Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Bóng đá tổng lực

(Đường dẫn đến khung thành) - Bóng đá Tổng lực (Tiếng Anh: Total Football,tiếng Hà Lan:  Totaalvoetbal) là triết lý bóng đá nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn nhất với bóng đá thế giới trong nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
ĐTQG Hà Lan
Khác với Tiki-Taka, Catenaccio hoặc Joga Bonito là những triết lý bóng đá gắn chặt với tên thổ ngữ thuần tuý (không ai gọi Tiki-Taka là Bóng đá ban bật-chạy chỗ, hoặc Catenaccio là Bóng đá then cửa, tương tự với Bóng đá đẹp mắt và Joga Bonito), Bóng đá Tổng lực đơn giản và phổ biến đến được dịch ra  hoàn toàn trong hầu hết  ngôn ngữ trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, triết lý bóng đá nổi tiếng này được hình thành để chống lại sức mạnh phòng thủ khủng khiếp của Catenaccio Italia. Và thực tế, Bóng đá Tổng lực của Ajax, và sau đó là Hà Lan những năm đầu thập niên 70 đúng là tác nhân chủ yếu khiến Catenaccio nguyên thuỷ bị huỷ diệt hoàn toàn.


Cha đẻ của Bóng đá Tổng lực, ông Rinus Michels từng có một phát biểu kinh điển: “"Bóng đá cũng như chiến tranh vậy, bất cứ ai cư xử quá chuẩn mực đều thất bại”. Thứ bóng đá mà ông sáng tạo ra cho CLB Ajax và sau đó là tuyển Hà Lan là một kỳ quan chiến thuật thực sự: Ở đó, mọi cầu thủ đều có khả năng chơi ở nhiều vị trí khác nhau (nếu không muốn nói là tất cả các vị trí ngoại trừ thủ môn). Điều đó có nghĩa là, bản chất của bóng đá tổng lực là toàn diện và bù khuyết chứ không phải toàn bộ đội hình dâng cao mặc dù lối chơi của người Hà Lan và Ajax thời kỳ đó cũng gần tương tự.

1. Vận hành chiến thuật:

Bóng đá tổng lực thành công nhờ một hệ thống vận hành cực kỳ trơn tru giữa những cầu thủ siêu đa năng trong đội hình. Có hai nguyên tắc cốt tuỷ trong hệ thống này: 

Thứ nhất, một cầu thủ bất kỳ trên sân bóng (trừ thủ môn) được phép di chuyển rất rộng ra khỏi vị trí của anh ta trong sơ đồ chiến thuật, và lỗ hổng nơi anh ta rời khỏi sẽ ngay lập tức được lấp đầy bằng một cầu thủ khác ở vị trí gần đó (ghĩa là, trong một trận đấu, sẽ có vô số trường hợp tiền vệ sẽ đá hậu vệ, tiền đạo lui về làm tiền vệ, đại loại thế)

Johan Cruyff từng nói: 

Bóng đá tổng lực là gì ư? Rất đơn giản! Đó là cả 10 cầu thủ trong đội đều có khả năng chơi tốt ở tất cả các vị trí trên sân. Vì thế, nếu một hậu vệ lao lên phía trên, một tiền vệ sẽ lấp vào vị trí của anh ta và biến thành một hậu vệ.
Johan Cruyff
Việc phá huỷ cấu trúc vị trí cố định và xoay vòng (swap) cầu thủ liên tục khiến cho mọi trận đấu có mặt người Hà Lan đều giống như một canh bạc chết chóc. 

Xáo trộn sơ đồ vị trí có thể khiến hệ thống phòng ngự của đối phương hoàn toàn bị tê liệt do phải cuốn theo vô số kiểu di chuyển hoàn toàn khác nhau và không theo bất kỳ quy luật nào. Điều này đặc biệt càng phát huy hiệu quả trong thời đại của Catenaccio: Hệ thống phòng thủ 1 kèm 1 (man-marking) sẽ không có cách nào giữ được kỷ luật và an toàn cho khu vực cấm địa trong trường hợp đối phương hoán vị liên tục. 

Tuy nhiên, xáo trộn vị trí cũng có thể gây hại cho chính bản thân mình: 

- Một là, hoán vị liên tục khiến cho chính hệ thống chiến thuật của mình đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Nhãn quan chiến thuật và khả năng tập trung của cả 9 cầu thủ còn lại (ngoài cầu thủ vừa bắt đầu di chuyển tự do) bị buộc phải phát huy cao độ trong suốt thời gian thi đấu. Một sai lầm đơn giản của chỉ một người không chỉ khiến đội bóng bị mất khả năng tấn công, mà còn khiến cả đội đứng trước nguy cơ vỡ trận. 

- Hai là, ngay cả khi mỗi cầu thủ đều có khả năng chơi bóng tốt ở tất cả các vị trí, thói quen thi đấu, kỹ năng sở trường… của mỗi người đều hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác, cầu thủ kiến thiết (playmarker) phải đảm nhiệm một vai trò lớn hơn đúng 10 lần so với thông thường chưa tính những khó khăn khi anh ta phải kiến thiết trận đấu ở vị trí không thuận lợi.

Với vấn đề thứ nhất, Rinus Michels đã giải quyết cực kỳ tốt bằng những cầu thủ tuyệt vời mà sau này được mệnh danh là “những chiếc đồng hồ da cam” (ám chỉ độ chính xác của những đường chuyền và khả năng tập trung thi đấu). Và vấn đề thứ 2, cách giải quyết thậm chí còn đơn giản hơn: Ở Ajax, Barcelona, và tuyển Hà Lan thời bấy giờ, Rinus Michels sở hữu một siêu cầu thủ kiến thiết thực sự với khả năng sử dụng 2 chân như 1 và kỹ năng chơi bóng như có ma thuật, thiên tài Johan Cruyff.

Nguyên tắc thứ hai, đội bóng sử dụng bóng đá tổng lực thực sự phải là một đội bóng chơi tấn công. Cả Ajax lẫn Hà Lan đều gần như chỉ chơi bóng trong…nửa phần sân của đối phương. Việc dâng rất cao đội hình khiến cho họ buộc phải sử dụng bẫy việt vị như là biện phảp phòng thủ ưu tiên để tránh những pha tấn công chớp nhoáng của đối phương, đồng thời, mỗi cầu thủ trong vị trí tạm thời của mình đều phải là một chốt chặn tích cực ngay khi đối phương vừa có bóng. Với một đội hình dâng rất cao, một cầu thủ có khả năng chuyền bóng dài chính xác và một tiền đạo “siêu tốc” của đối phương có thể loại bỏ hoàn toàn 10 cầu thủ. Vì thế, không được phép cho đối phương có bất kỳ không gian và thời gian nào để chuyền bóng là phương pháp phòng thủ thiết yếu. Thời bấy giờ, phòng thủ 1 kèm 1 gần như là tất cả, và người Hà Lan thì bám đối phương đến tận… vòng 5m50.

2. Nền tảng hệ thống

Nghe có vẻ trái khoáy, nhưng bóng đá tổng lực vốn là một biện pháp tích cưc để giải quyết vấn đề thể lực nhiều hơn thay vì là toan tính đánh bại Catenaccio như những gì nó làm được sau này (mặc dù nó gần như là “thiên địch” của Catenaccio. Ruud Krol, một cầu thủ quan trọng của đội hình Ajax và Hà Lan trong thời kỳ hoàn kim của bóng đá tổng lực nói: 

Hệ thống của chúng tôi thực chất là giải pháp cho vấn đề thể chất. Thể lực phải luôn được duy trì 100%, nhưng bạn làm thế nào mà chạy suốt 90 phút mà vẫn sung sức? Nếu tôi, một hậu vệ cánh trái, phải dốc biên 70 mét rồi, sẽ chẳng tốt chút nào nếu tôi phải chạy 70 mét để trở lại vị trí ban đầu
(...) Nếu bạn phải chạy quãng đường 70 mét 10 lần, và chạy về khoảng 10 lần 70 mét nữa, quãng đường tổng cộng sẽ là 1400 mét. Thay vì chạy về, chúng tôi chơi gần nhau và lấp vào khoảng trống người kia để lại, với đội hình dâng cao. Thay đổi này giúp chúng tôi chỉ phải chạy 1000 mét, dôi ra 400 mét. Và đó là lý thuyết.
(…) Khi chúng tôi phòng thủ, chúng tôi luôn cố giữ đối phương ở nửa sân bên kia. Quan điểm của chúng tôi là không cần… bảo vệ khung thành, và đó là lý do chúng tôi sử dụng bẫy việt vị. Bạn không muốn chạy về để phòng ngự đơn giản vì bạn muốn tiết kiệm sức lực. Thay vì chạy về 80 mét rồi lại lao lên 80 mét, sẽ tốt hơn là chỉ chạy 10 mét mỗi lần đi về. Thế là bạn chỉ phải di chuyển 20 mét, thay vì 160 mét
Ruud Krol
Bóng đá Hà Lan thực ra đã ý thức được vấn đề thể lực và tinh thần đồng đội từ rất sớm. Ngay từ thời của Jimmy Hogan ở Dordecht FC (khoảng thập niên 10 của thế kỷ trước), người Hà Lan đã hiểu rất rõ mối quan hệ giữa chuyền bóng và thể lực: Chuyền bóng càng nhiều, thể lực càng ít hao phí. Tất cả cầu thủ ngay trong các học viện bóng đá trẻ đều được yêu cầu chơi bóng 2 chạm và giữ bóng tối đa 10s mỗi lần nhận bóng. Giống như người Brazil dạy cầu thủ trẻ khống chế bóng suốt quá trình học tập, người Hà Lan dạy con em họ chuyền bóng liên tục. Hệ quả là, các cầu thủ từ học viện bóng đá Hà Lan hầu hết đều có khả năng chuyền bóng và nhãn quan chiến thuật sắc sảo hơn nhiều so với các cầu thủ cùng trình độ. Nên nhớ, chuyền bóng tốt, nhãn quan chiến thuật nhanh nhạy, và di chuyển lấp chỗ trống liên tục là tất cả với bóng đá tổng lực. 
Học viện bóng đá Ajax
3. Bóng đá tổng lực trong lịch sử

Mặc dù bóng đá tổng lực gắn với Rinus Michels và Johan Cruyff, nhưng những cơ sở ban đầu của nó đã từng xuất hiện từ rất lâu trong quá khứ với Jimmy Hogan, HLV của Dordecht FC năm 1910 và Reynolds của Ajax Amsterdam khoảng 1915 – 1947:

Jimmy Hogan và Dordecht FC của ông đã chỉ ra được 2 vấn đề cốt tuỷ nhất, là nền tảng của bóng đá tổng lực sau này là chuyền bóng và thể lực. 15 năm sau, một người Anh khác là Jack Reynolds đã phát triển tiền đề quan trọng này ở Ajax.

Reynolds là HLV của Ajax suốt từ 1915 đến 1947. Trong khoảng thời gian này, ông đã phát triển vấn đề mà Hogan đã chỉ ra bằng cách sáng tạo ra vị trí cầu thủ chạy cánh, một vị trí khuyến khích cầu thủ thi đấu rộng hơn và thường xuyên di chuyển ra sát đường biên dọc. Ngoài ra, Reynolds còn có ảnh hưởng quan trọng lên một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của ông, Rinus Michels, người sau này được mệnh danh là cha đẻ của bóng đá tổng lực.

Trong thời đại của mình, Michels đã huấn luyện cho cầu thủ của mình khả năng chơi bóng ở tất cả các vị trí khác nhau, đồng thời, các cầu thủ này cũng được yêu cầu phối hợp ăn ý hoàn hảo với nhau tại tất cả các vị trí thi đấu. Và rồi, sự xuất hiện của những người như Johan Cruyff hoặc Johan Neskeens chính là yếu tố quan trọng cuối cùng để biến bóng đá tổng lực từ một hệ thống được chuẩn bị công phu trở thành “vô đối”.

Trong kỷ nguyên của mình, Ajax từng vô địch Hà Lan trong 2 mùa giải liên tiếp (1971-1972 và 1972-1973) với tỉ lệ thắng trên sân nhà là 100% (46-0-0), chỉ chịu một thất bại duy nhất trong suốt mùa giải 1971-1972, đoạt 5 danh hiệu chỉ trong năm 1972 (vô địch Hà Lan, KNVB cup, C1, Siêu cup châu Âu và Siêu cup thế giới) và 3 chức vô địch C1 liên tiếp (1971, 1972, 1973) bằng một thứ bóng đá tấn công cống hiến đầy lãng mạn.
Rinus Michels
Với Hà Lan, mặc dù đã không giành được bất kỳ chức vô địch World Cup nào trong cả hai lần vào đến chung kết liên tiếp (một điều thực sự điên rồ khác), hệ thống chiến thuật này đã giúp họ trở thành đội bóng xuất sắc nhất của thập niên 70 thế kỷ trước. Và “kẻ về nhì vĩ đại” chính là cụm từ được chính “cơn lốc màu da cam” khai sinh.

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More