Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

[Positions series] Tiền vệ trung tâm - chìa khóa sức mạnh mọi đội bóng

(Đường dẫn đến khung thành) - Series này được bắt đầu bằng loạt vị trí phức tạp nhất của hệ thống bóng đá hiện đại: Các vị trí tiền vệ trung tâm.


1. Tiền vệ và tiền vệ trung tâm:

Vì là bài viết đầu tiên của tuyến tiền vệ, cũng là bài đầu tiên trong series, tôi sẽ lần lượt điểm qua về vị trí tiền vệ trước khi đề cập đến những vị trí của tiền vệ trung tâm.

1.1. Tiền vệ:

Tiền vệ là những vị trí nằm ở giữa đội hình thi đấu theo chiều dọc, khu vực hoạt động chủ yếu là ngay sau các tiền đạo và trên hậu vệ. Trong đa số các bảng biểu diễn chiến thuật, người ta dùng màu xanh dương để phân biệt tiền vệ với các vị trí khác. Các tiền vệ trong một số trường hợp cũng được yêu cầu đá rất thấp để tập trung bảo vệ khung thành hoặc trực tiếp ghi bàn, nhưng nhiệm vụ chính của họ vẫn là điều tiết lối chơi, tổ chức phòng ngự từ xa và phát động tấn công. Với bóng đá hiện đại, tiền vệ quan trọng đến nỗi: "Không có bất kỳ một đội hình mạnh mẽ nào không sở hữu ít nhất một tiền vệ xuất sắc". Nói cách khác, không có tiền vệ xuất sắc nào trong đội hình thì không có cách nào để vươn lên trở thành một đội bóng xuất sắc.

Cùng với sự phát triển của hệ thống chiến thuật hiện đại, số lượng và chất lượng của các tiền vệ không ngừng được nâng cao. Việc phân loại tiền vệ từ đó cũng trở nên phức tạp hơn. Dưới đây, chúng tôi chỉ liệt kê một vài mẫu tiền vệ điển hình và có sức ảnh hưởng tương đối lớn với sự hình thành và phát triển chiến thuật.

1.2. Tiền vệ trung tâm:

Tôi không nghĩ rằng một đội bóng nào đó lại có thể thành công với một sơ đồ không tiền vệ trung tâm. Trung tâm là khu vực quan trọng nhất của sân đấu: Là ngả đường nối kết toàn bộ hệ thống công - thủ. Từ khu vực này, người ta có thể dễ dàng mở bóng ra hai cánh, đâm thẳng vào trung lộ, chủ động phá vỡ mọi hướng tấn công của đối thủ... Tất cả mọi phương án tác chiến đều phải đi qua khu vực huyết mạch này, kể các các chiến thuật phản công vượt tuyến hoặc khoét cánh.


Chính vì yêu cầu hết sức quan trọng đó, vị trí trung tâm luôn yêu cầu những cá nhân có thể lực, kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật cực tốt, thậm chí là tốt nhất, và là nhân tố chủ yếu để đánh giá sức mạnh toàn đội (hẳn nhiên khi đội bóng có những siêu sao thuộc vị trí khác thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác). Barcelona và Real Madrid của Tây Ban Nha, Arsenal, Man City của Anh, Juventus, AC Milan, Inter Milan của Ý, Bayern Munich, Dortmund của Đức... đều là những ví dụ tương đối rõ ràng.

Manchester United có thể là một ngoại lệ: Cả Darren Fletcher, Anderson, Michael Carrick... đều là những cầu thủ... thường thường bậc trung so với trình độ của đội. Thực ra, cả 3 tiền vệ này đều có khả năng chuyên môn rất cao, nhưng so với một đội bóng đã 6 lần vô địch Premier League, đoạt 1 cup FA, 3 cup Liên đoàn, 5 Siêu cup nước Anh, 1 cup Champions League và 1 cup thế giới các CLB trong 10 năm trở lại đây thì có chút... không tương xứng.

2. Các mẫu tiền vệ trung tâm trong bóng đá hiện đại:

2.1. Tiền vệ toàn diện trung tâm (Center Midfielder)

Mẫu tiền vệ này ngày một ít xuất hiện hơn trên bản đồ bóng đá đỉnh cao. Đây có thể là một điểm tiến bộ khi mà bóng đá ngày càng trở nên phức tạp, biến hóa, và mang tính chuyên biệt cao hơn còn tiền vệ toàn diên trung tâm thì lại quá... toàn diện.

Trong quá khứ, các tiền vệ toàn diện trung tâm không chỉ được xem là "mắt bão", tổ chức tất cả các đợt tấn công, mà còn là vị chỉ huy của hệ thống phòng ngự. Chơi ở vị trí trung tâm vốn đã rất khó khăn và chênh vênh "như đi trên dây, nghiêng một chút là ngã", nhiệm vụ tiền vệ toàn diện trung tâm lại càng khó khăn. Và khi mà tốc độ, sức mạnh trong mỗi trận đấu cũng mật độ thi đấu tăng cao, các cầu thủ tiền vệ toàn diện trung tâm "kiểu cổ" đã không còn đủ khả năng để làm chủ trận đấu, hoặc ít nhất là giữ được phong độ ổn định để làm chỗ dựa tinh thần cho cả đội nữa. Thậm chí, họ còn trở thành gánh nặng cho 10 cầu thủ còn lại vì áp lực và yêu cầu quá lớn của chiến thuật.

Với bóng đá hiện đại, vai trò của vị trí tiền vệ toàn diện trung tâm đã hoàn toàn thay đổi so với trước đó. Nói 1 cách ngắn gọn, tiền vệ toàn diện trung tâm là 1 tổng hòa của tất cả các vị trí tiền vệ trung tâm. Họ không còn công thủ "toàn diện" đúng như tên gọi của mình thời gian trước đó nữa, mà bắt đầu tùy biến liên tục theo yêu cầu chiến thuật của từng HLV một: Giới hạn tối đa sức sáng tạo, trám vào chỗ trống khu trung tuyến, triển khai bóng, di chuyển mở rộng không gian hoặc duy trì cự ly giữa các tuyến, hỗ trợ công thủ .v.v. Khu vực hoạt động bị thu hẹp khá nhiều so với trước, chỉ vào khoảng 1/2 chiều dài đội hình toàn đội (chứ không phải chiều dài sân), các tiền vệ toàn diện kiểu mới này ban đầu được hiểu như là cầu nối đơn thuần giữa các tuyến.

Từ những biến đổi thiếu hệ thống, người ta dần dần xác định nhiệm vụ cụ thể của mẫu tiền vệ toàn diện trung tâm kiểu mới thành hai loại: Mẫu tiền vệ điều phối bóng và mẫu tiền vệ đinh móc.

Đặc điểm chung để vẫn giữ cả 2 loại tiền vệ này trong 1 khái niệm tiền vệ toàn diện trung tâm là nhờ khả năng "làm cầu nối" với tỷ lệ chuyền bóng (và chuyền bóng chính xác) cao đặc biệt. Một vài biến thể nhỏ lẻ của cả 2 có thể ít chuyền bóng hơn, và di chuyển không bóng nhiều hơn, nhưng vẫn thống nhất về vai trò.

Mẫu tiền vệ ít được quan tâm hơn (và là một trong những lý do khiến họ ngày càng ít được trọng dụng là tiền vệ đinh móc. Tiền vệ đinh móc (khái niệm tôi sử dụng từ bài viết "Denilson - Nếu không như Falcao thì thực sự anh là ... ai ?" đăng tại arsenal.com.vn ). Mẫu tiền vệ này là vị trí theo chủ nghĩa cầu toàn nhất thế giới: Khi có bóng, họ đơn thuần chỉ là đầu mối trung chuyển của tuyến tiền vệ, đưa bóng từ một vị trí phòng thủ sang vị trí phát động tấn công, kéo bóng từ vị trí bị tranh chấp vào khu vực an toàn, còn khi mất bóng, thì những "cái đinh móc" này sẽ là người "kềm chân thuần túy" các đợt tấn công của đối thủ để tuyến sau tái lập phòng thủ. Họ it khi mất bóng bởi vì không bao giờ mạo hiểm (và cũng không được phép mạo hiểm), ít khi chuyền bóng hỏng vì không có nhu cầu chuyền bóng vào khu vực đông đối thủ... Nói chung, đó là những người xuất sắc trên bảng thống kê và tệ hại trong biểu hiện thực tế.

Diaby là một trong những cầu thủ thi đấu khá tốt ở vị trí "đinh móc"
Một số cầu thủ đinh móc không trực tiếp chuyền bóng nhưng vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ cầu nối bằng cách di chuyển không bóng, tự tạo không gian và giải phóng cho các đường chuyền của đồng đội. Những người này ít khi cầm bóng, và bị hạn chế dốc bóng nên thực sự "rất thầm lặng" trên các bảng thống kê cũng như biểu hiện thực tế.

Mẫu tiền vệ được chú trọng phát triển hơn, và thực sự rất được ưa thích hiện nay là tiền vệ toàn diện kiểu điều phối bóng. Loại tiền vệ này khiến rất nhiều người liên tưởng đến tiền vệ phòng ngự dạng điều phối bóng kiểu Brazil (Volante) hoặc tiền vệ kiến thiết trung tâm. Cũng phải! Vì họ là điểm giao thoa giữa 2 loại tiền vệ này. Các tiền vệ điều phối bóng này đôi khi tự phát động tấn công bằng những đường chuyền vượt tuyến như các tiền vệ kiến thiết và kiến thiết lùi sâu, hoặc giữ thói quen phòng ngự chủ động khi mất bóng, cũng như đẩy bóng ra hai biên khi có bóng tương tự như các Volante. Nhưng họ không phải là những người được yêu cầu chỉ huy phòng thủ như Volante hoặc tấn công như tiền vệ kiến thiết. 

Xabi Alonso - tiền vệ điều phối hàng đầu
Nhiệm vụ cầu nối bằng những đường chuyền có độ chính xác cao trải đều khắp các vị trí khiến các tiền vệ này trở nên thực sự đặc biệt: Không cần biết các cầu thủ khác đang nằm ở đâu, những cầu thủ này bị buộc phải thực hiện 2 nhiệm vụ là đứng cố định trong khu trung tâm để không làm vỡ đội hình phòng thủ và tung những đường chuyền chinh xác để nối kết với nhà tổ chức tấn công đang nằm đâu đó phía trên. Nếu như vị trí đinh móc di chuyển để giữ cự ly, các cầu thủ điều phối bóng dùng đường chuyền của mình để làm điều đó.

Tôi từng có cảm giác là một tiền vệ điều phối như Xabi Alonso sẽ gặp khó khăn khi phải chơi bên cạnh một tiền vệ kiến thiết trung tâm như Xavi thay vì một cầu thủ chơi rộng hơn như Gerrard ở Liverpool hay cao hơn như Özil ở Real. Nhưng thực tế thì cả hai cầu thủ này đã phối hợp rất tốt ở đội tuyển. Đương nhiên, đó là khi Alonso được yêu cầu đá thấp hơn một chút và Xavi thì lại quay ngược lại sử dụng những đường chuyền dài của anh cho những sáng tạo của mình.

2.2. Tiền vệ kiến thiết trung tâm (Playmaker):

Với khả năng của bộ đôi Xavi - Iniesta, mà tiền thân gần gũi nhất là Pep Guardiola (xa hơn, và nổi danh hơn là Luis ‘Luisito’ Suarez), không còn nghi ngờ gì nữa, Tây Ban Nha chính là quê hương của mẫu tiền vệ kiến thiết trung tâm đặc biệt hàng đầu thế giới. Các tiền vệ này không phải là những người được giao trách nhiệm phòng thủ! Họ không có đủ kỹ năng và thể lực để có thể gây khó khăn cho những cầu thủ tấn công thực sự xuất sắc của đối thủ nhưng lại có thừa khả năng sáng tạo, nhãn quan chiến thuật và những kỹ năng xuất chúng để tung những đường chuyền phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối phương. 

Xavi
Khác với các tiền vệ tấn công thuần túy, những người chịu trách nhiệm tổ chức tấn công ở vị trí tương đối cao trong đội hình (ở vào khoảng 4/5), những cầu thủ kiến thiết trung tâm thường có thể hình không lý tưởng này được an toàn trước các trung vệ cao to của đối thủ, nhờ đó, họ có nhiều không gian hơn để phát huy tối đa khả năng của những đường chuyền, từ tầm ngắn và trung bình (cho các tiền đạo lùi, tiền vệ tấn công, hoặc tiền vệ cánh) đến các pha bóng vượt tuyến cho các tiền đạo cắm (điều này có lẽ dễ gặp hơn ở Deco - một người Bồ Đào Nha - thay vì Xavi). Không khó hiểu khi những người như Xavi, và trước đó là Guardiola lại đạt đến đỉnh cao sự nghiệp ở... tuổi băm.

Một vài tiền vệ kiến thiết trung tâm được cho phép hoạt động tự do ở một vị trí cao hơn (như Iniesta ở vị trí khoảng 3,5/5 đội hình) để giữ cự ly, kết nối tuyến trên hoặc dốc bóng đột phá như một "tiền vệ số 10 dạng chăm chỉ" (ở vị trí thấp hơn), tuy nhiên, xét về vị trí và cường độ vận động, họ vẫn không thể được xem là một tiền vệ tấn công thực sự, mà chỉ là tiền vệ trung tâm nhô cao mà thôi!

Iniesta
Hẳn nhiên, việc bố trí một nhân tố không có nhiều kỹ năng phòng thủ như tiền vệ kiến thiết trung tâm vào đội hình có thể là một quyết định mạo hiểm. Vì thế, trong cơn ám ảnh về bộ đôi nghệ sĩ kiến tạo và kẻ hủy diệt của bóng đá châu Âu, tiền vệ kiến thiết trung tâm đã từng bị vị trí "số 10" (với vị trí thi đấu cao hơn, nguy hiểm hơn cho đối thủ và an toàn hơn cho đội nhà) hủy diệt cơ hội chơi bóng đỉnh cao. Việc Pep Guardiola phải từ giã sự nghiệp ngay ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp là bằng chứng hiệu quả nhất.

Bài báo của Gabriele Marcotti trên The Times viết nhân dịp Pep treo giày có đoạn:

“Những kĩ năng chơi bóng như kiểu anh ấy đã lỗi thời… Bóng đá hiện đại đã khép cánh cửa đối với những cầu thủ dạng Guardiola… mặc dù đang chơi thứ bóng thăng hoa nhất trong sự nghiệp, không có chỗ nào dành cho anh ấy… Thật đáng suy nghĩ, một hình mẫu phức tạp của những cầu thủ qua ví dụ về Pep khiến cho những fan hâm mộ nhỏ tuổi bị mất phương hướng và thất vọng”
Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi vào những năm cuối cùng của thập kỷ trước, khi mà Barcelona và Tây Ban Nha, với bộ đôi tiền vệ kiến thiết trung tâm Xavi-Iniesta đã giành được hết danh hiệu này đến danh hiệu khác một cách hoàn toàn thuyết phục. Điều này có thể được lý giải bằng sự lên ngôi của sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm, tăng cường sức mạnh cho tuyến giữa, giải phóng ít nhất một vị trí trung tâm khỏi áp lực phòng thủ nhờ ưu thế nhân số. Thực ra, Barcelona đã không hoàn toàn thành công trong giai đoạn đầu khi sử dụng bộ ba kiến thiết Xavi-Deco-Iniesta, và Aragone của Tây Ban Nha đã giải quyết rốt ráo vấn đề bằng một "máy chém" xem giữa 2 tiền vệ kiến tạo

2.3. Tiền vệ thu hồi bóng trung tâm (Ball Winning Midfielder...)


Michael Essien (áo xanh)
Một hình mẫu tiền vệ phòng ngự dạng nhô cao của bóng đá hiện đại. Hoàn toàn trái ngược với tiền vệ kiến tạo trung tâm, tiền vệ trụ trung tâm là mẫu "kẻ hủy diệt" điển hình, những chuyên gia kèm người, đoạt bóng, và chiếm lĩnh trung tuyến bằng thể lực (và hạn hữu còn là tốc độ) tuyệt vời.

Thực ra, tiền vệ trụ trung tâm đôi khi còn là mẫu tiền vệ thi đấu tinh tế và đẹp mắt hơn nhiều so với những cái tên đại loại như "công nhân" hay "chiến binh thầm lặng", trong khi các tiền vệ kiến thiết trung tâm là "mắt bão" tấn công, tiền vệ trụ trung tâm lại là nhà chỉ huy của hệ thống phòng ngự từ xa: Óc phán đoán, thể lực, tâm lý sẵn sàng "chơi bẩn", khả năng tăng tốc và tung ra những pha tắc bóng chính xác khiến các tiền vệ trụ trung tâm luôn tỏa sáng trong những pha đánh chặn đẹp mắt hoặc đơn giản là phong tỏa hoàn toàn mọi con đường tấn công của đối thủ.

Cùng sự phát triển của bóng đá, vị trí này càng ngày càng trở nên quan trọng trong đội hình mọi đội bóng bất chấp triết lý bóng đá của họ là tấn công hoa mỹ hay phòng thủ kỷ luật. Tiền vệ trụ trung tâm bảo vệ các nhà kiên thiết thi đấu ngay bên cạnh mình, chắn ngang mọi đợt tấn công của đối thủ từ vị trí đủ xa để hệ thống phòng ngự đủ thời gian thiết lập và khỏa lấp những sai lầm của tuyến trên, trong nhiều trường hợp, họ còn là nhân tố chủ yếu để chiếm lĩnh khu trung tuyến nhằm áp đặt lối chơi.

2.4. Tiền vệ con thoi (Box to Box Midfielder)

Tên gọi khác: Tiền vệ đa năng

Stephen Gerrard
Mẫu tiền vệ thu nhỏ của "vị trí kỳ quặc nhất lịch sử bóng đá" (Libero), cũng là mẫu tiền vệ trung tâm được ưa thích nhiều nhất trên sân đấu. Tiền vệ con thoi là những cầu thủ có tầm hoạt động cực kỳ rộng: Trong khoảng giữa hai khu vực 16m50 của sân đấu. Di chuyển liên tục, lên công về thủ như con thoi, mạnh mẽ và quyết đoán, phán đoán tinh tế và kỹ thuật tuyệt vời..., nếu như tiền vệ toàn diện trung tâm kiểu cổ điển là nhà chỉ huy hoàn hảo, thì tiền vệ con thoi chính là chiến binh toàn diện của đội bóng.

Đúng như cái tên "đa năng", không có một nhiệm vụ chuyên biệt nào dành cho tiền vệ con thoi: Họ sẵn sàng hoán đổi vị trí với bất kỳ cầu thủ nào trong hàng tiền vệ (chứ không phải tiền vệ trung tâm), cũng có thể chơi "độc diễn", sáng tạo, và trực tiếp ghi bàn. Sở hữu một tiền vệ con thoi xuất sắc là sở hữu một cầu thủ có khả năng đá tốt ở bất kỳ một vị trí nào trong tuyến tiền vệ.

Sử dụng tiền vệ con thoi thực sự là một sự mạo hiểm toàn diện với tất cả mọi sơ đồ chiến thuật. Vì những phẩm chất và yêu cầu vị trí đặc thù, các tiền vệ con thoi giống với những người anh hùng trong truyện cổ, đến khi cần và biến mất khi hoàn thành mọi thứ, thay vì là nhà chỉ huy, hoặc một phần của hệ thống công thủ. Sự xuất hiện của họ, vì thế, vừa có ích, vừa phá vỡ lối chơi kỷ luật hoặc sáng tạo của toàn đội. Đó là chưa kể, tất cả các đội bóng sử dụng tiền vệ con thoi đều bị phụ thuộc hoàn toàn vào phong độ thi đấu của vị trí này: Khi tiền vệ con thoi sung sức, những toan tính chiến thuật gây bất ngờ đạt ở họ được thực hiện triệt để, đội bóng trở nên rất khó lường với 1 mũi tấn công ẩn như con dao ẩn dưới lớp áo, khả năng tranh chấp bóng cũng tốt hơn khi họ hiện diện ở khắp nơi. Song khi tiền vệ con thoi kiệt quệ, đội bóng phải trả giá bằng sự đổ gãy cấu trúc do sự phụ thuộc ở cả 3 tuyến vào vị trí này đã thành thói quen. Mối liên kết giữa Stephen Gerrard và Liverpool thời Rafa Benitez là một ví dụ hoàn hảo.

2.5 Tiền vệ trụ trung tâm.

Giống với mẫu tiền vệ con thoi, tiền vệ trụ chơi ở vị trí trung tâm thường là những cầu thủ có thể lực sung mãn, khả năng phán đoán tình huống tốt và quan trọng là sở hữu kỹ năng cắt bóng xuất sắc. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tiền vệ trụ trung tâm lại đơn giản và thực tế hơn nhiều so với mẫu tiền vệ con thoi: Nhiệm vụ chủ yeeus của họ là sử dụng sức mạnh thể chất và những pha cắt bóng chính xác để tăng cường khả năng cạnh tranh tuyến giữa, bảo vệ cho các tiền vệ "nghệ sĩ" và hiển nhiên, phòng ngự từ xa nữa!Mẫu cầu thủ này không cần/không được yêu cầu dâng cao hỗ trợ tấn công thường xuyên, thậm chí, các cầu thủ chơi ở vị trí này đôi khi còn không "thèm" bước qua khỏi vạch giữa sân trong suốt trận đấu.

Nếu như các tiền vệ kiến thiết là những ông chủ của trận đấu, là biểu tượng của bóng đá đẹp thì các tiền vệ trụ, ở giữa sân cũng vậy, mà ở các vị trí khác cũng vậy, đều là những "kẻ huỷ diệt bóng đá" (detroyer). Họ đơn thuần chỉ là những gã công nhân càn quét khu trung tuyến, là nền tảng thực dụng cho những bộ óc thiên tài thi đấu bên cạnh được toả sáng. Ngày nay, khi bóng đá càng ngày càng trở nên thực dụng, cơ bắp, và tốc độ hơn, đồng thời, những gã nghệ sĩ thiên tài nhưng mong manh thì không phải ở đâu cũng có, hầu hết các đội bóng chuyên nghiệp trên thế giới đều bị buộc/hoặc luôn mong muốn sở hữu ít nhất một cầu thủ đá trụ như một phương thức đơn giản và hiệu quả nhất để tự bảo vệ mình.

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More