Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

WM - Việt vị và cuộc cách mạng chiến thuật

(Đường dẫn đến khung thành) - Bài viết thứ tư trong loạt bài giới thiệu những chiến thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá thế giới hướng về một hệ thống từ xa xưa hơn: Sơ đồ WM (hoặc MW), hệ thống chiến thuật tiên phong của thời đại bóng đá hoàn thiện luật việt vị


Khác với cả 3 khái niệm chiến thuật từng được nhắc đến trước đó, WM không phải là một triết lý bóng đá, hoặc một nguyên tắc vận hành hệ thống! WM đơn giản là 1 loại sơ đồ bố trí cầu thủ mà ở đó, hệ thống có thể vận hành trơn tru hơn và an toàn hơn trong điều kiện luật việt vị mới được thừa nhận rộng rãi đương thời.

1. Luật việt vị mới và HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh:

Trong khoảng thời gian từ những năm 50 của thế kỷ 19 đến 1925, do ảnh hưởng của luật việt vị (được cho rằng) nằm trong bộ luật Cambridge do HC Malden từ cao đẳng Trinity và đại diện của các trường Eton, Harrow, Rugby, Winchester và Shrewsbury sáng tạo nên, các đội bóng thường sử dụng sơ đồ 2-3-5 (2 hậu vệ, 3 tiền vệ và 5 cầu thủ tấn công). Đến năm 1925, luật việt vị chính thức được sửa đổi: Cầu thủ tấn công chỉ cần đứng trên ít nhất 2 (thay vì 3 như trước đây) cầu thủ đối phương khi nhận bóng là không việt vị. Hệ quả là, mùa giải 1925-1926, số bàn thắng tại giải hạng nhất Anh tăng lên 40% từ 4.700 bàn lên 6.373 bàn.

Năm 1925 cũng là năm Herbert Chapman đặt chân đến Arsenal. Đó là một sự kiện từng gây xôn xao khắp giới bóng đá Anh: Một HLV đang ở trên đỉnh vinh quang cùng Huddersfield Town lại chấp nhận từ bỏ đội bóng để đến với Arsenal, một CLB thật sự yếu kém và mờ nhạt ở cuối bảng xếp hạng. Kết quả là, cùng với cuộc cách mạng chiến thuật danh tiếng của mình, ông đã gần như ngay lập tức biến Arsenal trở thành một gã khổng lồ bóng đá thực sự với vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng, ngay phía sau (trớ trêu thay là) Huddersfield Town - đội bóng đã chính thức vô địch lần thứ 3 liên tiếp ở mùa giải đó.


Trong tay Chapman vào thời điểm đó là một lứa cầu thủ tài năng do chính tay ông gầy dựng, với Buchan – tiền đạo chủ nhân của ý tưởng sơ đồ 3 trung vệ, nền tảng của WM xuất hiện ngay sau đó, David Jack, tiền đạo thay thế Buchan khi anh giải nghệ, và hàng loạt những cái tên nổi danh một thời khác  như: Alex James, Joe Hulme, Cliff 'Boy' Bastin, Herbie Roberts, Tom Parker, George Male, Eddie Hapgood…


Chapman qua đời năng 1934, nhưng những gì ông tạo ra cho đội bóng là tất cả những gì Arsenal cần để bay cao trong suốt hơn 1 thập kỷ từ 1927 đến 1938 với 5 chức VĐQG và 2 cup FA. Hơn thế nữa, WM thậm chí còn vươn mình trở thành sơ đồ chuẩn mực của hầu hết các CLB ở Anh thời kỳ đó.

2. Hệ thống:

Sau thất bại 7-0 trước New Cattle ở St James's Park vào tháng 10 năm 1925, ý tưởng về hệ thống chiến thuật mới do Buchan – tiền đạo được Chapman mang về từ Sunderland – khởi xướng được mang ra thảo luận nghiêm túc, và WM ra đời.

Cuộc cách mạng chiến thuật của Chapman ở Arsenal đơn thuần là sự thay đổi về sơ đồ thi đấu để tương thích với luật việt vị mới: Từ sơ đồ 2-3-5 truyền thống, một tiền vệ trung tâm (center halfback) được kéo về đá trung vệ (center back) nhằm ngăn chặn nguy cơ từ vị trí trung phong đối thủ. Sơ đồ thi đấu trở thành 3-2-2-3 với bộ tứ tiền vệ (ô vuông kỳ ảo) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết bóng, phát động tấn công cũng như ngăn chăn các pha phản công của đối phương.

Ngoài 3-2-2-3, WM cũng có thể được sắp xếp thành 3-2-5 với 2 tiền vệ tấn công nhô cao được phép thi đấu như tiền đạo hoặc 3-4-3 khi "ô vuông kỳ ảo" được yêu cầu đứng gần nhau hơn để khống chế trung lộ.

Điểm mạnh của sơ đồ này là tạo ra được sự cân bằng hơn trong tấn công và phòng ngự. Nó giúp cho các đội bóng hạn chế được khả năng của các tiền đạo bên phía đối thủ. Cự ly khoảng cách giữa tiền vệ công và tiền vệ cánh được thu hẹp cũng giúp cho sơ đồ MW dễ dàng hơn trong các pha phản công. Ngoài ra, với việc kéo 2 tiền đạo về chơi ở hàng tiền vệ cũng giúp sơ đồ này tăng cường được khả năng kiểm soát bóng so với việc chơi với 5 tiền đạo như trước đây.

WM của Herbert Chapman cũng là khởi nguồn của chiến thuật kèm người (1vs1) kinh điển của bóng đá tiền hiện đại nói chung, và tinh hoa của nghệ thuật phòng ngự - Catenaccio nói riêng với một trung vệ được bố trí chuyên biệt nhiệm vụ khống chế trung phong đối phương.

Cuối cùng, triết lý bóng đá của Chapman, từ những gì mà các cầu thủ của ông thể hiện, được gọi tên là “Machine” (guồng máy). Danh từ này thực ra đã được xác định từ năm 1910, khi ông dẫn dắt Northampton. Đến thời của Arsenal, cùng với sự trưởng thành của WM, triết lý này thậm chí còn được biết đến rộng rãi hơn với câu khẳng định: “Thậm chí nếu thay đổi về mặt nhân sự, guồng máy vẫn có thể vận hành trơn tru”.


Triết lý phát triển chiến thuật này cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ đến HLV nổi tiếng nhất của Arsenal lúc này là ông Arsene Wenger trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Mọi chuyên gia chiến thuật đều thừa nhận rằng, phong cách dùng người của Arsene Wenger rất đặt biệt: Ông luôn đặt các cầu thủ khác nhau vào cùng một vị trí, và sự đột phá không đến từ việc thay đổi hệ thống, mà đến từ bản thân mỗi vị trí cố định – triết lý bóng đá khiến người ta dễ dàng phê bình là bảo thủ về sơ đồ nếu không nhìn nhận một cách nghiêm túc.


Đáng tiếc là, WM đã không có bất kỳ một cơ hội nào để thể hiện sức mạnh của mình ở tầm thế giới khi đội tuyển Anh liên tục tẩy chay 3 kỳ World Cup liên tiếp trước Chiến tranh Thế giới thứ 2 (1930, 1934, 1938).

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More