Xabi Alonso - người hùng thầm lặng

Tiền vệ ngôi sao của tuyển Tây Ban Nha và Real Madird Xabi Alonso tên thật là Xabier Alonso Olano là một đứa con của xứ Basque, Tây Ban Nha.

Tiền vệ tấn công: Biểu tượng của sự hoa mỹ

Bài viết thứ 2 trong loạt bài về vị trí và vai trò cầu thủ...

Bóng đá tổng lực

Một khái niệm về hệ thống chiến thuật nổi tiếng gắn với thương hiệu của "Những người Hà Lan bay...

Catenaccio

Hệ thống phòng ngự kinh điển từng đưa Inter Milan và tuyển Italia lên đỉnh cao thế giới

WM: Luật việt vị và cuộc cách mạng chiến thuật

Điều gì đã tạo nên tên tuổi của 1 HLV được xem là vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh?

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

FIFA công bố danh sách đề cử quả bóng vàng 2013

(Đường dẫn đến khung thành) - Tạp chí France Football vừa công bố danh sách 23 ứng cử viên cuối cùng cho danh hiệu quả bóng vàng 2013. Không quá ngạc nhiên khi Baryern Munich chiếm số lượng áp đảo với 6 cái tên đình đám: Philipp Lahm, Thomas Müller, Manuel Neuer, Franck Ribery, Arjen Robben, và Bastian Schweinsteiger.


Danh sách 23 ứng viên cuối cùng cho danh hiệu Quả bóng Vàng 2013:
Gareth Bale (Tottenham/Real Madrid)
Edinson Cavani (Napoli/PSG)
Radamel Falcao (Atletico Madrid/Monaco)
Eden Hazard (Chelsea)
Zlatan Ibrahimovic (PSG)
Andres Iniesta (Barcelona)
Phillip Lahm (Bayern Munich)
Robert Lewandowski (Borussia Dortmund)
Lionel Messi (Barcelona)
Thomas Mueller (Bayern Munich)
Neymar (Santos/Barcelona)
Manuel Neuer (Bayern Munich)
Mesut Ozil (Real Madrid/Arsenal)
Andrea Pirlo (Juventus)
Franck Ribery (Bayern Munich)
Arjen Robben (Bayern Munich)
Cristiano Ronaldo (Real Madrid)
Bastian Schweinsteiger (Bayern Munich)
Luis Suarez (Liverpool)
Thiago Silva (PSG)
Yaya Toure (Manchester City)
Robin Van Persie (Manchester United)
Xavi (Barcelona).

Ở bảng danh sách đề cử cho danh hiệu HLV xuất sắc nhất năm, nhiều người cho rằng không có tên Simeone (Atlético Madrid) là một thiếu sót không thể chấp nhận. Tuy nhiên, có lẽ FIFA vẫn có cái lý của riêng mình.

Danh sách các ứng viên cho danh hiệu HLV xuất sắc nhất năm:
Carlo Ancelotti (Paris Saint-Germain/Real Madrid), Rafael Benitez (Chelsea/Napoli), Antonio Conte (Juventus), Vicente Del Bosque (Đội tuyển Tây Ban Nha), Alex Ferguson (cựu HLV Manchester United), Jupp Heynckes (Cựu HLV Bayern Munich), Juergen Klopp (Borussia Dortmund), Jose Mourinho (Real Madrid/Chelsea), Luiz Felipe Scolari (Đội tuyển Brazil), Arsene Wenger (Arsenal).

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

[Positions series] Tiền vệ tấn công: Biểu tượng của sự hoa mỹ

(Đường dẫn đến khung thành) - Bài viết thứ 2 trong loạt bài giới thiệu về các vị trí: Tiền vệ tấn công, tức là những tiền vệ có vị trí hoạt động từ khoảng 3.5/5-4/5 sân đấu, những người đá nhô cao hơn các tiền vệ trung tâm và ngay sau lưng tiền đạo.


Tiền vệ tấn công hầu hết là những cầu thủ có tầm ảnh hưởng lớn đến khả năng tấn công của đội nhà. Một vài hệ thống chiến thuật có thể sẽ cố gắng tránh né sự xuất hiện của vị trí này, tuy nhiên, đó là khi họ không thể sở hữu một cầu thủ có phẩm chất và khả năng sáng tạo đặc biệt đến như vậy trong đội hình.

Hầu hết những cầu thủ tấn công nổi tiếng trong lịch sử như Zico, Maradona, Zidane, Roberto Baggio, Ruis Costa, Dennis Bergkamp, Francesco Totti và hàng tá cái tên đình đám khác đều là tiền vệ tấn công (đôi khi người ta vẫn gọi họ là tiền đạo, nhưng một tiền đạo "lừng khừng" như vị trí số 10 tốt hơn hết nên được xem là tiền vệ tấn công thay vì tiền đạo), hầu hết những biến động lớn nhất của lịch sử chiến thuật bóng đá đều có dấu chân của các tiền vệ công, và quan trọng hơn, biểu tượng của bóng đá tấn công sáng tạo, đẹp mắt, và hoa mỹ nhất thế giới chính là vị trí được vinh danh là huyền thoại của các vị trí cầu thủ này.

Hẳn nhiên, tiền vệ tấn công chỉ là tên gọi khái quát về vị trí thi đấu trên sân. Sự phát triển không ngừng của các hệ thống đã sinh ra hàng loạt các vai trò thi đấu gần như đối lập nhau trong cùng một vị trí chiến thuật. Với vị trí tiền vệ công, đó là: Tiền vệ số 10 (cổ điển và hiện đại), tiền vệ tấn công thuần tuý, tiền vệ kiến thiết tấn công, và một cái tên gần như khá xa lạ với nhiều người - "tiền vệ trụ tấn công".

1. Tiền vệ số 10 (Fantasista, Trequasista):

Một trong số rất ít các vị trí được vinh danh theo một con số cố định.


Số 10 thường được gọi là tiền đạo thay vì tiền vệ, phần vì họ được yêu cầu chơi cao hơn nhiều so với các tiền vệ công thuần tuý (4-4,5/5 thay vì 3,5), phần khác vì họ rất ít khi tham gia phòng thủ. Một số số 10 cổ điển còn không thèm phòng thủ bất chấp việc tiền đạo cắm của đội nhà cũng bị buộc phải lùi sâu. Tuy nhiên, ngày nay, các số 10 hiên đại đã trở nên chăm chỉ hơn, thi đấu thấp hơn, và bớt "kiêu căng" hơn các tiền bối, và cùng với nhiệm vụ lĩnh xướng hàng công, cuốn cả các cầu thủ chạy cánh, các tiền đạo và tiền vệ phía sau vận hành xoay quanh mình, các số 10 vẫn nên được xem như là tiền vệ.

Trong bóng đá, số 10 là số áo tối thượng. Vị trí số 10 kể từ khi nó xuất hiện cũng tương tự: Họ chỉ là một, nhưng cũng là tất cả những gì đội bóng cần phải có: Kỹ năng xử lý bóng tuyệt vời, nhãn quan chiến thuật sắc sảo, khả năng dứt điểm tốt và hơn thế nữa là năng lực thay đổi cục diện trận đấu. 

- Một cầu thủ thiên tài như Maradona chạm bóng bao nhiêu phút trong một trận đấu? 
- Nói theo một cách nào đó, Maradona là linh hồn, là lối chơi, là tinh thần, là sức mạnh, và là tất cả của Napoli, nhưng ông không chạm bóng 10 phút, 20 phút, 30 phút hoặc hơn thế! Maradona chỉ cần 3 phút: 87 phút để quan sát, và chỉ 3 phút để định đoạt trận đấu
Đôi khi một tiền vệ số 10 vào sân như đi... biểu diễn. Mái tóc điệu đà như của Baggio, Del Piero, hay Carlos Valderrama, những vũ điệu ngúng nguẩy của Ronaldinho... có thể chỉ là chuyện ngoài chuyên môn, nhưng lại là một phần không thể thiếu của những nghệ sĩ sân cỏ thực thụ, những người sinh ra đã khác thường: Sinh ra để làm nên nghệ thuật.

Vào những năm đầu thế kỷ này, bóng đá thế giới đã trải qua một trong những biến động lớn lao nhất lịch sử: Sự thống trị và sụp đổ của vị trí số 10 cổ điển. Và những Kaka, Modric, Sneijder... ra đời như những sản phẩm đột biến của số 10 trong tính hình mới: Họ nhanh hơn, khoẻ hơn, chăm chỉ phòng thủ hơn, hoạt động rộng hơn, sút xa tốt hơn, và thậm chí là ít chấn thương hơn (cười). Một vài người trong số họ chỉ sở hữu rất ít phẩm chất nghệ sĩ đủ để sánh ngang với các tiền bối, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với thực trạng bóng đá giàu thể lực và tốc độ như hiện tại.

2. Tiền vệ tấn công thuần tuý (Attack Midfieder):

Tiền vệ công thuần tuý có thể được xem là vai trò cơ bản nhất của vị trí này. Đá cao nhất trong hàng tiền vệ, nhiệm vụ của các tiền vệ này thường là kết quả của sự kết hợp tiền vệ số 10 với tiền vệ điều phối trung tâm: Họ được quyền cầm bóng lâu hơn nhiều so với các vị trí khác để chờ đợi sơ hở của đối thủ, kỹ năng chạy chỗ và tăng tốc đoạn ngắn tốt để phá vỡ hệ thống phòng ngự, khả năng chuyền bóng sáng tạo (đương nhiên), và thái độ phòng thủ -đánh chặn từ xa hoàn toàn nghiêm túc.


Tiền vệ tấn công thuần tuý cũng khác với các vai trò khác cùng vị trí. Họ ít có tầm ảnh hưởng hơn, và không được hoạt động tự do lên phía trên như các tiền vệ số 10 cổ điển, hoặc lùi sâu và dạt cánh như tiền vệ kiến thiết trung tâm và số 10 hiện đại. Vị trí tấn công cũng là vị trí phòng thủ, và do đó, cầu thủ này không chỉ là một phần quan trọng trong các phương án tấn công trung lộ, mà còn là chốt chặn từ xa, tạo thời gian tái lập đội hình phòng thủ, và một điểm luân chuyển bóng có yêu cầu khắt khe về tốc độ, kỹ thuật, cũng như năng lực phán đoán (vì ở rất gần khu vực phòng thủ của đối phương) để đảm bảo cự ly đội hình.

Một vài tiền vệ tấn công thuần tuý còn có thể lực và khả năng dứt điểm từ xa tuyệt vời. Trong bóng đá, mối quan hệ bù trừ giữa thể lực và kỹ thuật (cũng như sức mạnh và óc sáng tạo) luôn được các HLV tận dụng triệt để. Và mẫu cầu thủ tiền vệ tấn công không có nhiều khả năng sáng tạo - kỹ thuật (so với các đồng nghiệp cùng vị trí) nhưng có thể lực vượt trội vẫn được ưa thích sử dụng để tạo ra những đột biến kinh người. Yaya Toure của Man City trong mùa giải cuối cùng của Roberto Mancini là một ví dụ.

3. Tiền vệ kiến thiết tấn công (Advance Playmarker):

Mẫu tiền vệ này đơn giản là một sản phẩm kết hợp giữa vai trò tiền vệ kiến thiết trung tâm với vị trí tiền vệ tấn công. Ở vị trí cao hơn, các tiền vệ kiến thiết bị buộc phải hoạt động nhanh hơn, chuyền bóng mạnh và chính xác hơn, đồng thời cũng phải nhạy bén hơn trong các pha đối đầu 1vs1, thậm chí là 1vs2, 1vs3. Các tiền vệ kiến thiết tấn công cũng có thể bị buộc phải tham gia phòng thủ khi cần, nhưng thường thì không mấy khi các cầu thủ này thực hiện nghiêm túc như khi thi đấu ở trung tâm. Đương nhiên, khi phải đối đầu với một số lượng cầu thủ đối phương đông hơn gấp nhiều lần và không gian mở rộng, việc cân bằng giữa phòng ngự từ xa và tổ chức đội hình luôn trở nên hết sức khó khăn.


Một vài tiền vệ kiến thiết tấn công còn được giao nhiệm vụ...kèm chặt một tiền vệ kiến thiết khác (thường là ở vị trí lùi sâu) như Xavi kèm Pirlo trong trận chung kết Euro 2012 vừa rồi. Nên nhớ, với một tiền vệ kiến thiết lùi sâu, nếu việc để hở họ chắc chắn là một sai lầm, thì việc bố trí một cầu thủ dâng cao để kèm chặt họ có thể lại là một sai lầm nghiêm trọng khác.

4. Tiền vệ... trụ tấn công (holding attack midfielder):

Mẫu cầu thủ hiếm hoi này là sản phẩm sáng tạo không thành của Roberto Mancini. Đương nhiên, đó cũng không hẳn là một thất bại: Yaya Toure không chỉ có những kỹ năng tuyệt vời cho vị trí tiền vệ đánh chặn đơn thuần như ở Barcelona, mà còn mang đầy đủ những phẩm chất để trở thành một cầu thủ tấn công toàn diện xuất sắc. Với Roberto Mancini, ông biến Toure từ một tiền vệ phòng ngự đến tiền vệ toàn diện trung tâm, tiền vệ con thoi để dần dần hình thành một cầu thủ có vai trò chưa từng có trong lịch sử bóng đá thế giới - tiền vệ...trụ tấn công. Tuy nhiên, cho đến nửa sau mùa giải cuối cùng của mình ở Man City, Mancini thậm chí đã nhận ra cầu thủ xuất sắc nhất trong đội hình của mình có thể làm được nhiều hơn thế trong vị trí tiền vệ tấn công thuần tuý.


Theo truyền thống, các tiền vệ trụ thường được yêu cầu đá khá thấp trong đội hình để bảo vệ hàng hậu vệ. Nguyên tắc này vẫn đúng với hầu hết các hệ thống chiến thuật đương đại, với Busquets ở Barcelona, Khedira ở Real Mardrid, Gustavo ở Bayern Munich, Flamini ở Arsenal... Tuy nhiên, một vài hệ thống với những yêu cầu rất riêng đã khiến vị trí này có một vài thay đổi. Tiêu biểu như AC Milan trong khoảng 2002 đến cuối thập niên trước, cùng với việc sử dụng "mắt bão" Andrea Pirlo cho vị trí tiền vệ kiến thiết lùi sâu, một cuộc cách mạng chiến thuật quan trọng của thế kỷ này, các tiền vệ trụ và nửa trụ (Gattuso và Seedorf) được yêu cầu đá cao hơn để làm tấm lá chắn cho tiền vệ kiến thiết (Pirlo) mặc sức sáng tạo.

Một tiền vệ trụ dâng cao sẽ là một chiến thuật nguy hiểm? Đúng! Nếu như tiền vệ con thoi là một quyết định mạo hiểm ở khu trung tâm, thì tiền vệ trụ tấn công với những ưu thế chưa thể đánh giá được là một mạo hiểm tương tự ở phía trên. Các cầu thủ thi đấu càng cao, không gian hoạt động càng rộng, và những ưu thế về mặt thể lực sẽ không còn thể hiện được toàn diện như khi phòng thủ trong một không gian hẹp hơn phía sân nhà. Nên nhớ: Khi bạn tấn công, bạn không thể kéo toàn bộ hàng hậu vệ lên phía trên để hỗ trợ cho những quyết định bám người mạo hiểm của mình. Một tiền vệ trụ tấn công có thể gây được áp lực lên hàng phòng thủ của đối phương và bảo vệ cho các tiền vệ công khác, hoặc tiền vệ trung tâm phía sau bằng sức mạnh, nhưng liệu như thế đã đủ để khiến một HLV mạo hiểm tước bỏ một vị trí tấn công chiến lược là tiền vệ công để đặt vào một chiến binh hay không?

Việc đẩy Yaya Toure lên rất cao liệu có phải là một biện pháp để bảo vệ Silva thi đấu dạt cánh? Có thể là như thế, hoặc không. Vì thử nghiệm của Mancini bị năng lực tuyệt vời của Toure kết thúc trước khi nó kịp phát huy hiệu quả, mọi thứ vẫn còn nằm trên lý thuyết.

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

[4-4-2 statszone] Những dấu ấn ở vòng 9 EPL

(Đường dẫn đến khung thành) - Torres xuất sắc, Man City yếu đuối ở hiệp 2, cái đầu của Fletcher và Tiki-Taka của Arsenal


Chelsea 2-1  Man City:
Torres ghi bàn thắng đầu tiên của mùa giải với cú dứt điểm thứ 13 kể từ đầu mùa.
El Nino cũng đã có pha kiến tạo thứ 13 cho Chelsea ở EPL, nhiều hơn số pha kiến tạo của chính anh ở Liverpool.
Tính riêng EPL, Torres chỉ có 2 lần sút trúng đích tính cho đến trước trận gặp Man City. Con số đó trong trận này là 3.
Chelsea là đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất trong 15 phút cuối ở giải ngoại hạng Anh (6).
82% số bàn thua của Man City là nằm ở hiệp 2. Đây cũng là con số cao nhất giải.


Swansea 4-0 West Ham:

Ashley Williams đã thực hiện 94 pha chuyền bóng trong trận này. Cầu thủ chuyền nhiều nhất bên phía West Ham là Mark Noble với 38 pha.
West Ham chỉ tung được 5 cú sút trong suốt trận đấu, 4 trong số 5 cú sút được thực hiện trong hiệp 1.
92% các pha chuyền bóng của Swansea trong trận này là chuyền ngắn. Đây là con số cao nhất vòng đấu.


Tottenham Hotspurs 1-0 Hull City

Tottenham là đội có số trận giữ sạch lưới cao nhất giải (6)
Tính từ đầu mùa giải trước, Soldado đã có 8 lần lập công từ 9 quả phạt đền.
Spurs tiếp tục đứng đầu EPL về tổng số quả ném biên dài trong mùa giải.
Spurs cũng là đội bóng có nhiều pha tắc bóng nhất vòng đấu (28 lần).


Sunderland 2-1 Newcastle United:

Tỉ lệ chuyền thành công trung bình của cả 2 đội trong trận này là 72%, thấp thứ 2 EPL tính cho đến thời điểm này.
Cả 2 bàn thắng của Stephen Fletcher mùa này đều được ghi bằng đầu. Trong số 11 bàn thắng của Sunderland mùa giải trước, không có bàn thắng nào được ghi bằng đầu.
Davide Santon đã tạo ra đến 6 cơ hội ghi bàn trong trận này, nhiều hơn gấp đôi bất kỳ cầu thủ nào khác  trong trận đấu.


Southampton 2-0 Fulham:

Fulham là đội bóng đầu tiên của giải năm nay không tung ra được bất kỳ cú sút nào trong suốt hiệp 1.
Fulham là đội thứ 7 không có bất kỳ cú sút trúng đích nào trong cả trận đấu.
Một mình Rickie Lambert sút trúng khung thành Fulham 3 lần, cả đội Fulham sút được 2 quả (tất cả đều ra trượt)
Southampton là đội có số lần đưa bóng trở lại trận đấu nhiều nhất vòng 9 (66)


Aston Villa 0-2 Everton:

Christian Benteke đá trượt quả penalty thứ 2 trong mùa giải. Một mình nắm giữ 1/3 số pha đá trượt penalty toàn EPL.
Seamus Coleman vươn lên vị trí thứ 3 trong danh sách những cầu thủ bị thổi phạt penalty nhiều nhất giải (2), sau Laurent Koscielny và Dean Moxey.
EPL năm nay chưa có đội bóng nào ở EPL chịu thủng lưới trước nhiều hơn Aston Villa (7).


Liverpool 4-1 West Bromwich Albion:

Liverpool đã trải qua 6 trận đấu liên tiếp bị thủng lưới.
Cộng thêm 2 pha dội xà trong trận này, Liverpool nghiễm nhiên vươn lên vị trí số 1 EPL về số pha sút trúng khung gỗ.
Liverpool sút trượt 3 quả phạt trực tiếp trong trận này, nhiều nhất vòng đấu.
Mặc dù đã có chiến thắng dễ dàng, nhưng Liverpool đã phải phá bóng ra ngoài biên đến 2 lần, nhiều nhất vòng đấu.


Manchester United 3-2 Stoke City:

Javier Hernandez đã ghi 5 bàn thắng trong tổng số 7 trận gặp Stoke City, chỉ ít hơn thành tích của anh với Wigan.
Marko Arnautovic là cầu thủ kết thúc khoảng thời gian "bất khả chiến bại trước các pha đá phạt" của M.U trên sân Old Trafford kể từ sau bàn thắng của Charlie Adam hồi tháng 5/2011.
Ở kỷ nguyên EPL, Old Trafford chỉ mới chứng kiến đội nhà bị ghi bàn 9 lần trong khoảng thời gian 5 phút đầu trận đấu, và bàn thắng của Crouch cũng là bàn thắng đầu tiên MU bị thủng lưới trong khoảng thời gian này kể từ tháng 8/2012.
Man United đã có 2 bàn thắng bằng đầu đầu tiên ở giải năm nay.
Tỷ lệ chuyền bóng trên phần sân đối phương của Man United trong trận này cũng là kỷ lục của vòng 9 (69%)
Stoke chỉ tạt bóng đúng 5 lần, nhưng cả 5 đều thành công.


Norwich City 0-0 Cardiff City:

Tỷ lệ kiểm soát bóng của Norwich trong trận này là 61%. Tính từ mùa giải trước, Chim hoàng yến đã không giành được bất kỳ chiến thắng nào trong số 11 trận đấu có tỷ lệ kiểm soát cao hơn 50%.
Norwich đã thực hiện 31 pha dứt điểm (kể cả những pha bị cản phá), nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào của giải sau 9 vòng đấu.
Cardiff là đội bóng phải nhận nhiều cú dứt điểm nhất giải tính đến thời điểm hiện tại (174).


Crystal Palace 0-2 Arsenal:

Mùa giải năm nay, Arsenal đã để cho các đối thủ sút ít nhất 10 lần mỗi trận. Với trận gặp Crystal Palace vừa rồi, con số đó là 13.
Chỉ thi đấu với 10 người trong 25 phút cuối trận, nhưng Arsenal đã có số đường chuyền cao kỷ lục của EPL năm nay (665)
2 pha chọc khe thành công trong trận này đã nâng tổng số các pha chọc khe của Arsenal lên 16, cao nhất giải năm nay.
Laurent Koscielny là cầu thủ có số đường chuyền dài thành công nhiều nhất vòng đấu (13)


Trúc Phong
dịch từ fourfourtwo

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Barcelona dưới thời Martino

(Đường dẫn đến khung thành) - La Liga đã đến rất gần với trận El Classico thứ 167, tờ Zonalmarking đã nói gì về Martino - HLV mới của Barcelona - trong những trận đấu đầu tiên của ông ở Barca?

Thực ra, trong khi hàng loạt các đội bóng lớn ở châu Âu tiến hành thay đổi HLV, Barcelona có lẽ đã không để cho Gerardo Martino và chính đội bóng của mình trở thành một phần của "trào lưu" đó nếu như Tito Vilanova, HLV của họ, gặp vấn đề về sức khoẻ.

Barcelona trước thời Martino:


Một trong những lý do quan trọng khiến cho nhiệm vụ của Martino ở Barcelona trở nên phức tạp hơn, và là lý do chủ yếu khiến cho HLV này được lựa chọn để thay thế người tiền nhiệm, đó là làm thế nào để thay đổi cách tiếp cận trận đấu cho đội bóng Catalan.

Điều này vốn dĩ ra là HOÀN TOÀN KHÔNG THỂ ĐƯỢC! Tuy nhiên, thất bại kinh hoàng 7-0 bất chấp việc kiểm soát hoàn toàn thế trận trong cả 2 lượt đấu với Bayern Munich ở bán kết Champions League mùa giải trước là một trong những cú sốc thực sự, khiến cho Barcelona buộc phải suy nghĩ lại về phong cách chơi bóng ưa thích của mình.

Trong các cuộc tranh luận về lối chơi, người Catalunya lo ngại rằng, sẽ có những Baryern thứ 2, thứ 3... sẽ tiếp tục đánh bại Barcelona trong tương lai nếu như họ không nhanh chóng cải tiến Tiki-Taka của mình. Thứ nữa, vấn đề về tranh chấp bóng bổng, các pha cố định, cuộc chiến thể lực và khả năng chơi bóng hai bên cánh cũng đều là những vấn đề luôn là nỗi ám ảnh của Tiki-Taka.

Thực ra, nếu như Vilanova không gặp vấn đề về sức khoẻ, trận đấu với Bayern có thể đã ít trở nên tồi tệ đến như thế. Người ta dễ dàng nhớ đến một thông điệp in trên áo trong của cầu thủ ghi bàn mặc dù nó chỉ diễn ra chưa đến 1 phút, nhưng lại không thèm nhớ đến việc chiếc ghế HLV của Tito Vilanova đã để trống đến tận 3 tháng tính đến trước trận đấu với Bayern. Tất nhiên, ông đã bị buộc phải trở lại băng ghế huấn luyện trong trận bán kết đó, nhưng có lẽ mọi thứ đã là quá trễ.

Với một CLB, việc để trống ghế HLV trưởng lâu đến thế có thể là một vấn đề thực sự: Cường độ tập luyện, sự tập trung của cầu thủ, tinh thần thi đấu của cả đội... Đó là chưa kể, trợ lý của Tito Vilanova, ông Jordi Roura có vẻ như không có đủ khả năng dẫn dắt đội bóng. Hẳn nhiên, không thể hạ thấp vinh quang trong chiến thắng của Bayern, nhưng ít ra, với một Barca toàn vẹn hơn, có lẽ họ sẽ không thể thắng tới 7 bàn như vậy.

Dù sao, các CLB đều phải rút ra được bài học từ những thất bại của mình. Và rõ ràng, Barca cần phải thay đổi.

Martino trước khi cập bến Barcelona:

Barcelona rõ ràng là muốn tìm kiếm một HLV có phong cách phù hợp với triết lý bóng đá của mình: Cầm bóng, pressing, và sử dụng sơ đồ 4-3-3. Và những điểm tương đồng rõ ràng trong tư duy bóng đá của Martino và Pep Guardiola khi cả hai cùng là học trò của Marcelo Bielsa là một trong những nền tảng thuyết phục. Như Jonathan Wilson từng nói:
Chơi bóng trong một đội hình sáng tạo và giàu cảm xúc của ông Bielsa năm 1992, Martino chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lý kiểm soát bóng, chạy chỗ, và pressing.

Ed Malyon của tờ Daily Mirror viết:
[Martino] là một HLV có phong cách phù hợp hoàn hảo với đội bóng chủ sân Camp Nou, một phong cách cân bằng hơn nhiều so với người thầy của mình (Bielsa) - người đã tạo ra hẳn một trường phái bóng đá - và giống như việc Pep Guardiola chịu ảnh hưởng từ Bilbao của Bielsa, Martino có lẽ sẽ biến Barcelona thành một phiên bản nâng cấp từ Newell của Bielsa ngày nào.






Mặc dù vậy, đội bóng của ông Martino còn có thể thể hiện một khuôn mặt hoàn toàn khác, như Paraguay phòng thủ kín kẽ ở  World Cup 2010 và Copa America 2011. Ở World Cup, họ đã suýt làm thay đổi cả chức vô địch khi Cardozo đá hỏng 1 quả penalty trong trận tứ kết với Tây Ban Nha, trận đấu mà hàng tấn công đội tuyển xứ Bò tót bị tê liệt hoàn toàn. Ở Copa, mọi thứ thậm chí còn tuyệt vời hơn khi Paragauy tiến thẳng đến chung kết với 5 trận hoà liên tiếp và nghiền nát theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng Uruquay trong trận chung kết bằng lối chơi pressing tổng lực. Đương nhiên, với một đội bóng như Barcelona, Martino chẳng việc gì phải chơi phòng thủ như vậy cả!

Rupert Fryer của SouthAmericanFootball.co.uk nói:

12 tháng cùng với "Boring-Paraguay", Martino đã cho cả thế giới thấy rằng, ông là một HLV rất biết cách thích nghi, rằng ông là người có thể bước ra khỏi cái bóng của chính mình để chơi bóng thực dụng bất cứ khi nào đội bóng cần.





Thay đổi lối chơi?

Đã có những thay đổi nhỏ trong lối chơi của Barca mùa này. Neymar đến, David Villa, Thiago Alcantara và Eric Abidal, những người đã không chơi quá 17 trận mùa trước, phải ra đi. Nhưng đội hình xuất phát của Barca gần như không thay đổi, và thay vì hướng ánh nhìn đến Neymar, mọi suy nghĩ đều tập trung vào triết lý bóng đá của Martino.

Cuộc tranh luận này càng trở nên sôi nổi sau chiến thắng 4-0 tại Rayo Vallecano vào tháng trước. Rõ ràng kết quả chẳng có gì khác biệt, nhưng Rayo dã cầm bóng đến 54% trong trận đấu đó. Nên nhớ, suốt từ thời của Pep Guardiola đến nay, Barcelona chưa bao giờ để bất kỳ đối thủ nào giữ bóng nhiều hơn trong một trận đấu.

Thống kê đó không nói lên rằng Barca đã thi đấu kém đi! Pedro Rodriguez đã ghi bàn từ một pha phản công mẫu mực khiến cho Carlo Ancelotti - HLV của Real, đối thủ trực tiếp của Barcelona phải thốt lên: "Thật ngạc nhiên! Một Barcelona chơi phản công!"

Cùng với việc tỉ lệ chuyền bóng chính xác của Barcelona trong trận đấu đó vẫn thuộc vào loại tốt nhất của họ trong vòng 5 năm trở lại đây, tỉ lệ kiểm soát thấp nói lên rằng, người Catalan đã thôi cố gắng giành lại quả bóng nhanh nhất có thể như họ đã từng làm trước đây.

Từ các cầu thủ:

Gerard Pique đã nói thế này trước khi Martino đến:
Chúng tôi đã chơi bóng dưới sự huấn luyện của các HLV homegrown trong nhiều năm qua với Pep và Tito. Triết lý chơi bóng của chúng tôi được phát huy triệt để đến mức cả đội bóng gần như đã trở thành nô lệ cho nó. Và giờ đây, Tata đến.Ngoài triết lý bóng đá gần tương tự về khả năng cầm bóng, ông ấy còn mang đến cho chúng tôi những cách thức tiếp cận trận đấu mới mẻ hơn trong một số trường hợp. [Giả như], nếu đội bóng đang chịu áp lực tấn công, một pha bóng dài lên phía trên để kéo lùi đối thủ lại và cho bạn thêm thời gian để...thở là điều cần thiết.

Nếu như chúng ta có thể phản công thì tốt hơn nên tận dụng điều đó. Toàn đội đang cần phải cải thiện ở một vài chỗ, và mỗi cầu thủ đều phải nắm cho được điều mà HLV thực sự muốn họ làm. (Cesc Fabregas)

Càng có nhiều cách tiếp cận trận đấu càng tốt! Một lúc nào đó, bạn sẽ thấy rằng có một số cách giải quyết trận đấu tốt hơn là chuyền bóng lòng vòng bên ngoài vòng cấm địa, kiểu như là sẽ "đổ xe bus 2 tấng" trước khung thành và sẵn sàng tung những pha phản công chết người. (Messi)
















Một số người sẽ cảm thấy không hài lòng khi Barcelona đã không thể chiến thắng về tỷ lệ chuyền bóng trong trận đấu với Vallecano. Emiliano Contreras của tờ Marca đưa ra 5 câu hỏi về phong cách của Martino(1), trong đó có 2 câu quan trọng là: Tại sao Azulgranas lại từ bỏ khả năng kiểm soát bóng vượt trội đã từng đưa họ lên đỉnh cao thể giới? Tại sao vai trò của những cầu thủ như Xavi và Iniesta lại trở nên ít quan trọng chưa từng thấy như vậy? Điều đó khẳng định rằng, Rayo đã thực sự vượt qua Barca trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát bóng nhờ những đường chuyền được phát động từ những vị trí rất thấp.


Bản sắc:

Để biết vấn đề bản sắc của Barcelona dưới thời Martino, trước tiên cần phải nắm rõ về cái cách mà hệ thống cũ của họ đã hình thành. Từ kết quả của những tình huống ngẫu nhiên cho đến hình thành một bản sắc thi đấu độc đáo nhất của bóng đá hiện đại.

Khởi nguyên của nó, đương nhiên, là từ Guardiola, một fan cuồng nhiệt của đội bóng xứ Catalan từ khi còn nhỏ, và được chính tay Johan Cruyff đưa vào đội trẻ, giao cho vị trí tiền vệ kiến thiết trung tâm. Về sau, khi sự nghiệp bắt đầu xuống dốc, ông vẫn tiếp tục khẳng định niềm tin về lối bóng đá ban bật (passing football). Khi trở thành HLV, ông có 1 năm ở Barcelona B để từng bước củng cố niềm tin cho chính mình và CLB. Và Pedro và Sergio Busquets là những trái ngọt đầu tiên.

Với đội 1, ông đã sử dụng một đội hình "cây nhà lá vườn" hoàn toàn, từ thủ môn cho đến các hậu vệ, tiền vệ, và tiền đạo. Bộ ba "tiền vệ nguyên tử" của ông không chỉ là những cầu thủ xuất sắc của La Masia, mà còn là những người coi ông là thần tượng. Cesc Fabregas trở về quê hương với mong muốn được khoác trên mình chiếc áo số 4 lẫy lừng của ông. Cuối cùng, Tito Vilanova, với gene La Masia, sắm vai hoàn hảo trong vai trò trợ lý.

Đó là điều mà không ai không biết. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã nhắc đi nhắc lại đến hàng nghìn lần trong suốt 5 năm qua.

Nhưng liệu có một Culé, hay thậm chí là cổ động viên trung lập nào lại cảm thấy vui mừng khi thứ bản sắc phải mất đến hàng nhiều thập kỷ để hình thành của đội bóng Tây Ban Nha lại dễ dàng bị một kẻ ngoại đạo từ Argentina xa xôi khước từ? Barcelona của Pep Guardiola sẽ chết và có lẽ sẽ phải mất mười năm, hai mươi năm, hay thậm chí là ba mươi năm và xa hơn nữa, một đội bóng siêu việt như thế mới có thể được hồi sinh. Martino vẫn sẽ khai thác được những điểm mạnh của Barcelona, nhưng đơn giản, ông không phải là người của La Masia.

"Các bạn đang có 1 HLV không đến từ La Masia hoặc Hà Lan" - Martino nhẹ nhàng khẳng định.

Phòng thủ:

Một lý do khiến đội hình của Martino bị nghi ngờ nhiều hơn hai người tiền nhiệm là vì ông (hoặc CLB) đã không ký hợp đồng bất kỳ một trung vệ mới nào trong kỳ chuyển nhượng vừa qua. Hai HLV trước đó có thể đã có Javier Mascherano, Alex Song, Sergio Busquet để trám vào vị trí trung vệ khi cần, nhưng đó là khi Gerard Pique không trồi sụt phong độ, Carles Puyol không gặp vấn đề thể lực, và Eric Abildal chưa ra đi.

Một cách nhìn khác, rõ ràng, Barcelona đang cố gắng tiếp tục phát huy những điểm mạnh của mình, thay vì giải quyết những điểm yếu. Điều này rõ ràng khiến cho Barcelona trở nên thú vị hơn từ góc nhìn chiến thuật. Thực tế mà nói, có vẻ như mọi chuyện đang biến chuyển theo chiều hướng ít kỷ luật hơn, đặc biệt là với một Alex Song đã thi đấu không tốt suốt mùa giải đầu tiên của mình.

Điều tích cực nhất ở đây có lẽ là sự kỳ vọng vào một Marc Bartra đang tiến bộ rất nhanh.

Thực ra, không thể đánh giá hàng phòng thủ Barcelona theo kiểu cô lập quan hệ giữa các tuyến như thế được! Rõ ràng là theo chiến thuật tổng thể, Barcelona đã không quá cần một trung vệ khi họ đang cầm bóng. Lập luận của Guardiola là, các tiền vệ của ông có thể đảm nhiệm vai trò này hoàn hảo: Trong một đội hình dâng cao, các trung vệ phải thường xuyên chơi bóng ở... giữa sân, và hậu vệ chỉ đơn giản là một khái niệm về vị trí (chứ không phải vai trò), hoán chuyển vị trí và chạy chỗ là tất cả những gì cần thiết để làm hệ thống phòng thủ trở nên hoàn hảo.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đội bóng cũng nắm quyền kiểm soát bóng. Và sự yếu kém của vị trí trung vệ sẽ lộ rõ khi đội bóng không áp đặt được lối chơi lên đối thủ. Và nếu Martino không cảm thấy phiền lòng khi đội bóng của ông phải chịu áp lực tấn công từ đối thủ, như trận gặp Rayo, thì một trung vệ thực sự là điều cần thiết. Tương tự như vậy, nhiều người cũng cho rằng nếu Barcelona cần một kế hoạch B cho các phương án tấn công khi cách tấn công cũ bị vô hiệu hoá, thì họ cũng cần phải có 1 trung vệ đích thực nào đấy. Đại loại thế.

Pressing:

Tiếp theo sau, ta phải xét xem Barcelona đá pressing đến mức nào. Martino từng là 1 HLV cực kỳ thích lối đá pressing toàn cục khi còn là HLV ở Argentina. Hệ quả là, một vài ngôi sao ít có thói quen phòng thủ như Messi cũng được yêu cầu phải pressing tích cực hơn. Messi chịu phòng thủ một cách chăm chỉ, đó thực sự là một thay đổi quan trọng.

Nhưng Paco Remez, HLV của Rayo, cũng thừa nhận rằng, đội bóng của ông đã cầm bóng tốt hơn vì Barca chủ động đá thấp thay vì gây áp lực. Barca của Martino đã cho thấy sự linh hoạt trong lối chơi thay vì chăm chăm cướp bóng bằng mọi giá như trước đây: "Rất khó để pressing khi đối phương chơi bóng dài, vì thế, điều quan trọng là anh cần tập trung khi bóng đã vượt qua phần sân nhà."

"Pressing không chỉ phụ thuộc vào cách bạn tập luyện, mà còn phụ thuộc vào niềm tin và động lực chơi bóng của các cầu thủ." Theo Guardiola, cả đội thường bắt đầu mệt mỏi khi bước sang mùa xuân, và gần như kiệt sức khi bước sang giai đoạn sau của Champions League. Barcelona có thể pressing mãi? Jonathan Wilson cho rằng, thật là quá hi hữu khi một đội bóng chơi pressing tích cực như Barcelona lại có thể thống trị bóng đá châu Âu trong 3 năm liên tiếp. Thực sự, với chức vô địch La Liga thứ 5 trong kỷ nguyên của mình, Barcelona có vẻ đã hụt hơi khá nhiều so với danh hiệu thứ tư, danh hiệu cuối cùng dưới thời Guardiola. Có vẻ như Barcelona đã bắt đầu thay đổi thói quen, pressing tích cực hơn ở một số trận đấu, và thụ động hơn ở các trận còn lại.

Bóng bổng:

Barcelona hoàn toàn yếu đuối với những pha bóng bổng. Trong chiến thắng 3-2 trước Sevilla ở Nou Camp, Barcelona tỏ ra dễ bị tổn thương đến kinh ngạc trong các tình huống cố định. Trong trận gặp Valencia cũng tương tự, Helder Postiga bắt vô lê từ một pha tạt bóng và đánh đầu ở góc gần đã suýt khiến Barcelona phải ngậm ngùi chia điểm.

Điều này có nguyên nhân hoàn toàn dễ hiểu: Các hậu vệ của Barca thiếu chiều cao. Ngoài ra còn có một vấn đề khác: Tại sao Martino lại quyết định thay đổi hệ thống phòng thủ khu vực thành hệ thống 1 kèm 1 trong các pha phạt góc? Không phải Barcelona ít chiến thắng trong các pha đối đầu trên không hơn trước, mà là số lượng các pha đối đầu tăng lên, hệ quả là họ thủng lưới gần gấp đôi so với thời gian trước.

Sự kết hợp của 3 yếu tố: Chủ động chơi thấp, thiếu sự bổ sung vào vị trí trung vệ và thay đổi hệ thống phòng ngự khiến Barcelona giành nhiều thời gian hơn cho phòng thủ, và có lẽ, sẽ dễ bị thủng lưới hơn. May mắn là Victor Valdes đang có phong độ rất tốt.


Tiền vệ:

Sergio Busquets có thể là cầu thủ quan trọng  thứ 2 của Barcelona (sau 1 người quá hiển nhiên là Messi), trong thời gian gần đây, vị trí đó càng được củng cố. Anh gần như đã đóng những vai trò hoàn toàn khác nhau trong mỗi trận:

- Trận thắng 4-1 trước Real Sociedad, anh đá lùi sâu đến mức gần như là một trung vệ thứ 3 (một phần do Real Sociedad chơi 2 tiền đạo - điều khá hiếm ở La Liga), nhưng trong trận đó, anh chỉ đơn thuần là đá thấp hơn thay vì làm biến đổi toàn bộ cấu trúc đội hình thành 3-4-3 như thời Guardiola.

- Busquets cũng có thể chơi pressing tuyệt hay. Trong chiến thắng 3-2 trước Valencia, anh đoạt bóng từ một vị trí rất cao trong đội hình trước khi chuyền bóng cho Neymar dứt điểm. Một pha bóng tương tự ngay sau đó đã tạo điều kiện cho Fabregas chọc khe, và Messi mở tỉ số.

- Trận gặp Sevilla, Busquets đá rất rộng trước khi cắt bóng. Kết quả là Iniesta kiến tạo cho Alves ghi bàn.

Busquets thực sự quan trọng ở 2 khía cạnh chủ yếu: Bảo vệ các trung vệ khỏi các pha tấn công của đối thủ và hỗ trợ các tiền vệ trong vai trò tạo áp lực. Thể lực sung mãn và óc phán đoán vị trí khó ai bì kịp bên trong anh chính là món quà vô giá với chiến thuật phòng thủ của Barcelona.


Quay trở lại câu hỏi của  Contreras Emiliano, rằng tại sao Xavi và Iniesta lại ít quan trọng hơn dưới thời Martino. Ta có thể thấy rằng, hai cầu thủ này đã không hoàn toàn là chính mình trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp nữa.

Phong độ của Iniesta vẫn rất tốt. Thống kê mùa giải vừa rồi cho thấy, số pha kiến tạo của anh đã cao đến kỷ lục. Điều này khiến người ta không ngừng ngạc nhiên, rằng vì sao trước đây anh lại có ít cơ hội tạo ra đường chuyền quyết định đến như vậy.

Nhưng Xavi thì không thể chiến thắng gánh nặng tuổi tác lâu thêm nữa. Anh vẫn là một cầu thủ tuyệt vời. Có lẽ vẫn còn ở đẳng cấp thế giới. Phong độ của Xavi từ 2008 đến 2011 thực sự quá ấn tượng: Một tiền vệ phi thường, ông chủ của hầu hết mọi trận đấu lớn anh có mặt. Như trận thắng 6-2 trước Real Madrid hồi 2009, Xavi có 4 pha kiến tạo và tỷ lệ chuyền bóng gần như tuyệt đối. Mùa giải tiếp theo, nếu như Casillas không chiến thắng Messi 2 lần trong các pha đối đầu, số bàn kiến tạo của Xavi có lẽ là 4 chứ không phải "chỉ" 2. Trận bán kết World Cup 2010 gặp Đức, anh di chuyển nhiều nhất, chuyền bóng nhiều nhất, và là tác giả của pha kiến tạo dẫn đến bàn thắng duy nhất. Đó mới chỉ là 3 ví dụ.


Xavi có lẽ chỉ hơi sa sút một chút. Nhưng chừng đó là quá đủ để Martino có quyền hoài nghi về khả năng chuyền bóng của cả đội. Lẽ ra, đây là thời điểm Xavi nên dừng bước, và nhường vị trí cho một cầu thủ sẽ thay thế anh trong tương lai. Nhưng Fabregas, người được kỳ vọng sẽ thế chỗ Xavi, lại không phải mẫu cầu thủ của những đường chuyền siêu kỷ luật như anh. Fabregas thích chuyền bóng sáng tạo hơn. Và đó là lý do người nhạc trưởng già vẫn phải ở lại.

Mất Thiago có lẽ là một sai lầm. Cầu thủ 22 tuổi này đã quyết định sẽ trở thành một tiền vệ trung tâm hàng đầu của Pep Guardiola ở Bayern thay vì là một tiền vệ trung tâm hàng đầu của Barca. Trao cơ hội cho Song và đẩy Busquets lên cao hơn có lẽ là một quyết định dễ hiểu.

Vì sao ảnh hưởng của Xavi vẫn cứ bị hẹp lại trong khi tỷ lệ chuyền bóng chính xác của anh (93%) vẫn cao nhất La Liga? Nếu như hầu hết mọi trận đấu lớn của Barcelona gần như đều cầu mong đến khả năng chiến thắng vấn đề tuổi tác và đẳng cấp quá khứ của Xavi, Martino tốt hơn hết nên bắt đầu tìm kiếm một phương án giải quyết trận đấu khác, nếu không, tất cả sẽ trở thành quá trễ.

Thực tế, Xavi và Iniesta chỉ mới cùng xuất hiện 1/2 số trận đấu chính thức của Barcelona mùa này.

Pedro và Sanchez:

Pedro vẫn luôn là cầu thủ tấn công phù hợp nhất của Barcelona. Anh không có tài như Messi, Neymar, Henry, Ibrahimovic, Eto’o hay Villa, nhưng anh biết mình cần phải làm gì, ở đâu, khi nào cần gây áp lực, khi nào cần chạy chỗ, và chạy chỗ như thế nào... vì anh luôn là một phần thống nhất của đội bóng. Anh có thể vui vẻ làm chim mồi để Messi mặc sức toả sáng, nhưng cũng có thể lập hattrick khi cần. Với một Barcelona chơi phản công, Pedro có thể sẽ còn toả sáng nhiều hơn nữa.

Mặc dù đôi khi cũng toả sáng, Sanchez vẫn gây thất vọng. Anh không có đủ những kỹ năng cần thiết (đúng ra là những kỹ năng phù hợp) để tương thích với lối chơi cả đội. Nhiều lần, lối chơi của Neymar và Messi khiến anh phát cáu. Vì sao ư? Vì đối với anh, học tập cách chơi bóng của Pedro: Ít cá nhân hơn, và đơn giản hơn. Dù sao, hành động chấp nhận làm mồi nhử để Messi ghi bàn trong trận gặp Ajax khẳng định rằng, anh có thể thay đổi.

Vì những khác biệt về lối chơi, Pedro chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn trong những trận đấu quan trọng, như El Classico, còn với những đối thủ như Sociedad, thì để Sanchez đá cạnh Messi và Neymar cũng chẳng có vấn đề gì.

Neymar

Neymar là một cầu thủ cực kỳ tài năng, cũng là người có khả năng chơi bóng rất đồng đội. Anh vừa thể hiện được kỹ năng điều khiển bóng tuyệt vời, vừa có thể phối hợp hoàn hảo với Messi để đảm bảo không "lấn át" thiên tài người Argentina.

Điều đáng tranh luận là: Liệu một người như Neymar có cần thiết cho Barcelona của Messi hay không? Câu trả lời là có. Sự thiếu vắng Messi trong một số trận đấu quan trọng của Barcelona mùa giải trước đã chỉ ra rằng, đội bóng cần một nhóm siêu cầu thủ trong đội hình thay vì quá phụ thuộc vào Messi. Và hẳn nhiên, nếu Messi không thích điều này, HLV có thể lý giải rằng, Neymar có xu hướng dạt trái nhiều hơn, và khu trung tâm cũng như lệch phải vẫn là thánh địa của Messi.

Khi Messi vắng mặt, Neymar lập tức trở thành trung tâm của mọi đường lên bóng - điều mà không phải cầu thủ tấn công tài năng nào cũng có thể ngay lập tức thích ứng. Danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận trong chiến thắng 4-1 trước Valladolid với 1 bàn và 1 pha kiến tạo là minh chứng cho thấy phẩm chất thiên tài đó trong anh.

Messi:

Messi nói, anh thực sự rất phấn khích khi người đồng hương đến từ Rosario là Martino đến làm HLV cho Barcelona. Trước khi ông đến, số 10 của Barca đã không tiếc lời ca ngợi HLV này.

Nhưng vấn đề của Messi là anh đã bị thay ra đến 2 lần trong 2 trận đấu chính thức của Barcelona gần đây. Sự thật là Messi không thích bị thay ra, chí ít là anh muốn nâng cao kỷ lục ghi bàn của mình. Nhưng Martino không nghĩ thế! Ông muốn bảo vệ anh khỏi những chấn thương không cần thiết.

Messi không chấn thương đã là một món quà tuyệt vời dành cho Barca. Trên thực tế, anh rất ít khi chấn thương. Nhưng mùa giải trước, chấn thương hi hữu của anh đã khiến Barcelona gặp khó khăn vào giai đoạn sau của Champions League. Và Martino sẽ không muốn gặp lại xui xẻo đó. "Tôi có nhiệm vụ phải bảo vệ các cầu thủ của mình. Đặc biệt là anh ấy. Messi quá quan trọng cho những thời điểm quyết định của đội bóng."

Một điểm thú vị khác là vai trò của Messi trong đội hình. Không có bất kỳ một nghi ngờ nào về vị trí tốt nhất dành cho Messi khi nhìn thấy những kỷ lục ghi bàn mà anh lần lượt xô đổ vào khoảng 2 mùa giải trở lại đây. Trong mùa giải cuối cùng của mình, đôi khi Guardiola cũng cho Messi đá hẹp hơn, và nhường vị trí "số 9 ảo" cho Sanchez, nhưng đó chỉ đơn thuần là những thử nghiệm.

Câu hỏi được đặt ra là, liệu Messi có được phép chơi như 1 "số 9 ảo" như dưới thời của Guardiola hay không? Trước đây, trong sơ đồ không tiền đạo thực sự, Messi thường được xếp lệch phải. Eto'o hoặc Henry (sau này là Villa và Pedro) được yêu cầu đá cao hơn, thu hút các hậu vệ cánh và tạo khoảng trống cho cầu thủ người Argentina di chuyển vào trung tâm để chơi như một "số 10" thay vì "số 9".

Nhưng mọi thứ đã thực sự thay đổi. Ngày nay, người ta hiếm khi nhìn thấy Messi chơi bóng kiểu như thế. Anh vẫn tham gia lên bóng, vẫn phối hợp và là một phần của hệ thống, nhưng anh ở lại vị trí cao nhất trên hàng công lâu hơn, và gần như trở thành một tiền đạo thuần tuý. Nghe có vẻ bình thường, nhưng vị trí mới của anh lại là một trong những cuộc cách mạng chiến thuật thực sự.

Trong những trận đấu cân bằng, Messi đá lùi sâu hơn để thực hiện vai trò kép: Vừa hỗ trợ xây dựng lối chơi, vừa xâm nhập vòng cấm để dứt điểm. Bàn thắng thứ 3 trong trận gặp Valencia là một trong những ví dụ cụ thể: Có Messi, Barca chiếm ưu thế hoàn toàn về số lượng tiền vệ trước khi trực tiếp ghi bàn. Ngoài ra, anh cũng có thể để mặc các tiền vệ phía sau thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh thế trận để thi đấu như một tay săn bàn thuần tuý.

Với Martino, Messi thi đấu gần giống một tiền đạo thực sự hơn bao giờ hết: Anh thực hiện ít hơn khoảng 10 đường chuyền/trận so với trước đây, nhưng lại sút nhiều hơn một ít.

Sơ đồ:

Ban đầu, Guardiola là 1 HLV trung thành của sơ đồ 4-3-3. Nhưng về sau, cùng với sự phát triển của lối chơi toàn đội và sức mạnh của "số 9 ảo", ông lần lượt thử nghiệm 3-4-3 với hàng tiền vệ kim cương, và thậm chí là 3-3-4. Guardiola luôn tìm mọi cách đẩy cao đội hình để chơi một thứ bóng đá tấn công mạnh mẽ, đè bẹp mọi đối thủ.

Với Martino, ông vẫn chưa có ý định rời khỏi 4-3-3. Có vẻ như Barcelona của ông ít di chuyển hoán đổi vị trí , yếu quyết của lối chơi cầm bóng áp đặt trận đấu của Guardiola. Và vì thế, ngoài sự phối hợp giữa Pedro và Alves, về mặt sơ đồ chiến thuật, Martino không tạo được nhiều ấn tượng.

Busquets đá thấp, Messi nhô cao, nghĩa là hình dạng sơ đồ của Barca gần như cố định. Một vài trận đấu đầu mùa giải đã cho thấy, có vẻ như chỉ có một mình Fabregas, cầu thủ đang thể hiện rất tốt trong mùa này, là được phép chơi tự do. Nhưng liệu anh ta có được chơi tự do như thế trong những trận đấu lớn? Gần nhất là El Classico tối nay?

Ta vẫn chưa thấy được, đội hình của Martino sẽ chống lại các đối thủ lớn như thế nào. Và vì thế, sẽ rất thú vị khi chờ đợi những biến thể chiến thuật của ông lần lượt xuất hiện. Một trong số đó là đặt Iniesta vào một vị trí tự do khác để kết hợp với Fabregas, nhưng trong trường hợp đó, ông phải hi sinh Neymar.

Messi cũng không thích bị kéo ra khỏi vị trí ưa thích của mình. Và vì thế, có thể Martino sẽ bị chê trách vì có quá ít các phương án sắp xếp, nhất là khi Champion Leagues bắt đầu vòng đấu Knock out, và các kế hoạch A đều lẫn lượt bị bắt bài.

Chuyền dài?

Barca đã chuyền dài nhiều hơn, giống như cái cách mà họ đã làm trước khi Guardiola đến, thời mà họ kiểm soát bóng một cách tự nhiên và không hoàn toàn bị ám ảnh bởi nó. "Chúng tôi không muốn thay đổi phong cách chơi bóng của CLB. Nhưng Rafael Marquez hồi 5 năm trước cũng rất hay chuyền dài" - Martino nói - "Nghĩa là chúng tôi đang mở rộng lối chơi thay vì thay đổi nó"


Victor Valdes đã tung ra đến 20 đường chuyền vượt tuyến trong chiến thắng 4-0 trước Rayo Vallecano, và 16 đường chuyền trong số đó không có địa chỉ cụ thể" - Guillem Balague nói.

Martino lý giải: "Rayo đá ép sân rất tốt, và thật khó để tiếp tục sử dụng những đường chuyền ngắn. Chúng tôi đã có những phương án chuyền dài, và đấy là lúc sử dụng chúng."


Tỷ lệ chuyền dài của Barcelona thực ra là thấp hơn mùa giải trước. Nhưng điều làm họ trở nên khác biệt là những đường chuyền vượt tuyến để tấn công trực tiếp đối phương. Chiến thắng 1-0 trước Celtic là một ví dụ điển hình.

Việc sử dụng những đường chuyền vượt tuyến để xé toang hàng phòng ngự đối phương không chỉ giúp cho Barcelona tận dụng triệt để những điểm mạnh của Neymar, Fabregas, Pedro, và Sanchez, mà còn là tiền đề để họ có cơ hội dứt điểm nhiều hơn so với trước. Hẳn nhiên, hậu quả là họ sẽ không dễ dàng kiểm soát bóng như trước, và triết lý "giữ bóng để phòng ngự và tấn công" sẽ không còn sử dụng được nữa.

Kết luận:

Trong những trận đấu đầu tiên, rõ ràng, Martino đang tìm mọi cách để hoà hợp phong cách chơi bóng đã từng giúp Barcelona lên đỉnh thế giới với những cách thức tiếp cận trận đấu đa dạng hơn: Đầu tiên là cách thức chuyền và luân chuyển bóng, cố gắng giữ tỉ lệ giữ bóng ở mức cao nhất, nhưng tăng cường các pha chuyền vượt tuyến để tấn công hoặc giải toả áp lực cho tuyến sau; tiếp theo là tháo bỏ chút ít tính kỷ luật ở hàng tiền vệ để bổ sung vào đó một cỗ máy tấn công thực sự (Messi). Pressing vẫn là một phần quan trọng trong lối chơi của Barcelona, nhưng có thể sẽ không được sử dụng trong một vài thời điểm để duy trì thể lực; phản công cũng được bổ sung vào hệ thống vận hành.

Hẳn nhiên, tất cả chỉ mới là bắt đầu, và Barcelona còn cần phải đợi đến những trận El Classico và các đối thủ thực sự ở Champions League mới có thể chứng minh được sức mạnh. Nhưng có lẽ, Barcelona đã thực sự tìm thấy một HLV hoàn hảo cho mình - người hiểu rõ khả năng của đội, nhưng đủ tỉnh táo để phá vỡ truyền thống trong một khoảnh khắc để biến đội bóng trở nên khó lường hơn.

-------------
(1) 5 câu hỏi của Emiliano:
1/Tại sao vai trò của những cầu thủ như Xavi và Iniesta lại trở nên ít quan trọng chưa từng thấy như vậy?
2/ Tại sao Victor Valdes nhiều lần được chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trong một đội hình ra sân có rất nhiều cầu thủ hàng đầu thế giới?
3/  Tại sao Azulgranas lại từ bỏ khả năng kiểm soát bóng vượt trội đã từng đưa họ lên đỉnh cao thể giới?
4/ Sau từng ấy năm, tại sao đây mới là lần đầu tiên chúng ta nghe Messi nói rằng "có thể sẽ có một ngày chúng tôi cần phải đỗ "xe bus 2 tấng" trước khung thành?
5/ Tại sao Pique cảm thấy mình cần phải khẳng định: "Chúng tôi đã là nô lệ của Tiki-Taka"?

Trúc Phong
Dịch từ: Zonalmarking

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Bóng đá tổng lực

(Đường dẫn đến khung thành) - Bóng đá Tổng lực (Tiếng Anh: Total Football,tiếng Hà Lan:  Totaalvoetbal) là triết lý bóng đá nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn nhất với bóng đá thế giới trong nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
ĐTQG Hà Lan
Khác với Tiki-Taka, Catenaccio hoặc Joga Bonito là những triết lý bóng đá gắn chặt với tên thổ ngữ thuần tuý (không ai gọi Tiki-Taka là Bóng đá ban bật-chạy chỗ, hoặc Catenaccio là Bóng đá then cửa, tương tự với Bóng đá đẹp mắt và Joga Bonito), Bóng đá Tổng lực đơn giản và phổ biến đến được dịch ra  hoàn toàn trong hầu hết  ngôn ngữ trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, triết lý bóng đá nổi tiếng này được hình thành để chống lại sức mạnh phòng thủ khủng khiếp của Catenaccio Italia. Và thực tế, Bóng đá Tổng lực của Ajax, và sau đó là Hà Lan những năm đầu thập niên 70 đúng là tác nhân chủ yếu khiến Catenaccio nguyên thuỷ bị huỷ diệt hoàn toàn.


Cha đẻ của Bóng đá Tổng lực, ông Rinus Michels từng có một phát biểu kinh điển: “"Bóng đá cũng như chiến tranh vậy, bất cứ ai cư xử quá chuẩn mực đều thất bại”. Thứ bóng đá mà ông sáng tạo ra cho CLB Ajax và sau đó là tuyển Hà Lan là một kỳ quan chiến thuật thực sự: Ở đó, mọi cầu thủ đều có khả năng chơi ở nhiều vị trí khác nhau (nếu không muốn nói là tất cả các vị trí ngoại trừ thủ môn). Điều đó có nghĩa là, bản chất của bóng đá tổng lực là toàn diện và bù khuyết chứ không phải toàn bộ đội hình dâng cao mặc dù lối chơi của người Hà Lan và Ajax thời kỳ đó cũng gần tương tự.

1. Vận hành chiến thuật:

Bóng đá tổng lực thành công nhờ một hệ thống vận hành cực kỳ trơn tru giữa những cầu thủ siêu đa năng trong đội hình. Có hai nguyên tắc cốt tuỷ trong hệ thống này: 

Thứ nhất, một cầu thủ bất kỳ trên sân bóng (trừ thủ môn) được phép di chuyển rất rộng ra khỏi vị trí của anh ta trong sơ đồ chiến thuật, và lỗ hổng nơi anh ta rời khỏi sẽ ngay lập tức được lấp đầy bằng một cầu thủ khác ở vị trí gần đó (ghĩa là, trong một trận đấu, sẽ có vô số trường hợp tiền vệ sẽ đá hậu vệ, tiền đạo lui về làm tiền vệ, đại loại thế)

Johan Cruyff từng nói: 

Bóng đá tổng lực là gì ư? Rất đơn giản! Đó là cả 10 cầu thủ trong đội đều có khả năng chơi tốt ở tất cả các vị trí trên sân. Vì thế, nếu một hậu vệ lao lên phía trên, một tiền vệ sẽ lấp vào vị trí của anh ta và biến thành một hậu vệ.
Johan Cruyff
Việc phá huỷ cấu trúc vị trí cố định và xoay vòng (swap) cầu thủ liên tục khiến cho mọi trận đấu có mặt người Hà Lan đều giống như một canh bạc chết chóc. 

Xáo trộn sơ đồ vị trí có thể khiến hệ thống phòng ngự của đối phương hoàn toàn bị tê liệt do phải cuốn theo vô số kiểu di chuyển hoàn toàn khác nhau và không theo bất kỳ quy luật nào. Điều này đặc biệt càng phát huy hiệu quả trong thời đại của Catenaccio: Hệ thống phòng thủ 1 kèm 1 (man-marking) sẽ không có cách nào giữ được kỷ luật và an toàn cho khu vực cấm địa trong trường hợp đối phương hoán vị liên tục. 

Tuy nhiên, xáo trộn vị trí cũng có thể gây hại cho chính bản thân mình: 

- Một là, hoán vị liên tục khiến cho chính hệ thống chiến thuật của mình đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Nhãn quan chiến thuật và khả năng tập trung của cả 9 cầu thủ còn lại (ngoài cầu thủ vừa bắt đầu di chuyển tự do) bị buộc phải phát huy cao độ trong suốt thời gian thi đấu. Một sai lầm đơn giản của chỉ một người không chỉ khiến đội bóng bị mất khả năng tấn công, mà còn khiến cả đội đứng trước nguy cơ vỡ trận. 

- Hai là, ngay cả khi mỗi cầu thủ đều có khả năng chơi bóng tốt ở tất cả các vị trí, thói quen thi đấu, kỹ năng sở trường… của mỗi người đều hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác, cầu thủ kiến thiết (playmarker) phải đảm nhiệm một vai trò lớn hơn đúng 10 lần so với thông thường chưa tính những khó khăn khi anh ta phải kiến thiết trận đấu ở vị trí không thuận lợi.

Với vấn đề thứ nhất, Rinus Michels đã giải quyết cực kỳ tốt bằng những cầu thủ tuyệt vời mà sau này được mệnh danh là “những chiếc đồng hồ da cam” (ám chỉ độ chính xác của những đường chuyền và khả năng tập trung thi đấu). Và vấn đề thứ 2, cách giải quyết thậm chí còn đơn giản hơn: Ở Ajax, Barcelona, và tuyển Hà Lan thời bấy giờ, Rinus Michels sở hữu một siêu cầu thủ kiến thiết thực sự với khả năng sử dụng 2 chân như 1 và kỹ năng chơi bóng như có ma thuật, thiên tài Johan Cruyff.

Nguyên tắc thứ hai, đội bóng sử dụng bóng đá tổng lực thực sự phải là một đội bóng chơi tấn công. Cả Ajax lẫn Hà Lan đều gần như chỉ chơi bóng trong…nửa phần sân của đối phương. Việc dâng rất cao đội hình khiến cho họ buộc phải sử dụng bẫy việt vị như là biện phảp phòng thủ ưu tiên để tránh những pha tấn công chớp nhoáng của đối phương, đồng thời, mỗi cầu thủ trong vị trí tạm thời của mình đều phải là một chốt chặn tích cực ngay khi đối phương vừa có bóng. Với một đội hình dâng rất cao, một cầu thủ có khả năng chuyền bóng dài chính xác và một tiền đạo “siêu tốc” của đối phương có thể loại bỏ hoàn toàn 10 cầu thủ. Vì thế, không được phép cho đối phương có bất kỳ không gian và thời gian nào để chuyền bóng là phương pháp phòng thủ thiết yếu. Thời bấy giờ, phòng thủ 1 kèm 1 gần như là tất cả, và người Hà Lan thì bám đối phương đến tận… vòng 5m50.

2. Nền tảng hệ thống

Nghe có vẻ trái khoáy, nhưng bóng đá tổng lực vốn là một biện pháp tích cưc để giải quyết vấn đề thể lực nhiều hơn thay vì là toan tính đánh bại Catenaccio như những gì nó làm được sau này (mặc dù nó gần như là “thiên địch” của Catenaccio. Ruud Krol, một cầu thủ quan trọng của đội hình Ajax và Hà Lan trong thời kỳ hoàn kim của bóng đá tổng lực nói: 

Hệ thống của chúng tôi thực chất là giải pháp cho vấn đề thể chất. Thể lực phải luôn được duy trì 100%, nhưng bạn làm thế nào mà chạy suốt 90 phút mà vẫn sung sức? Nếu tôi, một hậu vệ cánh trái, phải dốc biên 70 mét rồi, sẽ chẳng tốt chút nào nếu tôi phải chạy 70 mét để trở lại vị trí ban đầu
(...) Nếu bạn phải chạy quãng đường 70 mét 10 lần, và chạy về khoảng 10 lần 70 mét nữa, quãng đường tổng cộng sẽ là 1400 mét. Thay vì chạy về, chúng tôi chơi gần nhau và lấp vào khoảng trống người kia để lại, với đội hình dâng cao. Thay đổi này giúp chúng tôi chỉ phải chạy 1000 mét, dôi ra 400 mét. Và đó là lý thuyết.
(…) Khi chúng tôi phòng thủ, chúng tôi luôn cố giữ đối phương ở nửa sân bên kia. Quan điểm của chúng tôi là không cần… bảo vệ khung thành, và đó là lý do chúng tôi sử dụng bẫy việt vị. Bạn không muốn chạy về để phòng ngự đơn giản vì bạn muốn tiết kiệm sức lực. Thay vì chạy về 80 mét rồi lại lao lên 80 mét, sẽ tốt hơn là chỉ chạy 10 mét mỗi lần đi về. Thế là bạn chỉ phải di chuyển 20 mét, thay vì 160 mét
Ruud Krol
Bóng đá Hà Lan thực ra đã ý thức được vấn đề thể lực và tinh thần đồng đội từ rất sớm. Ngay từ thời của Jimmy Hogan ở Dordecht FC (khoảng thập niên 10 của thế kỷ trước), người Hà Lan đã hiểu rất rõ mối quan hệ giữa chuyền bóng và thể lực: Chuyền bóng càng nhiều, thể lực càng ít hao phí. Tất cả cầu thủ ngay trong các học viện bóng đá trẻ đều được yêu cầu chơi bóng 2 chạm và giữ bóng tối đa 10s mỗi lần nhận bóng. Giống như người Brazil dạy cầu thủ trẻ khống chế bóng suốt quá trình học tập, người Hà Lan dạy con em họ chuyền bóng liên tục. Hệ quả là, các cầu thủ từ học viện bóng đá Hà Lan hầu hết đều có khả năng chuyền bóng và nhãn quan chiến thuật sắc sảo hơn nhiều so với các cầu thủ cùng trình độ. Nên nhớ, chuyền bóng tốt, nhãn quan chiến thuật nhanh nhạy, và di chuyển lấp chỗ trống liên tục là tất cả với bóng đá tổng lực. 
Học viện bóng đá Ajax
3. Bóng đá tổng lực trong lịch sử

Mặc dù bóng đá tổng lực gắn với Rinus Michels và Johan Cruyff, nhưng những cơ sở ban đầu của nó đã từng xuất hiện từ rất lâu trong quá khứ với Jimmy Hogan, HLV của Dordecht FC năm 1910 và Reynolds của Ajax Amsterdam khoảng 1915 – 1947:

Jimmy Hogan và Dordecht FC của ông đã chỉ ra được 2 vấn đề cốt tuỷ nhất, là nền tảng của bóng đá tổng lực sau này là chuyền bóng và thể lực. 15 năm sau, một người Anh khác là Jack Reynolds đã phát triển tiền đề quan trọng này ở Ajax.

Reynolds là HLV của Ajax suốt từ 1915 đến 1947. Trong khoảng thời gian này, ông đã phát triển vấn đề mà Hogan đã chỉ ra bằng cách sáng tạo ra vị trí cầu thủ chạy cánh, một vị trí khuyến khích cầu thủ thi đấu rộng hơn và thường xuyên di chuyển ra sát đường biên dọc. Ngoài ra, Reynolds còn có ảnh hưởng quan trọng lên một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của ông, Rinus Michels, người sau này được mệnh danh là cha đẻ của bóng đá tổng lực.

Trong thời đại của mình, Michels đã huấn luyện cho cầu thủ của mình khả năng chơi bóng ở tất cả các vị trí khác nhau, đồng thời, các cầu thủ này cũng được yêu cầu phối hợp ăn ý hoàn hảo với nhau tại tất cả các vị trí thi đấu. Và rồi, sự xuất hiện của những người như Johan Cruyff hoặc Johan Neskeens chính là yếu tố quan trọng cuối cùng để biến bóng đá tổng lực từ một hệ thống được chuẩn bị công phu trở thành “vô đối”.

Trong kỷ nguyên của mình, Ajax từng vô địch Hà Lan trong 2 mùa giải liên tiếp (1971-1972 và 1972-1973) với tỉ lệ thắng trên sân nhà là 100% (46-0-0), chỉ chịu một thất bại duy nhất trong suốt mùa giải 1971-1972, đoạt 5 danh hiệu chỉ trong năm 1972 (vô địch Hà Lan, KNVB cup, C1, Siêu cup châu Âu và Siêu cup thế giới) và 3 chức vô địch C1 liên tiếp (1971, 1972, 1973) bằng một thứ bóng đá tấn công cống hiến đầy lãng mạn.
Rinus Michels
Với Hà Lan, mặc dù đã không giành được bất kỳ chức vô địch World Cup nào trong cả hai lần vào đến chung kết liên tiếp (một điều thực sự điên rồ khác), hệ thống chiến thuật này đã giúp họ trở thành đội bóng xuất sắc nhất của thập niên 70 thế kỷ trước. Và “kẻ về nhì vĩ đại” chính là cụm từ được chính “cơn lốc màu da cam” khai sinh.

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More