Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Brendan Rodgers và cuộc cách mạng lối chơi ở Liverpool

(Đường dẫn đến khung thành) - Tôi nhận được câu hỏi của một người bạn về cái gọi là Tiki-Taka của Liverpool dưới thời Brendan Rodgers. Thực ra, tôi không thường xem Liverpool thi đấu, nhất là Liverpool của Brendan Rodgers, vì thế, trả lời được câu hỏi này có thể là một điều tương đối khó khăn.

Tôi cũng đã xem qua một vài trận đấu của Liverpool tiền thời kỳ Rodgers, phong cách chơi bóng của Rodgers ở Swansea (cái mà người ta gọi là Tiki-Taka của Swansea), so sánh với Liverpool trong mùa đầu tiên ông dẫn dắt, và những biểu hiện trong những trận giao hữu đầu mùa của họ để cân nhắc về những tiềm năng của đội bóng này trong mùa giải không thi đấu cấp châu lục sắp tới.


1. Brendan Rodgers và Liverpool dưới thời Kenny Dalglish:

Brendan Rodgers là công thần của Swansea khi đưa đội bóng đến với Premier League lần đầu tiên kể từ khi giải đấu được đổi tên. Hơn thế nữa, ông còn biến Swansea thành một hiện tượng thực sự ở giải ngoại hạng ngay khi vừa lên hạng. Hạng 11 với chỉ 47 điểm có thể là một kết quả không quá nổi bật, nhưng kết quả không phản ảnh đúng những gì mà The Jacks đã thể hiện! Họ sử dụng quá tốt những cầu thủ thường thường bậc trung của mình trong giải đấu phân hóa giàu nghèo khủng khiếp là Premier League. Với Swansea, Rodgers đã khẳng định với thế giới rằng: Một đội bóng vừa thăng hạng (và không có một hợp đồng lớn nào) vẫn có thể chơi bóng sòng phẳng (thay vì phòng thủ tiêu cực) với phần còn lại của giải đấu.

Cách tiếp cận trận đấu của Swansea thời Rodgers thực ra mang nhiều yếu tố thực dụng. Trình độ chung của Premier League vượt xa những gì mà Swansea có nên họ sẽ bị hủy diệt hoàn toàn vì hàng phòng thủ yếu kém của mình trước khi kịp tạo ra cơ hội kiếm điểm. Tuy nhiên, các cầu thủ trong đội hình của HLV xứ Wales này đều là những cầu thủ có khả năng chuyền bóng tốt. Và nhờ đó, triết lý bóng đá của Rodgers trở thành "giữ bóng để không bị ghi bàn". Swansea là một trong những đội bóng tạo ra tỉ lệ cơ hội/thời gian kiểm soát bóng thấp nhất châu Âu mùa đó. Với Rodgers, thông số này là vô nghĩa! Ông thà chấp nhận tạo ra ít cơ hội còn hơn là tấn công nhanh để mất bóng và bị ghi bàn.

Hẳn nhiên, lối chơi an toàn này cũng khiến Swansea có được kết quả tốt hơn nhiều so với trình độ chung. Nhưng với một đội bóng mạnh mẽ hơn như Liverpool (đội bóng vấn thường thi đấu rất thành công với các đội bóng chiếu trên, nhưng lại hay mất điểm trước các đối thủ yếu hơn), thứ triết lý bóng đá "để không thua" đó có thể khiến Liverpool trở lại thời đỉnh cao hay không?

Với Liverpool thời gian đó, Kenny Dalglish đang là bậc thầy kích thích tinh thần thi đấu. Không có bất kỳ một cổ động viên Liverpool nào có thể chê bai tinh thần thi đấu của các cầu thủ đội nhà trong hai mùa giải đó. Không thể hiện được quá nhiều dấu ấn chiến thuật lên đội bóng, lối chơi của Liverpool thời Kenny Dalglish làm gợi nhớ phần quá khứ bản năng, nhiệt huyết, và đầy sức mạnh của bóng đá tiền hiện đại: Lên bóng nhanh, lối chơi quyết liệt. Liverpool là một trong những đội bóng thù ghét lối chơi dây dưa kiểu Tây Ban Nha hàng đầu giải đấu.


Vị trí quan trọng nhất, cũng là hình mẫu đặc trưng cho hệ thống của Dalglish là hai tiền vệ trung tâm. Vai trò của họ gần giống với các Volante của Brazil (tất nhiên, ở một vị trí cao hơn): Điều hòa công thủ, dùng nhãn quan chiến thuật, tổ chức trung tuyến, lối chơi bao sân và kỹ năng chuyền bóng để bảo vệ, hoặc giảm áp lực cho tuyến sau. Điều này rõ ràng không phải chỉ là hệ quả của lối chơi truyền thống Anh quốc, mà còn là hệ quả tất nhiên của tiềm lực đội bóng này: Nơi các tiền vệ trung tâm thường thi đấu chăm chỉ, mạnh mẽ, và luôn là những vị trí chơi tốt nhất cả đội (ngoại trừ trường hợp của Suarez)

Hầu hết những pha lên bóng của Liverpool đều bị ảnh hưởng bởi thói quen thi đấu của một vài cầu thủ tại vị trí này, như Raul Meireles, Henderson, Lucas, Gerrard thường tập trung hỗ trợ phòng ngự nhiều hơn và mở bóng sang cánh nên Liverpool thi đấu khá rộng, trong khi Adam có thói quen chuyền vượt tuyến hoặc đẩy bóng cho cầu thủ thi đấu ngay trước mặt mình nên những kỹ năng của Suarez được tận dụng tốt hơn... Tuy nhiên, nhìn chung, Liverpool vẫn là một đội bóng tấn công biên khi hai tiền vệ cánh của họ rất ít khi thi đấu bó vào trong, và tiền đạo cắm cao to của họ là Caroll không phải là mẫu cầu thủ thích nhận các đường chọc khe.

Liverpool đã không tận dụng được mọi kỹ năng của các cầu thủ (mà đặc biệt là Suarez) trong thời gian này. Việc chỉ sở hữu có 2 cầu thủ ở trung tâm khiến tiền đạo lùi bị buộc phải thi đấu rất thấp để thu hẹp khoảng cách hai tuyến đầu. Đó là chưa nói đến việc, cộng thêm một tiền đạo lùi không có nghĩa là tuyến giữa của Liverpool được "dễ thở" hơn chút nào.

3. Brendan Rodgers đã làm gì ở Liverpool suốt mùa giải qua?

Đến với Liverpool, Brendan Rodgers sẽ chơi cái gọi là Tiki-Taka, ông cần mẫu cầu thủ có khả năng chuyền bóng tốt và hạn chế cầm bóng. Hệ quả là, ông "hất cẳng" những cầu thủ không còn phù hợp với lối chơi mới như Dirk Kuyt, Fábio Aurélio, Maxi Rodríguez, Alberto Aquilani, Craig Bellamy, Joe Cole, Charlie Adam, Andy Carroll..., mang về một cầu thủ chuyền bóng đẳng cấp (dù thực ra đó là một bản hợp đồng không mấy thành công) là Nuri Şahin, và gầy dựng tương lai bằng những mầm non đầy triển vọng như Fabio Borini, Daniel Sturridge, Philippe Coutinho.

Hệ quả là, mùa giải đầu tiên của Rodgers đã kết thúc với vị trí thứ 7 (61 điểm sau 38 trận) và hiệu số bàn thắng cao ngất ngưỡng (+28). So sánh với mùa giải cuối cùng của Dalglish thì có khác biệt khá rõ (hạng 8 với 52 điểm, hiệu số +7). Tuy nhiên, họ vẫn xếp sau Everton và thậm chí là không giành được bất kỳ danh hiệu nào (và không được dự cup châu Âu) nên đây không bao giờ được xem là một mùa giải thành công cả!

Ngoại trừ cùng sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 (sơ đồ đã trở nên quá phổ biến tại các giải đấu châu Âu ngày nay), có hai chi tiết giống nhau giữa thời Brendan Rodgers với thời của Kenny Dalglish là:

- Thứ nhất, vai trò của Gerrard ngày càng giảm sút. Với Kenny, vấn đề của ông là Gerrard đã không còn khả năng chơi bóng như chính anh thời đỉnh cao nữa, còn với Rodgers, vấn đề là ông đang muốn giảm bớt sức ảnh hưởng của huyền thoại sống này.

- Thứ hai, đội hình của cả hai cùng bị phụ thuộc quá nhiều vào Luis Suarez: Trong mùa 2011-2012 (thời Dalglish), mặc dù phải chơi hộ công, số bàn thắng mà Suarez ghi được nhiều gấp đôi các cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 2 của cả đội (17 so với 9), ngoài ra, anh (cùng với Charlie Adam) là cầu thủ có nhiều pha kiến tạo nhất đội (11 pha). Thực ra, con số thống kê không đủ để thể hiện hết những gì mà Suarez đã làm được, anh không ngừng quấy phá mọi hàng thủ, là trung tâm của hầu hết các đợt lên bóng, xuất hiện liên tục tại các điểm nóng, tung ra vô số đường chuyền quyết định (và chỉ 1 số ít là được các đồng đội tận dụng thành công)... Đến mùa giải trước, Suarez thậm chí còn hiệu quả hơn trước với 30 bàn (nhiều gấp 3 lần cầu thủ xếp sau là Sturridge) và 6 pha kiến tạo trong 44 lần xuất hiện, bình quân cứ 110 phút, anh tạo ra 1 bàn thắng. Một điều thú vị khác trong mùa giải này là: Suarez luôn được lựa chọn trong tất cả các trận đấu Premier League anh có thể tham gia, và chỉ có 2 trận trong số đó là anh bị thay ra giữa chừng (lượt đi trận gặp Wigan: ra sân phút 87, lượt về trận gặp Swansea: ra sân phút 78 khi đội đã thắng 5-0). Tính trong tất cả các trận đấu anh có thể tham dự trên toàn mặt trận, anh cũng chỉ không xuất hiện từ đầu đến cuối trong 4 trận đấu mà thôi!


Xét về lối chơi, triết lý chơi bóng của Rodgers được thể hiện hết sức rõ ràng: Tăng cường nhân sự khu trung tâm để chiếm lĩnh thế trận, triển khai tấn công chậm rãi và chắc chắn, hạn chế cầm bóng và tăng số lượng đường chuyền mỗi trận. Nhiều người cho rằng Rodgers đã triển khai lối chơi Tiki-Taka cho Liverpool, nhưng đó có phải là một quyết sách khôn ngoan?

- Thứ nhất, Tiki-Taka cưỡng chế cầu thủ cầm bóng quá lâu để hạn chế va chạm không cần thiết và bảo toàn thể lực. Các cầu thủ của Liverpool đã dốc bóng ít hơn nhiều so với trước (hệ quả là, Gerrard trong mùa giải đó chỉ thi đấu ít hơn 6 trận so với tổng số trận thi đấu 2 mùa trước), nhưng so với những gì mà nguyên mẫu của Tiki-Taka - Barcelona làm được thì không thể so sánh. Họ có quá nhiều cầu thủ được phép dốc bóng quá 4-5m, chạm bóng quá nhiều lần trước khi đẩy bóng cho đồng đội, đồng thời, các đường chuyền vẫn chưa truyền tải đủ thông tin như những gì đội bóng Catalan đã làm.

- Thứ hai, Tiki-Taka yêu cầu càng nhiều cầu thủ tấn công càng tốt: Liverpool thường xuyên kéo hai cầu thủ chạy cánh vào trung tâm, và cho phép Suarez chơi lùi sâu khi cần để tăng cường nhân số khu trung tâm. Lỗ hổng hai bên cánh được lấp lại nhờ việc đẩy cao cả hai hậu vệ cánh lên.

- Thứ ba, các cầu thủ trong Tiki-Taca không di chuyển trong phạm vi rộng, mà chỉ di chuyển trong khu vực cố định để nhận và tiếp bóng (điều này khiến cho mẫu cầu thủ con thoi như Gerrard bớt đi tầm ảnh hưởng của mình, nhưng dù sao thì anh cũng đã quá già để chơi bóng liên tục như thời Benitez), nhưng các cầu thủ của Liverpool hầu hết đều không phải mẫu cầu thủ di chuyển không bóng trong phạm vi hẹp đủ tốt, hệ quả là, khu trung tâm của họ tuy vẫn kiểm soát bóng khá ổn, nhưng đứng trước những đội bóng có tuyến tiền vệ mạnh, khu vực này thường xuyên bị xé rách tả tơi.

- Thứ tư, tuy cần nhiều cầu thủ tham gia chuyền bóng, Tiki-Taka vẫn cần một "mắt bão" để thống lĩnh thế trận. Thời của Brendan Rodgers, Gerrard đã quá già, và dù sao anh cũng không phải mẫu cầu thủ điềm nhiên chơi bóng kiểu đó, nhãn quan chiến thuật của Lucas không đủ tốt, Charlie Adam cầm bóng quá lâu (và phải ra đi), Aquilani "không chịu" lớn (cũng phải ra đi), Coutinho rất triển vọng, nhưng cũng không phải mẫu cầu thủ "thành thơi" kiểu đó, còn Henderson, Suso, Shelvey... thì còn lâu mới lớn.

- Thứ năm, quan trọng nhất, Tiki-Taka là triết lý bóng đá tấn công bằng tâm lý, nơi những kẻ lạnh lùng, kiên nhẫn và quyết đoán giăng ra cuộc chiến tâm lý song phương, ép đối phương không chịu nổi căng thẳng để tự vỡ trận. Các cầu thủ Liverpool từ bao đời nay đều là những chiến binh giàu nhiệt huyết, bắt họ kiên nhẫn trong chiến trận tâm lý quả là cực hình! Thường thì đối phương chưa vỡ, đội nhà đã... điên tiết rồi! Nhìn Suarez mà xem!

- Vấn đề cuối cùng mà Rodgers gặp phải với Tiki-Taka của mình là, các cầu thủ chạy cánh trước đây của Liverpool đều không phải mẫu cầu thủ chơi tốt khi bó vào trung lộ, trong khi những người mới thì gần như chỉ là những "cầu thủ dành cho tương lai". Với Tiki-Taka, ông không tận dụng được toàn bộ kỹ năng chơi bóng như một cầu thủ chạy cánh thuần túy của họ, và hệ quả là, đội bóng này đã không có đủ sức mạnh để cạnh tranh cho một suất tham dự giải châu Âu trong phần lớn thời gian diễn ra giải đấu. Dù những thay đổi trong mùa vừa rồi có thể sẽ là nền tảng cho thời gian sau, nhưng tôi nghĩ, nếu không sở hữu một siêu tiền đạo như Suarez, ông sẽ không mạo hiểm tới mức đó đâu!

4. Những khởi đầu mới, hay là Rodgers đã chuẩn bị được gì cho mùa giải mới?

Mùa giải không thành công vừa rồi khép lại với tương lai đầy bất trắc của Suarez vào cuối kỳ chuyển nhượng năm nay. 5 cầu thủ chuyển đến, và 6 người ra đi. Nhưng Liverpool chỉ có thể mạnh lên thay vì yếu đi: Downing không phù hợp với lối chơi mới, Caroll vẫn luôn là nỗi thất vọng, Spearing, Shelvey còn non kinh nghiệm, chỉ có Reina là đáng lo ngại, nhưng lại đã có Mignolet - thủ môn từng đã thi đấu rất thành công ở Sunderland (và đã đỡ được 1 quả penalty ngay trận đầu tiên mùa giải), Iago Aspas và Alberto đều là những cầu thủ Tây Ban Nha có khả năng chuyền bóng rất tốt, thậm chí, Alberto còn mang dòng máu La Masia - quê hương của Tiki-Taka. Đó là chưa kể sự trưởng thành đáng kinh ngạc của Coutinho. Coutinho: Liệu anh sẽ trở thành một Messi mới hay là một số 10 hiện đại?


Tôi chỉ xem duy nhất một trận đấu chuẩn bị mùa giải mới của Liverpool, đáng tiếc đó lại là trận thua 0-1 trước Celtic. Tuy nhiên, đó lại là một trận đấu thực sự thú vị, và đội bóng của ông Rodgers mới là đội xứng đáng với chiến thắng hơn.

Hiệp 1 trận đấu thể hiên được toàn bộ những gì mà Liverpool đã thể hiện trong suốt mùa giải trước: Liverpool cố gắng chuyền bóng mặc cho tam giác trung tuyến bị cắt xẻ tan nát bằng khả năng của các tiền vệ Celtic và kỹ năng chạy chỗ quá kém của Liverpool, Gerrard di chuyển hời hợt trong vị trí tiền vệ toàn diện trung tâm dạng thu hồi bóng, Coutinho quá ham mê tấn công, Downing thi đấu không hiệu quả khi bó vào trong..., và đương nhiên, khoảng cách giữa 2 trung vệ không được một tiền vệ trung tâm nào bảo vệ đã tạo ra bàn thắng duy nhất cho Celtic. Rõ ràng, với nền tảng thể lực chung, Liverpool đã đúng khi sử dụng phòng thủ khu vực thay vì pressing, nhưng bố trí khu trung tâm chưa tốt đã hại họ.

Sang hiệp 2, mọi thứ đã trở nên rất khác: Sturridge, một cầu thủ có khả năng chơi bóng rất rộng, vào sân, Coutinho được yêu cầu tích cực tranh chấp bóng hơn, và những pha lật cánh bắt đầu trở lại... Liverpool đã triển khai một lối chơi vững chắc và nhanh nhẹn hơn nhiều, và mặc dầu vẫn cố gắng phát huy khả năng cầm bóng, nhưng họ đã không còn duy trì lối chơi chậm nhàm chán và thiếu định hướng đó nữa, mà lộ rõ ý định ép sát đội hình đối phương vào trung lộ để tung ra những pha tấn công xẻ cánh. Thất bại? Đúng! Nhưng đó là vì Liverpool không may mắn, và Sturridge vẫn còn một con đường dài nữa để được như Suarez.

Trận đấu đầu tiên của mùa giải lại hơi khác một chút, sự thiếu hiệu quả của Coutinho trong trận gặp Celtic đã khiến Rodgers kéo anh dạt hẳn sang 1 bên để chơi bóng như một tiền vệ số 10 dạt cánh, kéo cả hai tiền đạo đích thực của mình là Sturridge và Aspas chơi như tiền đạo lùi, Lucas làm đinh móc, Gerrard phân bối bóng (xin xem phần tiền vệ trung tâm nếu có thắc mắc về tên gọi vị trí), và Henderson - một tiền vệ trung tâm đá dạt cánh để tăng cường khả năng tranh chấp.

Kết quả thực sự rất rõ ràng: Liverpool đã hạn chế được tối đa khả năng của một Stoke đang mùa chuyển giao quyền lực, phân phối bóng ổn định và an toàn nhờ lối chơi "thầm lặng" của Lucas, đường chuyền dạt cánh của Gerrard, lối chơi đầy tinh tế của Coutinho, và sự tinh quái của Sturridge.

Một cách đầy hào hứng, tôi nghĩ đến sơ đồ 4-6-0 từng làm nên thành công của M.U ở Champions League mùa giải 2007-2008. Hẳn nhiên, lối chơi của bộ ba Cris Ronaldo - Rooney - Tevez là khác hẳn so với những gì ta thấy ở Coutinho - Aspas - Sturridge. Nhưng về cơ bản, đó cũng là một chi tiết khá thú vị ở Liverpool mùa giải năm nay.

Thực ra, Henderson đã thi đấu không thực sự xuất sắc trong trận này, nhưng khi Suarez trở lại, Sturridge mới là cầu thủ xứng đáng được ưu tiên ở vị trí này, hậu vệ trái Enrique không thực sự xuất sắc, nhưng đã có Cissokho sắp chuyển đến, và Liverpool lúc này có lẽ cần một tiền vệ trụ đủ sức mạnh để giải phóng cho Gerrard hoặc Lucas, cả hai đều không phải (hoặc không còn) là mẫu tiền vệ sức mạnh cần thiết để đảm bảo an toàn cho hàng thủ.

Liệu trong những ngày cuối cùng kỳ chuyển nhượng mùa hè, điều gì có thể xảy ra?

Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More