Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Lạm bàn về PL mùa giải mới, hay sự trở lại của huyền thoại số 10

(Đường dẫn đến khung thành) - Mùa giải mới đến cùng với những tân binh, bao giờ cũng vậy! Người ta nói rằng các đại gia ở nước Anh đang thận trọng hơn nhiều so với trước, nhưng có thể, những động thái chuyển nhượng của họ trong chính mùa chuyển nhượng "bết bát" này lại gây ra sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với trước đây. "Có thể" - đó là một khái niệm ỡm ờ, nhưng lại hết sức phù hợp với những dự liệu của chúng ta ngay dưới đây.

Ronaldinho - Zidane
Phải nói ngay rằng, trong bài viết này, chúng tôi còn đề cập đến những người "không phải là tân binh" nhưng cùng với những cá nhân là tân binh (ở đội bóng khác) khiến cho việc thay đổi triết lý bóng đá ở nước Anh trở nên phô biến hơn.


1. Huyền thoại về chiếc áo số 10:

Đầu thế kỷ 21, bóng đá hiện đại chịu sụ chi phối mạnh mẽ từ "đế chế số 10", mà ví dụ tiêu biểu nhất là sức mạnh của 4 đội bóng lọt vào vòng bán kết Euro 2000, nơi mà cả 4 đội đều sở hữu một ngôi sao số 10 đích thực trong đội hình.

Đối với các đội bóng trong thời gian này, số 10 có thể xem như là một vị trí sống còn - một cá nhân có đủ quyền năng để quyết định sự thành công của toàn động bóng. Cho nên, không khó hiểu khi các chuyên gia bóng đá thời bấy giờ đều tỏ ra quan tâm đặc biệt hơn đến những Zidane, Berkamp, Totti... hay thậm chí là Riquelme, Kaka, Gourcuff... sau này - khi bóng đá đã thay đổi quá nhiều, và những số 10 mới đã không có cách nào so sánh được với tiền nhân tại chính vị trí sở trường của họ.

Bản chất của số 10 là một tiền đạo kiến tạo. Khác với tiền vệ kiến tạo đã trở nên quá phổ biến ngày nay vốn lấy kiến tạo làm tôn chỉ hoạt động, số 10 cổ điển được đẩy lên cao hơn, và kiến tạo chỉ là một trong hai yêu cầu cơ bản. Thông thường, 1 số 10 cổ điển tất yếu không thể ghi bàn nhiều hơn một sát thủ đích thực mà anh ta đá cặp (như Ronaldo và Zidane, Henry và Bergy, Shevchenco và Kaka...), nhưng tầm ảnh hưởng của anh đối với mọi đợt tấn công của đội bóng lại lớn hơn rất nhiều.

Do trách nhiệm nặng nề và đa dạng, số 10 cổ điển có thể xem như là một trong số những vị trí toàn diện nhất của bóng đá hiện đại: Số 10 phải là mẫu cầu thủ cầm bóng cực tốt, nhãn quan chiến thuật xuất sắc, sức mạnh và khả năng xuyên phá tốt, đồng thời cũng phải là một cây ghi bàn thượng thừa lúc cần thiết. Bàn thắng kinh điển của Bergy chính là ví dụ điển hình, và hoàn hảo nhất cho mọi kỹ năng mà một số 10 cổ điển yêu cầu:


Có thể, một hậu vệ quét kiểu huyền thoại như Beckenbauer đã tuyệt chủng từ lâu, và tiền vệ con thoi như kiểu của Falcao trước đây, hay Gerrard ngày nay mới là mẫu cầu thủ toàn diện nhất, nhưng số 10 cũng không kém cạnh bao nhiêu. Có nhiều người cho rằng, số 10 quá lười biếng trong công việc phòng thủ (nghĩa là còn lâu mới có thể so sánh với hai loại tiền vệ kia), nhưng bản thân anh ta không phải là tiền vệ, mà là tiền đạo, mà vị trí tiền đạo phòng thủ tính đến tận ngày nay cũng vẫn là mẫu cầu thủ hết sức hiếm hoi.

Số 10 cổ điển không phải là người ưa thích dạt cảnh. Sự vượt trội về kỹ thuật, khả năng cầm và xử lý bóng, khả năng bứt tốc và xuyên phá, hoặc cả sút xa nữa, khiến cho họ đã trở nên quá khó để đánh bại trong những pha đối đầu 1vs1, thậm chí là 1vs2, 1vs3 tại ngay khu vực trung tâm - nơi có đường vào khung thành là quá rộng rãi và hoàn toàn không bị bó hẹp từ bất kỳ hướng nào bởi những đường biên.

Tuy vậy, cùng với hàng loạt sự thay đổi về mặt chiến thuật của bóng đá hiện đại: Sự xuất hiện và săn lùng mẫu cầu thủ khắc tinh của số 10 - cầu thủ Makelele, sự lên ngôi của hệ thống phòng ngự 3 người kiểu Ý hoặc mô hình "tiền vệ chuyền bóng" của Guadiola và Barcelona, sự tăng cường mạnh mẽ về thể lực và tốc độ trong mỗi trận đấu... Mẫu cậu thủ số 10, trong một thời gian ngắn, đã từ "một vị trí quyết định thành bại cả đội bóng" trở thành một người thừa thực sự trong đội bóng. Bóng đá hiện đại thay đổi quá nhanh. Và giờ đây, những Maradona mới, Zidane mới, Bergkamp mới hoặc hoàn toàn biến mất trên trời sao Tây Âu, hoặc đã trở nên hoàn toàn không giống một chút nào với nguyên bản của họ. Người ta cũng quên khuấy đi mất Zidane đã đá vị trí nào, và với trách nhiệm cụ thể như thế nào trong hàng loạt những chiến thuật bóng đá phổ biến hiện nay. Còn các HLV thì bỏ ngoài tai tất cả những yêu cầu tha thiết nhất từ các fan về một bộ đôi sát thủ - nghệ sĩ nào đó trên hàng công như thời hoàng kim của chiếc áo số 10.

Tuy nhiên, cũng giống như sự trở lại mạnh mẽ của những Guadiola mới - Xavi và Iniesta trong vai trò thống trị bóng đá thế giới, chỉ vài năm sau khi chính Guadiola bản gốc phải từ giã bóng đá đỉnh cao ngay trên chính điểm rơi sự nghiệp vì không tìm được chỗ đứng phù hợp sau cuộc cách mạng tiền vệ, chẳng có một lý do gì để khẳng định rằng, một số 10 mới sẽ không tìm lại được vị trí ưu việt của mình trong lòng bóng đá thập kỷ thứ hai của thể kỷ 21, tất nhiên, với một bộ dạng khác.

2. Những biến chuyển hậu kỳ Riquelme:

Juan Riquelme
Riquelme được mệnh danh là "cầu thủ cuối cùng của đế chế số 10". Thực ra, anh trẻ hơn nhiều so với những đồng nghiệp khác tại cùng vị trí huyền thoại, và thích hợp hơn nhiều ỏ vị trí tiền vệ công, thay vì là tiền đạo đích thực. Tuy nhiên, thực tế là, ngay khi hai huyền thoại áo số 10 mà tôi đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần là Zinadine Zidane và Dennis Bergkamp giã từ sự nghiệp trong vinh quang, Riquelme đã thất bại trong chuyến chinh phục trời Âu: Không được trọng dụng ở Barcelona, chỉ thi đấu 187 trận, ghi 51 bàn trên tất cả các mặt trận cho Villareal trong 5 năm. Đương nhiên, anh cũng có mặt trong danh sách đề cử cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2005, nhưng chừng đó là không tương xứng với tài năng của chính anh. Sự trở về Boca Junior của Riquelme là dấu hiệu của sự kết thúc đế chế số 10.

Thực tế là, những cầu thủ được xem là thừa hưởng những tố chất tốt nhất cho vị trí số 10 cổ điển, hiện đang ở đỉnh cao sự nghiệp như Rooney, Messi, Ronaldo, Tevez, Robin van Persie, Cesc, Oezil, Modric, Kaka, Diego, Gourcuff... đều rơi vào 2 dạng cơ bản: Thành công (như Tevez, Ronaldo, Messi, RvP, Oezil...) đều là những cầu thủ bị động, hoặc chủ động thay đổi vị trí thi đấu cho phù hợp hơn với nhu cầu của bóng đá hiện đại; và số còn lại thì thất bại ở chính vị trí sở trường của mình.

Các chuyên gia bóng đá đã so sánh Riquelme với Luka Modric để khẳng định sự khác nhau giữa một cầu thủ cuối cùng của vị trí số 10 với cầu thủ đầu tiên của thế hệ tiền vệ công kiểu mới - mẫu nghệ sĩ lùi sâu, và "chăm chỉ" hơn nhiều so với trước. Đương nhiên, Kaka là một số 10 đích thực, và anh còn trẻ hơn Riquelme, nhưng ở AC Milan, ngay khi anh đang ở đỉnh cao sự nghiệp, thì vai trò của anh cũng không lớn như một số 10 điển cần có.

Sự lên ngôi của Inter Milan và Wesley Sneijder ở đấu trường C1, dưới sự nhào nặn của Jose Mourinho - con người thực sự đặc biệt không phải chỉ nhờ danh hiệu và những lời phát ngôn - mà còn là nhờ chính đầu óc chiến thuật của mình, chính là tiền đề quan trọng nhất tiên liệu về sự lên ngôi của loại tiền vệ số 10 được cải tạo từ tiền vệ cánh (tức là ngược lại quá trình đã tạo nên thành công cho những Messi, Ronaldo...): 

Ở Chelsea, Mourinho đã biến một đội bóng trung bình trở thành một tập thể thực sự gắn kết và mạnh mẽ (bất kể việc này còn có sự hỗ trợ lớn từ đồng những Rúp, nhưng ông vẫn là lý do chủ yếu), với lối chơi gắn chặt vào mẫu tiền đạo mục tiêu (target man) và hệ thống phòng ngự khoa học, điều này thậm chí còn ảnh hưởng đến lối chơi của Chelsea mãi đến tận ngày nay, khi những ngôi sao của ông đã đi qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, và bản thân đôi bóng cũng kinh qua mấy đời HLV. Ở Inter, ông biến một Wesley Sneijder tài năng thành một siêu sao thực sự ở vị trí tiền vệ số 10 cách tân, và những sai khác về mặt chiến thuật của các HLV đời sau khiến cho Inter hậu kì Joses Mourinho hoàn toàn sụp đổ...

Thực ra, một số đội bóng kể từ nửa sau của thập kỷ này, tức là ngay sau những dấu hiệu biến mất của vị trí số 10, đã có những động thái quan trọng để chuẩn bị cho việc tạo ra một hình thái số 10 mới, nhưng cho đến trước thất bại của Barcelona trước Inter, số 10 thời thoái trào luôn là cái bóng luẩn quẩn của mẫu tiền vệ điều phối bóng kiểu Xavi, hoặc ít ra là tiền vệ kiến thiết lùi sâu kiểu Pirlo.

Tuy nhiên, Barcelona trên thực tế vẫn là đội bóng "ngoài hành tinh". Những thành công nhỏ giọt của tiền vệ số 10 kiểu mới không thể nào khiến cho những đội bóng sở hữu họ trở nên an tâm hơn khi đối đầu với tuyến tiền vệ chuyền bóng thượng thặng của Barcelona, hay đội tuyển Tây Ban Nha. Đồng thời, những tiền vệ kiểu mới này gần như không có cơ hội chiến thắng trong khi cạnh tranh vị trí với những cầu thủ kiểu Guadiola trong hệ thống chiến thuật "của Guadiola" đang chi phối bóng đá đỉnh cao: Cesc và Silva - những tài năng bị lu mờ trước sức ảnh hưỡng khổng lồ của Xavi và Iniesta - là những ví dụ tiêu biểu nhất.

Vậy nguyên nhân gì khiến cho các đại gia của bóng đá Anh, sau một thời gian dài bị lép vế hoàn toàn trước Barcelona (mà thực tế thì đã luôn là như vậy), đang trên đà hưng phấn nhờ trận thắng của Chelsea ở bán kết C1 mùa trước, lại thèm muốn mẫu cầu thủ kiến tạo như Cazorla, Hazard... như là một phần trong kế hoạch lật đổ đế chế Barca?

3. Những phong cách mới dành cho vị trí số 10:

Bóng đá hiện đại đã nhanh, hiệu quả, và phức tạp hơn rất nhiều so với chính nó trong những năm qua. Chính vì thế, việc hi vọng có được, và sử dụng hiệu quả một cầu thủ số 10 cổ điển có khả năng một mình làm nên thành công cho cả đội đã trở nên hão huyền. Chính vì vậy, một mặt, các cầu thủ có tố chất trở thành 1 số 10 phải trở nên khác biệt nhiều hơn so với trước đây, một mặt khác,các đội bóng, nếu như thực sự muốn sử dụng mẫu cầu thủ này phải có những thay đổi lớn lao về mặt chiến thuật, và triết lý thi đấu.

3.1. Đối với phong cách thi đấu cá nhân:

Một trong những bài học đáng giá cho những cầu thủ có khả năng, hoặc được đào tạo để trở thành một mẫu số 10 mới là Wesley Sneijder và Luka Modric, mặc dù Modric vẫn chưa thể hiện được gì nhiều ở đẳng cấp cao nhất, và chẳng có một dấu hiệu nào chứng minh rằng anh sẽ thi đấu tốt với vai trò của số 10 mới ở Real Madrid.

3.1.1. Mẫu số 10 thi đấu dạt cánh kiểu Sneijder:

Wesley Sneijder
Dạt cánh! Dạt cánh! Dạt cánh! Đó là một câu khẩu hiệu quen thuộc đối với bất kỳ một cầu thủ tấn công nào trong nửa cuối thập kỷ trước. Những hạn chế về mặt không gian di chuyển ở khu vực hai cánh vốn không được các số 10 cổ điển ưa thích đã trở thành vũ khí hết sức lợi hại cho những cầu thủ như Sneijder, Van der Vaart, Silva, Nasri..., hay thậm chí là với mẫu cầu thủ điều phối như Iniesta. Hai bên cánh có thể là khu vực chật hẹp và thiếu sinh khí đối với những nghệ sĩ sân cỏ này, nhưng nó lại còn thiếu sinh khí và chật hẹp hơn đối với hàng phòng ngự đông người, rắn rỏi và thiếu linh hoạt (vốn là một điển hình cho các hậu vệ). Dạt cánh từ một hạn chế, trở thành một đòn tấn công quan trọng, nhắm thẳng vào điểm yếu cực kỳ khó khắc phục của đối phương

Thực ra, Sneijder không hẳn tương thích với vị trí số 10 cổ điển, ngay cả khi anh không dạt cánh, do vị trí thi đấu tương đối thấp của mình, nhưng anh lại "có quyền thi đấu lười biếng" như 1 số 10 cổ điển, đồng thời là sự khó khăn của mẫu cầu thủ kiến tạo trong thời đại mà hàng phòng ngự đã được nâng lên một đẳng cấp mới về số lượng cũng như chất lượng so với thời hoàng kim của chiếc áo số 10, đã buộc anh phải thi đấu lùi sâu hơn để nhận và điều phối bóng. Tuy nhiên, điều đó chỉ đơn thuần là sai khác về sơ đồ thi đấu, thay vì là nhiệm vụ cầu thủ, cho nên bản chất của Sneijder vẫn là một số 10 dạt cánh, thay vì là số 10 lùi sâu.

3.1.2. Mẫu số 10 lùi sâu kiểu Modric:

Luka Modric
Như đã nói ở phần trước, Modric đại diện cho một loại tiền vệ tấn công kiểu mới của bóng đá hiện đại: Anh cân bằng hơn nhiều so với số 10 cổ điển trong tấn công và phòng thủ. Khi triết lý mới - lấy việc phòng thủ vững chức làm nền tảng cho sức mạnh đội bóng - lên ngôi, hàng phòng thủ bốn người + 1 tiền vệ đánh chặn kiểu cũ bỗng trở nên quá mong manh trước sức tấn công của đội bạn, và nhiệm vụ phòng thủ bị buộc phải chia sẻ với các vị trí khác, kể cả tiền đạo cắm. Các nghệ sĩ kiểu như Arshavin vốn có thể là lựa chọn đủ tốt cho vị trí số 10 bỗng nhiên bị nghi ngờ về năng lực, và thực tế đã bị đáng sụt nghiêm trọng về năng lực, khi có quá ít kỹ năng phòng ngự.

Luka Modric chính là mẫu số 10 thích ứng được với yêu cầu mới. Anh là người có thừa khả năng sáng tạo cũng như kỹ năng để thi đấu như 1 số 10 cổ điển, nhưng anh cũng có thể sẵn sàng tự biến mình thành một "công nhân" để hỗ trợ phòng ngự. Một khái niệm thú vị để giải thích cho những điều xảy ra với Modric nói riêng, và mẫu cầu thủ như anh nói chung là "Người nghệ sĩ nhập thế".

3.2. Những yêu cầu mới đối với đội bóng:

Ví dụ xuất sắc nhất cho một đội bóng thành công khi sở hữu số 10 cổ điển trong thời thoái trào của số 10 là AC Milan thời của Kaka. Kaka không phải là cầu thủ thi đấu ổn định như Zidane hay Bergy, nhưng anh một mặt có đóng góp to lớn cho AC Milan, mặt khác lại không ảnh hưởng nhiều đến phong độ cả đội khi anh thi đấu không tốt. 

Theo lý thuyết, phong độ cao thấp của số 10 sẽ quyết định đến sức mạnh của toàn đội. Nhưng ở AC Milan thời gian đó thì mọi việc lại không đơn giản như vậy. Milan vẫn có hàng loạt những phương án dự phòng để không phụ thuộc một mảy may gì vào phong độ của Kaka, đồng thời lại tận dụng triệt để được tài năng thiên phú của siêu sao người Brazil này. AC Milan thực sự khác biệt với thế giới vào thời gian đó, hoặc chí ít, thì Pirlo chính là người đã khiến cho Miilan trở nên khác biệt, điều mà dường như cũng dang tiếp tục ở Juventus.

Việc không quá phụ thuộc vào một cá nhân nào khiến cho các đội bóng ngày nay dường như đã ổn định hơn nhiều so với trước đây. Bằng chứng là, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong một vài mùa bóng gần đây là Messi đã không thể một mình kéo cả đội bóng đi lên như Maradona đã làm trước đây, bất kể việc tài năng của anh có thể không thua kém nhiều so với tiền nhân, hay Ronaldo và đội bóng của những ngôi sao - Bồ Đào Nha - vẫn chưa một lần nào chứng tỏ được tầm vóc của mình so với nhiều đội bóng sở hữu ít ngôi sao hơn, nhưng lại thi đấu gắn kết hơn.

Đối với Arsenal mùa vừa rồi thì mọi việc có hơi khác một chút: Không khó để nhận ra tầm ảnh hưởng của RvP lớn đến như thế nào ở Emirates. Robin ghi bàn, Arsenal chiến thắng - điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại trên tất cả các mặt trận khiến cho người khác ngay lập tức nghĩ đến những trận đấu mà Robin không thể ghi bàn. Nhưng Robin vẫn cứ ghi bàn ổn định trong hầu hết các trận đấu, và Arsenal đã về đích ngoạn mục gần như chỉ với những bàn thắng của anh. Một thực tế giống như đang cố đập vỡ lý thuyết về tính ổn định và không phụ thuộc vào một cá nhân nhất định của bóng đá hiện đại vậy.

Song, tại sao với một tập thể rệu rã như Arsenal, Robin lại thể hiện được quá nhiều điều, trong khi ở đội bóng của những ngôi sao như Hà Lan, anh lại thiếu sức sống đến thế?

Một bài viết từ Desigunner.wordpress về trận chung kết World cup 2010 giải thích cho chúng ta như sau:
...Theo tôi Robin thực sự ưu tú, vì thống kê vào cuối trận cho thấy anh di chuyển gần 14 km (14 km trong 120 phút ~ 1,94 m/s). Nhiều hơn bất cứ ai khác ở tuyển Hà Lan và chỉ kém mỗi Xavi và Iniesta. Một số người có thể chế giễu điều này và cảm thấy rằng việc chạy trên sân bóng không nói lên màn trình diễn tuyệt vời nào cả. Nhưng tôi cảm thấy nếu bạn quan sát trận đấu chi tiết hơn điều đó thực chất tạo nên một sự khác biệt lớn.
Thứ nhất, hầu hết các tiền đạo sẽ hờn dỗi và than phiền trên sân nếu không nhận được sự hỗ trợ. Van Persie đã không làm điều đó.
Thứ hai, tiền đạo không được biết đến bởi tốc độ làm việc. Thường đó là đặc trưng của tiền vệ trung tâm - người di chuyển suốt như Xavi và Iniesta. Vì vậy, thực tế là Van Persie đã chạy nhiều đến nỗi miếng lót giày tuột cả ra ngoài, đó là điều cần ghi nhận và tôn trọng anh.
Cuối cùng, đây là điều quan trọng của sự di chuyển. Như các bài viết trước đã nêu, đội tuyển Hà Lan vẫn kiểm soát bóng ở phần sân nhà. Thủ môn Stekelenburg đã thực hiện nhiều đường chuyền nhất trong trận chung kết!!! Robin nhận nhiều đường chuyền từ Stekelenburg và Heitinga hơn Sneijder! Đây là điều đáng ngạc nhiên...
(link: http://arsenal.com.vn/Binh_luan_Cam_nhan/Binh_luan_van_de/2820-Van_Persie_Tien_dao_khong_bong.html)

Còn một cách giải thích khác, cách này ứng vào Thierry Henry nhiều hơn với RvP: Sử dụng cầu thủ như thế nào? Điều này giải thích vì sao đa số các siêu sao trước đây ở Arsenal đã thi đấu tệ như thế nào ở ngoài Arsenal. Đương nhiên, với một số cầu thủ trẻ, điều này có thể là một phương thức để rèn luyện, nhưng với những cầu thủ đã "chín", mọi việc không đơn giản vậy.

4. Những niềm hi vọng vào số 10 mới ở Premie league.

4.1 David Silva ở Man City, Eden Hazard ở Chelsea - linh hồn trên đôi cánh:

Hazard và Silva
Hai ngôi sao nàu ở PL có phong cách thi đấu tương tự nhau, và cũng được sắp xếp vào những vị trí tương đối giống nhau ở CLB - tiền vệ tấn công cánh. Với nhãn quan chiến thuật, kỹ thuật cá nhân, khả năng bứt tốc và ổn định trong tâm cơ thể thuộc lại rất tốt trong giới bóng đá hiện tại, Hazard và Silva là những niềm hi vọng tuyệt vời cho một đế chế số 10 mới mà những đại gia nước Anh hi vọng. Cả Silva lẫn Hazard đều là những tiền vệ tấn công có thói quen dạt cánh điển hình trong bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, khác với Nasri hoặc Mata, những đồng đội được thi đấu ở vị trí tương tư trong CLB, họ có khả năng làm cân bằng hơn sức mạnh tấn công giữa hai cánh của đội (Đương nhiên, điều này cũng hết sức tương đối, nhất là khi đem ra so sánh với những số 10 cổ điển khác. Vì bản thân hai cầu thủ này đều phải xuất phát từ một vị trí thiên lệch hơn nhiều so với các tiền bối). Điều này khiến cho những đợt lên bóng trở nên phức tạp hơn về phương thức, và rộng lớn hơn về phạm vi. Nên nhớ! Mata và Nasri đều là tiền vệ công trung tâm, đều sở hữu những kỹ năng tốt nhất cho việc thi đấu không khác với 2 cầu thủ trên, nhưng khi bị buộc thi đấu dạt cánh, họ lại "nghiêm túc" với vị trí của mình hơn, và do đó, hiệu ứng tác động lên sự biến hóa của toàn đội trở nên cục bộ hơn nhiều.

Đối lập với Sneijder - một tiền vệ tấn công cánh bị kéo vào trung tâm để trở thành một tiền vệ công có khả năng dạt cánh, Silva và Hazard là mẫu tiền vệ tấn công trung tâm bị kéo dạt ra cánh - một trong những hiệu ứng thú vị mà đa số các đội bóng lớn từng thực thi đều nhận được những lời tán dương nhiệt liệt ngoại trừ Arsenal: Số 10 mới kiểu này khiến cho đối thủ gặp khó khăn hơn nhiều so với việc đối phó với 1 số 10 cổ điển - đương nhiên trong trường hợp tương đương về trình độ - do xuất phát từ một vị trí khó bám sát hơn (xa hơn nhiều so với trung tâm chật chội, và luôn có nguy cơ kéo vỡ đội hình khi di chuyển), nhưng lại vẫn khá gần với khung thành, mặt khác, hướng di chuyển của họ lại ít gây ảnh hưởng xấu hơn cho đội nhà so với khu trung tâm.


Tuy nhiên, đội hình của Man City trong một vài trận đấu đầu mùa lại khiến cho vai trò của Silva và Hazard khác nhau khá nhiều:

- Ở khu trung tâm Man City, Yaya Toure - một cầu thủ to khỏe điển hình - được đẩy cao hơn so với các tiền vệ trung tâm khác, khiến cho điểm nóng tranh chấp bóng trong các trận đấu với Man City thường xuyên nằm sâu hơn vào phần sân đối phương. Đây có thể xem như là một quyết định mạo hiểm vì đã trực tiếp đặt đội bóng của mình vào thế chấp nhận những nguy cơ bị phản công. Tuy nhiên, với MC, thì điều này thực sự có hiệu quả nhờ Barry và De Jong đã thi đấu quá vững chắc. Silva được đảm bảo khoảng không ở bên cánh khi đối phương không dám tự tiện điều người từ giữa sân ra đối phó với anh nữa... 

Riêng mùa giải này, Mancini chuyển từ sơ đồ 4-5-1 sang 3-5-2 với 2 trung vệ dạt cánh thi đấu rộng hơn. Điều này tuy làm ảnh hưởng tới chất lượng hàng thủ MC chút ít, nhưng lại phù hợp hơn nhiều với tình hình nhân sự ở Etihad, và thực tế là tăng cường sức mạnh không nhỏ cho hàng công MC. Như trận đấu với Liverpool vừa qua, Silva có ít sự hỗ trợ hơn từ tuyến sau, nhưng lại có nhiều sự lựa chọn các phương án tấn công hơn hẳn do tính cơ động của Tevez, Nasri và sức mạnh của Dzeko.

- Eden Hazard không có nhiều hỗ trợ sức mạnh từ vị trí tương đương khu giữa sân như Silva, việc so sánh về mặt nhân sự ở bất cứ một đội bóng nào với MC hiện nay thì cũng đều gây thất vọng như nhau. Nhưng chí ít, Hazard có được không gian hoạt động rộng rãi hơn nhiều so với Silva. BLV kênh HTV9, trong trận đấu vòng thứ 3 của MC năm nay có nói một câu chính xác: "Ở MC hiện tại, không có bất kỳ một vị trí nào là không thể thay thế, ngay cả khi người đó là David Silva." Do đó, nếu được so sánh, thì Hazard đáng được gọi là một số 10 đích thực, đúng với những gì mà người ta thường nghĩ về một số 10 cổ điển hơn - tự dọ, phạm vi hoạt động rộng, và có ảnh hưởng quyết định đến thành công của cả đội. Hazard cũng nhận được sự hỗ trợ hiệu quả hơn từ phía sau khi Chelsea có đến 3 tiền vệ tập trung phòng ngự, một tiền đạo kỹ thuật sát thủ là Torres, và một triết lý thi đấu cởi mở và đa dạng hơn từ HLV. Hazard thực sự có lợi thế hơn quá nhiều so với Mata mùa giải trước - thời gian Chelsea còn duy trì lối chơi tấn công nhanh với tiền đạo sức mạnh Drogba, và hiện tại, thì anh cũng đang được tập trung bóng nhiều hơn Mata.

4.2. Shinji Kagawa ở Man United - khi số 10 cổ điển không còn điều phối bóng:

Shinji Kagawa
Khác với Silva và Hazard, Kagawa, tân binh của Man United được sử dụng như một tiền đạo số 10 cổ điển hơn, chí ít là về mặt lý thuyết.

Mọi phân tích ở phần 3 về việc mẫu cầu thủ số 10 kiểu mới nêu thay đổi như thế nào so với trước không ứng được vào đâu với Kagawa. Anh không hẳn là không dạt cánh, nhưng tiền vệ người Nhật thích lùi lại nhận bóng hơn. Anh cũng lười biếng hơn mẫu cầu thủ kiểu Modric nhiều.

Thực tế thì, Kagawa còn có nhiều việc để làm hơn với chính năng lực của mình. So với Hazard, khả năng cầm bóng, đột phá, nhãn quan chiến thuật... đều kém hơn. Tuy nhiên, anh lại nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ những ngôi sao tiền đạo hàng đầu thế giới, những người đều mang những tố chất tốt nhất cho một số 10 cổ điển, nhưng đã được đào tạo thành sát thủ - Rooney và RvP.

Cả Rooney lẫn Robin, buồn cười thay, đều là mẫu tiền đạo "tham lam", và đương nhiên, là toàn diện. Ở MU cũng từng có 1 cặp giống nhau gần giống như vậy là Rooney và Tevez. Dù sao, Tevez cũng thi đấu giống Rooney hơn RvP nhiều. Cho nên đó cũng không phải là vấn đề của MU.

Vấn đề của MU là Kagawa, cũng là đối tượng của chúng ta hôm nay. Sir Alex là người cực kỳ bảo thủ! Ông chẳng bao giờ có ý định từ bỏ lối chơi tấn công biên, đã trở thành thương hiệu của MU từ lâu, nhưng ông lại muốn đào luyện Kagawa như "mốt" dùng tiền vệ số 10 kiểu mới, đang hết sức thịnh hành ở PL lúc này. Một tiền vệ công nhô cao trong lối tấn công biên thì không phải vấn đề, nhưng phía trước anh là một người như RvP hay Rooney, thì đó sẽ trở thành vấn đề. Cả Rooney lẫn RvP đều có thói quen lùi sâu nhận bóng hơn là thọc sâu gây đột biến, đặc biệt, RvP lại chơi bóng bổng không tốt (như những tiền đạo cùng đẳng cấp). Cho nên, Kagawa thường xuyên bị đồng đội giẫm chân, lối choi của anh từ đó cập rập hơn, và ít thể hiện được hết năng lực bản thân hơn. 

Nếu như Kagawa có thể thi đấu nhanh nhạy như Cazorla, thì Manchester United đã trở nên đáng sợ hơn bây giờ rất nhiều! Đáng tiếc! Dù cho anh được yêu cầu đá khá cao, một vị trí tương đối chật chội, anh lại vẫn chưa quên thói quen xử lý rườm rà của một tiền vệ đá thấp hơn, cũng không có khả năng điều khiển bóng "như dính vào chân" như Messi hay Ronaldo.

Một câu chính xác để miêu tả cho tình cảnh của anh lúc này là: "Chơi bóng tại nơi cần kỹ năng và thói quen như Cazorla, nhưng lại có phong cách như Hazard".

Nói chung câu chuyện về Kagawa cũng vẫn còn khá nhiều điều thú vị. Liệu anh sẽ là Cris Ronaldo hay là Diego Forlan mới dưới bàn tay của Sir Alex?

4.3. Ben Arfa, một phiên bản khác của số 10 chăm chỉ.

Ben Arfa
Nếu như là trước đây, không có bao nhiêu khán giả ở Việt Nam biết đến Ben Arfa. Cựu cầu thủ OM không phải là không nổi danh, nhưng lique 1 khó tiếp cận khán giả Việt hơn nhiều so với ngoại hạng Anh.

Ben Arfa đá thấp hơn nhiều so với tất cả các cầu thủ từng được đề cập ở trên (đương nhiên là trong số những cầu thủ số 10 thôi! Vì tôi cũng đề cập đến Xavi, Iniesta, Makelele ở đây nữa! Và anh chàng càu thủ NewCastle đương nhiên phải đá cao hơn họ rồi!  ). Anh cũng thi đấu cần mẫn hơn nhiều so với các cầu thủ cùng vị trí.

Ở New Castle lúc này, người ta đang không ngừng tán dương "Double Ba", một số khác tán dương Cabaye, nhưng Ben Arfa lại là người quan trọng nhất đối với Chích chòe lúc này, chứ không phải ba nhân vật lừng lẫy kia.

Thật hiếm hoi, ngay cả đối với một nền bóng đá đa dạng như ngày nay, những cầu thủ kiểu như Arfa: Anh có thừa sự xông xáo và chăm chỉ như một tiền vệ lùi sâu, nhưng lại là một tiền vệ kiến tạo đầy sáng tạo cho đội bóng của mình. Chẳng có một thứ nghệ thuật đẹp mắt và bóng bẩy nào có thể được tạo ra từ đôi bàn tay thô ráp của một anh công nhân! Đương nhiên, đó là nói thứ nghệ thuật bóng bẩy và đẹp mắt thôi! Nhưng Ben Arfa lại làm được điều đó.

Tôi tìm thấy nguyên bản của Arfa và phần nào là Luka Modric ở Steven Gerrard, người sẽ không bao giờ trở lại là chính anh như cái thời dưới bàn tay huấn luyện của Rafa Benitez nữa! Thời của Benitez, Liverpool có bộ 3 tiền vệ đáng mơ ước, và điển hình nhất thời bấy giờ: Macherano đánh chặn, Xabi Alonso điều phối bóng, và Gerrard - nghệ sĩ kiến tạo. Nhưng ngay cải trong thời gian này, Gerrard vẫn là một con ong chăm chỉ, lên công về thủ không ngừng cho một "Liverpool của 2 người"

Ben Arfa có thể ít chăm chỉ hơn Gerrard nhiều. Ở New Castle, anh không cần phải lao động cực nhọc như Gerrard khi New có 2 tiền vệ đánh chặn hàng đầu là Cabaye, Tiote, và có thể còn là Anita nữa! Anh cũng có ít thể lực hơn chiến binh Gerrard để có thể thi đấu với cường độ "điên cuồng" đến như vậy. Dù sao thì, việc phòng thủ nhiều như vậy, âu cũng chỉ vì bản thân đội bóng của anh chưa hoàn toàn đủ khả năng để đương cự với các đại gia khác mà thôi! Nhiệm vụ chính của anh vẫn là điều phối và kiến tạo, một số 10 đá lùi thực thụ.

NewCastle sẽ gặp rắc rối nếu như Ben Arfa gặp chấn thương, hoặc thi đấu không tốt tại thời điểm này. Ở New, anh chưa bao giờ quan trọng như chính anh lúc này. New không phải là một đội bóng mạnh, đội hình không đủ dày để có thể cán đáng 2 ngôi sao tại cùng một vị trí (ngay cả các đại gia như Chelsea, MU, Arsenal cũng vậy. Chỉ có MC là ngoại lệ), huống chi là với một cầu thủ như anh, một khi đã tỏa sáng, thì sẽ liên tục là trung tâm của mọi đường lên bóng. Cả Double Ba bây giờ hầu như chỉ lấy những đường chuyền của Arfa làm nguồn sống. Tốt thì thực sự tốt, nhưng đó chính là mối e ngại lớn cho New trong chiến dịch quay trở lại với hào quang quá khứ. Năm nay New sẽ đá Europa league...

4.4. Cazorla, một hình ảnh khác của Arsenal.

Santi Cazola
Arsenal trong mấy năm qua đã quá quen với những pha đan bóng cắt xẻ hàng phòng ngự đối phương và lối chơi chậm rãi, đàn áp đối phương. Đột nhiên, Cesc và những đồng đội của anh biết mất khỏi Emirates trong khi Wilshere chấn thương chưa dứt, còn Ramsey thì sa sút thảm hại. Ngay lập tức, Arsenal chao đảo. Mùa giải 2011-2012 kết thúc với vị trí thứ 3, nhưng lại là nỗi thất vọng ghê gớm đối với các fan. Họ đơn giản chỉ đứng hạng 3 khi các ứng viên còn lại quá kém cỏi, còn bộ đôi thành Manchester lại quá xuất sắc. Tuyến tiền vệ - niềm tự hào của Emirates - mùa giải đó có thể xem như là tuyến tiền vệ yếu nhất trong lịch sử Arsenal triều đại Arsene Wenger.

Trong một bài viết mới đây, tôi đã khẳng định rằng, cùng với sự xuất hiện của Cazorla, Arsenal sẽ thực hiện một cuộc cách mạng về lối chơi. Và thực tế đã chứng minh điều đó.

Bạn là 1 fan Arsenal, bạn đang mong chờ tôi phân tích một cách cụ thể hơn về Cazorla. Nhưng đáng tiếc, tôi sẽ không đáp ứng được yêu cầu đó. Thứ nhất, tôi đã viết một bài phân tích khá dài dòng về Cazorla trước đây rồi! Và bạn hoàn toàn có thể thảo luận trực tiếp với tôi trong bài đó, nếu như bạn không thích, hoặc nghĩ cách nghĩ của tôi là sai. Thứ hai, tôi không muốn khiến bài viết của mình, vốn đã quá dài, phải dài thêm nữa.

Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ bàn đến Cazorla kỹ càng hơn một chút, vì anh khác với các cầu thủ mà chúng ta đề cập đến từ đầu.

Tại sao tuyến tiền vệ ở Arsenal trong 3 trận gần đây lại chơi thiếu sức liên kết đến vậy?

Fan Arsenal đã quá quen với việc ngồi nhìn đội bóng con cưng của mình áp đặt phần lớn lối chơi của mình trong trận đấu, và luôn cố gắng để "chuyền bóng vào lưới" (Arsene Wenger). Tuy nhiên, trong ba trận đấu gần đây, tuy trong đó có đến 2 trận họ kiểm soát bóng phần lớn thời gian, người ta vẫn có cảm giác rằng họ thi đấu thiếu liên kết, và không còn là chính họ nữa.

Cazorla là cầu thủ thi đấu nổi bật nhất Arsenal trong cả ba trận mở màn mùa giải mới. Nhưng theo tôi, anh chính là lý do khiến cho cách chơi của Arsenal thiếu "đẹp mắt" như chính họ trước đây, chứ không phải một cái tên ít nổi bật (hoặc rất nổi bật vì một lý do tiêu cực nào đó) như Diaby hay Gervinho trong 2 trận đầu tiên mùa giải mới. Nhịp độ thi đấu của anh quá nhanh, khiến cho tất cả các cầu thủ khác bỗng nhiên quá chậm chạp. Từ đó, thay vì một cầu thủ thi đấu với nhịp độ nhanh khiến cho đội bóng chơi nhanh hơn, thì lại khiến cho họ chậm hơn rất nhiều so với bình thường, và những liên kết trở nên mong manh hơn.

Arsenal có vẻ như đã cố quay lại với truyền thống chơi bóng "4 tầng" đã làm nên đội hình bất bại của mình, chỉ là, với một cầu thủ số 10 chơi thấp hơn. Nhưng những mất mát về mặt nhân sự khiến cho Wenger gặp rắc rối. Cazorla không phải là người mà ông muốn mang về ngay từ đầu, khi mà hệ thống chiến thuật lấy Cesc làm trung tâm đang dần hoàn thiện. Có lẽ, ông chỉ có suy nghĩ mang Cazorla về khi Arteta trở thành người của Arsenal. Với họ, ông đang dẫn dần thay thế một Arsenal có số 10 kiểu mới dạng thông minh, thành số 10 kiểu mới dạng nhạy bén. Eden Hazard đã có thể trở thành một số 10 kiểu Cesc nếu như anh ta không bị LOSC biến thành 1 số 10 dạt cánh, nhưng Cazorla thì không bao giờ! Cách chơi của họ khác hẳn nhau.

Và vì thế, Arsenal từ tốn không thể không khởi đầu chuệch choạc với vị thủ lĩnh tuyến giữa quá nhanh nhạy được.

Tôi cũng đã nhắc đến Cazorla khi nói về vị trí của Shinij Kagawa.

Nói một cách rất vui là, tôi nghĩ hai huyền thoại của Premie league nêu tráo đổi hai cầu thủ này cho nhau. Trong khi Kagawa phù hợp hơn với vai trò điều phối bóng và kiến tạo từ vị trí tiền vệ tấn công nhô cao, thì Cazorla lại có thể thi đấu tốt hơn nếu được đẩy cao hơn nữa, để cho đội bóng sở hữu anh thoát khỏi nguy cơ bị vỡ nhịp độ tấn công, nhưng lại tận dụng được mọi kỹ năng của tiền vệ nhạy bén này.

Ở Arsenal hiện nay đang có 1 số 10 mới "lạc loài" ấn tượng như vậy đấy!

Nhưng Arsenal còn thời gian để thích nghi, và Kagawa thì còn tiềm năng để phát triển...

Kết luận

Man City, Man United, Arsenal, Chelsea, NewCastle... Chưa bao giờ vị trí tiền vệ kiến tạo lại được ưu ái đến vậy! Ngay khi viết đến đoạn này, tôi vẫn không thể nào hiểu được, liệu vị trí số 10 mới sẽ phát triển như thế nào kể từ những điểm xuất phát mà tôi vừa chỉ ra trên đây? Và, liệu sự phát triển đến tận cùng của những tính toán như vậy sẽ làm thế nào để đánh bại hệ thống tiền vệ chuyền bóng Barcelona đang ngồi trên ngôi vương của bóng đá hiện đại? Một đội bóng hùng mạnh như Real Madrid rõ ràng đã chiến thắng Barca trong một vài cuộc đua, nhưng thực lực thực tế vẫn còn có chút thua kém so với những gã khổng lồ tí hon vùng Catalan. Vậy thì lý do gì giúp cho những đại gia nước Anh lại hè nhau sáng tạo mẫu tiền vệ số 10 kiểu mới? Điều đó, thời gian ắt hẳn sẽ trả lời. Bởi vì, chẳng có một chiến thuật nào là bất khả chinh phục đối với bóng đá hiện đại. Và chúng ta, những người ngồi xem bóng đá, thì chẳng thể làm bất cứ thứ gì ngoài việc nhìn nhận một cách đầy chủ động về tình hình đang diễn ra của thế giới bóng đá, và chờ đợi những kết quả hết sức bất ngờ trong tương lai - nơi mà chắc chắn sẽ gọi tên một trong số những cầu thủ từ đây sẽ phát triển thành một vị trí huyền thoại nào đó. 

Bóng đá càng lúc càng thay đổi quá nhanh, khiến cho người xem không thể hời hợt thêm nữa với những vận động của nó.

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More