy việt vị cực kỳ hiệu quả, thường xuyên dâng cao đội hình và khiến tiền đạo nào của đối phương "lố đà" ở hầu hết các pha tấn công. Hàng tiền vệ đã thi đấu gắn kết như từng bộ phận của một cơ thể chứ không phải một nhóm đơn thuần. Và Mourinho thường xuyên thay đổi các tiền đạo của mình sau cho phù hợp nhất với từng đối thủ một.

Đội hình này thường được mô tả là một đội hình phòng thủ, nhưng thực tế, Mourinho đã có cách tiếp cận trận đấu hết sức linh hoạt để đưa ra những điều chỉnh khác hẳn với các đối thủ khác nhau. Trong trận tứ kết Champions League Porto đã đánh bại một Lyon giau mơ mộng với tỷ số 4-2 trong một trận đấu mở. Sau đó, trong chiến thắng 1-0 trước Deportivo La Coruna trong trận bán kết, hàng phòng thủ của họ đã có một màn trình diễn tuyệt vời, để rồi, bàn thắng trên chấm Penalty của Riazor đã tiễn Deportivo rời sân chơi lớn nhất cấp CLB ở châu Âu.

Trận chung kết với Monaco là một trận đấu tuyệt vời: Hai đội bóng đều là bất ngờ của giải của hai HLV trẻ tài năng đã tạo nên một trận đấu mãn nhãn trên một sân vận động mới. Monaco đã thiếu may mắn khi vắng đội trưởng Ludovic Giuly vì chấn thương nên đã thay đổi sơ đồ chiến thuật từ 4-3-3 sang 4-4-2. Porto không bỏ lỡ cơ hội, chiếm lĩnh hoàn toàn khu trung tâm, Carlos Alberto như chạy vào chỗ không người ghi bàn mở tỉ số cho Porto. Sang hiệp hai, Porto còn làm được điều tuyệt vời hơn: Kéo đến 7 cầu thủ về án ngữ trước khung thành và chỉ tấn công với 3 người, nhưng Deco và Aleynichev đã ghi đến 2 bàn từ các tình huống phản công.

Không ai biết được rằng, liệu thế giới sẽ có thể chứng kiến một lần nữa hình ảnh của nhà vô địch Champions League là một đội bóng nhỏ từ một nền bóng đá kém phát triển như Porto ngày ấy hay không khi mà sự thống trị của Big four, Barcelona, và Milan trong những năm gần đây đã khiến giải đấu châu Âu trở thành cuộc chiến của riêng họ. Có lẽ, điều duy nhất chúng ta có thể hi vọng lúc này là những nỗ lực của Michel Platini trong việc giải quyết các vấn đề bất bình đẳng của bóng đá châu Âu.

Nhưng thành tích của Porto không chỉ ở Champions League. Mourinho cũng đã vô địch UEFA Cup vào mùa giải trước đó, vô địch Liga Sagres hai lần liên tiếp, đoạt 1 Portuguese Cup (1 lần á quân), và 1 siêu cúp Bồ Đào Nha.

Quan trọng nhất, Porto 2002-2004 đã giới thiệu với thế giới người đàn ông sẽ đi vào lịch sử bóng đá thế giới như là một trong những HLV vĩ đại nhất mọi thời đại. Một người chưa từng thi đấu bóng đá chuyên nghiệp với tư cách cầu thủ, người có công việc đầu tiên liên quan tới bóng đá là thông dịch viên cho Bobby Robson ở Sporting Lisbon, và là người hiện đang nắm giữ hàng loạt kỷ lục: Bất bại 130 trận cùng Porto, Chelsea và Inter (bài viết được thực hiện trước khi Mourinho sang Real). Mourinho vẫn còn một tương lai phía trước, và câu chuyện về Special One có lẽ chỉ mới bắt đầu, nhưng ông sẽ chẳng bao giờ khiến cả thế giới phải sững sờ vì chức vô địch Champions League của mình nữa!

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #5: Roma, 2005-2007

(Đường dẫn đến khung thành) - Đa số những phát mình là kết quả của rất nhiều năm nghiên cứu và thể nghiệm. Nhưng một số khác, kiểu như Penicillin của Alexander Fleming, lại hoàn toàn là kết quả ngẫu nhiên sau một tai nạn. Và đội bóng của ông Luciano Spalletti chính là một Penicillin của bóng đá hiện đại: Sơ đồ 4-6-0 là một sáng chế vĩ đại, nhưng lại hoàn toàn không được dự đoán trước.


Cuộc khủng hoảng nhân sự trước thềm mùa giải mới là lý do buộc Roma, từ việc sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 truyền thống đã làm nên thành công của họ trong thời gian trước, bị buộc phải biến tấu hoàn toàn: Họ không còn một tiền đạo thực thụ nào trên hàng công, giải pháp duy nhất lúc này là phải đẩy Francesco Totti lên cao hơn, nhưng thay vì đợi bóng từ tuyến sau, Totti thường xuyên lùi sâu thi đấu như một cầu thủ "số 10" (Fantasista). Anh thường xuyên di chuyển vào khoảng trống giữa tiền vệ và hậu vệ đối phương để nhận bóng. Nói 4-6-0 có lẽ hơi quá đáng, vì nó giống với 4-5-1-0 hơn.

Điều này đã tạo ra hàng loạt các vấn đề hoàn toàn mới cho hậu vệ (vì các trung vệ của họ đột nhiên...không có người để kèm) và tiền vệ đối phương (vì Roma có đến 4 tiền vệ chơi ở trung tâm và 2 người ở cánh). 

Rất khó để có thể giành quyền kiểm soát bóng từ tay Roma lúc này, và với những tiền vệ thường xuyên dâng cao để lấp vào chỗ trống mà Totti để lại, Roma thậm chí còn kiểm soát được hoàn toàn các đợt tấn công, kể cả khi họ không cầm bóng.

Hệ thống này vận hành tốt đến mức, bất kể việc các tiền đạo đã hồi phục hoàn toàn, Totti vẫn là cầu thủ chơi cao nhất. Và Mirko Vucinic - một tiền đạo thực thụ - lại phải chấp nhận dạt trái để chơi như một tiền vệ cánh. Totti vốn không phải là tiền đạo, nhưng điều đó không có nghĩa là anh không thể thi đấu đỉnh cao ở vị trí này. 26 bàn thắng trong mùa giải 2006-2007 là quá đủ để anh giành lấy chiếc giày vàng châu Âu và một vị trí trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử đội bóng.

Ban đầu, Daniele De Rossi được giao nhiệm vụ giữ cự ly hàng tiền vệ, nhưng về sau, nhiệm vụ này được giao lại cho David Pizarro, ngoài ra, Mancini và Rodrigo Taddei là những cầu thủ đá cánh.
Công bằng mà nói, sơ đồ này vốn chỉ có thể tạo nên những thành công bất ngờ chứ biến Roma thành một đội bóng vượt trội ở Serie A. Hơn nữa, chiều sâu chất lượng cầu thủ ở Roma vào thời điểm đó là không đủ để họ có thể giành lấy những thành công liên tục. Chiến thắng bất ngờ 6-2 trước Inter trong trận chung kết Coppa Italia năm 2007 (đội bóng đã bỏ xa á quân năm đó là chính Roma với 22 điểm nhiều hơn) bất kể đối thủ sử dụng hệ thống flat defend đã chứng minh được sức mạnh khủng khiếp của sơ đồ này. Tuy nhiên, thất bại 1-7 trước M.U ở Champions League đã cho thấy hệ thống này có khả năng tự hủy diệt lớn đến mức nào.

Điều kỳ lạ là, sau trận lượt đi hoàn hảo, sơ đồ này bị Sir Alex đánh gục hoàn toàn trong trận lượt về. Rio Ferdinand và Wes Brown vốn gặp bế tắc khi phải đối mặt với 4-5 tiền vệ di chuyển liên tục của Roma, nhưng lại có một trận đấu tuyệt vời sau đó khi chỉ để lọt lưới 1 bàn. Và lý do thực sự cho chiến thắng của M.U lúc đó vẫn còn là một bí ẩn.

Nhưng sơ đồ này, bất kể những khiếm khuyết của nó, vẫn trở thành một trong những sơ đồ chiến thuật có sức ảnh hưởng lớn nhất thập kỷ. Thông qua một vài điều chỉnh nhất định, nó trở thành sơ đồ đã đưa 2 đội bóng là Manchester United và Barcelona lên chức vô địch Champions League hai mùa giải tiếp theo. 4-6-0 thực sự có đủ tiềm năng để trở thành hệ thống thống trị bóng đá đỉnh cao trong thập niên tới.

Thành công lớn nhất của 4-6-0 Roma là chiến thắng 6-2 trước Inter. Thực ra, không có bất kỳ bàn thắng nào trong số 6 bàn thắng mà Roma ghi được là hệ quả của sự vận hành tốt nhất của hệ thống. Tuy nhiên, tỉ số 6-2 trong một trận chung kết là một kết quả khá hi hữu.


Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #6: Bayer Leverkusen, 2001-2002

(Đường dẫn đến khung thành) - Một điều rất đặc biệt là đội hình này của Bayer Leverkusen đã không có được bất kỳ một danh hiệu nào vì áp lực khủng khiếp của cả ba giải đấu đổ lên vai một đội hình quá mỏng. Từ một đội bóng có cơ hội làm cú ăn ba lịch sử, họ liên tục bị đánh gục trên tất cả các mặt trận bằng thất bại trong trận đấu cuối cùng của Bundesliga (và để Dortmund vượt hơn đúng 1 điểm), bị Schalke hạ gục trong trận chung kết German Cup, và bị Real Madrid đánh bại ở chung kết Champions League.
Nhưng thực sự, những lời chế giễu từ giới truyền thông khi gọi họ là Bayer Neverkusen quả thực không công bằng khi phủ nhận tất cả những gì mà Klaus Topmoller đã làm cho CLB. Bayer Leverkusen là một đội bóng đã hết thời, không có ngôi sao thực sự, và chưa từng vô địch Bundesliga. Thậm chí, trong cuộc bầu chọn 11 cầu thủ cho đội hình xuất sắc nhất thế kỷ của CLB vào năm 2004, có không ít hơn 7 cầu thủ góp mặt là thành viên của đội hình 2001-2002 này.


Khi thi đấu ở Champions League, họ đã không được đánh giá cao khi đối đầu với các đội bóng anh, nhưng thực thế là, họ đã loại cả Arsenal, Liverpool và Manchester United (một cách khá may mắn) ngay thời điểm mà Ngoại hạng Anh đang vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ bóng đá châu Âu (và đang lăm le "hất cẳng" Bundesliga khỏi vị trí thứ 3 danh sách những giải đấu hàng đầu châu Âu).

Thực tế, sơ đồ 4-1-4-1 của Topmoller đã vận hành rất tốt. Oliver Neuville hoàn toàn hồi sinh ở vị trí tiền đạo duy nhất. Chỉ sở hữu chiều cao có 5,7 feet (khoảng 170cm), nhưng Oliver Neuville đã thi đấu tuyệt vời đến nổi toàn bộ những yêu cầu thể hình dành cho một tiền đạo mục tiêu đều trở nên vô nghĩa. Anh lôi kéo vào phá vỡ tuyến phòng ngự đối phương, mở rộng không gian chơi bóng cho Michael Ballack, người đã ghi đến 17 bàn thắng trong 29 trận đấu tại Bundesliga (một kỷ lục thực sự đối với các tiền vệ, và chỉ thua vua phá lưới mùa giải năm đó đúng 1 bàn), và 7 bàn thắng trong 15 trận Champions League.

Đá cặp cùng với Ballack là một tài năng khác, Yildiray Basturk, một cầu thủ không sở hữu tốc độ tuyệt vời như Ballack, nhưng lại có lối chơi thông minh và những đường chuyền "như đặt" từ khu trung tâm. Bernd Schneider và một "Ze Roberto xuất chúng" (một trong những tiền vệ giỏi nhất của thập kỷ, nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao) chơi bóng bên cánh cũng thi đấu hết sức xuất sắc: Liên tục có những pha dốc bóng tốc độ từ hai biên và tạt cánh, cũng như che chắn cực tốt cho các hậu vệ cánh.

Một cầu thủ quan trọng khác, một trong những nhân tố quyết định sự thành công của đội bóng là Carten Ramelow, một cầu thủ cao to và mạnh mẽ đứng ngay phía trước hàng hậu vệ. Anh ta luôn sẵn sàng lùi sâu để thi đấu như một trung vệ thứ ba. Điều này có nghĩa là 2 hậu vệ cánh là Placente và Sebescen có thể dâng cao tấn công bất kỳ lúc nào.

Việc mất đi đội trưởng Jens Nowotny vì một chấn thương đầu gối nghiêm trọng khiến cho Bayer Leverkusen gặp rất nhiều khó khăn trong trận chung kết Champions League, mặc dù đã chơi rất hay trước đó. Cuối cùng, họ đã để dính "bàn thắng của thập kỷ" từ cú vô lê chân trái của cầu thủ nổi tiếng nhất trong thời điểm hiện tại của bóng đá thế giới - Zinedine Zidane. Và trận đấu với Leverkusen lần đó có lẽ sẽ vẫn là trận đấu đáng nhớ nhất sự nghiệp vĩ đại của cầu thủ này.

Sau khi xem xét tất cả các khía cạnh, có lẽ sẽ thật không công bằng nếu không cho rằng Leverkusen đã có một hệ thống chiến thuật đặc biệt so với phần còn lại của bóng đá châu Âu 1 thập kỷ qua: Một tiền đạo duy nhất có thói quen lùi sâu, một tiền vệ được khuyến khích tấn công càng nhiều càng tốt, một tiền vệ trụ lùi sâu và 2 hậu vệ tấn công cánh.

Mùa hè năm 2002, cả Ballack lẫn Ze Roberto đều chuyển đến Bayern Munich, và Leverkusen lại mất thêm Nowotny cả mùa giải vì chấn thương. Mùa giải sau đó, họ cũng đã vào được đến vòng 2 Champions League, nhưng cuối cùng lại phải chiến đấu để trụ hạng, và Topmoller bị sa thải vào tháng 1. Bayer Leverkusen kết thúc mùa giải năm đó với một vị trí playoff giữ suất trụ hạng.

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #7: Đội tuyển Tây Ban Nha, Euro 2008

(Đường dẫn đến khung thành) - Thật khó khăn khi tìm một vị trí cho Tây Ban Nha trong danh sách mà sự sáng tạo chiến thuật xuyên suốt cũng quan trọng như lối chơi và thành công của nó: Một mặt, đội hình này đã được triển khai hết sức nhuần nhuyễn và năng động; nhưng mặt khác, cùng với sự phát triển của nó, những vấn đề của hệ thống, với 2 tiền đạo đích thực, đã hoàn toàn thất bại khi không thể khằng định được sự ưu việt của mình (nếu không muốn nói là thua sút) so với một sơ đồ chiến thuật ngẫu nhiên xuất hiện để vá lỗi nhân sự cho nó.


Dù sở hữu rất nhiều cầu thủ tài năng trong đội hình, nhưng vai trò của hai "mắt bão" là Xavi và Andres Iniesta mới là lý do chủ yếu cho thành công của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha không hề thiếu những bộ đôi như cặp tiền vệ của Barcelona này, tiêu biểu như cặp Ruben Baraja và David Albelda của Valencia, bộ đôi hoàn toàn có thể tỏa sáng từ vị trí trung tâm hàng tiền vệ khi đội bóng của họ cần sự đột biến. Juan Carlos Valeron cũng là một cầu thủ đá cánh khác có trình độ không thua kém David Silva bao nhiêu. 

Lý do mà đội bóng của ông Luis Aragones vô địch Euro 2008 là, tất nhiên, sử dụng một tiền vệ trụ ở ngay phía trước hàng hậu vệ. Thực ra, Aragones đã học hỏi rất nhiều từ thất bại của đội hình ba tiền vệ sáng tạo trung tâm là Xavi - Iniesta-Deco của Barcelona. Vấn đề của họ là cần 1 cầu thủ giàu cơ bắp hơn để càn quét và giành quyền kiểm soát bóng: Và hàng tiền vệ Barcelona đã vận hành tốt hơn nhiều nhờ sử dụng Edmilson và Yaya Toure ở vị trí thấp nhất. Sức mạnh phòng thủ của Barcelona được nâng cao  khi có một tiền vệ trụ rõ ràng, và chìa khóa mở ra chiến thắng vẫn là sự hoạt động của Xavi và Iniesta.

Đương nhiên, một điều khá tương đồng đã xảy ra với hệ thống chiến thuật của Tây Ban Nha. Mặt dầu đội hình này có một sự khác biệt so với Barcelona: Sự xuất hiện của Marcos Senna đồng nghĩa với việc Xavi và Iniesta được thả tự do hoàn toàn để tấn công và sáng tạo. Họ có đầy đủ những kỹ năng quan trọng để cầm bóng, tổ chức tấn công và mở bóng ra cánh mà không phá vỡ cấu trúc phòng thủ. Tây Ban Nha đã tạo ra những tiền vệ trung tâm có lối chơi tấn công độc đáo nhất thế giơi, nhưng lại không thể sinh ra những cầu thủ giàu kỷ luật và sức mạnh như Senna, một cầu thủ gốc Brazil.

Như đã đề cập trong phần giới thiệu ở trên, bất kể những toan tính chiến thuật ở trên, người ta vẫn tin rằng Tây Ban Nha sẽ chơi tốt hơn với chỉ 1 tiền đạo duy nhất. Họ đã không thể ghi bàn vào lưới Italia ở tứ kết với bộ đôi tiền đạo Torres-Villa. Đặc biệt, hiệp một tệ hại của sơ đồ 2 tiền đạo trong trận bán kết với Nga kết thúc bằng chấn thương của Villa. Và khi Fabregas vào thay, sơ đồ chiến thuật của Tây Ban Nha biến thành 4-5-1 và họ đã "giã nát" Nga với 3 bàn không gỡ. Trận chung kết, khi Tây Ban Nha không có Villa, là một trận đấu rất ổn, và sai lầm của Đức đã bị Torres trừng phạt bằng bàn thắng duy nhất của trận đấu.


Nghe có vẻ vô lý khi cho rằng việc mất Villa (người đã giành được danh hiệu vua phá lưới mùa đó) là lý do khiến Tây Ban Nha trở nên mạnh hơn, nhưng nếu không phải như thế, thì lý do gì mà họ đã chơi hiệu quả hon nhiều khi chỉ có 1 tiền đạo?

Nền tảng thành công của Tây Ban Nha nằm ở 5 cầu thủ phòng ngự, những người chỉ để lọt lưới 2 bàn trong suốt mùa Euro năm đó, và thậm chí, họ không thủng lưới bàn nào kể từ vòng knock-out. Hai hậu vệ cánh ham mê tấn công là Capdevilla và Ramos khiến các tiền vệ đối phương không dám rời bỏ vị trí. Nhờ đó, không gian hoạt động của Xavi và Iniesta được mở rộng, đồng thời vấn đề luôn luôn lệch cánh của đội hình Tây Ban Nha (David Silva thường xuyên có những pha đảo cánh) được giải quyết rốt ráo bằng những pha dâng cao của hậu vệ cánh.

Tây Ban Nha có một đội hình hoàn toàn vượt trội, và quá xứng đáng để trở thành nhà vô địch.

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #8: Đội tuyển Czech, Euro 2004

(Đường dẫn đến khung thành) - Một giai đoạn rất ngắn, nhưng là thời kỳ đáng nhớ nhất của bóng đá cộng hòa Czech. Ở Euro 2004, Czech là một đội bóng sở hữu hàng công thuộc loại xuất sắc nhất thế giới với "ngọn hải đăng" Jan Koller cao đến 6,7 feet (201cm), một tiền đạo siêu tốc là Milan Baros, một cầu thủ kỹ thuật nhất bóng đá châu Âu thời điểm đó là Pavel Nedved, bộ đôi cầu thủ có thể chơi tốt cả khu trung tâm lẫn dạt biên là Poborsky và Rosicky, một cầu thủ kiến thiết lùi sâu là Tomas Galasek và 2 hậu vệ cánh công mạnh thủ tốt.

Khi mà đa số các đội bóng đều chỉ có một "bài" duy nhất, việc thay đổi hệ thống chiến thuật để chống lại là điều hoàn toàn dễ dàng. Nhưng với một đồi hình như của Czech, điều đó gần như là không thể! Họ có quá nhiều các phương án tấn công hoàn toàn khác nhau. Và đó là lý do mà đội bóng của ông Karel Bruckner đã chơi hết sức đẹp mắt. Đó là chưa kể, Czech còn sở hữu 1 thủ môn hàng đầu thế giới và 2 trung vệ thép. Czech ở thời điểm đó là quá mạnh để có thể bị đánh bại.

Lý do mà Bruckner, trong khi sử dụng 2 tiền đạo, lại chuẩn bị đến 3 tiền vệ công là bởi vì không có bất kỳ tiền vệ nào trong số 3 tiền vệ trên là mẫu cầu thủ dửng dưng khi phòng ngự. Rosicky, Nedved và Poborsky đều là những cầu thủ chơi bóng hết sức cần mẫn. Và vì thế, Czech không bao giờ thiếu người ở tuyến giữa.


Đội bóng này cũng là đội bóng đã chiến thắng 3-2 trong trận đấu hay nhất thập kỷ - trận Czech - Hà Lan, trận đấu mà người Hà Lan đã ghi liên tiếp 2 bàn trong 20 phút đầu tiên của hiệp 1.Một buổi tối đã khẳng định được rằng, sức mạnh và bản năng tấn công của đội bóng do ông Bruckner dẫn dắt là khủng khiếp đến như thế nào. Khi bị dẫn 2 bàn trắng và hàng phòng thủ vỡ vụn, Bruckner lập tức đưa một cầu thủ chạy cánh là Smicer vào thay cho hậu vệ cánh là Grygera. Ngay lúc Smicer chưa kịp xuất hiện, Czech đã gỡ lại 1 bàn. Trận đấu vẫn còn 65 phút, Bruckner có quyết định thay người? Tất nhiên là có!

Sự thay đổi này đã giúp Czech chiếm lĩnh được thế trận, nhưng không thể ghi thêm bàn thắng. Và Bruckner tiếp tục đưa ra một phương án táo bạo hơn: Đưa tiền vệ trụ là Galasek ra nghỉ và thay một tiền đạo là Marek Heinz vào. Lúc đó, Czech có 3 tiền đạo, 4 tiền vệ, 1 hậu vệ tấn công cánh, và 2 trung vệ. Vấn đề ở đây là gì? Czech đã thắng trận đầu tiên trong khi Hà Lan chỉ hòa, nên đây không phải là một trận cầu quyết tử của Czech! Họ chỉ cần hòa là ổn!

Bruckner vẫn chưa hài lòng một kết quả hòa sau bàn thắng cân bằng cách biệt của Milan Baros. Trận đấu của thập kỷ được định đoạt khi trận đấu chỉ còn đúng 2 phút: Poborsky chuyền bóng rất đồng đội cho Smicer ghi bàn và Czech lọt vào vòng 2 sau chỉ 2 lượt đấu ở bảng tử thần.

Bruckner thay đổi toàn bộ đội hình trong trận gặp Đức - đội cần 1 chiến thắng để đi tiếp. Và thật bất ngờ! Với phong độ cao ngất, "đội hình 2" của Czech đã đánh bại người Đức và tiễn họ về nước ngay từ vòng bảng.

Họ giã nát Đan Mạnh bằng chiến thắng 3-0 ở tứ kết trước khi đụng độ Hy Lạp. Và tất nhiên, Đây là lúc mà mọi thứ sụp đổ. Nedved (cầu thủ đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu năm đó, và cũng là trái tim của Czech) gặp chấn thương ở phút thứ 40 và buộc phải rời trận đấu ở thời khắc đáng buồn nhất lịch sử bóng đá hiện đại.

Đương nhiên, đồng đội của anh cũng mất hết tinh thần thi đấu. 52% thời gian kiểm soát bóng, 16/23 tổng số cú sút của cả trận là không đủ. Czech không thể ghi bàn và phải chấp nhận thất bại sau khi Hy Lạp ghi được "bàn thắng bạc" lịch sử.

Đội hình chính của Czech không có quá nhiều thay đổi ở World Cup 2006. Họ bắt đầu chiến dịch với chiến thắng hủy diệt 3-0 trước Mỹ, nhưng cả 2 thẻ đỏ ở 2 trận gặp Ghana và Italia đã đánh gục và tiễn họ ra đi. Euro 2008 thì mọi thứ đã hoàn toàn khác, những cầu thủ của Czech đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Và đến World Cup 2010, họ thậm chí còn không vượt qua nổi vòng đấu loại. Euro 2004 đã trở thành quá khứ xa vời với Czech.

Theo một nhận định hoàn toàn chủ quan, đây là đội hình ưa thích nhất của tôi trong thập kỷ này, hãy nhìn cách mà họ chiến đấu với Hà Lan trong một trận đấu không thể tuyệt hơn với 36 cú sút, trong đó có 21 cú trúng đích.

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #9: Arsenal, 2001-2004

(Đường dẫn đến khung thành) - Khi mà đa số những lời khen ngợi tập trung vào mùa giải bất bại đã đi vào huyền thoại, người ta gần như đã quên mất rằng Arsenal trong 2 mùa giải trước đó cũng đã làm được những điều hết sức tuyệt vời. Trong mùa giải 2001-2002, Arsenal là đội bóng đầu tiên của kỷ nguyên bóng đá hiện đại lập thành tích bất bại trên sân khác (hẳn nhiên, họ cũng tái thực hiện kỷ lục này 2 năm sau đó), cũng là đội duy nhất trong lịch sử (tính tới thời điểm 2010) ghi bàn trong mọi trận đấu của mùa giải. Năm đó, họ đã lập cú đúp vô địch PL-FA.


Arsenal cũng suýt nữa vô địch luôn Premier League mùa 2002-2003 khi là đội bóng thi đấu hiệu quả nhất mùa giải đó. Nhưng hậu quả của việc không tìm ra một giải pháp thấu đáo cho những rắc rối ngoài sân cỏ đã khiến họ mất  tất cả. Đến mùa giải 2003-2004, Arsenal đã làm nên một mùa giải thần kỳ với 28 trận thắng và 10 trận hòa chỉ riêng ở Premier League. Và với một chút hài hước, 6 năm sau đó, các Pháo thủ thậm chí còn làm được điều đáng kinh ngạc hơn thế khi thua tất cả các trận cầu 6 điểm với các đối thủ trực tiếp ở PL.

Lối chơi của Arsenal trong cả 3 mùa là tương tự nhau. Và với một cách nhìn nhận nào đó, họ là ví dụ đầu tiên cho một hình không tiền đạo: Với Dennis Bergkamp đá thấp hơn và Thierry dạt trái. Điều này khiến cho Arsenal trở nên cực kỳ nguy hiểm trong các đợt phản công. Thêm vào đó, các cầu thủ chạy cánh đích thực là Robert Pires và Freddie Ljungberg, được chỉ đạo thường xuyên xâm nhập vào vòng cấm, đã hoàn toàn thay đổi những quy chuẩn thông thường của một tiền vệ cánh bằng kỷ lục ghi bàn của mình. Patrick Vỉeira đã thi đấu bùng nổ hơn những gì chính anh từng thể hiện. Khi được đá cặp cùng một tiền vệ phòng ngự khác là Gilberto Silva, Vieira được yêu cầu tham gia tấn công nhiều hơnhơn, và hệ quả là, trở nên toàn diện hơn nhiều so với một tiền vệ phòng ngự thuần túy.

Điều thú vị nhất của đội hình này có thể là những nhân tố của hàng phòng thủ Arsenal: Khi lần đầu tiên lọt vào tầm mắt của Arsene Wenger , 3/4 thành viên bộ tứ phòng thủ đó đều chưa từng là hậu vệ: Ashley Cole là một tiền đạo đầy triển vọng của học viện bóng đá trẻ Arsenal, Lauren là tiền vệ trung tâm của Mallorca, và Kolo Toure là một cầu thủ đa năng thường chơi ở vị trí tiền vệ công. Wenger đã biến tất cả bọn họ thành hậu vệ. Và nhờ đó, khả năng điều khiển bóng của Arsenal là tuyệt vời ngay từ hàng hậu vệ.

Một cách hết sức công bằng (khi hậu vệ có kỹ năng kiểm soát bóng và tấn công tốt), tuyến phòng thủ đầu tiên của Arsenal bắt đầu từ hàng tiền đạo: Henry có nhiệm vụ ngăn cản các hậu vệ dâng cao của đối phương, Bergkamp lùi về rất sâu để chơi như một tiền vệ trung tâm khi đối phương có bóng, còn Pires và Ljungberg thì thậm chí còn lùi sâu hơn để chơi như hậu vệ cánh.

Mặc dù Wenger đã mô tả sơ đồ tác chiến của mình là 4-4-2, nhưng tất cả những gì Arsenal thể hiện cho thấy nó gần với 4-2-3-1 kiểu kiểm soát bóng nhiều như thế nào. Thêm nữa, rất khó để cho các đội bóng khác có thể ngăn cản các đợt tất công cánh từ đội hình này khi mà các cầu thủ chạy cánh và hậu vệ cánh cứ liên tục hoán đổi vị trí, chồng cánh, hoặc đơn độc xâm nhập vào vòng cấm một cách đầy bất ngờ. Cánh trái của Arsenal đương thời có thể xem là cánh trái mạnh nhất thế giới trong thập kỷ đó. Nhưng một khi đối thủ dốc toàn lực để đối phó với cánh trái hủy diệt đó (nếu không dốc toàn lực thì không còn hi vọng), thì Ljungberg và Lauren luôn sẵn sàng trừng phạt họ.

Cuối cùng, tôi phải khẳng định rằng thứ bóng đá mà Arsenal trình diễn trong thời gian này là thứ bóng đá thực sự tuyệt vời! "Bóng đá tuyệt đẹp", đó đã trở thành một sáo ngữ khi miêu tả về Arsenal, nhất là trong thời gian gần đây. Nhưng trong khi ngày nay người ta nói về Arsenal rằng: "Arsenal đã không giành được danh hiệu, nhưng..."; thì ngày đó, họ nói: "Arsenal đã có 1 mùa giải bất bại với lối chơi tuyệt vời đến mức không thể tin được"

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #10: Roma, 2000-2001

(Đường dẫn đến khung thành) - Và đây là đội hình đầu tiên, cũng là đội hình xa xưa nhất trong top 10, một chiến dịch giành Scudetto tuyệt vời của Roma vào mùa giải đầu tiên của thập kỷ. Roma đã chơi một thứ bóng đá tuyệt vời với 11 cầu thủ xuất sắc và 1 hệ thống chiến thuật có dấu ấn cá tính HLV (Fabio Capello) rất rõ ràng.

Về một khía cạnh nào đó, người ta hoàn toàn không bất ngờ khi Roma đột nhiên trở thành một thế lực, ứng cử viên nặn ký cho Scudetto khi họ đã bỏ ra đến 50 triệu bảng để mua 3 siêu sao về làm bộ khung chiến thuật cho mùa giải mới: Samuel, Emerson và Batistuta. Tuy nhiên, nhân tố chủ yếu để làm nên mùa giải tuyệt vời của Roma năm đó lại không nằm ở bộ ba nguyên tử này (mặc dù họ cũng thi đấu rất thành công), mà là sự tiến bộ tuyệt vời của các cầu thủ trẻ, những người thậm chí đã vươn lên tầm cỡ thế giới. Vincent Candela từ một hậu vệ trái tầm trung trở thành một hậu vệ tấn công cánh cuồng mãnh, Damiano Tomassi và Cristiano Zanetti đã có những mùa giải đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình, và Francesco Totti trở thành một cầu thủ đẳng cấp thể giới thực sự.
Thực sự, nhờ chấn thương nghiêm trọng của Emerson, Tomassi và Zanetti luôn là lựa chọn số 1 cho 2 vị trí tiền vệ trung tâm của Roma cho đến giữa mùa giải. Lối chơi đơn giản, hiệu quả và kỷ luật của cả hai đã tạo điều kiện cho Francesco Totti phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình mà không cần phải lo lắng về những nguy cơ phản công tiềm tàng khi anh bỏ vị trí.

Hai hậu vệ tấn công cánh của Roma đã chơi rất tuyệt suốt mùa giải đó. Bên cánh phải, Cafu, và chỉ một mình Cafu, lên công về thủ như con thoi suốt 90 phú thi đấu mỗi trận, liên tục tắc bóng, liên tục dốc bóng, và liên tục tạt bóng như không biết mệt mỏi. Và bên cánh trái, tuy Candela không thể hiện ấn tượng bằng, nhưng cũng là vị trí hết sức quan trọng cho lối chơi của Roma.

Ở tuyến trên, Batistuta đã chơi mùa giải cuối cùng của đời cầu thủ một cách thực sự xuất sắc, ghi đến 20 bàn thắng trong 28 trận cho đội bóng mới. Nên nhớ, thời gian này, Vua sư tử là vị trí không thể thay thế ở Roma bất chấp gánh nặng tuổi tác.

Phần lớn các sơ đồ chiến thuật ở Serie A thời gian này đơn giản là hoàn toàn lép vế trước hàng công 3 người của Roma. Sơ đồ chiến thuật mà họ sử dụng thực sự quá hiệu quả khi đối đầu với 4-4-2. Với 3 trung vệ, Roma luôn thừa hẳn 1 người khi đối đầu với các tiền đạo đối phương. Hàng ngang tuyến giữa (với 2 hậu vệ tấn công cánh và 2 tiền vệ trung tâm) luôn chơi thấp hơn hẳn 4 tiền vệ đối phương để trực tiếp đối đầu với các đợt tấn công xuất phát từ đây. Totti đóng vai trò là cầu nối giữa 2 tiền đạo với tuyến sau, và nếu đối phương kéo một tiền vệ trụ về kèm anh, thì Tomassi hoặc Zanetti sẽ hoàn toàn trống trải. Đội hình này có khuyết điểm là giải phóng 2 hậu vệ cánh của đối phương, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả khi cả Cafu lẫn Candela đều chơi phòng thủ rất tỉnh táo, ngoài ra, trong trường hợp 2 hậu vệ cánh chẳng may dâng lên quá cao, 1 trong 3 trung vệ sẽ ngay lập tức dạt cánh để lấp chỗ trống và hàng thủ 4 người tái xuất hiện.

Vấn đề duy nhất mà đội hình này phải đối mặt là vị trí đá cặp với Batistuta trên hàng công. Marco Delvecchio là một tiền đạo mục tiêu (targetman) điển hình nên có khả năng hỗ trợ tốt và rất ít khi ghi bàn, ngược lại, Vincenzo Montella là mẫu tiền đạo tốc độ, một gã thợ săn thực sự với khả năng ghi bàn xuất sắc. Nửa đầu mùa giải, để đảm bảo sự cân bằng cho đội hình, Capello thích dùng Delvecchio hơn, nhưng về sau, hiệu suất ghi bàn tuyệt vời của Montella đã khiến Capello đã không có cách nào gạt anh ra khỏi đội hình xuất phát nữa. Kết quả là, bộ ba tấn công mạnh nhất thập kỷ của Roma đã ra đời.

Đội hình này cũng là đội hình thành công hiếm hoi của hệ thống 3 trung vệ, khi mà cả ba đều hoàn toàn phù hợp với vai trò của mình: Cầu thủ thuận chân trái Samuel là người không thể phù hợp hơn cho vị trí trung vệ lệch trái, anh ta cùng với Zebina, đều làm mẫu cầu thủ có kỹ năng kèm người xuất sắc và thể lực tuyệt vời, trong khi một trong 2 cầu thủ Brazil còn lại, người đóng vai trò là trung vệ thứ 3 (Zago hoặc Aldair) đều là người có khả năng phân phối bóng lên tuyến trên cực tốt.

Những lời cuối cùng phải là những lời tán dương dành cho Totti, tiền đạo đội trưởng mới chỉ 24 tuổi này là cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải vô địch đầu tiên kể từ 1983 của Roma. Anh đã có một năm tuyệt vời nhất mà một cầu thủ có thể tưởng tượng ở vị trí của mình khi liên tục ghi bàn và liên tục kiến tạo. Từ đây, anh trở thành vị trí không thể thay thế ở Roma, một trong những số 10 vĩ đại nhất thập kỷ: "No Totti no party", không một cổ động viên nào của Roma không biết câu khẩu hiệu đó.


Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #11: Valencia, 2001-2004

(Đường dẫn đến khung thành) - Có một số tranh cãi về tác giả của sơ đồ 4-2-3-1, sơ đồ đã trở nên hết sức phổ biến ở châu Âu thời gian gần đây. Sơ đồ này có thể đã xuất hiện vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước cùng với đội hình của Manchester United năm 1994, song giả thiết rằng khởi nguồn của sơ đồ này là từ Arsenal của Arsene Wenger hoặc Real Madrid của John Toshack cũng có cái lý của nó.

Khó khăn của việc xác định cơ sở ban đầu của 4-2-3-1 nằm ở chỗ, nó quá giống với biến thể 4-4-2 mà 3 đội bóng trên sử dụng, với 2 tiền vệ trung tâm thu hồi bóng, 2 cầu thủ chạy cánh nhô cao và một tiền đạo lùi hoạt động rộng. Và 4-2-3-1 hiện đại đã thay đổi từng chút, từng chút một trước khi được tách ra hoàn toàn như là một sơ đồ chiến thuật độc lập với 4-4-2 kiển như đội hình của Rafael Benitez: Sự hồi sinh của sơ đồ chiến thuật 4 tầng với 3 tiền vệ nhô cao rõ ràng đá ngay sau lưng tiền đạo duy nhất.

Bản chất của những khác biệt giữa biến thể 4-2-3-1 với 4-4-2 nằm ở vị trí tiền đạo lùi (hay tiền vệ tấn công trung tâm): Trong khi 3 đội bóng chơi 4-4-2 nêu trên sử dụng các tiền đạo lần lượt là Eric Cantona, Dennis Bergkamp và Raul, thì Benitez lại tin tưởng vào một tiền vệ tấn công, cầu thủ thấp bé có biệt danh "Maradona mới" của bóng đá hiện đại, Pablo Aimar. Và vì thế, Valencia đã chơi với 5 tiền vệ.

Đội hình đăng quang La Liga mùa giải 2001-2002, nói thẳng ra, là đội hình vô địch có lối chơi tẻ nhạt nhất trong suốt thập kỷ qua ở Tây Ban Nha. Thành tích 51 bàn/38 trận đấu có thể là thành tích nực cười với một nhà vô địch (4 đội còn lại trong top 5 mùa đó đều ghi nhiều hơn 63 bàn), nhưng đó cũng là minh chứng cho một thực tế, rằng đội hình Valencia đã được tổ chức quá tốt: Bậc thầy trong những chiến thắng sít sao 1-0.

Vấn đề quan trọng trong chiến thuật của Valencia là việc sở hữu đến 3 tiền vệ trung tâm trong khi 19 đội bóng còn lại ở La Liga chỉ dùng 2 người. Valencia hiếm khi mất bóng, và một khi mất bóng thì họ sẽ nhanh chóng thiết lập hàng rào 9 người án ngữ trước khung thành. 

Với chiến thuật trên, tiền đạo có thể không được hỗ trợ tốt, nhưng Mista, tiền đạo được Benitez mang về từ đội trẻ Real Madrid, đã có một mùa giải xuất sắc vượt xa những gì được trông đợi.

Ruben Baraja và David Albelda được đánh giá là cặp tiền vệ trung tâm thi đấu ăn ý nhất thập kỷ: Cả 2 đều có khả năng chọn vị trí tuyệt vời cũng như tung ra những đường chuyền thông minh cho đồng đội. Baraja đôi khi cũng được yêu cầu dâng cao hỗ trợ tấn công và dứt điểm khi cần, nhưng thường thì Valencia chỉ tấn công với 4 người.

Đội hình này cũng đã vô địch La Liga lần thứ 2, đồng thời cũng đoạt luôn UEFA Cup, vào mùa giải 2003-2004 với rất ít sự thay đổi về mặt nhân sự. Mùa giải đó, Valencia đã chứng minh cho thế giới rằng, 4-2-3-1 không đơn thuần là một sơ đồ phòng ngự khi Benitez quyết định đẩy cao đội hình: Họ chỉ để lọt lưới bằng đúng số bàn thua trong mùa 2001-2002 (27 bàn), những lại ghi nhiều hơn trước 20 bàn, chỉ thua 1 bàn so với đội bóng tấn công hiệu quả nhất La Liga mùa đó là Real Madrid. Mista tiến bộ rõ rệt trong khi Vicente ngày một hoàn thiện hơn kỹ năng dứt điểm. Valencia, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là đội bóng hùng mạnh nhất Tây Ban Nha thời gian đó.
Ở UEFA Cup, thành tích không mấy ngoạn mục (so với ở La Liga) của Valencia kết thúc bằng chiến thắng tẻ nhạt 2-0 trước Marseille trong trận chung kết: Fabien Barthez phạm lỗi với Mista trong vòng cấm, Vicente ghi bàn trên chấm Penalty, rồi Mista ấn định tỷ số 2-0, chấm dứt mọi hi vọng của Marseille, và chấm dứt cả thời gian làm HLV Valencia của Benitez.


Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #12: Đội tuyển Brazil, World Cup 2002

(Đường dẫn đến khung thành) - Những gì mà một Brazil "như mớ hỗn độn" vài tháng trước khi vòng chung kết World Cup 2002 diễn ra thể hiện thực sự rất đáng quên. Họ đã có một chiến dịch vòng bảng tệ hại chưa từng thấy trong khi Luiz Felipe Scolari chỉ mới bắt đầu dẫn dắt từ tháng 6-2001, thời gian mà Brazil còn đang phải khổ chiến bên ngoài vị trí các đội đủ điều kiện tham gia vòng chung kết. Scolari đã gặp khó khăn thực sự, ông đã để thua trận đầu tiên, nhưng đội bóng của ông đã may mắn giành được suất đến Nhật - Hàn khi chỉ có thêm vẻn vẹn 3 điểm.


Một điều khá kỳ lạ về đội hình vô địch thể giới năm 2002 này là, chấn thương bí ẩn của Emerson ngay trước trận đầu tiên đã khiến cặp tiền vệ trung tâm (và cùng với nó là cả đội hình) phải được bố trí lại. Kế hoạch ban đầu của Scolari là sử dụng Emerson làm tiền vệ trụ để cầu thủ đá cặp với anh là Juninho Paulista thi đấu tự do hơn. Nhưng chấn thương vai khi tập luyện ở vị trí thủ môn của Emerson đã làm thay đổi tất cả. Kleberson đã được gọi vào thay thế, và Gilberto Silva trở thành tiền vệ trụ (đây là điều mà chính bản thân Silva cũng cảm thấy bất ngờ) đá cặp với Juninho.

Đó là cách mà Brazil đã chơi trong vài trận đấu đầu tiên, với Gilberto thi đấu giống với vai trò của Dunga ở World Cup 1994 và 1998, và Juninho làm nhiệm vụ nối kết với tuyến trên. Đến giữa trận đấu với Bỉ ở vòng 2, Scolari quyết định thay Juninho (cầu thủ chơi hay nhất của Brazil trong trận đó) bằng Denlison (một cầu thủ có khả năng tấn công tốt hơn) và Brazil tiếp tục giành chiến thắng.
Không ai có thể đưa ra được một lý do hoàn toàn thuyết phục cho quyết định thay Juninho bằng Kleberson (một tiền vệ phòng ngự) để đá cặp với Gilberto Silva của Scolari khi mà Brazil không cần thêm bất kỳ một tiền vệ trụ nào để đối đầu với hàng tiền vệ 4 người của tuyển Anh là Beckham - Butt - Scholes - Sinclair. Nhưng rốt cục Brazil vẫn thắng, và Kleberson đã lấy luôn vị trí của Juninho cho đến hết giải, thậm chí còn là cầu thủ chơi hay nhất của Brazil trong trận chung kết. Phải chăng Scolari đã nghĩ rằng Gilberto không linh hoạt như Emerson? Hay ông lo lắng trước sức mạnh của tuyến tiền vệ Bỉ?

Mặt khác, đội hình này đã thể hiện một thứ bóng đá tuyệt vời. Sơ đồ 3-4-1-2 đã khai thác được tối đa sức mạnh của bộ ba tấn công xuất sắc nhất giải là Ronaldo - Rivaldo - Ronaldinho, trong đó, Ronaldo đá cao nhất, Rivaldo đóng vai trò hộ công, và Ronaldinho đá thấp nhất để nhận bóng.
Các cầu thủ đá cánh là Cafu và Roberto Carlos đã thi đấu như một wing-back (hậu vệ tấn công cánh) hơn là một full-back (hậu vệ cánh) khi liên tục dâng cao hỗ trọ tấn công.

Hàng thủ 3 người của Brazil cũng đã thi đấu rất tuyệt vời mặc dù Roque Junior thi đấu quá tệ hại. Một trong 2 trung vệ còn lại, thường là Edmilson, thi đấu như một hậu vệ quét có nhiệm vụ tung những đường chuyền vượt tuyến từ sân nhà, đường chuyền dẫn đến bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Costa Rica là một trong những ví dụ cụ thể.

World Cup năm đó không phải là một giải đấu thực sự hấp dẫn, và Brazil năm đó cũng không bao giờ là lứa cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử. Nhưng bằng một cách nào đó, Scolari đã tạo ra một sản phẩm tuyệt vời từ một đội bóng mà chỉ 12 tháng trước đó còn là một đống hổ lỗn những gã mất phương hướng và vô kỷ luật. Báo giới Anh quốc đã sai lầm khi cho rằng cách tốt nhất để cho Brazil mạnh hơn là dồn càng nhiều cầu thủ sáng tạo vào đội hình càng tốt. Ngược lại, Brazil đã thể hiện rằng họ nguy hiểm như thế nào khi thi đấu một cách chắc chắn và kỷ luật. Việc chỉ để cho hai, hoặc ba cầu thủ có lối chơi tinh tế nhất nhất được thể hiện sức sáng tạo của mình khiến Brazil không cần phải lo lắng chuyện mất cân bằng đội hình hay các vấn đề về phòng ngự khác

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More