Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #1: Đội tuyển Hi Lạp, Euro 2004

(Đường dẫn đến khung thành) - Đội hình này của Hi Lạp có thể là điều bất ngờ nhất của bóng đá thế giới trong suốt 1 thập kỷ trước. Không! Thậm chí nó có thể còn là điều bất ngờ nhất lịch sử bóng đá thế giới nữa! Thế giới đã từng chứng kiến khá nhiều cú sốc kiểu như chiến thắng 1-0 của Mỹ trước Anh năm 1950, hay chiến thắng cùng tỉ số 1-0 của Senegal trước Pháp năm 2002. Nhưng nếu so mang với những gì mà Hi Lạp làm được năm 2004, thì những chiến thắng trên... chẳng có gì là ghê gớm cả!


Chưa bao giờ trong lịch sử bóng đá thế giới, người ta lại được chứng kiến một đội bóng gồm toàn những nhân vật vô danh trên đấu trường quốc tế lại giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác để trở thành nhà vô địch của một trong những giải đấu lớn nhất hành tinh. Khi mà tỉ lệ đặt cược của bạn chỉ là 250/1, người ta đã ngầm ước định rằng bạn sẽ không có cơ hội nào để chiến thắng với kèo này. Hi Lạp đã là nhà vô địch châu Âu năm 2004. Không còn nghi ngờ gì nữa! Đó hoàn toàn là nhờ sức mạnh của chiến thuật.

Hi Lạp đã chơi phòng thủ tiêu cực! Hi Lạp đã chơi quá nhàm chán! Hi Lạp đã không fair play!... Hãy nói những gì bạn muốn! Nhưng cho dù có biện hộ thế nào, bạn vẫn không thể phủ nhận rằng họ đã liên tục hạ gục hết đối thủ này đến đối thủ khác. Trong trận đấu mở màn, khi đánh bại đội chủ nhà Bồ Đào Nha, lối chơi của Hi Lạp được rất nhiều người tán thưởng: Chuyền bóng đẹp mắt, dâng cao tấn công và chơi bóng tích cực. Đó là một chiến thắng bất ngờ mở màn cho giải đấu khốc liệt và kịch tính giống y như những gì đã diễn ra ở Đông Á 2 năm trước, khi Senegal đả bại Pháp.
Phải thừa nhận rằng, Hi Lạp đã không thể duy trì thứ bóng đá tuyệt vời của họ từ vòng knock-out. Nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên vì sự hiệu quả của lối chơi mới:

- Thắng đương kim vô địch Pháp 1-0 ở tứ kết bằng một pha tạt cánh-đánh đầu từ biên phải.

- Thắng cộng hòa Czech 1-0 ở bán kết từ một pha phạt góc-đánh đầu từ góc phải.

- Thắng chủ nhà Bồ Đào Nha 1-0 ở trận chung kết cũng bằng một pha phạt góc-đánh đầu từ góc phải.

Liên tục đánh bại từ nhà đương kim vô địch, đội bóng xuất sắc nhất giải, đến đội chủ nhà với cùng một tỉ số và cùng một cách thì chẳng thể nào là điều ngẫu nhiên được nữa! Hi Lạp thực sự đã có một hệ thống chiến thuật hết sức khôn ngoan, được triển khai tỉ mỉ và chính xác trong từng trận đấu một.

Hãy nhớ lại ngày mồng 6 tháng 10 năm 2001: Phút 93 ở Old Trafford, David Beckham đã ghi bàn từ một pha sút phạt hoàn hảo để giúp Anh vượt qua Đức trong chiến dịch vòng loại World Cup 2002. Trong trận đấu đó, hi vọng bạn vẫn còn nhớ, Hi Lạp đã thực sự khiến Anh gặp khó khăn, họ đã chơi xuất sắc hơn trong phần lớn thời gian diễn ra trận đấu và khiến các hảo thủ của Tam sư phải "ngậm tăm" hoàn toàn.

Có thể bạn sẽ không nhớ, nhưng đó là trận đấu đầu tiên của Otto Rehhagel trong vai trò HLV Hi Lạp. Đội hình Hi Lạp thời điểm đó đã gặp khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng chỉ cần một trận đấu, Rehhagel đã thu về được rất nhiều ý tưởng về việc vận hành lối chơi để Hi Lạp có thể đả bại những đối thủ lớn hơn: Chiến thuật đá rắn và kèm người thật chặt. Hi Lạp chỉ có một trận hòa, nhưng trong tình huống đó, thực ra họ mới là người chiến thắng.

Với cơ sở là lối chơi rắn, kỷ luật và nhàm chán, Hi Lạp đã vượt qua mọi giới hạn trình độ để đánh bại rất nhiều đội hình khác nhau của đối thủ. Hằng số duy nhất trong sơ đồ thi đấu của họ là luôn "thủ sẵn" một vị tri "thừa" ở phía sau. 

Trong riêng trận gặp Pháp, họ liên tục hoán đổi giữa 2 hệ thống phòng ngự 3 người và 4 người. Pháp có 2 tiền đạo nên Hi Lạp sử dụng 2 hậu vệ quét luôn sẵn sàng áp sát. Trezeguet ở trung tâm bị Kapsis kèm chặt, Henry dạt trái bị hậu vệ phải là Seitaridis đeo dính. Hậu vệ cánh Fysass được thả lỏng để đảm nhiệm tấn công cánh trái trong khi cánh phải là nhiệm vụ của tiền vệ Zagorakis. Nhưng nếu như dựa vào đó mà khẳng định rằng Hi Lạp sử dụng  xoay vòng sơ đồ 3 hậu vệ và 4 hậu vệ thì không đúng! Vì chiến thuật phòng thủ của Hi Lạp hoàn toàn phụ thuộc vào cách di chuyền của các cầu thủ Pháp, và vì Pháp là một đội hình mất cân đối (xin xem #19), cách phòng thủ của Hi Lạp cũng vì thế mà... lệch theo.


Ở hàng tiền vệ, Hi Lạp sủ dụng đến 4 tiền vệ trung tâm để hạn chế tối đa khả năng cầm bóng của Pháp. Chiến thuật này thực sự có hiệu quả khi họ có đến 7 cầu thủ để phòng thủ, còn khi tấn công, từ những bước chạy của Fysass và Zagorakis ở hai bên cánh, Hi Lạp đã sử dụng đến 5 cầu thủ (chứ không phải 3 cầu thủ) để tạo ra bàn thắng. Hệ quả là, chẳng có gì bất ngờ khi bàn thắng duy nhất trong trận đấu đến từ một pha tạt cánh của Zagorakis.

Hi Lạp đã giữ nguyên sơ đồ thi đấu trong trận gặp Czech, cũng là một đội có 2 tiền đạo. Mặc dù bị ép sân từ khá sớm, Hi Lạp cũng đã mau chóng trở lại là chính mình và ghi "bàn thắng bạc" tiễn Czech về nước.

Trong trận chung kết, họ phải đối mặt với một chiến thuật hoàn toàn khác đến từ Bồ Đào Nha. Đội bóng chủ nhà chơi 4-2-3-1 với chỉ một mình Pauleta đá cao nhất. Điều này có nghĩa là sơ đồ 3 trung vệ của Hi Lạp sẽ bị thừa người, trong khi khu vực tiền vệ hoặc hai bên cánh thì thiếu nhân sự trong trường hợp hậu vệ cánh của Bồ dâng cao. Rehhagel hiểu điều đó nên đã chuyển hoàn toàn sang sơ đồ phòng ngự 4 người truyền thống và kéo lùi thêm 1 tiền vệ trung tâm. Các hậu vệ cánh được giao nhiệm vụ kèm chặt Figo và Ronaldo, và cuộc chiến ở hàng tiền vệ là 3vs3 với Basinas và Katsouranis đá thấp, Zagorakis đôi khi được dâng cao. Trong trận đấu đó, vì thiếu vắng những pha treo bóng của Georgios Karagounis, Hi Lạp đã gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai lối chơi của mình.

Đá cao nhất trên hàng công, Vryzas đóng vai trò là tiền đạo duy nhất, được hỗ trợ bởi 2 cầu thủ khác là Stelios Giannakopoulos và Angelos Charisteas. Thực ra, Stelios Giannakopoulos, một cầu thủ chạy cánh điển hình, đã mắc kẹt ngoài cánh trái suốt trận đấu vì áp lực từ hậu vệ phải của Bồ là Miguel. Ở cánh bên kia, Nuno Valente ít dâng cao hơn, và vì vậy, Angelos Charisteas có nhiều cơ hội tấn công hơn, thậm chí, nhờ sự xuất sắc của hậu vệ phải Seitaridis, anh còn trở thành một tiền đạo thứ 2 khi Hi Lạp có bóng.

Người Hi Lạp có thể lặp lại chiến tích cũ vói Bồ Đào Nha một lần nữa hay không? Đương nhiên rồi! Charisteas lại tỏa sáng, và Bồ Đào Nha gần như không có cách nào phá vỡ được hệ thống phòng ngự vô cùng kỷ luật của Hi Lạp. 15 phút cuối trận, Giannakopoulos ra nghỉ, Stelios Venetidis, một hậu vệ trái, vào sân, và Hi Lạp lúc này có đến 8 cầu thủ phòng ngự án ngữ trước khung thành. Felipe Scolari, HLV của Bồ Đào Nha, đã không có cơ hội nào để đánh bại Hi Lạp: Quyết định chuyển sang sơ đồ 2 tiền đạo cũng đã được đưa ra, nhưng cuối cùng ông lại quyết định thay Pauleta bằng Nuno Gomes thay vì biến đổi sơ đồ thi đấu.

Không nhiều đội bóng có thể dễ dàng thay đổi hệ thống phòng ngự 3 người sang 4 người, và phần lớn các HLV đều luôn bị ám ảnh bởi mệnh đề "không thay đổi đội hình chiến thắng", nhất là khi đối thủ bị đánh bại lại là 2 cường địch hàng đầu giải vào thời điểm đó là Pháp và Czech. Nhưng trên thực tế, bạn cần phải thay đổi đội hình nếu điều đó là cần thiết, và Rehhagel tin rằng, với một đội bóng được đánh giá yếu hơn như Hi Lạp, sơ đồ thi đấu phải là hệ thống được tạo ra để chống lại lối chơi của từng đối thủ một.

Chiến thuật của Rehhagel luôn có 2 yếu tố quyết định để tạo nên thành công:

- Thứ nhất, ông tận dụng hết toàn bộ sức mạnh của cả đội bóng: Họ có 1 hàng hậu vệ thi đấu vững chắc, kỷ luật và mạnh mẽ, 1 tuyến tiền vệ làm việc không mệt mỏi có quá ít kỹ năng tấn công. Bóng đá tấn công là tự sát, nên họ xoáy mạnh vào phòng ngự, sử dụng những pha phản công thần tốc và tận dụng tối đa các tình huống cố định.

- Thứ hai, ông thay đổi đội hình liên tục để vô hiệu hóa năng lực đối thủ. Hệ thống đã dùng để đánh bại Czech và Pháp chắc chắn không thể đương đầu với Bồ và ngược lại.

Phát huy tối đa khả năng bản thân và hạn chế hết mức khả năng đối thủ để tạo nên cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới. Đó chính là lý do để Hi Lạp, chứ không phải bất kỳ đội bóng nào, nằm ở vị trí số 1 bảng danh sách này.
Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More