Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] 20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010

(Đường dẫn đến khung thành) - Sau 20 bài viết, loạt bài này cuối cùng cũng đã đi đến kết thúc. Dưới đây là 20 chiến thuật được bầu chọn vào danh sách những đội hình xuất sắc nhất thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.


Lựa chọn 20 trong số hàng nghìn đội hình chiến thuật khác nhau quả thực là một nhiệm vụ khó khăn! Mục đích là, chúng tôi không lựa chọn 20 đội hình "tốt nhất", mà là 20 đội hình "thú vị nhất, hoặc là hiệu quả nhất so với tiềm lực của cầu thủ. Như đội tuyển Pháp ở Euro 2004, Úc ở World Cup 2006 hoặc Bologna mùa giải 2001-2002, những đội bóng sẽ khó được chấp nhận như là một đội hình tuyệt vời, nhưng là một đối tượng nghiên cứu chiếu thuật hết sức hấp dẫn.

Đây là một danh sách được liệt kê hoàn toàn cảm tính và không theo bất kỳ một tiêu chuẩn khắt khe nào, vì thế, điều đáng quan tâm ở đây không phải là tìm kiếm ý nghĩa phân cấp trình độ giữa các đội hình trong danh sách, mà là bản thân mỗi đội hình có những vấn đề thú vị nào.

Một vấn đề khá thú vị khác là, rốt cục, tuyến phòng thủ 3 người là như thế nào? 4-4-2 và những biến thế của nó đã vận hành thế nào? 3 đội đứng đầu trong top 5 danh sách này đã chơi thế nào khi không sử dụng tiền đạo? Và vì sao những cái tên như Cafu, Gilberto Silva, Thierry Henry, Lucio, Dani Alves lại xuất hiện đến 3 trong số 20 đội hình đặc biệt đó?

Có một số đội bóng đã thi đấu rất thành công, nhưng lại không có mặt trong danh sách: Nhà vô địch World Cup 2006 - Italia, Inter Milan và Bayern Munich nửa sau thập kỷ trước... Và đối tượng chọn lọc cũng quá hẹp để một vài đội bóng ở khu vực ngoài Tây Âu cũng không có cơ hội lọt vào...

Tuy nhiên, bỏ qua hết những yếu tố trên, đây hẳn là một series khá thú vị về lịch sử bóng đá cho những người thích nhìn ngắm quá khứ và trông đợi tương lai. Dù gì, thập kỷ thứ 2 của thế kỷ này đã đi qua 1/3 chặn đường của nó rồi!

Sevilla, 2005-07: 2 UEFA Cup liên tiếp đã cho thấy sơ đồ 4-4-2 truyền thống vẫn có thể tạo ra những kết quả tuyệt vời khi được điều chỉnh phù hợp với nguồn lực có sẵn.


Pháp, Euro 2004: Vì những cố gắng sáng tạo một sơ đồ bóng đá hoàn toàn mới, nhưng xây dựng chiến thuật không phải là sự nhồi nhét những cầu thủ tốt nhất của mình vào đội hình xuất phát.


Australia, World Cup 2006: Với hệ thống tùy biến 3-6-1 nhằm tăng cường khả năng kiểm soát bóng.


Bologna, 2001-2002: Cho thấy sức mạnh mà một "ngọn hải đăng" có thể mang lại cho đội bóng và sự tùy biến sơ đồ trên cùng một hệ thống chiến thuật.


Senegal, World Cup 2002: Cú sốc lớn nhất World Cup 2002 - triết lý bóng đá thể lực và tốc độ đã đánh bại đương kim vô địch Pháp ngay trận mở màn.


Brazil, 2007-2009: Đội bóng đã làm nên cuộc tranh luận chiến thuật lớn nhất thập kỷ: Là 4-2-3-1 hay 4-4-2 kim cương?


Milan, 2002-2007: 2 chức vô địch Champions League với 1 đội hình sở hữu 4 cầu thủ kiến tạo xuất sắc ở hàng tiền vệ. Đội hình đã làm nên tên tuổi của tiền vệ kiến thiết lùi sâu vĩ đại nhất bóng đá hiện đại.


Chelsea, 2004-2006: Vô địch ngoại hạng Anh với một sức mạnh áp đảo và lời khẳng định ưu thế tuyệt đối của hệ thống phòng ngự 4-3-3.


Brazil, World Cup 2002: Nhà vô địch với sự thay đổi chiến thuật đầy mạo hiểm mặc dù sở hữu đến 7 cầu thủ phòng ngự trong sơ đồ 3-4-3 kỳ lạ.


Valencia, 2001-2004: Một lần vô địch La Liga và 2 lần vô địch UEFA Cup, những người tiên phong của đế chế 4-2-3-1.


Roma, 2000-2001: Minh chứng cho sức mạnh của hệ thống 3 trung vệ và cuộc cạnh tranh của hai tiền đạo


Arsenal, 2001-2004: 2 chức vô địch Premier League với sức mạnh hoàn hảo, điểm giao thoa giữa sơ đồ 4-4-2 với 4-2-3-1.


Cộng hòa Czech, Euro 2004: Với số lượng cầu thủ tấn công nhiều nhất thập kỷ.


Tây Ban Nha, Euro 2008: Sức mạnh của Tiki-Taka.


Bayer Leverkusen, 2001-2002: Đến rất gần với 3 danh hiệu liên tiếp và là tiền đề cho những phát triển chiến thuật diễn ra suốt thập kỷ.


Roma, 2005-2007: Sơ đồ chiến thuật của tương lai - mô hình không tiền đạo.


Porto, 2002-2004: Câu lạc bộ ấn tượng nhất thập kỷ - từ một đội bóng vô danh đến nhà vô địch Champions League.


Manchester United, 2006-2009: Những danh hiệu liên tiếp xuất hiện với hệ thống chiến thuật biến hóa liên tục và tối ưu hóa năng lực cầu thủ.


Barcelona, 2008-2009: Vô địch tất cả mọi giải đấu mà họ tham dự, khiến cả thế giới đều phải cúi đầu.


Hi Lạp, Euro 2004: Cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới.


Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More