Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Điều gì khiến Gonzalo Higuain trở thành một cái tên đáng trông đợi ở Arsenal

(Đường dẫn đến khung thành) - Gonzalo Higuain - El Pipita (Chim sơn ca) 25 tuổi, là một trong dải thiên hà bóng đá Real Madrid và Argentina. Ở Argentina ngày nay, người ta gần như chỉ nhắc đến Messi như trước đây từng nhức đến Maradona, hoặc Batisstuta, nhưng điều đó không có nghĩa là xứ Tango không còn người tài. Chẳng qua, người như Messi quả thực quá đặc biệt!

Vậy tại sao lại là Higuain?


1. El Pipita - chàng nghệ sĩ Argentina

Higuain trưởng thành từ một lò đào tạo bóng đá nội địa, và chỉ sang trời Tây khi tuyển trạch viên của Real Madrid phát hiện phẩm chất thiên tài bên trong chàng trai này năm anh mười chín tuổi. Về cơ bản, Higuain giống với Batistuta và Maradona hơn là với Messi – một cầu thủ Argentina được học bóng đá theo cách của châu Âu.

Argentina thực sự rất đặc biệt! Giống như Brazil, các cầu thủ xứ Tango luôn biết cách khiến thế giới tin rằng họ sinh ra là để chơi bóng đá. “Sinh ra để chơi bóng” khác xa với được huấn luyện để chơi bóng”. Khi người ta mười chín tuổi (hoặc hơn một chút), thì trong khi những kỹ năng luôn thay đổi mạnh mẽ không ngừng, phong cách tiếp cận trận đấu, nói đúng hơn là tiếp cận trái bóng, lại rất khó thay đổi (đó là lý do những cuộc cải tạo vị trí cầu thủ của Arsene Wenger luôn khiến thế giới phải trầm trồ). 

Higuain mang cả cái tinh thần, phong cách, sự hồn nhiên ngẫu hứng đầy sức hút đến Real Madrid – quê hương của bóng đá tấn công phóng khoáng và hoa mỹ đích thực[1]. Nếu đến bất kỳ một đội bóng nào khác ở châu Âu, kể cả Arsenal, tôi ngờ rằng Higuain sẽ trở nên tầm thường đi khá nhiều so với chính anh ở hiện tại. Lịch sử không để Maradona và Batistuta có cơ hội được tái xuất hiện. Hơn nữa, El Pipita, nói thực ra, không có cách nào so sánh được với hai tượng đài bóng đá thế giới trên.

Sự gục ngã của Riquelme và D'Alessandro khiến người ta bắt đầu hoang mang về đội ngũ kế cận của bóng đá Argentina trên lục địa già. Sau Veron, có bao nhiêu cầu thủ dám khẳng định mình xuất sắc hơn hai tiền vệ tấn công cổ điển này?

Nhưng người Argentina đã không phải chờ đợi quá lâu: Sự trưởng thành của Tevez, những mầm non đầy hứa hẹn như Messi, Higuain, Di Maria, cả Kun – Auguero nữa, khiến cho mùa chuyển giao thế hệ kéo dài suốt từ mùa hè 2002, khi Argentina nuốt trái đắng vì sự vắng mặt của Vua sư tử , đến tận những năm cuối cùng của thập niên đầu thế kỷ này, trở nên bớt uất ức hơn. Giờ đây, sau 2 mùa World cup đáng quên, người Argentina mới có thể tự hào rằng mình sở hữu những cá nhân xuất sắc hơn nhiều so với người hàng xóm khổng lồ Brazil (đương nhiên nếu họ biết tận dụng sức mạnh của mình), chí ít là trong một – hai năm nữa...

Nói riêng về Higuain, chàng trai xuất thân từ lò đào tại River Plate này không chỉ từng khiến Karim Benzema – một trong những cầu thủ cập bến Real theo “dự án Palathiakos 2.0” phải ngồi im trên ghế dự bị suốt thời Pelligini, mà còn là sự lụa chọn ưu tiên ở đội tuyển Argentina khi phải cạnh tranh với hàng loạt các siêu sao tấn công khác như Tevez hay Auguero – những đại công thần đắt giá của gã nhà giàu thành Manchester..

Tôi không xem La Liga, thực ra là không có điều kiện để xem, vì thế, những kiến thức về Higuain chỉ tìm đến với tôi từ những bài báo, và dăm ba đoạn clip ngắn trên youtube. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, sức hấp dẫn từ những pha đảo bóng bằng má ngoài kiểu Batistuta vẫn khiến tôi mê mẩn. Như con sư tử vờn mồi, tuy bóng trôi rất xa, nhưng chẳng thể nào nằm ngoài tầm kiểm soát., một nghệ sĩ bóng đá người Argentina đích thực luôn sử dụng má ngoài, giống như nghệ sĩ Brazil sử dụng má trong (và Zidane thì là gần giày) vậy.

2. El Pipita – sát thủ toàn diện

Higuain là mẫu tiền đạo sát thủ. Ian Jenkinson đã chứng minh điều đó một cách hết sức cụ thể trên blog.emiratesstadium.info:

http://blog.emiratesstadium.info/arc...comment-page-1

(…) 107 bàn trong 190 trận thi đấu cho Real Madrid, nghĩa là cứ mỗi 1.78 trận, anh ghi được 1 bàn, cộng thêm 30 pha kiến tạo, Higuain đã có đến 146 pha đóng góp trược tiếp tạo nên bàn thắng trong số 190 lần xuất hiện. Nghĩa là, cứ mỗi 120 phút, Higuain đã trực tiếp hoặc gián tiếp ghi bàn. Ấn tượng chứ? Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Con số 190 trận thực ra có ý nghĩa gì? Bạn có thể được đưa vào sân thay người vào phút bù giờ thứ 3 của trận đấu, như thế cũng vẫn là đá 1 trận giống như chơi đủ 90 phút vậy. Như thế thật không công bằng, và thậm chí còn làm kết quả thống kê tổng quát bị thay đổi khá nhiều. Vì thến ta cần một cái nhìn sâu sắc hơn về con số 190 trận này:

Higuain xuất hiện trong đội hình xuất phát 127 trận và vào sân thay người ở 63 trận. Nhưng trong số 127 trận xuất phát, anh bị thay ra 73 lần. Nói cách khác, anh chỉ thi đấu đủ 90 phút trong 54 trận, tức là ít hơn 30% tổng số trận thi đấu cho Real.

Ít hơn 30% xuất hiện đầy đủ và tạo ra đến 146 pha ăn bàn (107 bàn thắng và 39 pha kiến tạo). Đó nhiều khi là một kỷ lục không tưởng theo quan điểm của nhiều người

Tôi sẽ phân tích cụ thể hơn một mức nữa. Có thể trong số 73 lần bị thay ra, anh có thể chơi đến 89 phút, hoặc thậm chí là 90 phút. Đúng không? Hoặc là trong 63 lần, ah được vào sân thay người từ rất sớm? Không! Không hẳn! Trường hợp của Higuain thì hoàn toàn không!

Trong 190 trận, Gonzalo chỉ thi đấu 11 957 phút, trung bình 63 phút mỗi trận, nghĩa là chỉ 2/3 thời gian mỗi trận. Và kết quả vẫn là 107 bàn và 39 pha kiến tạo.

Tỉ lệ 1.3 trận hoặc 120 phút)/pha ăn bàn từ đó đã trở thành 82 phút/bàn.

(…)

Và 20 bàn+9 pha kiến tạo trong chỉ 32 trận đấu chính thức cho Argentina của Higuain cũng là một kỷ lục hết sức ngọt ngào."

Mùa trước, sự ra đi của siêu tiền đạo Robin van Persie chỉ khiến cho Arsenal mất 2 bàn thắng. Điều này chứng tỏ Arsenal tạo ra đủ nhiều cơ hội để biến bàn thắng thành một nhiệm vụ tương đối dễ dàng cho các tiền đạo. Với một siêu sát thủ như Higuain, hiệu quả có thể sẽ là hết sức tích cực.

Tôi là tôi thích gọi mẫu cầu thủ như thợ săn Pipo Inzaghi là sát thủ hơn, vì người như Higuain không chỉ biết ghi bàn, bảo anh là sát thủ thôi thì bất công cho anh quá! Nhưng bóng đá đã thay đổi khá nhiều kể từ sau thời AC Milan vô địch Champions league, và hậu nhân của Inzaghi, theo quan điểm của tôi, Javier Hernandes (Chicharito) có vẻ như sẽ không thể tung hoành dưới thời bất kỳ một huấn luyện viên nào khác ngoài Sir Alex. Bóng đá ngày nay quá khắc nghiệt cho một cầu thủ nằm ngoài hệ thống. Higuain không thế: Anh chơi bóng sáng tạo, phạm vi hoạt động rất rộng, tốc độ khá, bứt tốc đoạn ngắn cực tốt, kỹ thuật má ngoài xuất sắc, sử dụng tương đối đều cả hai chân (đương nhiên so với Cazorla thì không bằng, vì một cầu thủ thuận chân phải như anh thường khó tập chân trái thuần thục như những người thuận chân trái tập chân phải), và đương nhiên, quan trọng nhất là kỹ năng dứt điểm của một sát thủ bậc thầy. Nếu như anh xuất hiện, một cầu thủ ở mức giỏi kiểu như Podolski hay Giroud sẽ có rất nhiều lý do để lo lắng.

Nếu như muốn vô hiệu hoá Higuain, cách cơ bản nhất, và được xem là có cơ hội thành công cao nhất là áp sát thật nhanh và buộc anh ta phải quay lưng về phía khung thành: Ở môi trường Ngoại hạng Anh, nơi mà các trung vệ chỉ giỏi độc một món áp sát và cản phá đơn thuần, El Pipita rõ ràng không phải mẫu tiền đạo thể lục kiểu như Rooney, không phải thuần kỹ thuật một chạm như RvP, càng không phải loại “quái vật” toàn vẹn thể - kỹ như Ibra để có thể tạo ra mối nguy hiểm thường trực trên lý thuyết. Ngôi sao người Argentina này cần một khoảng không gian, dù chỉ khoảng hơn 1m, trước mặt để biến mọi đường bóng trở nên sắc sảo và nguy hiểm.

Dù sao thì mẫu tiền đạo sát thủ kiểu Dudu (với một đẳng cấp cao hơn) thì từ lâu rồi Arsenal vẫn đang khao khát. Huống chi, đó lại là một siêu sao thực sự

3. El Pipita – cơ may nào cho những người còn lại?

Dù rất ghét, nhưng cũng phải thừa nhận rằng HLV của Arsenal – Giáo sư Arsene Wenger không phải là mẫu HLV giỏi xoay vòng cầu thủ: Ông từng loại đi hàng loạt công thần của Arsenal để nhường đất diễn cho các cầu thủ trẻ (trong khi đa số các HLV khác xoay vòng để thay thế từ từ để đảm báo ổn định đội hình), ông biến Chamakh, Arshavin… từ cầu thủ sa sút phong độ thành người thừa hoàn toàn, và biến mất khỏi đội hình chính thức dù trước đó họ từng là người hùng của đội, ông để hàng loạt cầu thủ trẻ mài đũng quần trên ghế dự bị, nhận quá ít cơ hội để phát triển… Tài năng của Giáo sư là không thể phủ nhận, tuy nhiên, nếu như ông cứ mãi giữ phong cách sử dụng càu thủ như thế, ông sẽ phải hối tiếc khá nhiều trong tương lai.

Nhờ những phẩm chất của chàng tiền đạo người Argentina và cá tính của Arsene Wenger, có rất ít cơ hội để Higuain không toả sáng ở Arsenal, chính xác hơn là toả sáng tại vị trí trung phong. Đó là điều hoàn toàn đáng mừng. Đúng! Chẳng có gì thoải mái hơn là nhìn thấy một siêu cầu thủ toả sáng trong màu áo đội bóng con cưng. Nhưng đó cũng là điều chẳng vui vẻ gì: Hai bản hơp đồng rất tốt ở mùa giải trước là Podolski và Giroud có khả năng sẽ biến mất khỏi đội hình xuất phát một thời gian dài trước khi ra đi không kèn không trống. Bài học của Chamakh chắc chẳng ai quên được.

Với Giroud thì nguy cơ này có thể rất rõ ràng: Anh được mang về từ Montpellier để thay thế cho RvP. Dù cho có dùng bao nhiêu lời hoa mỹ chăng nữa, thì đó cũng vẫn là sự thật. Như thế, cùng với sự xuất hiện của Higuain và sự ra đi của Chamakh, Bendtner, vị trí trung phong dự bị đã vẫy tay chào đón anh: Anh không thể chơi tiền đạo/vệ cánh (tốc độ không cao, thi đấu thiếu cần mẫn, dốc bóng, tạt bóng, chuyền bóng đều không ổn), tiền vệ tấn công càng không (dốc bóng, chuyền bóng không tốt, thi đấu thiếu sáng tạo, nhãn quan chiến chuật không tốt), khả năng chơi bóng ở vị trí trung phong tuy tốt, nhưng trình độ đó vẫn không đủ để khiến người như Higuain phải dè chừng. Hơn nữa, lối chơi sáng tạo, chạy chỗ thông minh, khả năng bứt tốc, xoay trở trong phạm vi hẹp, trọng tâm cơ thể thấp, dứt điểm tốt cả 2 chân… khiến Higuain phù hợp với Arsenal hơn Giroud rất nhiều.

Podolski vốn được mang về để hỗ trợ cho RvP, tức là tiền vệ/đạo cánh trái. Nhưng tài năng của Cazorla, người được mang về để đá tiền vệ công, ở vị trí… cánh trái khiến Podolski phải cạnh tranh với một tiền vệ tổ chức quan trọng bậc nhất Arsenal lúc này (và một tiền đạo cánh tốc độ khác là Gervinho) trong vị trí MÀ ANH KHÔNG YÊU THÍCH, hoặc phải đối mặt với một siêu sao khác là Higuain. Nên nhớ, ở Argentina, Higuain là bất khả xâm phạm, trong khi Cazorla chưa từng có vị tí chính thức ở Tây Ban Nha, và trình độ của 2 đội là gần tương tự nhau.

Giáo sư ơi! Giáo sư à! Nếu như ông không tự thay đổi, thì ông sẽ mất đi, ít nhất là hai trong số những cầu thủ tốt của mình, vì chính ông chứ không phải vì vấn đề tiền bạc đâu!

Đó là chưa kể, năm nay Walcott đã 24 tuổi rồi! Ở cái tuổi đó, dễ gì chàng tiền đạo này chấp nhận ở lại vị trí tiền vệ cánh thêm nữa!

-------------
[1] Tôi không rảnh để ngồi tranh luận với những người cho rằng Barcelona mới là đội bóng tấn công hoa mỹ và sáng tạo. Quan điểm của tôi rất rõ: Muốn hoa mỹ phải sáng tạo, và Tiki-taca, những người có hiểu biết đều hiểu rằng nó hoàn toàn không sáng tạo, nói đúng hơn là cực kỳ kỷ luật.



Trúc Phong
Đường dẫn đến khung thành

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More