Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

[Zonalmarking Series] [20 đội hình của thập kỉ 2000 – 2010] #17: Bologna, 2001-2002

(Đường dẫn đến khung thành) - Quả là kỳ quặc khi một đội bóng chỉ đứng hạng 7 Serie A lại có thể có được một vị trí trong danh sách 20 đội hình của thập kỷ như thế này. Nhưng những kết quả trên bảng tổng sắp Serie A mùa giải 2001-2002 là một kết quả không tương xứng với những gì Bologna thể hiện: Cạnh tranh sòng phẳng với cả những đối thủ sừng sỏ của bóng đá thế giới đương thời, và chỉ để tuột vị trí thứ 4 (và cùng với nó là quyền tham dự Champions league) vào tay chính đối thủ của mình trong trận cuối cùng của mùa giải là Milan - đội bóng đã vô địch Champions League mùa giải sau đó.


Hệ thống chiến thuật của Bologna được xây dựng xoay quanh lối chơi của Jilio Cruz, cầu thủ cao 191cm của Argentina, người chỉ ghi được 7 bàn thắng trong mùa giải đầu tiên chuyển đến Serie A sau mùa giải thành công cùng Feyenoord. Thực tế là, vì thành tích ghi bàn nghèo nàn như vậy, tên anh thường xuyên bị giới bóng đá Ý mang ra làm trò cười, giống như cái cách mà người Anh chế giễu Emile Heskey vậy. 

Thế thì, nếu Cruz không thể ghi bàn, thế thì anh đá tiền đạo thế nào được?

Thực ra, Cruz là một cầu thủ cực kỳ quan trọng trong hệ thống chiến thuật của Francesco Guidolin. Mặc dù thành tích ghi bàn chỉ được cải thiện chút ít, với 10 bàn thắng trong mùa giải 2001-2002, Cruz đã có được một mùa giải thực sự xuất sắc, xuất sắc đến nỗi khiến tất cả những lời chỉ trích của báo giới hướng vào anh phải tắt ngấm, và tất cả những gì còn lại là những lời tán tụng. Nhiệm vụ của anh hoàn toàn đơn giản: Không chiến và tì đè các trung vệ đối phương để giành quyền kiểm soát bóng và nhả ngược lại cho các cầu thủ tấn công xuất sắc ở tuyến sau kiểu như Giuseppe Signori, Claudio Bellucci, Tomas Locatelli, hoặc Fabio Pecchia và Lamberto Zauli.

Cruz không phải là tiền đạo đầu tiên trong lịch sử đảm nhận chuyên biệt nhiệm vụ chặn bóng (làm tường), nhưng sự phổ biến của sơ đồ 1 tiền đạo trong khoảng giữa và cuối thập kỷ trước khiến chiến thuật này thành công vang dội. Bologna thậm chí đã thi đấu hết sức thành công trước các đội bóng lớn: Họ từng hòa với Juventus và thắng cả Inter Milan và AC Milan trên sân nhà. Và ý tưởng trên là cơ sở cho chiến thuật của Fabio Capello khi ông dẫn dắt đội tuyển Anh (mặc dù cuối cùng thì, Heskey vẫn không được tán dương như Cruz)

Một điều đáng chú  ý khác về đội hình của Bologna thời điểm đó là khả năng tự thay đổi (hoàn toàn) sau mỗi trận. Thật khó để có thể gọi tên chính xác tên sơ đồ mà Bologna sử dụng suốt mùa giải. Guidolin sử dụng cả 4-3-2-1, 4-2-3-1, và 3-4-1-2 (mặc dù ông thích tuyến phòng thủ 3 người hơn) và tùy biến hệ thống một cách hoàn toàn thoải mái sao cho phù hợp nhất với từng đối thủ. Đó cũng là lý do giúp Bologna thi đấu ấn tượng trước các đối thủ mạnh suốt mùa giải.


Trúc Phong
Nguồn: zonalmarking

Share this article :

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More