Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #3: Manchester United, 2006-2009

(Đường dẫn đến khung thành) - Không giống với các đội hình khác trong danh sách, Manchester United đã không sử dụng cố định một sơ đồ cụ thể nào để làm nên thành công đáng kinh ngạc trong suốt ba mùa giải từ 2006 đến 2009. Sir Alex Ferguson đã sử dụng rất nhiều phương án khác nhau cho đội bóng của mình: 4-3-3, 4-4-2, 4-5-1, 4-2-3-1, 4-4-1-1 và có lẽ còn hàng tá các kiểu bố trí khác nữa.

Manchester United tứ kết lượt đi trận Roma ở Champions League
Với rất nhiều cách bố trí đội hình khác nhau, một hệ thống xoay vòng cầu thủ và những phi vụ chuyển nhượng ngôi sao liên tục được xảy ra, không ai có thể đơn giản nhận định về đội hình của M.U bằng cách đưa ra sơ đồ 11 cầu thủ và bảo rằng "họ đã chơi như thế suốt cả 3 mùa". Tuy nhiên, nói một cách khái quát thì đội hình giành chiến thắng trong trận chung kết Champions League mùa giải 2007-2008 có thể xem là mô tả tốt nhất khi nói về M.U thời điểm đó.
Manchester United trận chung kết Champions League 2009
M.U luôn luôn sử dụng hàng hậu vệ 4 người và hai tiền vệ trung tâm lùi sâu. Ferguson cũng thường sử dụng một tiền vệ bổ sung thi đấu sau lưng bộ ba hủy diệt là Cristiano Ronaldo - Wayne Rooney - Carlos Tevez.

Có 3 lý do để Alex Ferguson có thể biến tấu đội hình một cách linh hoạt: 1,  Cristiano Ronaldo - Wayne Rooney - Carlos Tevez đều có khả năng chơi rất rộng, từ dạt cánh cho đến tấn công trung lộ; 2, cả 3 cầu thủ trên đều là những "ông chủ vòng cấm" thực thụ, nghĩa là Ferguson có thể chỉ "ngồi chơi không" và nhìn cách mà 3 cầu thủ tự do của ông nhảy múa; 3, ba cầu thủ trên cũng là những người ý thức rất rõ vai trò phòng ngự từ xa của mình.

Đương nhiên, vấn đề cốt lõi của đội hình này là chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ Roma của Luciano Spalletti. The United thậm chí đã chơi bóng mà không có bất kỳ một tiền đạo cố định nào. Ronaldo chủ yếu là một cầu thủ chạy cánh, người đã phát triển rất nhanh cả về kỹ thuật lẫn thể lực để trở thành mối đe dọa thường trực từ hai bên cánh. Bên cạnh đó, Rooney và Tevez đều thường xuyên thi đấu lùi sâu và tích cực tranh bóng.

Không phải lúc nào bộ ba nguyên tử này cũng xuất hiện, như trong một vài trận đấu ở giải châu Âu, Tevez được thay thế bằng một tiền vệ chăm chỉ kiểu như Park Ji-Sung. Trận thắng ở ngay trên sân nhà của Roma năm đó được cho là một trong những trận đấu hay nhất mà một CLB Anh từng chơi ở đấu trường Châu Âu. Rooney chơi dạt sang cánh trái để tạo nên 1 hàng tiền vệ 5 người, trong khi Ronaldo chơi như 1 tiền đạo duy nhất trên hàng công. Trong khi Francesco Totti phát minh ra vai trò “số 9 ảo” bằng việc lùi sâu về đến giữa sân, Ronaldo vừa lùi về vừa dạt sang hai bên cánh hoặc bất cứ chỗ nào có khoảng trống, quấy nhiễu và làm cho bộ đôi trung vệ của Roma phải làm việc vô cùng vất vả. Khi Ronaldo làm vậy thì Rooney hoặc Park sẽ là cầu thủ chơi cao nhất. Mu thắng 2-0, với bàn mở tỉ số bằng pha đánh đầu đầy kĩ thuật và đậm chất của một tiền đạo đúng nghĩa.

Tuy vậy, sự linh hoạt của bộ ba tấn công vẫn là lý do cơ bản để Ferguson có thể dễ dàng biến đổi hệ thống thi đấu trước các đối thủ khác nhau. Ví dụ như Ronaldo được yêu cầu đá cao nhất, còn Rooney dạt trái trong trận gặp Roma, trận gặp Chelsea thì ngược lại, khi Ronaldo được yêu cầu lệch trái để tấn công vị trí của Essien, kết quả là khả năng choi bóng bổng vượt trội của Ronaldo trước Essien đã mang lại bàn thắng cho United. Khả năng thay đổi vai trò của từng cá nhân mà không ảnh hưởng đến toàn đội và sự ăn ý chính là chìa khóa dẫn đến thành công của họ.

Một số nhà phê bình đã từng cho rằng Ferguson không phải là một chiến thuật gia xuất sắc. Nhưng cùng với thời gian, nhận định này có vẻ càng ngày càng ít đúng hơn. Phong độ trên sân khách ở đấu trường Châu Âu của MU là khá ấn tượng, và cái cách họ thi đấu trong trận đấu với Arsenal ở sân Emirates vào mùa giải 2009-2010 sẽ trở thành một trong những trận đấu đậm chất chiến thuật nhất của thập kỉ.

Hiện tại, Sir Alex sử dụng xoay vòng giữa 4-3-3 (và biến thể của nó) và 4-4-2 (và biến thể của nó). Trong số các cầu thủ mà ông sở hữu, một số cầu thủ sẽ quen với đội hình chiến thuật này hơn với chiến thuật kia. Park Ji-Sung chơi cực kì ấn tượng trong đội hình 4-3-3 với vai trò tiền về ngự chơi rộng, trong khi Anderson mang lại hiệu quả với việc chỉ huy hàng tiền vệ 3 người với thiên hướng phòng ngự. Mặt khác, Berbatov dường như không thể tìm được vị trí trong 4-3-3 và thường xuyên được sử dụng hơn trong 4-4-2. Những tiền vệ trung tâm chủ chốt của Ferguson : Darren Fletcher, Paul Scholes, Michael Carrick và Owen Hargreaves (khi khỏe mạnh) đều có thể chơi những vị trí và vai trò khác nhau cho dù là chơi 4 hay 3 tiền vệ.

Không thể nói đây là đội hình vĩ đại nhất mà Sir Alex đã đào tạo, nhưng có thể coi đây là đội hình mạnh nhất về việc đổi mới chiến thuật.

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More