Xabi Alonso - người hùng thầm lặng

Tiền vệ ngôi sao của tuyển Tây Ban Nha và Real Madird Xabi Alonso tên thật là Xabier Alonso Olano là một đứa con của xứ Basque, Tây Ban Nha.

Tiền vệ tấn công: Biểu tượng của sự hoa mỹ

Bài viết thứ 2 trong loạt bài về vị trí và vai trò cầu thủ...

Bóng đá tổng lực

Một khái niệm về hệ thống chiến thuật nổi tiếng gắn với thương hiệu của "Những người Hà Lan bay...

Catenaccio

Hệ thống phòng ngự kinh điển từng đưa Inter Milan và tuyển Italia lên đỉnh cao thế giới

WM: Luật việt vị và cuộc cách mạng chiến thuật

Điều gì đã tạo nên tên tuổi của 1 HLV được xem là vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh?

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Paolo Mandini - hậu vệ trái xuất sắc nhất mọi thời đại

(Đường dẫn đến khung thành) - Nhân sinh nhật của Paolo Mandini, hãy theo dõi một bài viết tôn vinh huyền thoại bất tử của AC Milan từ cây bút Dũng Phan của trang Bóng đá Confession


1.Con người:

Maldini, hãy đảo các chữ cái trong đó. Em sẽ tìm được cái tên “Di Milan” (Thuộc về Milan). Đó là con người của Paolo Maldini. Cả tâm hồn, cả thể xác, cả cuộc đời, dành trọn duy nhất cho màu áo đỏ đen ấy. Và CLB cũng treo vĩnh viễn chiếc áo số 3 của anh để vinh danh anh mãi mãi. ¼ thế kỷ anh chơi bóng đỉnh cao ở Milan.

Maldini mang đúng cái chất của người đàn ông Ý cổ điển. Đẹp, lịch lãm, và chung thủy. Cả đối với CLB lẫn đối với gia đình. Anh đều là người đàn ông trụ cột và chung tình.

Trên phương diện thi đấu, anh là điểm tựa tinh thần của đội bóng. Ở Milan, cũng như ở đội tuyển quốc gia Italia, tố chất thủ lĩnh của chàng hậu vệ mang áo số 3 luôn thể hiện rõ, tinh thần chiến đấu miệt mài, và sự xuất sắc của Paolo là nơi để đồng đội nhìn vào và tin tưởng.

Bức ảnh tôi chọn minh họa cho câu trả lời này, là một bức ảnh cổ điển, của những thập niên 90. Nơi những người của thế hệ 7x, đầu 8x ở Việt Nam này ngưỡng mộ đôi mắt xanh thăm thẳm như biển Địa Trung Hải đó. Cùng với Roberto Baggio, Maldini là những siêu sao nước Ý đã trở thành thần thoại trong lòng các cổ động viên Việt Nam. 

Ngoài ra, Paolo Maldini còn là một người mẫu nổi tiếng tại “Kinh đô thời trang” Milano. Năm 1994, anh gây thất vọng cho hàng triệu phụ nữ trên khắp hành tinh khi chính thức kết hôn cùng người mẫu ảnh gốc Venezuela Adriana Fossa. Họ sống với nhau hạnh phúc, không scandal, một người đàn ông của gia đình. Họ có những người con. Và những người con ấy đang khoác áo Milan ở đội trẻ để tiếp tục nuôi dưỡi tinh thần “Maldini” trong lòng Rossonerri, cùng ước vọng làm được những điều vĩ đại như cha và ông đã từng làm được.

Anh là một con người vĩ đại, mẫu mực, tài năng, lãnh đạo, trong bóng đá, anh gần như tuyệt đối. Andrea Pirlo trong cuốn tự truyện của mình đã dành cho Paolo Maldini những dòng rất đẹp như sau:

“…Về mặt kỹ thuật, Ronaldo “xịn” là cầu thủ giỏi nhất mà tôi từng thi đấu cùng, nhưng xét một cách toàn diện thì Maldini mới là người vĩ đại nhất. Từ ngày tôi mới đến Milan cho đến khi anh ấy 40 tuổi, niềm đam mê chơi bóng của Maldini không có gì thay đổi và anh ấy luôn giữ mình trong một trạng thái hoàn hảo về cả thể chất lẫn tinh thần. Maldini là hình mẫu của tôi, và đam mê của anh ấy là một chiếc kim chỉ nam cho tôi không chỉ đến hết sự nghiệp mà còn hết cả cuộc đời. Anh ấy đã dạy tôi tất cả, không chỉ là về cách đánh giá tình huống và ra quyết định trên sân bóng: lúc nào nên giận dữ, lúc nào nên tha thứ, lúc nào nên mở miệng, lúc nào nên im lặng. Tất cả. Và Costacurta nữa, tôi luôn nhìn vào hai người bọn họ như là chuẩn mực cho tất cả mọi thứ. Nên đi đôi giày nào? Tôi hỏi Costacurta. Cái cà vạt nào đẹp hơn? Tôi hỏi Maldini. Đâu là vị trí tốt nhất của tôi trên sân bóng? Phải cư xử thế nào trên bàn ăn? Tôi hỏi cả Maldini và Costacurta. 
Tôi đã cảm thấy rất, rất tồi tệ khi không nhìn thấy Maldini không còn xuất hiện ở Milan sau khi anh ấy giải nghệ. Tại sao người ta có thể đánh mất một tài sản quý giá như thế? Tôi không có câu trả lời. Nhưng mối bất hòa giữa Maldini với Galliani thì không phải là điều gì bí mật: trong quá trình thương lượng về việc gia hạn hợp đồng, Quý ngài Bút (biệt danh mà Pirlo đặt cho Galliani) chỉ đề nghị ký thêm một năm và Paolo không thể chịu đựng nổi chuyện đó. Anh ấy thấy mình bị đối xử bất công. Sau đó, họ không giữ Maldini ở lại CLB nữa. Chuyện này cũng giống như một cuộc đấu khác giữa Tyson và Holyfield: cuối cùng, kẻ không có tóc luôn luôn giành chiến thắng...” 

Hãy đọc lại một lần nữa lời Pirlo nói: Maldini là hình mẫu của tôi, và đam mê của anh ấy là một chiếc kim chỉ nam cho tôi không chỉ đến hết sự nghiệp mà còn hết cả cuộc đời. 

2.Lối chơi.

Ngoài câu hỏi của bạn, cũng có một số câu hỏi khác hỏi về lối chơi của Paolo Maldini. Tôi xin phép trả lời bằng vốn kiến thức và những năm tháng được xem anh thi đấu như sau:


Vào năm 2009, các tạp chí lớn trên thế giới bầu chọn đội hình xuất sắc nhất thế giới một thập kỷ, hai thập kỷ. Điểm chung của các đội hình là câu nói sau “Thật đáng tiếc khi vị trí hậu vệ cánh trái này lại không phải là Roberto Carlos. Không phải Carlos không xuất sắc. Mà bởi anh chơi trùng vị trí với Paolo Maldini”. 

Maldini là hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất lịch sử nhân loại !

Thời đỉnh cao của anh chính là vị trí hậu vệ cánh trái ấy. Anh lên công về thủ nhịp nhàng, leo biên với tốc độ khủng khiếp, ập vào bên trong ghi bàn như sấm sét, “tắc” bóng đẹp như Nesta, và cắt bóng khôn ngoan như Cannavaro. Trận đấu hay nhất của anh mà tôi từng xem là trận bán kết Euro2000 với Hà Lan. Anh đĩnh đạc trên sân cỏ, một mình anh chỉ huy cả Catenaccio cho nước Ý chống lại cơn lốc màu da cam ào vào như thác lũ, anh đá như quên mình. Đến cuối hiệp phụ, anh cản phá một pha tấn công, khi hoàn thành nhiệm vụ, ngã xuống vị chuột rút. 

Phong cách chơi bóng của anh là cái “gen” chung của các hậu vệ tài danh nhất của đất nước Italia: đó là sự bình tĩnh và khôn ngoan. Anh đá rất tài hoa, tóc bồng bềnh và mắt xanh thăm thẳm, lối đá cắt bóng thông minh và ngăn cản các tiền đạo đối phương một cách chuẩn mực nhất.

Trong những năm cuối sự nghiệp, khi tuổi tác ngăn cản anh leo biên. Anh chuyển vào bên trong đá trung vệ, tổ hợp cùng Nesta án ngữ trước khung thành Dida suốt 4 năm cho đến khi giải nghệ. Với tính cách cần mẫn, hết mình cho đội bóng, chỉ huy cả hàng phòng ngự. Những năm cuối sự nghiệp , tuổi tác đưa tới cho anh những sai lầm, hay những pha tì đè, không chiến xuất sắc của tuổi trẻ bỗng chốc thành điểm yếu. Nhưng anh vẫn điểm tựa tinh thần cho một Milan kiêu hùng. Champions League 2006-2007, ở độ tuổi 39. Anh vẫn được tiểu ban kỹ thuật UEFA bình chọn là hậu vệ xuất sắc nhất giải !

3.Sự nghiệp.

Sự nghiệp của Maldini tôi xin vón vẹn bằng 50 chữ dưới đây. Phần còn lại, để đó cho wikipedia đưa tới cho bạn:


“ Maldini có tất cả mọi danh hiệu ở cấp CLB. Nhưng là nước mắt dang dở tại Azzurri. Anh cũng là siêu trung vệ, nhưng cũng như bao nhiêu siêu trung vệ và các cầu thủ xuất chúng khác. Dang dở một Quả Bóng Vàng đáng lẽ được nhận”.

Anh đẹp, rất đẹp trong lòng các tifosi. Hình ảnh anh, đôi mắt, khuôn mặt ứa nước mắt và đầy đau đớn trên đất Hàn Quốc đến giờ vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với chúng tôi (trước đó còn là cảnh anh bị một cầu thủ Hàn Quốc đá thẳng vào đầu trong vòng cấm địa). Đó là lần cuối cùng anh mang trên mình sắc áo thiên thanh. Anh là biểu tượng của một thế hệ thất bại Azzurri. Thế hệ đẹp nao lòng.
Nhưng anh may mắn hơn Baggio rất nhiều. Baggio quá đong đầy còn Maldini là mãi mãi ¼ thế kỷ trong màu áo sọc đỏ đen, với tất cả danh hiệu cao quý nhất.

Tóm tắt sự nghiệp của Maldini:

Maldini gia nhập A.C. Milan từ năm 8 tuổi. Đá cho đội trẻ Milan giai đoạn 1977-1984. Và là đội trưởng giai đoạn 1982-1984.

Trận đấu đầu tiên của Maldini tại Serie A là vào ngày 20 tháng 1 năm 1985 đấu với Udinese Calcio. Maldini là cầu thủ của đội hình "trong mơ" không thể bị đánh bại của A.C. Milan cuối thập kỷ 1980 đầu thập kỷ 1990 (đế chế Sacchi và Capello cùng bộ ba Hà Lan bay).

Ban đầu Maldini được giao chiếc áo số 26 của Milan. Từ mùa giải 1986-1987, anh được giao chiếc áo số 3 cho vị trí hậu vệ trái và là số áo đấu theo anh cho tới hết sự nghiệp tại CLB. Hiện tại số áo 3 của Maldini đã được treo vĩnh viễn ở Milan.

Maldini có được danh hiệu Scudetto ngay trong mùa giải 1987-1988. Anh giành chiếc cúp C1/UEFA Champions League đầu tiên tại sân Nou Camp năm 1989, sau khi đánh bại Steaua Bucureşti với tỷ số 4-0.

Từ năm 1997, Maldini đã được đeo băng đội trưởng của Milan, sau khi Franco Baresi giải nghệ. Thế hệ của Maldini là thế hệ thành công rực rỡ nhất trong lịch sử của A.C. Milan. Kể từ khi Maldini gia nhập đội hình chính thức của Milan vào năm 1984, A.C. Milan đã giành thêm được 7 Scudetto (trên tổng số 17 Scudetto của CLB), 1 Cúp quốc gia Ý, kỉ lục giành 5 Siêu cúp Quốc gia Italia (Inter Milan san bằng kỉ lục vào năm 2010), 5 Cúp C1/UEFA Champions League (trên tổng số 7 chiếc Cúp của CLB) cùng với đó là 5 Siêu cúp châu Âu, góp phần đưa Milan trở thành 1 trong những CLB vĩ đại nhất thế giới.

Maldini cũng thiết lập thành tích mới tại chung kết giải UEFA Champions League 2004-2005 khi có bàn thắng chỉ sau 51 giây trong trận đấu với Liverpool F.C. tại Istanbul và là cầu thủ lớn tuổi nhất ghi được bàn thắng trong một trận chung kết Champions League. Anh đã san bằng kỉ lục dự chung kết cúp C1 của cầu thủ Gento (F.C. Real Madrid) với 8 lần (1989, 1990, 1993,1994, 1995, 2003, 2005, 2007) và giành được 5 chiếc cúp.

Maldini đã phá vỡ thành tích của Dino Zoff về số lần thi đấu tại Serie A, với lần thi đấu thứ 571 trong trận đấu với Treviso F.B.C.. Anh cũng chơi trận đấu thứ 800 của mình tại tất cả trận đấu cho A.C. Milan. Cuối mùa bóng 2007-2008, một mùa bóng bê bết của A.C. Milan, trái với những phát biểu ban đầu của Maldini và dự đoán của báo giới, anh đã ký tiếp 1 hợp đồng với đội bóng sọc đỏ đen đến năm 2009 khi 41 tuổi

Ngày 31 tháng 5 năm 2009,, ngày định mệnh mà các fan của Milan không bao giờ quên. Ngày Maldini chính thức tuyên bố giải nghệ. Màn chia tay của Maldini nhận được sự ngưỡng mộ cùng rất nhiều tiếng vỗ tay từ khắp nơi trên khán đài. Và đương nhiên, cả nước mắt !

Sự nghiệp quốc tế

Năm 1986, Maldini được chính cha anh, Cesare Maldini gọi lên đội U-21 Ý, nơi mà anh ra sân 12 lần và đóng góp 5 bàn trong 2 năm. Giải đấu U-21 châu Âu năm 1986 họ là Á Quân. Maldini cũng góp mặt trong đội hình đội tuyển Ý tham dự Olympic 1988.

Maldini lần đầu được khoác áo Azzurri ngày 31 tháng 3 năm 1988, trong trận hòa 1-1 với Nam Tư. Tại Euro 1988, Maldini tham gia tất cả 4 trận đấu của đội tuyển Ý. Anh cũng được ra sân trong trận đấu mở màn của Azzurri tại World Cup 1990, giải đấu mà Ý dừng bước ở bán kết trước Argentina của Diego Maradona.

Maldini ghi bàn thắng đầu tiên trong màu áo đội tuyển quốc gia trong trận đấu thứ 44 của anh, trận đấu mà Ý giành chiến thắng 2-0 trước Mexico ngày 21 tháng 1 năm 1993. Maldini trở thành đội trưởng đội tuyển Ý từ World Cup 1994, giải đấu mà Azzurri đã thua Brazil ở trận chung kết sau loạt penalty.

Euro 1996, đội tuyển Ý bị loại ngay từ vòng bảng, còn tại World Cup 1998, họ bị loại ở vòng tứ kết dù Maldini vẫn được bầu vào đội hình tiêu biểu của giải đấu. Trong trận chung kết Euro 2000 trước đội tuyển Pháp, Italia và Maldini có thất bại vĩ đại nhất lịch sử.

Maldini là cầu thủ, đội trưởng có số lần khoác áo đội tuyển quốc gia Ý nhiều thứ ba trong sự nghiệp thi đấu quốc tế (sau Fabio Cannavaro và Buffon). Tuy nhiên, anh không bao giờ dẫn dắt đội tuyển Ý chiến thắng trong các giải đấu quốc tế. Đó là điều đau đớn. Anh giã từ đội tuyển quốc gia sau World Cup 2002 khi Azzurri bị loại ở vòng 1/8 bởi các cầu thủ Hàn Quốc, kết thúc một sự nghiệp thi đấu thành công với 126 lần khoác áo đội tuyển quốc gia và ghi được 7 bàn thắng (74 lần khoác áo đội tuyển quốc gia trong vai trò đội trưởng). Maldini cũng là cầu thủ tham dự 4 kỳ World Cup từ năm 1990 đến năm 2002, Euro 1988, Euro 1996 và Euro 2000.

Dũng Phan - Bóng đá Confession
Đường dẫn đến khung thành

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

"Thượng nghị sĩ" Alessandro Costacurta

(Đường dẫn đến khung thành) - Một bài viết dài, và dày dạn cảm xúc của một cây bút danh tiếng về một huyền thoại khác của Milan: Alessandro Costacurta.


Một cầu thủ đặc biệt. Cực kỳ đặc biệt trong lịch sử từ cổ chí kim của thế giới bóng đá. “Thượng nghị sĩ” Alessandro Costacurta không đơn thuần là một cầu thủ bóng đá, anh là một nhà hiền triết, một trí thức đá bóng, anh không chỉ là một trung vệ giỏi, mà còn là người học rất giỏi, khả năng học hành của anh rất đáng ngưỡng mộ. Chúng ta đang nói về một trung vệ nước Ý có 2 bằng Đại Học trong tay và biết rành rẽ 5 ngoại ngữ, kiêm việc dẫn một chương trình ca nhạc trên đài phát thanh và mở một quán ăn. Con người sau trận bóng không đi chơi hộp đêm mà vùi đầu trong thư viện. 

Sinh trưởng trong gia đình trí thức tại Milan, anh đam mê sâu sắc với lịch sử, chính trị xã hội, văn học, nghệ thuật, hội hoạ và âm nhạc. Huyền thoại bóng đá nước Ý Alessandro Costacurta là như vậy đấy! Hôm trước, Ole Gunnar Solskjaer đã được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Cardiff City. Khi ấy, anh 40 tuổi. Một vị HLV 40 tuổi như bao nhiêu HLV khác. Nhưng cũng ở độ tuổi 40 ấy, năm 2006 Billy vẫn ra sân trong màu áo AC Milan. Vào cái ngày anh ra sân với nụ cười 40 tuổi, anh dành lời cảm ơn cho đồng đội “Nhờ các đồng đội mà tôi mới có thể chơi được đến ngày nay”. Anh là vậy, khiêm tốn, đức độ, và đĩnh đạc cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời với cốt cách như chính biệt hiệu “Nghị sĩ” mà anh mang. 


Phong cách chơi bóng của Costacurta là phong cách chung của các hậu vệ nước Ý. Đó là sự bình tĩnh và lối cắt bóng đẹp mắt. Tổ hợp cùng Baresi thành cặp đôi trung vệ trong bộ tứ vệ lừng danh của Milan thập niên 90 thế kỷ trước (với Maldini bên cánh trái và Tassotti bên cánh phải). Anh chơi bóng như trí thức của anh. Đầy học thức, ít va chạm mạnh, lặng lẽ, lãng tử, lên bóng rất thoáng, anh có lẽ là trung vệ duy nhất của thế giới này không có khái niệm chơi bẩn! Lối chơi đó tạo cho anh một sức bền bỉ hiếm thấy theo năm tháng. Những năm tháng bên kia sườn dốc sự nghiệp, anh vẫn đóng góp cho Milan bằng tất cả những gì anh có. Dù anh chẳng còn được bao nhiêu về chuyên môn, nhưng lại quá thừa cho những tình yêu. Tôi được xem anh nhiều nhất là tại World Cup 1998, khi anh tổ hợp cùng Cannavaro đứng án ngữ trước khung thành của Pagluica. Và ở đó ta được xem sự kết hợp của một người chơi sức mạnh, và một người chơi đầu óc (khi ấy Nesta còn ở bên cánh phải, cánh trái thuộc về Maldini). Cannavaro đầy xông xáo, dũng mãnh, trong khi Billy thì phát động tấn công và kèm người, Billy rất giỏi đọc trận đấu để đưa bóng lên cho hàng tiền vệ theo cách nào tốt nhất.Cannavaro đã học hỏi được rất nhiều từ những điều này. 

Ngày ấy Billy còn khá trẻ, còn khá khỏe. Không mang nhiều nếp nhăn hằn thời gian như chúng ta thấy sau này. Billy khá lạ, kiểu chơi bóng của Billy tôi có cảm giác như cũ kỹ, anh không quá hào hoa kiểu Nesta, quá dũng mãnh kiểu Canna, cũng chẳng được đắm say như Paolo. Nhưng bên dưới vẻ ngoải điển trai mà mảnh mai đó là những pha xử lý bóng dày dặn nhất. Chưa kể đặc sản là những cú xoạc bóng ngọt ngào mang hương vị Ý. Vì sao tôi nói anh cũ kỹ, bởi ngoài các kỹ năng bản năng của một hậu vệ Ý, Billy là hậu vệ kiểu truyền thống với khả năng ghi bàn khá tệ, chỉ…đếm trên đầu ngón tay. 3 bàn thắng sau 458 trận đấu. 

Một video về Alessandro Costacurta: 



Ngay hình ảnh đầu tiên bạn sẽ thấy được nét đẹp của Costacurta mà tôi tả bên trên cho bạn. Viali tranh bóng, khi tưởng rằng sẽ có va chạm. Billy đã ôm lấy Viali mà cười. Người xem cũng cười theo hình ảnh đó.

Sự nghiệp của Billy: 

Sẽ có rất nhiều điều để nói về sự nghiệp của anh, tại sao ta không nói trước về một ý riêng của bạn trong câu hỏi đầu tiên “Tại sao 1 huyền thoại như costacurta lại hay bị đánh giá thấp và vào mùa 2003 tại sao số áo của anh là 19 chứ không phải là số 5?” Bạn rất tinh ý khi hỏi câu này. Không được mấy ai dám hỏi. Việc Costacurta bị đánh giá thấp tôi nghĩ không phải về vấn đề chuyên môn mà là hình ảnh. Anh quá thầm lặng, trong khi ảnh hưởng của Maldini là quá lớn, tài năng của Maldini cũng vượt trội hơn so với Billy, nên chiếc băng đội trưởng Milan không thể về tay Billy được. Sau này khi đế chế của Ancelotti chính thức ra mắt, Billy bị đẩy lui vào vũ đài lịch sử. Nơi những hậu vệ trẻ và giỏi hơn xuất hiện (Nesta, J.Stamp..chẳng hạn). Nơi đó, không còn chỗ cho anh trong thế giới bóng đá càng lúc càng nhanh và mạnh. Ngoài ra Billy còn khá…đen đủi, khi anh vắng mặt ở 2 trận chung kết liên tiếp lớn nhất trong sự nghiệp là Champions League 1994 với Barcelona và World Cup 1994 với Brazil. 


Việc năm 2003 số áo của anh là 19 chứ không phải số 5 liên quan đến cái gọi là…cách xử sự không được hay lắm của Milan. Billy thật ra rất tội. Những tifosi yêu quý Costacurta từ thuở anh vẫn còn đỉnh cao cho đến ngày anh từ giã trong trận đấu với Udinese của tuổi 41 thì vẫn hiểu đó là những chương khá đen tối trong sự nghiệp của Billy. Những Milanisti yêu mến Billy luôn thầm trách CLB vì điều này. Anh gắn bó với cả cuộc đời trong màu áo Milan, hơn 20 năm, đến với Milan từ khi 12 tuổi, vậy mà một số áo cố định anh cũng không có (chứ đừng nói là được treo áo như Maldini hay Baresi). Đừng nói là số 5 hay số 19 như bạn hỏi mà số abc, xyz anh còn phải mang. 

Dở nhất là đầu mùa 2002-2003, BLĐ Milan cho anh về hưu, nhưng rồi gọi lại. Quá động chạm. Nhưng anh không than vãn, Billy chưa bao giờ dính vào scandal, chưa từng lăng mạ đối thủ, không đả kích trọng tài, không phê phán huấn luyện viên. Anh đĩnh đạc với tất cả. Trong tự truyện của mình, Pirlo coi Costacurta là chuẩn mực của mọi thứ. Những gì mà Billy đem lại cho Milan nhiều hơn cả những đóng góp trên sân cỏ. Anh là một báu vật quý, một pho kiến thức, một hình mẫu cho cầu thủ trẻ. Kaka ngày mới đến Milan, chính nhờ Billy rèn giũa mà nên người! Anh gắn bó cả cuộc đời cho màu áo Milan, kể cả khi thời gian bào mòn sức lực, thì trái tim vẫn luôn cháy hết mình. Anh đến Milan từ năm 12 tuổi, và giã từ màu áo Milan khi 41 tuổi. Từ khi là một cậu bé bỡ ngỡ đến lúc là người đàn ông sống non nửa đời người. 20 năm màu áo đỏ đen, 489 trận đấu. 8 năm khoác áo Azzurra, 59 trận đấu. Gia sản Billy Costacurta có được còn là 23 danh hiệu lớn nhỏ khác, trong đó có 7 Scudetto và 4 Cup C1. 


Khi kết thúc sự nghiệp vào năm 2007, anh theo nghiệp HLV. Nhưng có lẽ, với học thức hiếm có của anh, chúng ta nên chờ đợi anh ở một vị trí nào ở chính trường nước Ý thì có lý hơn đấy. Kết: Các Milanista, nếu các bạn đã và vẫn đang yêu Milan trong những năm tháng này, thì tôi sẽ dành tặng cho các bạn một câu nói của Costacurta đã nói cách đây 16 năm: "AC Milan rồi sẽ qua cơn bĩ cực. Chúng tôi sẽ lại trỗi dậy bởi vì chúng tôi có đủ sức mạnh và niềm tin". Và sau đó, Milan vượt qua khủng hoảng, họ trở lại cùng với đế chế của Ancelotti cùng sơ đồ cây thông huyền thoại. Dù rằng đế chế ấy không còn chỗ cho anh, nhưng một phần lịch sử Milan đã vang vọng tên anh. 

Dũng Phan
Đường dẫn đến khung thành

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Nesta - hậu vệ hào hoa cuối cùng

(Đường dẫn đến khung thành) - Adriano Galliani nhớ như in câu chuyện về những cầu thủ gắn với thời huy hoàng của AC Milan. Một trong số đó, Alessandro Nesta, là bản hợp đồng ông tâm đắc nhất. 


Vụ mua bán thế kỷ

"Tôi nhớ như in mùa hè 2002 và câu chuyện về Alessandro Nesta", Galliani nói. "Tôi nhớ rằng đã gọi cho Milan Channel, yêu cầu họ cắt một chương trình đã được lên lịch, điều ít khi phải làm, để chèn vào tuyên bố: CLB chuẩn bị sở hữu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới".

Ông nhớ rất rõ cuộc đàm phán khó khăn với Chủ tịch Lazio, Sergio Cragnotti, mà một bên khủng hoảng muốn rất nhiều tiền, còn bên kia cần nỗ lực trên sân cỏ để để có tiền. "Lazio có rất nhiều yêu cầu, và chúng tôi chỉ có thể tiến gần đến thỏa thuận nếu vượt qua vòng sơ loại Champions League ở Liberec", Galliani nhớ lại. "Chuyện đó đã xảy ra. Tôi nhớ cậu ấy ra mắt trận gặp Modena, và từ đó trở thành cầu thủ tuyệt vời của chúng tôi. Nếu không vượt qua vòng sơ loại Champions League chúng tôi sẽ không mua Alessandro, và mọi chuyện thay đổi rất nhiều".

Nói về chiều cao của Fabi giống như nói về sương mù ở Milan. Tôi chưa từng cảm thấy cậu ấy thấp cả khi nhìn cậu ấy chơi bóng, bởi vì cậu ấy có thể bật cao hơn bất cứ ai. Cậu ấy đánh đầu rất giỏi. Phàn nàn về chiều cao của Fabio thật vô nghĩa.


Phải! Lịch sử Milan và bóng đá thế giới sẽ thay đổi rất nhiều nếu không có vụ mua bán liều lĩnh. Nesta đá ở Milan 10 năm, giành 2 Champions League và 2 Scudetto. Còn Lazio, bị cuộc khủng hoảng nuốt chửng. Sau khi mất người hùng Nesta, các CĐV Lazio tụ tập biểu tình ngoài sân trận gặp Juventus. Cragnotti đã lừa dối họ. Tháng 5, ông nói "Nesta không nằm trên TTCN", khi tin đồn Lazio bán anh cho Juve rộ lên. Nhưng đến tháng 8, Nesta là người của Milan.

Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu gặm nhấm Lazio từ mùa 2000-01. CLB phải bán gần như tất cả các ngôi sao Scudetto 2000, từ Jaap Stam, Veron, Mihajlovic, Kovacevic đến Sorin, Crespo..., đến mức khi bán Nesta cho Milan, họ còn nợ anh 2 triệu euro tiền lương, mà sau này, một nửa được chuyển thành cổ phần giúp đỡ CLB theo thỏa thuận.

Lazio, không còn sự lựa chọn nào khác

Chàng trai trầm lặng và lãng tử ấy đơn giản là không có sự lựa chọn nào khác, ngoài đến Milan. Sinh ra trong gia đình CĐV Lazio nhiệt thành, lớn ở khu phố Cinecitta, Nesta bắt đầu đá bóng từ nhỏ vì... ghen tị với tài đá bóng của anh trai Fernando, và cha mẹ anh càu nhàu khi cậu con thứ suốt ngày ôm lấy chiếc TV.

Cha Nesta, ông Joseph, là một CĐV Lazio nhiệt thành. Chiếc áo Lazio với ông không đơn thuần là đức tin, mà còn là sự ngưỡng mộ và cả lương tâm. Khi phát hiện con trai có năng khiếu đá bóng, ông Joseph gọi điện cho chủ tịch Lazio khi đó, Gianmarco Calleri, hỏi về kỳ sát hạch vào đội trẻ mà ông nghe nói được tổ chức vào tháng 6. 

"Chúng tôi phụ thuộc vào Nesta. Nếu cậu ấy không thi đấu, Milan mất 30% hiệu quả" - Carlo Ancelotti.

Khi tuyển trạch viên Francesco Rocca của Roma tỏ ý muốn nhận Nesta vào học viện, ông Joseph kiên quyết từ chối: "Roma đưa ra lời hỏi mua Alessandro,  nhưng tôi không thích", Joseph nhớ lại. "Chẳng cần nghĩ nhiều, tôi nhanh chóng từ chối. Tôi thà để Nesta ở lại đội trẻ Cinecitta 3-4 năm nữa, còn hơn tới Roma. Cuối cùng  Lazio cũng nhận vì thực sự là nó giỏi". 


Đến ngày 13/6/1985, 9 tuổi, Alessandro được cha đưa đến sân  Stefanini ở San Basilio để tham dự kỳ sát hạch vào học viện Lazio cùng 300 chú nhóc. Pulici Patarca, người phụ trách đợt tuyển trạch, lập tức nhận Nesta. Phần còn lại là lịch sử.

Cảm ơn người thày Dino Zoff

Ở đội trẻ Lazio, Nesta ban đầu chơi ở hàng tiền vệ, tiền đạo và... hậu vệ phải. Đến năm 1994, Nesta ra mắt đội một trận gặp Udinese. Người phát hiện anh là Pierluigi Casiraghi, cựu tiền đạo nổi tiếng của bóng đá Italy và CLB. Người thầy đầu tiên trong sự nghiệp bóng đá chuyên  nghiệp anh là HLV kỳ cựu Dino Zoff, một hình mẫu, như Nesta thừa nhận: "Zoff dành tới 9 năm ở Lazio còn tôi là 8, vì thế, chúng tôi có nhiều điểm chung", Nesta nhớ lại.

"Chúng tôi đã trải qua rất nhiều trận chiến cùng nhau, một số rất tuyệt, một số không tốt lắm. Ông ấy không phải lúc nào cũng là HLV, mà còn là một giám đốc điều hành. Nhưng với tôi, ông ấy luôn là tấm gương. Những gì xảy ra sau đó thật đáng tiếc (thua Pháp ở CK EURO 2000). Nhưng đó là bóng đá..."

Zoff là người làm chứng cho Nesta trong những vui buồn sự nghiệp. Ông là HLV tuyển Ý về nhì tại EURO 2000, giải đấu Nesta-Cannavaro trở thành cặp trung vệ số 1 thế giới. Mặc dù từng đá cặp với Paolo Maldini, Cannavaro vẫn được coi là bạn đá cặp ăn ý nhất của Nesta trong sự nghiệp, và họ gợi nhớ lại cặp Claudio Gentile - Gaetano Scirea của tuyến Ý năm nào. Cannavaro đá dập, Nesta đá thòng. Cả hai đều mạnh về phán đoán và không chiến xuất sắc (dù Cannavaro không hề cao), trở thành cặp trung vệ trứ danh của người Ý những năm đầu thế kỷ.  


Khi Paul Gascoigne bị chấn thương nặng sau cú tắc bóng của Nesta, Zoff là một trong những người đầu tiên lên tiếng bênh vực. "Đó chỉ là một cú tắc bóng bình thường mà thôi. Cả hai đều lao vào trái bóng. Còn Nesta: "Tôi không thể giải thích chính xác điều gì đã xảy ra, nhưng tôi nhận ra điều gì đó thật tệ khi nghe Paul la lớn".

Lối chơi thanh thoát và đầu óc của Nesta chính xác đặc trưng cho một trung vệ Ý. Trong suốt sự nghiệp, Ronaldo (béo) là tiền đạo Nesta ngại nhất:
"Đối mặt với Ronaldo trong trận đấu tại Paris năm 1998 (CK cúp C2, Lazio thua Inter) là kinh nghiệm tồi tệ nhất của tôi", Nesta trả lời World Soccer trong một lần phỏng vấn. "Anh ấy là cầu thủ đáng kinh ngạc. Tôi đã xem đi xem lại video trận đấu nhiều lần, nhưng không biết mình sai ở đâu".

"Thế còn ai khiến anh sợ hãi nữa?", phóng viên hỏi. "Inzaghi", Nesta trả lời. "Pippo không cho bạn phán đoán. Bạn chỉ cần lao lại cản là anh ấy ngã xuống. Ngoài ra, anh ấy luôn đứng trên vạch việt vị".

Tại Milan, Nesta luôn là sự lựa chọn số 1 bất chấp tuổi tác. Anh cặp với Maldini, Jaap Stam, Kaladze, Thiago Silva... và với ai, Nesta cũng biết cách điều chỉnh để hòa hợp. Milan là đỉnh cao về cả thành công trong sự nghiệp và tình cảm của Nesta. Anh ở đây 10 năm, giành 10 danh hiệu lớn. Anh tìm được người bạn cùng phòng thân thiết Andrea Pirlo.


"Tôi thực sự rất buồn nhưng không thể trách Galliani hay Allegri", Nesta nhớ lại thời điểm Pirlo đến Juve. "Đó là khoảnh khắc bạn phải chấp nhận. Tôi hạnh phúc vì Andrea được đến một CLB lớn. Mối quan hệ công việc chấm dứt nhưng Andrea luôn là bạn, thậm chí nếu cậu ấy đến Inter".

Khi Nesta đi, người buồn là các CĐV Milan. Nét hào hoa cuối cùng của Milan rơi rụng. CĐV Milan không biểu tình phản đối như Lazio, vì họ hiểu, Nesta buộc phải làm thế vì tuổi tác và chứng đau lưng không cho phép anh chinh chiến đỉnh cao. Nhưng Nesta không đến Montreal Impact để dưỡng già. "Nhiều người nói chúng tôi đến đây để tận hưởng, nhưng chúng tôi đến đây để chiến thắng", anh nói sau trận đấu cuối cùng tại Canada. "Chúng tôi đến đây vì chúng tôi khao khát chiến thắng, vì chúng tôi được dạy là luôn luôn phải chiến thắng".

Nesta bị chấn thương ở World Cup 1998 và World Cup 2002, thua ở chung kết EURO 2000 trước Pháp và chấn thương, về nước sớm ở World Cup 2006.

Sự nghiệp của Nesta không phải bao giờ cũng chiến thắng. Nhưng chiến thắng nhiều hơn thất bại, và anh đẹp cả khi thất bại. Đấy là điều thế giới bóng đá nhớ đến nhất. Galliani sẽ phải đợi rất lâu nữa để được thay đổi một chương trình Milan Channel vì một cầu thủ. Pirlo cô đơn một mình trên thảm cỏ. Ultra Lazio, những người la ó khi anh trở lại, nợ Nesta một lời xin lỗi. Còn Nesta, sẽ nghỉ ngơi đôi chút ở Miami cùng gia đình, cùng vợ Gabriela Pagnozzi, người anh yêu khi dính chấn thương tệ hại năm 1998, và hai đứa con Sofia, Tommaso.

Những kỹ năng phòng ngự sẽ không bị thất truyền? Hy vọng thế. Anh sẽ làm HLV, và thảm cỏ xanh chờ ngày anh trở lại, ở một cương vị khác. Tất cả sẽ cùng chờ.

Đỗ Hiếu
Đường dẫn đến khung thành

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

[Positions series] Tiền vệ phòng ngự, từ kẻ hủy diệt đến chuyên gia kiến thiết

(Đường dẫn đến khung thành) - Bài viết tiếp theo trong loạt bài vị trí và vai trò cầu thủ lần này sẽ đề cập đến loạt vị trí quyết định sự thành bại của một CLB, và được xem là có sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử bóng đá hiện đại: Tiền vệ lùi sâu (hoặc tiền vệ phòng ngự)


1. Tiền vệ phòng ngự là những tiền vệ thường xuất hiện ở vị trí từ khoảng 1.5 đến 2.5 của đội hình, thường đảm nhiệm vai trò là lá chắn phòng ngự cuối cùng của hàng tiền vệ. Đây được xem là vị trí bị kỳ thị nhất thế giới bóng đá hiện đại. Khác với tất cả các vị trí còn lại trên sân, từ thủ môn, trung vệ, hậu vệ cánh, đến các vị trí khác của hàng tiền vệ và tiền đạo, tiền vệ phòng ngự luôn là đối tượng duy nhất bị xem là… phản bóng đá vì vai trò đặc biệt của mình trên sân đấu: Với một vị trí có nhiều nguy cơ hơn hẳn khu trung tâm và hai cánh, nhưng lại cách xa khu cấm địa, tiền vệ phòng ngự được xem là chỗ đứng tuyệt vời cho một gã tiều phu, kẻ hủy diệt, hay hàng tá thứ danh từ đại loại như thế, hoạt động. Điều này thực sự không khó hiểu khi dưới tay Makelele, những đường bóng hoa mỹ của các số 10 bị cắt đứt không thương tiếc, còn Pepe, Nidel de Jong… thì làm run rẩy những đôi chân pha lê của đối thủ. Nhưng tiền vệ phòng ngự liệu có chỉ đơn giản như thế?

2. Các vai trò khác của tiền vệ phòng ngự

2.1 Tiền vệ phòng ngự thuần túy

Tiền vệ phòng ngự thuần túy là mẫu tiền vệ phòng ngự cơ bản nhất. Họ không chỉ là mẫu tiền vệ có khả năng phán đoán tình huống và tung ra những cú tắc bóng chuẩn xác, mà còn có đầy đủ những tố chất về thể lực cũng như kỹ thuật để bảo vệ cho phần còn lại của khu trung tâm hàng tiền vệ, nơi mà những cầu thủ sáng tạo của đội nhà tung hoành. Đa số các tiền vệ phòng ngự đều có thể hình và thể lực vượt trội, nhưng một số ít khác lại lấy kỹ năng tắc bóng và phán đoán đủ xuất sắc để bù đắp khuyết điểm thể chất đó.


Lối chơi tỉnh táo và ổn định, cộng thêm thể lực và khả năng phán đoán tình huống tuyệt vời giúp cho các tiền vệ phòng ngự luôn tạo được áp lực nhất định lên các đợt tân công của đối thủ. Một vài tiền vệ phòng ngự rất ít khi tung ra những pha tắc bóng đẹp mắt (hoặc nguy hiểm), nhưng lại được xem là hoàn thành rất tốt công việc của mình nhờ vào cách di chuyển buộc đối phương phải thận trọng (nói cách khác là dè dặt) hơn trong các pha len bóng, hoặc ngăn không cho những cầu thủ tấn công quan trọng nhất của đối phương có cơ hội tiếp cận với bóng ở vị trí thuận lợi. Ngược lại, một số cầu thủ khác có số pha tắc bóng và tỉ lệ thành công cao đến mức kinh ngạc nhưng lại không bao giờ được đánh giá cao trong vai trò tiền vệ phòng ngự vì cách di chuyển quá ít trách nhiệm với hệ thống phòng ngự. Trong những trường hợp này, các kết quả thống kê sau trận đấu không chỉ khiến cho đa số người xem bóng đá hiểu sai về vai trò cũng như đóng góp của loại cầu thủ này trong trận đấu.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ khung thành, các tiền vệ phòng ngự loại này còn là người hỗ trợ cho những chân chuyền mong manh của đội nhà trước sức mạnh thể lực của các cầu thủ đối phương. “Kẻ xấu” trong mô hình bộ đôi sáng tạo – hủy diệt đã có một thời là biệt danh riêng của mẫu tiền vệ này. Đương nhiên, tiền vệ phòng ngự thuần túy đôi khi cũng có thể “lười biếng” hơn trong nhiệm vụ này nếu tiền vệ sáng tạo của họ không phải là loại “dễ bắt nạt”, hoặc sơ đồ chiến thuật đội nhà có khả năng áp đảo đối phương về số lượng… đại loại thế. Dù sao, đây cũng không phải nhiệm vụ chính.

Tiền vệ phòng ngự trong các loại chiến thuật cụ thể còn cần sở hữu khả năng chuyền bóng ổn định để hoàn thành nhiệm vụ làm cầu nối giữa hậu vệ và tiền vệ trung tâm. Họ cũng có thể xông lên hỗ trợ tấn công và dứt điểm từ xa khi cần thiết. Tuy nhiên, yêu cầu này có lẽ là yêu cầu ít quan trọng nhất đối với tiền vệ phòng ngự thuần túy.

22. Tiền vệ mỏ neo


Mẫu tiền vệ này gần tương tự như một tiền vệ phòng ngự thuần túy. Điểm khác biệt duy nhất của họ là khả năng di chuyển cực rộng trong khu vực phòng ngự.. Tiền vệ mỏ neo, đúng với tên gọi của nó, là một chuyên gia kèm người của đội bóng. Họ sẵn sang lao theo bất kỳ một cầu thủ đối phương nào mà họ cảm thấy có khả năng gây nguy hiểm cho đội nhà, đồng thời bỏ hẳn vị trí của mình cho… một ai đó họ không quan tâm. Điều này đôi khi mang lại những hiệu ứng tuyệt vời cho đội bóng nếu mỏ neo có thể vô hiệu hóa hoàn toàn tiền đạo (hoặc tiền vệ) ngôi sao đối thủ, nhưng đôi khi cũng gây ra hiệu ứng rất xấu nếu đội hình đối thủ được tổ chức tốt, hoặc không phụ thuộc quá nhiều vào một ngôi sao, hoặc đơn giản là ngôi sao tấn công quá xuất sắc. Trường hợp này, tiền vệ mỏ neo gần như là một gánh nặng.

2.3. Tiền vệ trụ

Tiền vệ trụ thường được xếp cùng loại với tiền vệ phòng ngự thuần túy. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Claudie Makelele đã khiến cho khái niệm này bị thay đổi đi không ít. Người ta cho rằng, Makelele đã tự mình tạo ra một vai trò thi đấu mà anh là đại diện ưu tú duy nhất trong lịch sử, ít nhất là trong thời đại của mình.

Makelele đã tạo ra một mẫu hình tiền vệ chỉ biết toàn tâm toàn ý cho phòng ngự, một kẻ phản bóng đáthuần túy xấu xí, bé nhỏ và nguy hiểm. Trong thời kỳ hoàng kim của các số 10, Makelele là vật cản hữu hình gần như duy nhất (nhưng cũng là vật cản khó nhằn nhất) cho những phút giấy chói sáng của loại cầu thủ có lối chơi đẹp nhất thế giới. Anh sinh ra để hủy diệt mọi số 10 để đảm bảo rằng, trong  mọi trận đấu có mặt mình, số 10 đồng đội của anh, gần như ám chỉ Zinadine Zidane, là kẻ duy nhất được phép trở thành nhân vật chính.


Hiếm khi nào Makelele thực hiện một đường chuyền quá… 10 mét. Thể hình và thể lực cũng không cho phép anh gây áp lực thô bạo lên đối thủ hoặc thực hiện những pha tắc bóng mạnh mẽ như các tiền vệ phòng ngự thông thường. Tệ hơn, anh gần như không bao giờ biết đến tấn công: Ngay cả các trung vệ cũng có số lần dâng cao hơn Makelele trong rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, Makelele lại là cầu thủ sở hữu nhãn quan và khả năng phán đoán tình huống tuyệt vời. Khi đối thủ của bạn là một số 10 xuất chúng, thể hình và sức mạnh thô bạo chẳng có ý nghĩa gì cả! (Và đó là lý do số 10 vẫn tiếp tục bá đạo bất chấp sức mạnh của các tiền vệ phòng ngự) Nhưng khả năng phán đoán bậc thầy của Makelele lại hoàn toàn khác. Anh chính là “thiên địch” của số 10: Đơn giản, chuẩn xác, và đơn giản là không thể bị đánh bại bằng kỹ thuật

2.4. Tiền vệ kiến thiết lùi sâu (Regista)

Tiền vệ kiến thiết lùi sâu, được biết đến rộng rãi trên thế giới với cái tên Regista, là một mẫu tiền vệ được săn đón nhiều nhất của thế giới bóng đá hiện đại. Đôi khi các tiền vệ kiến thiết lùi sâu có thể thi đấu ở một vị trí cao hơn nhiều so với các tiền vệ phòng ngự thuần túy, thậm chí trở thành một tiền vệ trung tâm (như Xavi, Xabi Alonso…), nhưng về cơ bản, Regista vẫn là một khái niệm dành cho tiền vệ kiến thiết đứng ở vị trí khoảng từ 2 đến 2.5 đội hình.


Ngày nay, người ta có thể nhắn đến Xavi ở Barcelona, Xabi Alonso ở Real Madrid, hay thậm chí trẻ hơn rất nhiều là İlkay Gündoğan của Dortmund khi cần những ví dụ tốt về Regista ở Tây Ban Nha và Đức, nhưng nếu muốn nói về sức mạnh và vẻ đẹp thực sự mà Regista có thể sở hữu, thì không có bất kỳ một bằng chứng nào đủ xứng đáng để thay thế cho Andrea Pirlo: Một Regista của tất cả mọi Regista từng tồn tại trên thế giới.

Khác với tất cả mọi playmaker từng tồn tại trên thế giới, từ Rivelino của những năm 70, Platini những năm 80, Ruis Costa và Zidane những năm 90 – 2000 đến hàng nghìn các cầu thủ kiến thiết thiên tài khác, Pirlo của thời kỳ đỉnh cao không thi đấu ở phía trên hàng tiền vệ để thực hiện những pha bóng đẹp long lanh xé toang hàng phòng thủ đối phương, mà đứng ở vị trí gần như chỉ ngang với vị trí Makelele, nơi mà anh thực sự là một nhạc trưởng, lùi sâu, quan sát tổng thể mọi diễn biến của trận đấu và tung ra những đường chuyền mang tính quyết định ở khoảng cách đôi khi lên đến 50-60m.

Regista là một dạng thu nhỏ khác của Libero huyền thoại trong quá khứ. Nhưng khác với (một phiên bản hiện đại khác của Libero là) tiền vệ con thoi, những người lên công về thủ không biết mệt mỏi, Regista đơn giản là một vị tướng, khống chế cục diện trận đấu không phải bằng thể lực và kỹ thuật bậc thầy, mà bằng tầm quan sát rộng kinh ngạc và khả năng quan sát, dẫn dắt trận đấu xuất sắc.

Ở một khía cạnh khác, để được tự do sáng tạo, các Regista luôn luôn cần những “máy quét” bảo vệ. Nhưng khác với các số 10, đặt một Regista vào đội hình thi đấu là giải pháp hết sức mạo hiểm: Họ thi đấu ở vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống phòng ngự, nhưng lại không có đủ thể lực và kỹ năng cần thiết cho việc phòng thủ. Vì thế, các máy quét không chỉ phải thay phần Regista hỗ trợ phòng ngự, mà còn phải trở thành tấm lá chắn bảo vệ cho Regista khỏi sức mạnh của đối thủ. Rất may cho Pirlo, Gattuso, Daniel De Rossi và Arturo Vidal, những cầu thủ từng đá cặp với anh trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình đều là những chuyên gia phòng ngự bậc thầy.

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Andrei Kanchelskis - học sĩ hào hoa

(Đường dẫn đến khung thành) - Andrei Kanchelskis là 1 tài năng của bóng đá Xô viết, 1 "Quỷ Đỏ" chưa được tuyên dương xứng đáng với những gì anh đóng góp cho Manchester United trên con đường xây dựng 1 đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử bóng đá tại xứ sở sương mù suốt 20 năm qua.


Là một trong những tài năng cuối cùng được phát hiện và phát triển dưới sự chăm bón của nền bóng đá Xô viết, Andrei Kanchelskis (Андрей Антанасович Канчельскис) đã nếm trải đủ những hương vị của vinh quang, cay đắng. Một sự lận đận như chính nền bóng đá nước này sau khi tan vỡ!

Andrei Kalcheskis là 1 trong những cầu thủ Đông Âu hay nhất chơi tại ManU, sinh ngày 23 tháng 1 năm 1969 tại thành phố Kirov Kirovohrad, Ucraina thuộc Liên Xô (cũ). Anh là người Ukraina gốc Lít va (Lithuania) nhưng sau khi Liên Xô tan rã thì anh mang quốc tịch và khoác áo đội tuyển Nga dù anh hoàn toàn có quyền đá cho 2 đội tuyển kia.


Trong sự nghiệp quốc tế, anh được gọi vào đội tuyển Liên Xô (cũ) từ năm 1989, đá 23 trận ghi được 3 bàn thắng và 52(3) trận cho đội tuyển Nga, ghi được 8 (4) bàn thắng. Anh là cầu thủ MU khoác áo nhiều độI tuyển quốc gia nhất: 3 đội gồm Liên Xô (Cũ), CIS (SNG - Cộng đồng các quốc gia độc lập) và sau này là LB Nga. Những cầu thủ đã từng khoác áo 3 quốc gia như Kanchelskis không nhiều, trước đó chỉ có “Mũi tên Vàng” Alfredo Di Stefano, đã chơi cho cả Argentina, Colombia, và Tây Ban Nha. 

Anh trưởng thành từ lò huấn luyện CLB Kharkov. Anh ký hợp đồng nhà nghề chính thức với Dynamo Kiev 1 trong số những CLB thành công nhất lịch sử bóng đá Liên Xô năm mới 17 tuổi, thi dấu từ 1987-1989 , chơi trận đầu tiên trên sân vận động Cộng hòa (bây giờ đổi tên thành Lobanovsky - 1 HLV Huyền thoại của bóng đá Xô viết và Ucraina) khi mới 19 tuổi ngày 17 tháng 9 năm 1988. Tại Dynamo Kiev, hầu hết thời gian của anh là trên ghế dự bị nhưng cũng đá 22 trận và ghi được 1 bàn thắng.

Từ mùa 1989 - 1990, do xung khắc với HLV Lobanovski và nhận được lời đề nghị của Shakhtar Donetsk, Andrei đã ra đi với sự nuối tiếc dù Dynamo luôn là đội bóng anh yêu thích từ thời thơ ấu. Trong đội hình Shakhtar, anh đã thi đấu tốt, đá 21 trận và ghi 3 bàn và được gọi vào đội tuyển QG Liên Xô. Anh ra quân trận đầu tiên dưới màu áo ĐTQG vào tháng Tám năm 1989 trong trận Liên Xô gặp Ba Lan.

Khi Liên Xô bắt đầu cho cầu thủ được đi đá thuê tại các CLB nước ngoài, 1 loạt danh thủ Liên Xô (cũ) đã xuất ngoại thử sức tại các nền bóng đá khác như Oleg Blokhin , Shalimov , Mikhailychenko , Rinat Dasaev, Igor Belanov, Sergei Yevgenyevich Aleinikov. Kanchelskis cũng không đứng ngoài trào lưu đó.

Số phận đã đưa Kanchelskis đến ManU khi một cuốn băng Video giới thiệu về anh được gửi đến Old Trafford. Sir Ferguson đã rất ấn tượng bởi phong cách và tài năng trời phú của Kan và sau khi xem trận đấu Liên Xô - Đức, ông đã nhanh chóng trả 650.000 bảng - mức giá kỷ lục của một cầu thủ Liên Xô lúc bấy giờ - để mua Kanchelskis về Manchester United, đưa sự nghiệp của tiền vệ này lên một tầm cao mới. Ngày 11/5/1991, anh thi đấu trận đầu tiên cho MU trong trận gặp Crystal Palace ở giải Ngoại hạng - trận đấu cuối cùng mùa giải của MU, đáng tiếc là họ đã để thua với tỷ số 0-3 trên sân Selhurst Park và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6. Ngày 15/5/1991, ManU đạt danh hiệu đầu tiên sau 24 năm - Cúp C2 - nhưng Kanchelskis không có mặt trong đội hình. SAF coi anh như 1 vụ đầu tư trong việc tìm 1 Tiền vệ cánh phải trẻ hơn, khỏe hơn thay cho những cầu thủ lớn tuổi như Mike Phelan và Bryan Robson.

Mùa 1991/92, Kanchelskis chơi khá hay, nhanh chóng trở thành 1 thành viên chính khi thi đấu 34 trận, ghi 5 bàn thắng góp phần giúp MU đoạt League Cup và xếp thứ 2 sau Leed trong cuộc đua đến ngôi vô địch Football League First Division mùa cuối cùng trước khi giải đấu này chuyển thành Premier League như bây giờ. Trong mùa này, MU đã dẫn đầu bảng trong suốt mùa cho tới vài vòng cuối mới bị Leed United của Eric Cantona qua mặt. Tổng cộng mùa này Kanchelskis ghi 8 bàn trên mọi mặt trận.

Mùa 1992/1993, khi gải đấu cao nhất nước Anh đổi tên thành Premier League, Kanchelskis được bố trí đá chính tại cánh phải và cùng với đồng đội anh đá 31 trận và ghi 6 bàn, giải cơn khát danh hiệu VĐQG kéo dài 26 năm của ManU. Mùa đó, anh là 1 trong số 13 cầu thủ ngoài Anh và Ireland được ra sân trong vòng đấu đầu tiên.

Mùa 1993/1994, anh trở thành lựa chọn mặc định cho hành lang cánh phải ngay cả khi Bryan Robson - tiền vệ đội trưởng chuyên cánh phải kỳ cựu của ManU trải qua mùa cuối cùng khoác trên mình chiếc áo đỏ. Trước anh, chỉ có Steve Coppell là có được sự ưu ái này trong những năm đầu thập kỉ thứ 8 của Thế kỉ 20.

Trong mùa bóng tiếp theo, mặc dù gặp phải chấn thương khá nặng, anh vẫn là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho Manchester United với 15 lần đưa bóng vào lưới đối phương sau 32 trận ở tất cả các giải, trong đó có 14 bàn tại GNH, đạt hiệu suất 0.46 bàn/trận) nhưng đây cũng chính là mùa bóng đánh dấu sự sa sút phong độ của Andrei. Anh bắt đầu xuống sức vì quá tải và liên tiếp dính chấn thương! Trong vài vòng đấu cuối cùng, anh bị thoát vị và phải nghỉ thi đấu. Cùng với sự vắng mặt của Eric Cantona (bị kỷ luật 8 tháng sau cú Kungfu kick nổi tiếng vào 1 CĐV của Crystal Pallace), Andrew (ex. Andy) Cole và phần nào là Peter Schmeichel (chấn thương), mùa đó ManU để rơi chức vô địch vào tay Blackburn Rover của cặp Alan Shearer và Chris Sutton - cặp tiền đạo đã ghi hơn 50 bàn trong mùa bóng đó và cá nhân A.S là vua phá lưới, cầu thủ hay nhất giải .... Họ mất luôn cúp FA vào tay Everton - 1 mùa trắng tay của Quỷ Đỏ.


Trong hơn 4 mùa thi đấu dưới màu áo đỏ của Manchester United, Kanchelskis đã thi đấu 145 trận, ghi 48 bàn thắng, đoạt các danh hiệu:

- Siêu cúp châu Âu mùa 91: Thắng đội giữ cúp C1 là Sao Đỏ Belgrade

- Giành League Cup mùa 1991- 1992: thắng Nottingham Forest.

- Vô địch Premier League trong 2 mùa bóng 92-93 và 93-94.

- FA Cup năm 93-94: thắng Chelsea

- Siêu cúp nước Anh mùa 93 (thắng Arsenal) và 94 (thắng Blackburn Rover)

Giai đoạn này, đội hình Quỷ Đỏ toàn những hảo thủ như Lee Sharpe, Bryan Robson, Gary Mc Pallister, Paul Ince, Mark Hughes, Keane, Irwin, King Eric, "The Great Dane" Schmeichel… và lứa "Thế hệ vàng" được đôn lên mà tiêu biểu là Gigg. Trong 1 tập thể toàn sao (Tạm gọi là SAF's Galaxy 1.0) ấy, Kanchelskis lầm lũi toả sáng, chấp nhận làm nền cho các đồng đội bằng những pha khoan phá thần tốc đầy ma quái bên cánh phải và những quả tạt, những đường chuyền hiểm độc. Anh là một nỗi lo sợ cho hàng hậu vệ của các CLB tại Premiership trong nhiều năm liền. Kanchelskis có lối đi bóng hơi giống Giggs và Ronaldo "béo" (nói 2 người này giống anh thì đúng hơn), cầm bóng lao thẳng vào giữa rừng hậu vệ với những cú đảo người ma quái và tốc độ cực nhanh khiến cho các hậu vệ đối phương trở thành những hình nhân trên sân tập cho anh phô diễn tài năng. Dù được mệnh danh là "Học sĩ sân Old Trafford" nhưng anh chơi bóng cực kỳ dũng mãnh và lỳ lợm nhưng rất khôn ngoan. So với anh, cái dũng mãnh của Tevez cũng chưa thể bằng được.

Hơn 4 năm cống hiến không mệt mỏi cho M.U, cầu thủ có dáng chạy mảnh khảnh của một "học sĩ hào hoa" không thể lẫn vào đâu được, cũng để lại những dấu ấn mãi mãi không thể phai nhạt.Trong trận gặp Manchester City ngày 10/11/1994, Kanchelskis làm lu mờ tất cả các đồng đội danh tiếng bằng màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn với 3 bàn thắng. Anh trở thành cầu thủ đầu tiên lập hattrick trong trận derby thành Manchester sau 34 năm, kể từ ngày tiền đạo Dowson ghi 3 bàn giúp M.U đánh bại Man City 5-1 ngày 31/12/1960.

Tùng Dương - Redcafe
Đường dẫn đến khung thành

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Gennaro Gattuso - Tê giác thành Milan

(Đường dẫn đến khung thành) - Mặc dù có hơi muộn nhưng nhắc đến anh thì không bao giờ là trễ cả. Một khuôn mặt hổ báo cáo chồn với những pha tắc bóng khiến mọi đối thủ phải dè chừng, “máy ủi” mẫu mực của thời đại, đó chỉ có thể là anh – Gattuso.


Giã từ sự nghiệp cầu thủ tại FC Sion đó hẳn là một điều khiến “tê giác” cảm thấy tiếc nuối, tuy nhiên nó không quá quan trọng bởi đơn giản với Gattuso, bóng đá không phải là thứ ủy mị, nó phải là sức mạnh và sức mạnh thì không có nước mắt… (tất nhiên là bạn nên trừ ra khoảnh khắc anh khóc khi chia tay Milan bởi đó là ngoại lệ duy nhất -_-).

Đã từng có lúc khi nghe đến bộ tứ Gattuso - Pirlo - Seedorf - Ambrosini, ai nấy cũng phải khiếp sợ bởi sức mạnh của mũi khoan kim cương làm nên tên tuổi cho AC Milan, trong đó Gattuso và Ambrosini đóng vai trò là hòn đá tảng.

18 năm sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, là huyền thoại của sân San Siro, là tất cả những tinh túy của lối chơi đặc sản mang phong cách Ý, tuy nhiên khi nhắc tới anh người ta chỉ nhớ đơn giản đó là một gã đồ tể, và không hơn.


Gattuso phải nói là khá may mắn khi được “lên đỉnh” đúng vào thời điểm AC Milan là một tập thể hoàn hảo, các vị trí dường như sinh ra để gắn vào với nhau, và tuy không quá nổi bật nhưng “tê giác” luôn là một vị trí bất khả xâm phạm, có thể nói rằng muốn thắng được Milan thì trước tiên phải bước qua xác của Gattuso cái đã.

Đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của “tê giác” đó có lẽ là chiến thắng của tuyển Ý trước Pháp trong trận chung kết WC 2006, chiến công ấy được nhắc đến với những cái tên như Pirlo, Totti hay Toni nhưng kể cả Pirlo có rực sáng thế nào thì người ta cũng không thể nào không nhắc tới anh – Gattuso. Ở trận đấu ấy, nếu bạn muốn biết tường tận thế nào là một CDM thực thụ thì hãy xem Rino thi đấu.

Có người nói Gattuso làm mất đi cái hào hoa của bóng đá, điều đó không sai nhưng sẽ thật là ngớ ngẩn nếu cho rằng đó là tất cả tinh túy của bóng đá. Thực tế thì một trận bóng là một cuộc chiến và tất nhiên là người ta cần những chiến binh thực thụ.


Bây giờ có thể người ta cần những CDM dùng “cái đầu” như Pirlo nhiều hơn nhưng nói đến cái bản sắc, cái mẫu mực thì chỉ có thể là kiểu của Rino – đầy sức mạnh, đầy nhiệt huyết.


Cuối cùng xin mượn lời của một Tifosi để kết thúc mớ cảm xúc này “Italia vốn nổi tiếng với những cầu thủ tài hoa, những nghệ sĩ thực thụ trên sân cỏ, người ta có thể làm hàng nghìn bài thơ về mái tóc đuôi ngựa của Roberto Baggio, những bước chạy như một vị thần của Paolo Maldini, vẻ đẹp trai của Totti hay đôi mắt u sầu của Andrea Pirlo. Thế nhưng thật khó để làm thơ về Gennaro Gattuso.”

Tùng ARM
Đường dẫn đến khung thành

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Eusebio, Báo Đen Bồ Đào Nha

(Đường dẫn đến khung thành) - Eusebio da Silva Ferreira, còn được biết đến với biệt danh "Ngọc trai đen" hoặc "Báo đen", sinh năm 1942 tại Lourenco Marques, Mozambique. Thời gian này, Mozambique vẫn còn là một thuộc địa của Bồ Đào Nha.


Năm 1961, ông được HLV của Benfica là Bela Guttmann đưa về Bồ Đào Nha với giá 7500 bảng sau khi đích thân đáp máy bay đến châu Phi để trực tiếp theo dõi Eusebio thi đấu.

Ngay từ những trận đấu đầu tiên thi đấu chính thức trong màu áo Benfica, Eusebio đã liên tiếp gây ấn tượng, trong đó có hattrick vào lưới Santos của vua bóng đá Pele.

Báo Đen tiếp tục gây ấn tượng bằng cú đúp trong chiến thắng 5-3 của Benfica trước Real Madrid ở trận chung kết cup châu Âu năm 1962.

Eusebio thực sự là một cầu thủ tấn công hoàn hảo: Nhanh nhẹn, khéo léo, mạnh mẽ và có khả năng tác chiến độc lập. Ông không cần phải quá phụ thuộc vào những đường chuyền của tuyến tiền vệ để tỏa sáng. Nhờ đó, Eusebia đã ghi đến 319 bàn thắng trong số 313 trận thi đấu tại giải VĐQG Bồ Đào Nha, đưa Benfica đến 10 danh hiệu VĐQG, 5 cup Quốc gia, 1 cup châu Âu (1962) và một lần vào chung kết cup châu Âu (1968, thất bại trước Manchester United ở sân Wembley). Bản thân ông cũng đã có 6 lần nhận danh hiệu Vua phá lưới giải VĐQG Bồ Đào Nha, 2 lần nhận danh hiệu Vua phá lưới cup châu Âu (1968, 1973) và một lần được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu (1965).


Vào năm 1966, Bồ Đào Nha lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết World Cup. Và Eusebio đã làm rung chuyển thế giới với 9 bàn thắng để trở thành vua phá lưới của giải đấu. Ở vòng bảng, ông đã giúp Bồ Đào Nha hai lần xé toang mành lưới của đội bóng đương kim vô địch 2 mua World Cup liên tiếp (1958 và 1962). Trong trận tứ kết, khi Bồ Đào Nha đang bị Bắc Triều Tiên dẫn 3-0, một mình ông ghi liên tiếp 4 bàn thắng để giúp đội nhà lội ngược dòng thành công với chiến thắng 5-3. Người Bồ đã thua Anh ở bán kết, nhưng đã giành chiến thắng trước Liên Xô trong trận tranh hạng 3 để khép lại một giải đấu đáng nhớ nhất lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha.


Tuy nhiên, thật không may, Eusebio đã không bao giờ được tham dự một vòng chung kết World Cup nào nữa dù đã tham gia chiến dịch vòng loại World Cup 1970 và 1974. Sau đó, giống như hầu hết các ngôi sao thời đại đó, ông sang Mỹ thi đấu trước khi treo giày vào năm 1978.

Eusebio đã phải nhập viện nhiều lần trong suốt năm qua để điều trị các vấn đề về tim và hô hấp. ngày 5/1/2014, ông qua đời, hưởng thọ 72 tuổi.


Khi ông mất, huyền thoại chạy cánh của Bồ Đào Nha, Luis Figo nói: "Một mất mát lớn đối với tất cả chúng ta!"

HLV của Chelsea, Jose Mourinho viết: "Tôi nghĩ, ông ấy sẽ bất tử trong lòng người hâm mộ. Tất cả mọi người đều biết những gì ông ấy đã cống hiến cho bóng đá nói chung, và bóng đá Bồ Đào Nha nói riêng.
Ông ấy không chỉ tạo ra nguồn cảm hứng tuyệt vời, mà còn là một nhân vật đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị, nguyên tắc, và đam mê trong bóng đá, ngay cả khi đã giã từ sự nghiệp"


Chủ tịch hiệu hội bóng đá Anh, Greg Dyke cho biết: "Ông ấy là cả Messi lẫn Ronaldo của những năm 60-70 thế kỷ trước.
Mỗi thế hệ đều có những cầu thủ tuyệt vời. Ông rõ ràng là một trong số rất ít những cầu thủ hàng đầu thế giới, với những phẩm chất thiên bẩm có một không hai"

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More