Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #14: AC Milan, 2002 - 2007

(Đường dẫn đến khung thành) - Milan đã trở thành một trong những đội bóng vĩ đại nhất thập kỷ trước không phải chỉ nhờ danh tiếng của những cầu thủ từng khoác áo Rossoneri! Nhưng phải công nhận một điều rằng, trong thập kỷ đó, Milan là CLB tùng sở hữu nhiều siêu sao đẳng cấp, những huyền thoại thực sự của bóng đá đương đại hơn bất kỳ một CLB nào khác, với Paolo Maldini, Costacurta, Stam, Cafu, Nesta, Serginho, Pirlo, Redondo, Seedorf, Gattuso, Boban, Kaka, Rui Costa, Leonardo, Rivaldo, Ronaldinho, Shevchenko, Ronaldo, Inzaghi, Crespo, Pato…

Giành được đến 3 Champions League trong vòng 5 năm (từ 2003 đến 2007) là một thành tích phi thường! Tuy nhiên, việc chỉ giành được 1 Scudetto trong suốt 8 năm là lý do chủ yếu khiến đội bóng của ông Ancelotti chỉ có thể xếp ở nửa cuối danh sách này.

Một điều hết sức tuyệt vời của Milan là cách mà họ bố trí rất nhiều cầu thủ sáng tạo vào khu vực trung tâm với Andrea Pirlo là "mắt bão". Sẽ thật là một thiếu sót to lớn nếu không đề cập đến cuộc cải tạo vị trí đã đi vào huyền thoại của Ancelotti nhằm vào Pirlo trong thời gian đó: Khi bắt đầu sự nghiệp trong những năm chuyển giao thế kỷ, Pirlo được đánh giá là 1 "tiền vệ số 10" (fantasista) đầy triển vọng, là một Roberto Baggio mới. Thực tế, anh đã thi đấu rất hay trong vị trí phía sau hàng tiền đạo ở tuyển U-21 Italia khi vừa có khả năng kiến tạo, vừa có thể trực tiếp ghi bàn. Nhưng thật không may, Inter Milan đã không thể tìm thấy bất kỳ một vị trí nào trong đội hình chính thức cho Pirlo lúc đó, và họ đã gửi anh về CLB khởi nghiệp là Brescia theo một hợp đồng cho mượn để có thể học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ "phiên bản gốc" là "đuôi ngựa thần thánh" Roberto Baggio. Tuy nhiên, Carlo Mazzone, bằng cách thay đổi hoàn toàn cách chơi của Pirlo, đã khiến anh không còn cơ hội để phát triển thành 1 Baggio mới. Ở Brescia, Pirlo thi đấu ngay phía trước hàng hậu vệ, được yêu cầu giữ vị trí và kiến tạo từ xa – sử dụng những đường chuyền vượt tuyến có độ chính xác tuyệt đối để gây đột biến.

Milan đã nhìn thấy được những hệ quả tuyệt vời từ một Pirlo lùi sâu nên đã quyết định mua anh từ đối thủ cùng thành phố với giá 12 triệu bảng. Nhưng mùa giải đầu tiên của anh ở Milan là một mùa giải đáng quên khi đội bóng chỉ loay hoay ở vị trí thứ 5 và 6 còn mùa giải thì đã gần kết thúc: Carlo Ancelotti hiểu rằng, ông sẽ mất việc nếu Milan không được dự Champions League mùa sau nên đó không phải là thời điểm thích hợp cho một cuộc cách tân chiến thuật. Khả năng sáng tạo của Pirlo không được ưu tiên bằng kinh nghiệm của Demitrio Albertini, sự chắc chắn của Massimo Ambrosini hoặc sức mạnh của Massimo Donati, một tiền vệ trẻ khác của Ý mà Milan đã mua trong năm 2001. Thêm nữa, khi Fernando Redondo trở lại sau chấn thương, Pirlo buộc phải trả lại suất đá chính cho cầu thủ này và tiếp tục khoảng thời gian gắn bó với băng ghế dự bị.

Khi Albertini ra đi vào mùa hè năm 2002, một đồng đội cũ của Pirlo ở Inter là Clarence Seedorf xuất hiện. Cùng với Manuel Rui Costa , Milan đã chơi với 2 tiền vệ kiến thiết dâng cao. Điều này khiến các tiền vệ trung tâm của các đối thủ bị buộc phải lùi sâu hơn để hỗ trợ phòng ngự. Cộng thêm sự xuất hiện tiền vệ trụ Gattuso, chiến binh "là một mà như hai", Pirlo được hoàn toàn giải phóng để phát huy tối đa khả năng sáng tạo từ những đường chuyền vượt tuyến của mình. Như thế, Milan đã sử dụng đến 3 cầu thủ "số 10" trong cùng một đội hình, và thậm chí là trong cùng khu vực trung tâm.

Milan, đội hình vô địch UEFA Champions League 2003 
Milan đã vô địch Champions League mùa giải đó bằng một hàng thủ 4 người vững chắc và hai tiền đạo sát thủ ngoại hạng. Đội hình 4-3-1-2 khá điển hình với Seedorf và Gattuso luôn hoạt động không biết mệt mỏi, Milan đã có một trung tuyến năng nổ và xuất sắc tuyệt vời.

Đa phần các đội bóng thường sẽ ngủ quên trên chiến thắng khi giành được cup châu Âu, nhưng Milan thì không: Họ ngay lập tức bắt đầu mùa giải mới bằng một cầu thủ trẻ người Brazil tên là Kaka. Và cũng với những chấn thương liên miên của Pilipo Inzaghi, Milan thậm chí còn gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng cho phần còn lại của Serie A bằng việc sử dụng cùng lúc cả 4 số 10 ở khu trung tâm là Kaka, Rui Costa, Seedorrf và Pirlo. Năm đó, Shevchenko đã ghi được 24 bàn thắng, và Milan thì bỏ xa đội bóng xếp thứ 2 với 11 điểm cách biệt.

Milan, đội hình đoạt Scudetto năm 2004
Tuy nhiên, hàng tiền vệ tổ chức tấn công càng xuất sắc bao nhiêu, thì hệ thống phòng thủ lại càng yếu kém bấy nhiêu. Ở riêng Champions League, đội hình này của Milan từng phải đối mặt với 2 pha lội ngược dòng kinh điển của lịch sử giải đấu: Năm 2004, sau khi đè bẹp Deportvo 4-1 ở tứ kết lượt đi, họ đã phải nhận thất bại nhục nhã 4-0 tại Riazor trong trận lượt về; và nổi tiếng hơn nữa là trận chung kết Champions League năm 2005, sau khi dẫn trước đến 3 bàn trong hiệp 1, Milan đã sụp đổ hoàn toàn trước khi bất lực nhìn Liverpool đăng quang ở Istanbul.

Thất bại đáng xấu hổ đó là nguyên nhân cho những thay đổi tiếp theo của Ancelotti. Ông nhận thấy rằng, đội bóng của mình cần thêm chất thép ở tuyến giữa trong khi Seedorrf và Gattuso đã bắt đầu già đi và không còn có thể bao sân được như thời gian trước. Kết quả là, Massimo Ambrosini - một tiền vệ trụ khác - được bổ sung vào đội hình chính thức, và Seedorf được yêu cầu đá cao hơn, ở ngay sau lưng Kaka.

Milan, đội hình vô địch Champions League 2007
Sự hạn chế vị trí tổ chức sáng tạo ở khu trung tâm đề giảm thiểu nguy cơ được bù đắp bằng hai hậu vệ tấn công đầy tốc độ là Jankulovski và Oddo. Và Milan mùa giải đó, nhờ giải quyết được rốt ráo vấn đề phòng ngự, đồng thời vẫn giữ vững được sức mạnh tấn công áp đảo, đã giành lại được ngôi vương ở UEFA Champions League.

Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More